May 2, 2023
SAN FRANCISCO, California (NV) – First Republic Bank, ngân hàng thứ hai với tài sản hơn $200 tỷ bị phá sản chỉ trong vài tuần, bị sụp đổ nhanh chóng vì mô hình kinh doanh phục vụ cho một nhóm khách hàng giàu có rất dễ bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng đột ngột, theo AP.
Trước đó ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank cũng phá sản trong cùng một tuần. Các nhà đầu tư tự hỏi liệu nhà băng nào vào vị trí kế tiếp.
Bên ngoài một chi nhánh của ngân hàng First Republic Bank ở San Francisco. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)
First Republic Bank là trường hợp được nhắc đến hàng đầu, ngoài ra còn có Comerica và KeyCorp, những ngân hàng có nhiều tài khoản với số tiền ký thác trên $250,000, mức nhận được bảo hiểm liên bang.
Dưới đây là một số điều cần biết về sự sụp đổ của First Republic Bank.
Tại sao First Republic Bank phá sản?
Ngân hàng này phát triển nhanh chóng nhờ tiền gửi vào tài khoản của những cá nhân và công ty giàu có. First Republic Bank sử dụng số tiền này để thực hiện các khoản vay lớn khi lãi suất đang ở mức thấp lịch sử với hy vọng thuyết phục khách hàng dùng thêm những sản phẩm khác, chẳng hạn dịch vụ quản trị tài sản.
Rất nhiều tài khoản tiền gửi tại First Republic lớn hơn con số $250,000, trong khi đây là mức cao nhất được nhận bảo hiểm liên bang. Khi ngân hàng Silicon Valley Bank phá sản, khách hàng rút tiền ồ ạt vì sợ khoản tiền trong tài khoản của họ gặp nguy hiểm. Hồi tuần trước, First Republic cho biết khách hàng rút hơn $100 tỷ, đa số diễn ra trong vài ngày giữa Tháng Ba.
Không chỉ vậy, nhiều khoản vay lớn từ First Republic bị giảm giá trị khi Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (FED) tăng lãi suất chóng mặt hồi năm ngoái. Nếu ngân hàng cố gắng bán các khoản vay để huy động vốn, thì họ sẽ thua lỗ. Chính Silicon Valley cũng sụp đổ trong hoàn cảnh tương tự.
First Republic lên kế hoạch bán các tài sản không sinh lời, sa thải 25% lực lượng lao động năm 2022. Tuy nhiên giới chuyên gia đánh giá rằng các biện pháp này là không đủ và quá trễ.
Giữa tuần trước, chính phủ can thiệp vào First Republic, với việc giới chức Bộ Tài Chính yêu cầu các ngân hàng nộp hồ sơ đấu thầu mua lại First Republic.
Ngân hàng nào sẽ vỡ nợ kế tiếp
Cho đến bây giờ, các nhà phân tích kỳ vọng rằng sẽ không có thêm ngân hàng nào gặp chuyện nữa, khẳng định các vấn đề của Silicon Valley, Signature Bank hay First Republic chỉ là hy hữu.
Một số ngân hàng hạng trung khác cũng gặp cảnh bị khách hàng rút tiền gửi, do đó phải vay từ các chương trình liên bang. Tuy nhiên không có ngân hàng nào bị ảnh hưởng nặng nề như First Republic.
Cổ phiếu của đa số các ngân hàng hạng trung đều giảm hôm Thứ Hai, 1 Tháng Năm. Tuy nhiên mức giảm khá khiêm tốn so với mức thua lỗ hai con số của nhiều ngân hàng ngày 13 Tháng Ba.
Điều gì xảy ra với cổ đông của First Republic Bank?
Ngày 8 Tháng Ba, cổ phiếu First Republic giao dịch với mức giá $115, tuy nhiên sau đó giảm mạnh. Đến hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Tư, giá chỉ còn $3.15. Tức là khoảng $20 tỷ giá trị thị trường bị bốc hơi. Giao dịch cổ phiếu tạm dừng trước khi thị trường Mỹ mở cửa trở lại vào Thứ Hai, 1 Tháng Năm.
JPMorgan Chase, đơn vị đồng ý mua các khoản tiền gửi và đa số tài sản của First Republic, nhấn mạnh rằng họ không thừa nhận bất kỳ khoản nợ doanh nghiệp hoặc ưu đãi cổ phiếu vào của First Republic.
Khi một ngân hàng phá sản, thì những người nắm giữ trái phiếu là người được trả tiền cuối cùng, còn cổ đông thì cũng thuộc diện gần cuối.
Cơ Quan Bảo Hiểm Tiền Gửi Liên Bang (FDIC) không đưa ra bất kỳ ước tính nào về khả năng các chủ nợ được trả tiền. Tuy nhiên quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC có thể tổn thất $13 tỷ vì First Republic phá sản.
Mặc dù các điều kiện có thể thay đổi theo thời gian, nhưng nguy cơ các nhà đầu tư không thu hồi lại được gì vẫn hiện diện ở đó. (MPL)