Không một ai ở Miền Nam Việt Nam có thể quên được sự hoang mang cay đắng, những uất hận nghẹn ngào, những đau đớn nhục lụy, những chết chóc tang thương trên những đại lộ, tỉnh lộ “kinh hoàng”, những hãi hùng hỗn độn, xô đẩy tìm đường thoát ở những phi trường, những quân cảng, bãi biển…, của triệu triệu người trốn chạy sự “giải phóng” của Cộng Quân, theo sau cuộc di tản chiến thuật Tây Nguyên trong tháng 3, 1975, rồi từ từ lan rộng khắp Miền Trung thuộc các quân khu 1, 2 rồi đến quân khu 3. Trong cương vị nhỏ nhoi của một quân y sĩ Nhảy Dù theo sát bên cạnh đơn vị Dù tác chiến, cá nhân tôi đã sống trọn vẹn với đồng đội cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc chiếm: Ngày 30 Tháng 4, 1975.
Trong một ngày vào tháng 2, 1975 khi Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù (viết tắt TĐ1 ND) với Thiếu Tá Ngô Tùng Châu làm TĐ Trưởng đang dưỡng quân tại đèo Phước Tượng nằm trên Quốc Lộ 1 giữa Huế và Đà Nẵng, sau chiến trận ở Thường Đức/Đại Lộc, Y Sĩ Thiếu Tá ND Trinh đích thân đưa BS Bùi Cao Đẳng, người bạn thân đồng môn đồng khóa của tôi, đến Bộ Chỉ Huy TĐ thay tôi làm Y Sĩ Trưởng TĐ 1 ND. Và ngay sau khi bàn giao, tôi được chở thẳng đến phi trường Đà Nẵng để trong cùng ngày, trước Tết 1975, vào Sài Gòn lãnh một nhiệm vụ mới, Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 15 ND. Các Tiểu Đoàn tân lập 12, 14, 15 ND cùng với Đại Đội 4 ND Trinh Sát và Tiểu Đoàn 4 Pháo Binh ND là thành phần chủ lực cho Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù, dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Lê Minh Ngọc, vừa được thành lập vào đầu năm 1975.
Trên chuyến bay về Sài Gòn, lòng tôi có nhiều xúc động mâu thuẫn. Dù tôi chỉ phục vụ TĐ1 ND trong 6 tháng kể từ ngày trình diện làm Y Sĩ Trưởng TĐ 1 vào cuối tháng 7, 1974, đúng vào lúc TĐ1 ND nhảy vào trận chiến ở Đại Lộc/Thường Đức, tôi đã có quá nhiều kỷ niệm với đơn vị tác chiến lừng danh hàng đầu của Sư Đoàn ND. Trong ngày đầu tiên ở mặt trận, tôi được đích thân người con trai của Cô ruột tôi là Đại Úy Trần Văn Thể, đại đội trưởng xuất sắc của ĐĐ 11, chỉ bày những căn bản thực tế ở trận địa như định hướng của ta và địch, phân biệt pháo ta hay pháo địch, đào hố cá nhân ở bất cứ nơi dừng quân nào, đi trên dấu giày của người đi trước để tránh đạp phải mìn, luôn đội nón sắt và mang áo giáp, ngay cả khi sử dụng hố tiêu… Làm sao kể cho xiết những ngày dài lội bộ trong rừng sâu, trên những sườn đồi trơn trợt, lầm lũi quanh co theo chân các binh sĩ, chia nhau từng điếu thuốc, từng ngụm cà phê pha chung với đế, chuyền nhau từng ca cơm dưới những cơn mưa tưởng không bao giờ dứt.
