CÂU CHUYỆN NGÀY 30 THÁNG 4: AI LÀ KẺ THÙ?

Xuyên Sơn

Sách Cổ Học Tinh Hoa có câu chuyện sau:

[Trích dẫn]

Tựa:

QUÝ LỜI NÓI PHẢI

Vua nước Tấn đi chơi thuyền.

Các quan đi hầu đông đủ cả.

Vua hỏi:

– Loan Doanh ta đã cấm cố một nơi,

con là Loan Phường trốn chạy ra ngoại quốc. Có ai biết Loan Phường bây giờ ở đâu không?

Các quan yên lặng, không ai nói gì cả.

Người lái thuyền tên là Thanh Quyên buông tay chèo đứng dậy thưa rằng: -Nhà vua hỏi Loan Phường làm gì?

Vua nói:

– Từ khi ta đánh được họ Loan đến nay, nghe họ Loan người già chưa chết hết, người trẻ đã lớn lên. Ta lo họ phục thù, cho nên ta mới hỏi.

Thanh Quyên:

– Nếu nhà vua khéo sửa sang chính sách nước Tấn, trong được lòng quan, ngoài được lòng dân, thì dù cho còn con họ nhà Loan mà làm gì được nhà vua. Nhưng nếu nhà vua không sửa sang chính sách nước Tấn, trong mất lòng quan, ngoài mất lòng dân thì ngay cả những người ngồi trong thuyền này ai cũng là con nhà họ Loan cả.

Vua khen:

– Ngươi nói phải lắm.

Rồi sáng hôm sau cho đòi Thanh Quyên đến, ban cho một vạn mẫu ruộng.

Thanh Quyên từ không nhận.

Vua nói:

– Lấy một vạn mẫu ruộng ấy đổi lấy một lời nói kia, kể ra nhà người còn thiệt mà quả nhân còn lợi nhiều, nhà ngươi cứ lấy.

Ấy người đời cổ quý lời nói phải như thế đấy.

[Hết trích dẫn]

Vua Tấn trong câu chuyện trên là

Tấn Bình Công thời Xuân Thu ở Trung Quốc.

Loan Doanh là bầy tôi của vua Tấn.

Vì bị gièm pha mưu hại nên ông ta chạy sang nước Tề.

Vua Tề muốn dùng Loan Doanh chống Tấn nên cấp quân cho họ Loan quay về đánh Tấn.

Loan Doanh đánh úp kinh thành Giáng Đô, khiến Tấn Bình Công phải bỏ chạy. Nhờ có Phạm Mang giúp,

quân Tấn sau đánh bại được Loan Doanh.

Cả họ Loan sau đó bị diệt tộc,

chỉ còn Loan Phường trốn thoát sang nước Tống.

Vua Tấn tuy diệt được cả họ Loan, nhưng vẫn còn Loan Phường sống sót nên thâm tâm ông ta vẫn lo sợ có ngày họ Loan báo thù, vì vậy mà có câu chuyện trên.

Chuyện xưa đã trên hai ngàn năm, tưởng chỉ kể cho vui, nhưng ai biết được rằng đời nay có câu chuyện giống như vậy đang xảy ra?

****

Năm xưa, quân Cộng Sản miền Bắc tiến chiếm miền Nam, cuộc chiến kết thúc ngày 30 tháng Tư 1975.

Sau khi chiến thắng,

Cộng Sản hứa sẽ “khoan hồng” cho tất cả người đã từng chiến đấu trong quân đội miền Nam hoặc làm việc cho chính quyền miền Nam, kêu gọi hòa giải dân tộc, cùng tái thiết đất nước.

* Nhưng những gì CS nói và CS làm khác xa nhau.

CS đã lùa hàng triệu quân cán chính của chế độ miền Nam cũ vào các trại gọi là để “học tập cải tạo”,

kỳ thực là các trại lao động khổ sai,

để cho họ chết lần mòn vì lao động quá sức, thiếu ăn, thiếu thuốc men.

Ai trốn trại bị xử bắn không thương tiếc.

Vợ con những người này cũng không được buông tha, họ bị ép đi các vùng gọi là “kinh tế mới”, là những nơi đất hoang chưa được khai thác.

Họ phải bỏ nhà cửa ở thành phố lên những vùng đất hoang đó,

được cấp lương thực chỉ đủ vài tháng, với nhiệm vụ khai khẩn đất đai.

Nhiều người sau khi hết lương thực phải mò về lại thành phố kiếm sống,

nhưng nhà cửa đã bị chính quyền CS chiếm, họ trở thành những kẻ vô gia cư, sống lây lất đầu đường xó chợ.