Làm sao tôi quên được những tiếng la hét, ra lệnh trong điện đài giữa cấp chỉ huy Tiểu Đoàn, Đại Đội và Trung Đội trong bước tiến xung phong đánh chiếm mục tiêu, giữ vững vị trí hay buộc rời bỏ vị trí dước áp lực của địch để rồi lại phản công, cận chiến và tái chiếm lại mục tiêu tại từng ngọn đồi, trước nhỏ nhưng về sau càng lớn càng cao. Tại từng ven rừng hay trong rừng rậm, tại từng con suối, bờ dốc. Trong đêm khuya, hay giữa trưa. Vào sáng sớm hay cuối ngày. Trong mưa, trong nắng hoặc trong sương mù. Vì làm gì có giới hạn thời gian trong trận chiến. Vì làm gì có thời tiết thuận lợi khi xung phong. Và làm gì có được sự công bằng khi địch nằm sẵn trong các công sự trên đồi chờ ta đánh vào. Nhưng ta phải đánh để dành lại từng tấc đất, từng ngọn đồi. Giết giặc nhưng không vì hận thù. Hy sinh và gian khổ để đánh đuổi kẻ xâm lược và bảo vệ miền đất tự do. Vì vậy, còn gì hãnh diện hơn khi tôi chứng kiến hàng nghìn người dân lục tục kéo về lại thôn xóm khi đơn vị ND vừa xuất hiện trong vùng.
Rồi những báo cáo vượt đồi, tràn xuống suối, đánh bạt lên đồi, đánh chéo qua sườn đồi, bắt tay với cánh quân bạn, tiếng kêu gọi yểm trợ phi pháo, cho tọa độ, tiếng máy bay phản lực gầm thét trên trời, tiếng bom nổ, đạn đại bác rít trong không khí trước khi nổ dồn, tiếng phành phạch của các trực thăng võ trang hay tản thương… để rồi cùng nhau chung mừng nghe tin chiến thắng nhỏ rồi lớn, hay hồi hộp lắng nghe báo cáo tổn thất của ta kéo theo là chuẩn bị đón nhận thương binh, phân loại nặng nhẹ, cấp cứu, cầm máu, chuyền nước biển, chích morphine chống đau, chùi rửa băng bó vết thương, viết phiếu tản thương ghim vào áo thương binh, xin tiếp liệu…
Qua nhiều ngày với TĐ1 ND, tôi có dần kinh nghiệm để phân biệt được tiếng pháo của ta hay địch, khi nằm dưới hố cá nhân hoặc trong hầm với bộ chỉ huy, ngày ngày 3 cữ sáng trưa chiều, nhìn lên thấy từng làn chớp sáng của đạn địch chụp trên các ngọn cây lớn kèm theo tiếng nổ đinh tai với ngàn mảnh đạn và cành lá văng tứ phía. Đã bao lần tôi cảm thấy bất lực trước những vết thương quá nặng của thương binh đang chết dần khi chờ đợi tản thương, bèn đành đốt điếu thuốc lá đưa vào môi cho từng người để rồi đoán chừng cái chết đến khi khói điếu thuốc thôi bay. Và cũng bao lần tôi đã cúi đầu khóc thầm khi thấy những xác chết, cả quan lẫn quân, được gói chặt trong poncho nằm từng hàng dài hai bên bãi đáp chờ được bốc đi.
Nhớ và nhớ hình ảnh uy nghiêm đầy khí phách của các sĩ quan và bao khuôn mặt non trẻ nhưng dạn dày phong sương của các binh sĩ tuy đầy kinh nghiệm chiến trường, nhưng họ vẫn giữ một tâm hồn đơn sơ thật hồn nhiên mà tôi biết được qua những lần trò chuyện, những tâm sự trong đêm dài hay qua những lần dừng quân ngắn trong khi cùng nhau vui đùa. Với họ, tôi đã yêu những bản nhạc lính mà trước đây tôi từng chê là sến. Với họ, tôi đã tìm thấy tình đồng đội qua thử thách trong máu lửa. Với họ, bổn phận và trách nhiệm luôn được gắn liền với 4 chữ Nhảy Dù Cố Gắng. Và với họ, tôi quên hẳn cái chết đàng sau và nguy hiểm chờ đợi phía trước.
Sau chiến thắng ở Đồi 1062 tại Thường Đức, Thiếu tá Nguyễn Văn Phú, Tiểu Đoàn Phó của TĐ1 ND, được đề cử làm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 15 ND tân lập, và trước khi rời vùng, TTá Phú đặc biệt xin cho tôi được đi theo với Tiểu Đoàn tân lập của ông. TTá Phú và tôi đã có những giao hữu tốt đẹp trong thời gian ông trực tiếp chỉ huy cánh phó với 2 ĐĐ đánh thẳng vào trận chiến. Tôi có gởi rượu và thuốc lá đến cho TTá Phú ở mặt trận, đúng lúc phe ta cần chút chất nóng để đánh đấm cũng như để ăn mừng chiến thắng. Thêm vào đó, tôi còn có cơ duyên giúp cho TTá Phú về thăm vợ ở Sài Gòn đúng lúc, vì nhờ lần thăm này mà vợ ông mới có thai lần đầu kể từ khi lấy chồng vào cuối năm 1968.
Nếu được thuyên chuyển về Sài Gòn, tôi chắc mọi quân nhân của binh chủng ND đều vui mừng vì không những đây là hậu cứ của Sư Đoàn ND, xa hẳn nguy hiểm của chiến trường, mà còn là thủ đô, là nơi phồn hoa đô hội với nhiều chốn ăn chơi. Riêng với tôi, không những tôi được về gần nhà mình ở trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa với Măng của tôi, mà đây còn là một cơ hội quý báu để tôi có dịp gặp lại người tôi yêu và theo đuổi qua suốt 9 năm, kể từ thời Dự Bị Y Khoa, sau nhiều năm cách trở. Cuộc thử thách riêng tư này coi vậy chứ có lắm khó khăn và nhiều gay go so với cuộc chiến tôi vừa trải qua ở mặt trận.
Tôi đến trình diện TTá Phú tại bộ chỉ huy TĐ 15 ND ở Trại Cây Mai trong Chợ Lớn và bắt tay ngay vào nhiệm vụ của mình trong khi TĐ đang chỉnh đốn quân số, quân trang, huấn luyện… Tôi làm quen với các sĩ quan tác chiến của bộ chỉ huy TĐ như vị TĐ Phó, sĩ quan trưởng Ban 3 cùng các sĩ quan ĐĐ Trưởng, cũng như làm quen với các y tá thuộc cấp trong Trung Đội Quân Y của tôi và thiết lập danh sách tiếp liệu y dược. Vì Lữ Đoàn 4 ND có nhiệm vụ bảo vệ Thủ Đô, nên vấn đề tiếp liệu quân trang, quân nhu cho TĐ tác chiến nói chung và và tiếp liệu y dược của tôi nói riêng, có phần nào được ưu tiên. Trong trại quân, tôi đã có những buổi dạy về cấp cứu căn bản ở chiến trường như cầm máu, băng bó…, về y khoa phòng ngừa cho bệnh sốt rét, bệnh tiêu chảy, bệnh hoa liễu cho riêng các y tá của tôi và cho toàn thể binh sĩ của TĐ.
Tuy TĐ được lệnh cắm trại và ứng chiến 100%, TTá Phú thường làm ngơ cho tôi vài ba giờ những khi tôi ghé về nhà thăm Măng của tôi, cũng như thông cảm cho tôi khi tôi rời trại vào buổi chiều, nhảy lên xe ôm đến thẳng nhà người con gái tôi yêu, nhất là sau khi nghe tôi kể về cuộc tình 9 năm trời lận đận dang dở và ước muốn hàn gắn nối lại mối tình đầu đời của tôi. Người tôi yêu đang học năm cuối của khoa Chính Trị Kinh Doanh tại Viện ĐH Đà Lạt. Vào chiều Mồng Một Tết, hiên ngang trong bộ đồ hoa dù và chững chạc trong phong cách, hạnh phúc dồn dập đến với tôi khi tôi gặp lại nàng tại nhà, sau hơn 3 năm xa cách. Sau đó tôi tiếp tục tranh thủ ráo riết chinh phục nàng qua những lá thư đậm đà tình thương nhớ viết từ trại quân hay trong khi đi hành quân, hoặc qua những dịp thăm viếng nhà nàng, trổ tài miệng lưỡi chiếm được cảm tình của gia đình họ hàng. Mối tình của tôi từ từ chuyển hướng thuận lợi. Trong bối cảnh chao đảo của chiến sự, càng ngày chúng tôi càng cảm thấy gần gũi sâu đậm hơn.
Với các bạn cùng khóa 16 Trưng Tập Quân Y tình nguyện vào Nhảy Dù. Hình We Were Once Soldiers QYND1974, từ trái qua phải: Các Y Sĩ Trung Úy Nguyễn Đức Vượng, Nguyễn Văn Thắng, Bùi Cao Đẳng, Vĩnh Chánh, Nguyễn Thành Liêm, Y Sĩ Thiếu Tá Tá Trần Quý Nhiếp, Lê Quang Tiến, Nguyễn Tấn Cương, Dược Sĩ Khánh.
Đó cũng là thời gian TĐ15 ND bắt đầu trực tiếp tham dự những cuộc hành quân ở vòng đai Biệt Khu Thủ Đô, truy lùng các toán du kích Việt Cọng nổi lên đây đó hậu thuẫn cho cuộc tiến công của quân CS. Bấy giờ toàn bộ Miền Trung đã mất vào tay Cộng Quân. Cùng chung một số phận với các đại đơn vị khác của những quân khu và của Lực Lượng Tổng Trừ Bị như các Lữ Đoàn của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, các Liên Đoàn Biệt Động Quân, Lữ Đoàn 3 ND, rồi LĐ 2 ND lần lượt chịu những thiệt hại lớn tại Khánh Dương, rồi Phan Rang. Những chiến thắng thường có của bao năm trước nay dần được thay thế bởi những tin thất trận, những rã ngũ không chờ đợi, những triệt thoái vô lý, những thành phố bỏ ngõ, hay những trận đánh bất cân xứng, những vùng vẫy tuyệt vọng kéo theo bao hy sinh quý báu trong giờ thứ 25 bất chấp lệnh trên, những mất mát sinh mạng quá lớn của cả quan, lẫn lính và dân.
Ở Sài Gòn, tình hình chính trị lẫn quân sự càng lúc càng khẩn trương và đen tối. Sài Gòn với giới nghiêm sau 12 giờ đêm. Sài Gòn với hàng trăm ngàn quân dân cán chính từ bao tỉnh đàng ngoài, trắng tay chạy lấy mạng liên tục đổ về thành phố để lánh nạn, mang theo bao câu chuyện thương tâm trên các con đường di tản. Dòng đời chao đảo, đầy gian khó. Người đời hoang mang vì mất lòng tin ở chính quyền hay qua những tin đồn nhiều nhân vật tên tuổi bắt đầu rời nước trong khi một số khác bàn đến chuyện phải ra đi dù chưa biết đi đâu. Đâu đâu cũng lo tích trữ thức ăn chuẩn bị cho một cuộc tử thủ với viễn ảnh thành phố sẽ tắm trong máu lửa. Ngoài đường người đông hẳn, ai nấy bước đi vội vã, ánh mắt âu buồn trầm tư. Trong nhà các gia đình ngồi triền miên trước đài truyền hình hay lắng nghe tin tức từ BBC và VOA, bàn chuyện to nhỏ.
Sau trận đánh vào đơn vị du kích lớn ở giữa Tây Ninh và Sài Gòn, TĐ15 được lệnh về đóng quân tạm ở vùng Hóc Môn Bà Điểm. Khi TTá Phú và tôi đi tìm gặp nói chuyện với vị Giám Đốc của hảng dệt Công Thành để ngỏ lời cho TĐ15 ND đóng bộ chỉ huy tại hảng dệt, một ngạc nhiên đầy thú vị xẩy ra khi ông Giám Đốc buột miệng hỏi tôi “có phải đây là anh Chánh, con rể ông Thạch không?”. Tôi ngất ngây trả lời “dạ đúng” cùng lúc nhận ra Chú Ngưng, chồng của Dì ruột nàng ở Thủ Đức mà tôi có dịp gặp trước đây. Ngày hôm sau, trong sự bất ngờ vui sướng của tôi, Chú Ngưng chở nàng với người em gái đến thăm tôi ngay bộ chỉ huy TĐ. Khi ngồi ăn trưa với bữa cơm dã chiến, nàng có vẻ “thấm” cái đời sống phong trần lính chiến của tôi, và đã e thẹn cười khi TTá Phú nói chọc “ Bác Sĩ nhỏ con, người yêu BS còn nhỏ con hơn, chắc 2 người sẽ đẻ ra những thằn lằn con nhỏ chút xíu!”
Khoảng gần một tuần sau, trong đêm 23 tháng 4, TĐ15 ND được điều động đến bố trí ở cầu Bình Triệu, trên trục xa lộ Đại Hàn. Đó cũng là thời gian thị xã Xuân Lộc vừa bị mất sau một trận chiến kinh hồn kéo dài nhiều ngày đêm trong đó Sư Đoàn 18 Bộ Binh của Tướng Lê Minh Đảo cùng với sự hỗ trợ của LĐ 1 ND, Liên Đoàn 82 Biệt Kích Dù và Không quân với sự sử dụng đầu tiên những quả bom lớn 5 tấn Daisy Cutter, đã đánh trả và phản công dữ dội trong 13 ngày đêm liên tiếp, chận đứng bước tiến của quân đoàn 4 của CS Bắc Việt gồm có các sư đoàn 5, 6, 7 và 34 với hàng trăm chiến xa với đại bác, gây thiệt hại rất nặng nề cho quân địch (*) Dù trễ, trận đánh đã gây một tiếng vang lớn xa gần và khiến những chiến sĩ như tôi và xung quanh tôi lên tinh thần và tìm lại khí thế hào hùng.
Như những quân nhân bảo vệ Xuân Lộc bị dồn vào chân tường nên đã quyết tâm anh dũng chiến đấu, chúng tôi vẫn đang còn đây, cho đến giờ phút này, chờ đợi đến lượt mình trong trận thư hùng cuối cùng. Rất đơn giản và dễ hiểu vì đằng trước, đàng sau và hai bên, trên đầu hay dưới đất, ở đâu rồi cũng phải chiến đấu cho danh dự, cho màu cờ của đơn vị mình. Chiến đấu vì trách nhiệm bổn phận của người trai thế hệ ly loạn. Sống chết trong tình huynh đệ đã thử thách qua gian khổ và trưởng thành trong khói lửa. Khi nước mất nhà tan thì ta có còn cũng sẽ làm được chi!? Đã vậy, con người chẳng thể chết 2 lần, như đã có người từng nói với tôi như vậy. Và cứ thế, TĐ15 ND đóng chốt ở đây, được lệnh cố thủ bảo vệ cây cầu cho đến phút cuối cùng, hay cho đến người lính cuối cùng.
Trong những ngày kế tiếp, từ sáng sớm cho đến chiều tối, tôi chứng kiến hàng trăm hàng ngàn xe 2 bánh, từ xe đạp cho đến các xe Honda, Lambretta…, xe quân đội lớn nhỏ, xe chở hàng cồng kềnh đầy người và đồ vật, lính tráng thuộc đủ binh chủng và thường dân, lũ lượt kéo nhau chạy trong hỗn độn từ hướng Biên Hòa về Sài Gòn, ngang qua cầu Bình Triệu. Có lúc tôi tự hỏi làm sao biết được trong đám người chạy loạn này, ai là bọn VC cố ý len lỏi theo đám đông vào nội thành để hoạt động nội tuyến!? TĐ15 ND bung quân làm nhiều nút chặn ở cả phía bên này và bên kia cây cầu. Tôi nhận thấy TĐ có bố trí 2 xe jeeps có mang đại bác 106 ly chống chiến xa và 2 xe jeeps khác với trang bị hỏa tiễn Tow, trong khi ấy đa số các binh sĩ đều có mang trên lưng loại rocket M 72 chống tăng, trong vị trí sẵn sàng chống trả mãnh liệt bước tiến của quân thù. Trong tư thế Y Sĩ Trưởng TĐ, tôi có chuẩn bị trong khả năng của mình để cấp cứu và tản thương theo hàng dọc.
Trong đêm 28 tháng 4, địch pháo kích vào trại Hoàng Hoa Thám và căn cứ không quân Tân Sơn Nhất. Những tiếng nổ lớn cộng với những cột lửa cháy bùng trong đêm làm tôi thao thức và băn khoăn gần suốt đêm. Lệnh trên vẫn muốn TĐ án binh bất động trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Bộ chỉ huy TĐ cấp tốc dời qua phía bên này cầu.