Ai may mắn còn giữ được nhà thì trở thành những công dân hạng hai trong chế độ mới. Họ bị liệt vào thành phần “ngụy”, không được nhận vào các cơ quan nhà nước, không được vào làm các công ty quốc doanh

(thời đó hầu hết các công ty đều là quốc doanh),

không được kết nạp vào Đảng CS hay Đoàn Thanh Niên CS,

thi vào đại học bị xếp cuối bảng thứ tự ưu tiên, phải được điểm thật cao thì may ra mới đậu.

Không sống được với CS, hàng triệu người đã bỏ nước ra đi bằng cách đào thoát trên những chiếc thuyền mong manh.

Hàng trăm ngàn người đã bỏ xác trên biển cả, vì bão tố, vì thiếu xăng dầu, vì thiếu lương thực, vì lạc hướng, vì hải tặc, và nhiều lý do khác nữa.

Có những người vượt biên bằng đường bộ qua Campuchia định đến Thái Lan thì gặp phải quân kháng chiến Cộng Sản Khmer Đỏ.

Vốn thù hận CS Việt Nam nên họ trút giận lên những người Việt nào rơi vào tay họ.

Họ hãm hiếp phụ nữ, giết chết nam giới, trấn lột, hoặc bắt cóc đòi tiền chuộc mạng.

CS đã gọi những người bỏ nước ra đi là “rác rưởi trôi dạt về bên kia bờ đại dương”.

Những người ở lại cũng không được yên. CS đã mở các chiến dịch gọi là

“đánh tư sản mại bản” nhằm vào những người có chút ít của cải.

CS lập ra những đội kiểm tra, bất cứ nhà nào có chút của cải là các đội kiểm tra ập vào kiểm kê. Họ xáo tung đồ đạc để tìm tiền, vàng bạc hoặc các đồ quý giá.

Nhà nào bị kiểm kê là coi như tan hoang, dù không giàu có, của cải vẫn bị tịch thu.

Không có luật lệ, quy định nào về việc kiểm kê này, đội kiểm kê muốn lấy gì thì tùy thích.

Thời đó, ai chống đối thì bị ghép vào tội “phản cách mạng” là coi như đi tù rục xương.

Tất cả những của cải thu được không ai biết nó đi đâu.

Trên danh nghĩa nó được thu về cho “chính quyền cách mạng”

để “xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa”, nhưng thực tế nó vào túi các cán bộ kiểm kê và những người lãnh đạo.

Năm 1979, Trung Quốc xua quân tràn qua biên giới phía bắc Việt Nam để “dạy cho Việt Nam một bài học” vì Việt Nam đã đưa quân sang xâm lăng Campuchia mấy tháng trước đó.

Cuộc chiến chỉ kéo dài gần một tháng và kẻ được học “bài học” không phải là Việt Nam mà là Trung Quốc.

Trong cuộc chiến này quân đội Trung Quốc đã bị tổn thất nặng nề về nhân mạng.

Sau khi quân Trung Quốc rút khỏi Việt Nam, chính quyền CS Việt Nam coi người Việt gốc Hoa là những đối tượng bị nghi ngờ.

Đa số người gốc Hoa đã sinh sống lâu đời ở Việt Nam. Nhiều người sinh trưởng ở Việt Nam, chưa từng về Trung Quốc.

Có người không còn liên hệ gì với Trung Quốc, dù vẫn còn nói được tiếng Hoa. Nay họ bỗng trở thành đối tượng bị nghi kỵ.

Chính quyền CSVN đã ép họ phải hồi hương, tức là quay về lại Trung Quốc. Hàng trăm ngàn người Việt gốc Hoa đã phải bỏ nhà cửa, tài sản, cơ nghiệp xây dựng từ mấy đời, để đi qua biên giới Trung-Việt.

Trung Quốc thì lại không muốn nhận những người này, cho nên rốt cuộc họ bị kẹt ở biên giới (phía bên Trung Quốc).

Sự kiện này được gọi là “Nạn Kiều” hay “Hoa Kiều Hồi Hương”.

CSVN luôn đổ lỗi cho Trung Quốc xúi giục người gốc Hoa hồi hương,

sự thực là chính CSVN đã ép họ đi.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, những người mà CS gọi là

“ngụy quân ngụy quyền” phần lớn đã qua đời, hoặc ra đi nước ngoài.

Những người còn sống thì đã già nua. Thế nhưng bất cứ ai trong lý lịch 3 đời còn dính tới “ngụy” là vẫn bị phân biệt đối xử.

Sách giáo khoa dạy cho trẻ em vẫn đầy những từ ngữ hằn học, cay cú về cái chế độ từ lâu đã không còn tồn tại, tựa như nó vẫn còn là mối đe dọa với chế độ CS vậy.

Nếu như sau gần 50 năm, CSVN xây dựng được một chế độ dân chủ, tiến bộ, xã hội công bằng, thì cho dù cái đám con cái “ngụy” còn đông đúc đi nữa, thì họ có làm được gì để xoay chuyển tình thế?