Sáng ngày 29, tôi nhìn thấy nhiều trực thăng của Mỹ bay trên trời, kể luôn cả cặp phi cơ phản lực bay vòng vòng như thể hộ tống. Xung quanh tôi ai cũng mường tượng có một chuyện gì đang xẩy ra ở Sài Gòn, nhưng chẳng một ai biết đích thực. Không lẽ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ nhảy vào lại cuộc chiến? Tôi ngây thơ mơ tưởng hay tự dối lòng ?! Nếu được như vậy, ít ra cuộc chiến sẽ kéo dài thêm, ta sẽ cũng cố lại, tình hình tốt đẹp hơn…
Gần trưa, tôi bước đến nhà thờ Đức Mẹ Fatima ở bên kia cầu Bình Triệu. Nhà thờ mở cửa nhưng không một bóng người ngoài tôi. Tôi quỳ đọc kinh và kính cẩn cầu nguyện, xin Chúa ban ơn phước cho đơn vị Nhảy Dù của tôi, cho gia đình Măng tôi và gia đình nàng được bình an và nàng đừng rời nước để chúng tôi còn gặp lại nhau. Khi định rời nhà thờ, tôi bỗng nhìn thấy chiếc máy điện thoại nằm trong góc và nẩy ra ý liên lạc với nàng dù biết nhà nàng không có điện thoại. May mắn thay, từ cuốn niên giám cũ bên cạnh điện thoại, tôi tìm ra số ĐT của Cụ Mai Văn An, một Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện ở cùng cao ốc với nhà nàng. Sau khi Cụ An cho biết là gia đình nàng còn nguyên vẹn đây, tôi cám ơn Cụ và nhờ Cụ nhắn lại với ba của nàng là tôi, tự nhận là con rể, bình yên và đang đóng quân ở cầu Bình Triệu. Rời khuôn viên nhà thờ, lòng tôi cảm thấy thanh thản, phó mặc mọi sự trong tay Chúa an bài…
Trong đêm 29 Cộng Quân lại pháo kích dữ dội vào Tân Sơn Nhất và trại Hoàng Hoa Thám của Sư Đoàn ND. Tín hiệu vô tuyến của Trung Tá Lê Minh Ngọc, Lữ Đoàn Trưởng LĐ 4 ND hoàn toàn im lặng. Sau đó liên lạc vô tuyến giữa TD15 ND với bộ Tư Lệnh SĐ ND cũng bị gián đoạn. Tuy nhiên 3 TĐ 12, 14 và 15 ND và Lữ Đoàn Phó vẫn còn giữ liên lạc với nhau. Trong cùng đêm, TĐ15 ND có đụng nhẹ với các toán đặc công VC ở phía bên cầu. Lại một đêm chập chờn, không ngủ, bên cạnh những ly cà phê đậm đặc và thuốc lá đốt không ngừng! Mọi người ngồi bất động, tư lự xung quanh các máy vô tuyến kêu rè rè, thỉnh thoảng mới có một vài báo cáo từ các đại đội. Không một ai muốn lên tiếng. Người nào cũng có những suy tư riêng. Người nào cũng có những câu hỏi mà chẳng ai có thể trả lời.
Qua sáng ngày Thứ Tư, 30 tháng 4, 1975, tại bộ chỉ huy TĐ15 ND, tôi đón nhận 4 người thương binh của TĐ. Trong số đó có một thương binh nặng cần phải tản thương gấp vì trúng đạn vào bụng. Sau khi tôi chuyền nước biển và viết tờ tản thương, Ban 3 TĐ cho biết không tản thương được vì không liên lạc được với bất cứ đơn vị quân y nào như BV Đỗ Vinh, Tổng Y Viện Cộng Hòa. Tôi suy nghĩ đôi chút và trình bày với TTá Phú ý định tôi sẽ chuyễn thương binh này đến BV dân sự Nguyễn Văn Học.
Trong khi chúng tôi đứng cách xa người thương binh để bàn tính chuyện tản thương, anh ta bỗng kêu lên “xin đừng chuyển tôi đi đâu cả. Để cho tôi chết ở đây…” và trong tích tắc, anh lấy ngay khẩu súng M16 nằm dọc cạnh anh trên chiếc băng ca, lên cò một cái rẹt, quay mũi súng vào ngay dưới cằm. Mọi người la toáng lên nhưng không kịp. Một tiếng nổ chát tai khiến mọi người bất động, rồi tất cả đổ xô chạy về anh chỉ để thấy anh đang ngáp cá, người run nhẹ, vết thương mở rộng ở mặt và đầu, máu văng tung tóe khắp nơi. Tôi cầm chặt bàn tay anh, người y tá lấy tay vuốt mắt anh. Cơ thể anh từ từ giãn ra. Anh từ từ đi vào cõi chết.
Những người có mặt giữ im lặng trong bầu không khí đau thương. Chỉ trong một thời gian quá ngắn, chúng tôi chứng kiến người lính trẻ đã làm một quyết định nhanh chóng và dứt khoát, cho thấy được khí thế anh hùng bất khuất của một chiến sĩ. Một cái chết hiên ngang khi cuộc chiến đang dần tàn. Anh đạt ước nguyện chết trong danh dự với sự hiện diện của đồng đội chung quanh. Toàn thể bộ chỉ huy cùng đứng nghiêm, cố ngăn dòng lệ rơi, đồng đưa tay chào vĩnh biệt.
Trong khi sự tự vận bất ngờ của người thương binh đang gây xốn xang đau lòng cho bộ chỉ huy TĐ, từ radio chúng tôi nghe bản tuyên bố đầu hàng của TThống Dương Văn Minh được lập lại nhiều lần. Sau một thời gian dài trên vô tuyến, TTá Phú quay về phía tôi và không một lời giải thích, bảo tôi đi theo với ông. Tôi ngồi sau lưng TTá Phú trên cùng một chiếc xe jeep, bên cạnh người lính truyền tin và 2 cận vệ. Người sĩ quan Ban 3 đi xe thứ hai với một toán lính khác. TĐ Phó ở lại bộ chỉ huy TĐ.
Tôi chẳng biết đoàn xe đang chạy về đâu, cho đến khi xe ngừng trong sân tòa Tỉnh Trưởng Gia Định. Nhìn xung quanh, tôi thấy cả trăm người dân chạy hỗn độn trong sân, tranh dành vác những bao gạo từ trong tòa tỉnh đi ra. TTá Phú đến bên tôi nói nhẹ “BS đi đi”, rồi ông quay lưng lại tiến vào phía bên trong tòa tỉnh với toán binh sĩ của ông. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy TTá Phú tại Việt Nam. Và đó cũng là lần cuối tôi rời vĩnh viễn TĐ15 ND. Tôi cúi đầu, trong nghẹn ngào. Sững sờ, trong đê hèn. Bàng hoàng, trong đau đớn. Muốn gào thét nhưng miệng khô đắng. Muốn khóc nhưng mắt khô vì tủi nhục. Còn cái chết?! Tôi chưa một lần nghĩ đến.
Đang đứng ngơ ngác không biết phải làm gì thì một người đàn ông bước ngang bên cạnh tôi nói liền “ông cổi bỏ súng xuống và thay đồ nhanh lên”. Như cái máy, tôi vội chạy đến gần gốc cây lớn, định cổi bỏ tất cả. Nhưng sực nhớ lại, tôi chẳng có bộ áo quần dân sự nào trong ba lô. Vừa lúc ấy, có một thanh niên chạy ngang tôi với bao gạo trên vai. Tôi chận anh ta lại và xin bộ quần áo anh ta đang mặc trên người, cùng lúc tôi lục ví đưa tờ 500 đồng cho anh. Không một do dự anh ta thả bao gạo xuống đất, rồi vừa nhìn tôi như thông cảm anh ta cởi áo quần đưa cho tôi, cho luôn cả đôi dép nhật nữa. Tôi cổi áo giáp, giây ba chạc có súng, bi đông nước… xuống đất cùng với chiếc nón sắt, rồi nhanh chóng cổi đôi giày lính và bộ đồ quân phục, gom lại để vào dưới gốc cây. Rồi tôi mặc cái áo màu xanh da trời nhớp nhúa và xỏ cái quần đậm màu, đi nhanh ra phía đường lớn đón chiếc xe ôm, bảo chở về đường Cao Thắng ở Sài Gòn. Nhà nàng.
Chiếc xe ôm chở tôi đi qua nhiều đoạn đường vắng, mọi nhà đóng cửa. Đây đó là những đống áo quần trận, nón sắt, áo giáp và súng đạn rải rác hai bên vệ đường. Có những đoạn đường người đi lại khá đông hay tụ tập hai bên đường, và có những chiếc xe chở đầy người với mặt mày sắt máu, hô to khẩu hiệu và phất cờ MTGPMN… Cũng những con đường ấy tôi thường chạy qua lại, mà sao bây giờ trở thành quá xa lạ, mờ ảo như tôi đang đi vào một cõi âm. Những âm thanh la hét, còi xe, đang lùng bùng trong tai tôi. Mắt tôi thấy mọi hình ảnh bên ngoài, nhưng chẳng thấu hiểu; lòng tôi như tê dại, chẳng thể suy nghĩ sâu xa. Nhớ đến người thương binh tự vận chết sáng hôm nay, tôi ngước nhìn lên trời. Một màu tang tóc đang đổ xuống trên thành phố thân yêu.
Nàng là người đầu tiên từ trên balcon nhìn thấy tôi bước xuống xe ôm. Nàng và các em chạy nhanh xuống mở cổng đưa tôi vào. Khi đến thang lầu, tôi phải vịn vào vai nàng để bước từng bước lên lầu, hình như thân thể tôi đang rã rời và tinh thần tôi thật khủng hoảng, chẳng hiểu được vì sao mình lại về đến nhà an toàn. Hầu như mọi người đều thông cảm và tôn trọng sự yên lặng của ba nàng và của tôi. Chiều đến, tôi đạp xe về nhà Măng tôi ở cư xá Sĩ Quan Chí Hòa cho bà cụ yên tâm, rồi tôi chở Măng tôi đến nhà nàng xin ba mẹ nàng cho phép tôi ở tạm nơi đây, vì cư xá SQ CH nguy hiểm.
Tối ngày 30 tháng 4, chúng tôi ngồi ở balcon nói chuyện với nhau thật khuya. Trước đây, trong một lá thư gởi cho nàng, tôi có viết “anh xin làm bóng mát trên con đường em đi”. Giờ đây, với sự đổi đời, tương lai tôi sẽ mù mịt, viễn ảnh những năm tháng sắp tới là chuỗi ngày đen tối với đọa đày và tôi e ngại tôi chẳng còn khả năng làm bóng mát cho em. Nàng ngồi nghe tôi nói nhiều hơn trả lời. Vì có lẽ câu trả lời đã được quyết định tự lúc nào.
Em yêu dấu, tôi viết bài này mến tặng Em, người đã can cường cứu vớt đời tôi khi quyết định thành vợ thành chồng với tôi trong một đám cưới quá đơn giản tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng, 3 ngày sau khi mất nước, và đã cùng tôi vượt qua bao thử thách trước và sau khi đến bến bờ tự do.
Ba ngày sau 30 Tháng Tư 75: lễ cưới được Cha Laroche của Dồng Chúa Cứu Thế chủ hôn. Với chúng tôi, đây là “đám cươi chạy tang khi mất nước”, diễn ra trong đạm bạc, cô dâu không áo cưới.
Tôi cũng viết bài này để tưởng nhớ đến người bạn thân, BS Bùi Cao Đẳng, Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 1 ND, bạn đồng môn đồng khóa và đồng binh chủng Quân Y ND với tôi, người được sinh ra vào ngày 30 tháng 4, năm 1946, cùng tan hàng rã ngũ như tôi vào ngày 30 tháng 4, năm 1975 và đã vĩnh viễn ra đi cũng vào ngày 30 tháng 4 năm 2012 tại MD, USA.
Thân tặng các chiến hữu của Tiểu Đoàn 1 ND và của Tiểu Đoàn 15 ND, đã chết trong bão tố khói lửa hay đang sống thầm lặng, hiện đang tự do ở hải ngoại hay ê chề ở trong nhà tù lớn tại VN, với những kỷ niệm chinh chiến không thể nào quên.
“Cho tôi xin lại ngọn đồi, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bờ rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau.
Cho tôi xin một lần chào, chào bao nhiêu người đã khuất
Xin cho tôi được nằm gần, bên ngàn chiến hữu của tôi.”
Viết trong tháng 4, 2013, tại California
Vĩnh Chánh
(*)Tài liệu tham khảo cho bài viết:
- Chiến Sử Sư Đoàn Nhảy Dù
- Battle of Xuan Loc, by Phillip B. Davision
- Fighting is an art, by George J. Weight
- Fighting to the end, by Brigadier General Trần Q. Khôi
- vietnamwar.net
- sudoan18bobinh.com