Nhưng rõ ràng là CSVN đã không làm được điều đó.

Họ không xây dựng được chế độ dân chủ, không đem lại công bằng cho xã hội.

Chính quyền đầy những quan chức tham nhũng, thối nát.

Xã hội đầy dẫy bất công, giàu nghèo cách biệt.

Công an, cảnh sát sách nhiễu dân. Nhà cửa, đất đai của dân bị cưỡng chế vô cớ, tòa án xét xử bất công. Đâu đâu cũng có dân oan.

Chính sự thối nát của chính quyền CSVN là điều kiện tốt để giúp cho bọn “ngụy”, bọn “ba que” ngóc đầu lên, vì khi dân chúng oán giận thì họ phải tìm ai đó đồng cảm với mình để ta thán, và những người đồng cảm đó không ai khác hơn là bọn “ngụy”.

Nếu như chính quyền CSVN mà tốt đẹp, trong sạch, thì những trang facebook, những kênh Youtube của bọn “phản động”, “ba que” trong và ngoài nước như Anh Chỉ Râu Đen, Trương Quốc Huy, Lisa Phạm, v.v… chẳng có mấy ai thèm đọc hay nghe, vì bọn họ đâu có chuyện gì để nói!

Năm 1861, nước Mỹ xảy ra nội chiến, liên bang miền Bắc và liên minh miền Nam đánh nhau vì bất đồng về chế độ nô lệ.

Miền Bắc muốn xóa bỏ chế độ nô lệ trong khi miền Nam muốn duy trì.

Vì kinh tế miền Nam chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên họ muốn có nô lệ người da đen để làm công việc đồng áng.

Kết quả miền Bắc chiến thắng vào năm 1865.

Sau khi chiến thắng, có hai khuynh hướng đối nghịch nhau trong chính quyền liên bang miền Bắc, một phe thì muốn trừng phạt miền Nam,

một phe chủ trương xóa bỏ hận thù, cùng chung tay tái thiết đất nước.

Cuối cùng phe xóa bỏ hận thù thắng thế.

Chính quyền liên bang đã chú tâm vào việc xóa bỏ chế độ nô lệ và tái thiết kinh tế miền Nam.

Không có trả thù, không có sự phân biệt đối xử với người miền Nam.

Chỉ sau vài thập niên, Hoa Kỳ là một quốc gia hoàn toàn thống nhất, không chỉ về địa lý, chính trị, mà thống nhất cả lòng người.

CSVN đã bỏ lỡ cơ hội thu phục nhân tâm, thống nhất lòng người sau năm 1975.

Nhưng họ có …. cả gần nửa thế kỷ để làm chuyện đó, mà có vẻ như họ không muốn làm.

Cái mà họ quan tâm là làm sao tận diệt được bọn “ngụy, ba que”,

không cho chúng ngóc đầu lên, làm sao để bảo vệ chế độ CS đến cùng.

Họ vẫn tiếp tục bóp méo lịch sử, nhồi nhét vô đầu thế hệ trẻ những lời tuyên truyền dối trá mà họ gọi đó là lịch sử.

Chả trách sao bây giờ các nhà giáo vẫn thường hay kêu ca là học sinh bây giờ dốt sử.

Viết sử, dạy sử không nhằm mục đích nâng cao kiến thức mà chỉ nhằm mục đích tuyên truyền nhồi sọ thì làm sao học sinh thích học được.

Trở lại chuyện nước Tấn. Sau đời vua Tấn Bỉnh Công, nước Tấn còn tồn tại thêm hơn 100 năm nữa.

Đến đời vua Tấn Tĩnh Công, ba gia tộc Hàn, Triệu, Ngụy vốn là bầy tôi của nhà Tấn, đã có âm mưu cướp nước từ lâu, truất phế vua Tấn.

Nước Tấn bị diệt vong, lãnh thổ bị chia thành ba nước Hàn, Triệu, Ngụy.

Rốt cuộc nước Tấn không bị con cháu họ Loan tiêu diệt như Tấn Bình Công lo sợ, mà bị chính những gia tộc được coi là “công thần” tiêu diệt.

Như người chèo thuyền Thanh Quyên đã nói:

nếu không sửa sang chính sự,

thì chính những người đang ở bên cạnh mình sẽ là kẻ thù tiêu diệt mình.

******

Ghi chú:

Sách “Cổ học tinh hoa” do hai học giả Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn năm 1926.

Sách này gom góp những câu chuyện hay trong lịch sử và văn chương Trung Quốc với ý nghĩa răn đời.

Sách có thể được xem miễn phí trên mạng

(dùng Google tìm kiếm).

Blogger: Người Vá Trời

https://nguoivatroi.blogspot.com/

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay