TẦNG ĐỊA NGỤC – Uyên Nguyên

Nơi Gặp Gỡ Không Hẹn Mà Ðến:
 
No photo description available.
 
Ðiểm gặp gỡ không hẹn mà đến của nhóm “Ngụy Quân Ngụy Quyền Sài Gòn ” thoạt tiên là Trại Cải Tạo Long Thành, tọa lạc tại Long Thành Tỉnh Ðồng Nai do Ủy Ban Quân Quản quản lý . Sau trở thành Trải Tạo 15 NV do Bộ Nội Vụ quản lý.
 
Sáng ra, chúng tôi mới định thần và chuẩn bị tinh thần cho một sống đổi đời bắt đầu. Tôi được phân bổ ở nhà 6. Ðội trưởng Ðội 3 là Phạm Ngọc Cửu. Nhà Trưởng là Trần Tấn Toan.
 
Ngày đầu đến trại chúng tôi nhận diện được những nhân vật có tên tuổi sau đây:
 
Về phía đảng phái gồm có Nghị Sĩ , LS Trần Văn Tuyên, Vũ Hồng Khanh…
Về phía Nghị sĩ , có Trần Tấn Toan, nguyên trước là chủ tịch Hội Ðồng Tỉnh Gia Ðịnh.
 
Về phía dân biểu có Ông Nguyễn Bá Lương, chủ tịch hạ Viện, Quốc Hội Ðệ Nhị Cộng Hòa, Dân biểu Lê Minh Ðăng, Khiếu Thiện Kế, Trần Ngọc Châu….
Về phía toà án thì có rất nhiều Chánh Án, Biện Lý, Dự Thẩm các toà án ở Sài Gòn và các tỉnh ở Miền Nam Việt Nam. Trong đó có những ông chánh án mà người viết biết tên, biết mặt như ông Trần Ðại Khâm, Nguyễn Cần ( tức Tú Gàn), Ðào Minh Lượng, Nguyễn Ðắc Trọng, Ngô Văn Cân, Biện Lý Trần Thành Ðô, Dự Thẩm Nguyễn Thành Hương, Trần Cẩm Tựu, Phạm Minh Tâm, Hoàng Phùng Võ, Dương Lân, Ðặng Xuân Nhẫn, Nguyễn Công Ðàn ( tục là “Bò Ðàn” , tiếng chúng tôi hay gọi thân thiết vì anh ta phụ trách giữ mấy con bò cho trại) , Trần Gia Tá, Cao Quãng Chơn…. .
 
Về phía Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh : Phạm Ngọc Cửu ( Bình Thuận); Nguyễn Thanh Sử ( Bình Tuy, Trần Huỳnh Thanh, Nguyễn Văn Thích ( Bình Ðịnh); Nguyễn Chí Vy ( Quảng Ngãi ) Nguyền Văn Hoàng ( Phú Yên )
và còn nhiều phó tỉnh trưởng hành chánh khác nữa mà tôi quên tên và nơi phục vụ rồi.
 
Về phía hành chánh cao cấp : Kỹ sư Dương Kích Nhưởng, Phó Thủ Tướng; Lê Văn Trường, Bộ Trưởng Tài Chánh; Nguyễn Văn Chi, Tổng Giám Ðốc Trung Tâm Chuẩn Chi- Bộ Tài Chánh; Bùi Hữu Tiể n, Tổng Giám Ðốc Ðiền Ðịa; Trần Huỳnh Châu, Tổng Thư Ký Bộ Nội Vụ; Nguyễn Văn Tương, Ðặc Ủy Trưởng Hành Chánh, Kỹ Sư Ngô Trọng Anh, Cưụ Tổng Trưởng Công Chánh Nội Các Nguyễn Cao Kỳ, Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ, Ông Phạm Trọng Nhân, cựu Ðại Sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Lào và các Phó Tổng Giám Ðốc Thuế Vụ, Kế Hoạch thuộc các Bộ nữa mà tôi quên mất tên rồi. Ngoài ra còn có rất nhiều Giám Ðốc Nha Sở thuộc Hành Chánh Trung Ương, một số Quận Trưởng các Quận như Trung Tá Kiều Văn Út mà người viết biết mặt, biết tên và cũng như các Ty, Sở Trưởng, Phó Quận Hành Chánh thuộc hành chánh địa phương, các tỉnh thành cũng có mặt trong nhóm này.
 
Về phía cảnh sát thì ngoài những cấp chỉ huy cảnh sát trung ương như Thiếu Tá Ðoàn Ðình Từ,Trung Tá Phấn Bộ Tư Lệnh Cách Sát Quốc Gia… còn có một số Trưởng Ty Cảnh Sát điạ phương mà người viết được biết như Trung Tá Phan Trần Bảo… và còn nhiều người nữa, lâu quá quên tên.
Ngoài ra cũng có một số nhân viên thuộc Trung Ương Tình Báo, Thiên Nga…,
 
Những nhân vật này lần lược được chuyển trại dưới hình thức mà chúng tôi gọi là Bao Bố . Ở đây tôi xin mở một dấu ngoặc để giải thích tại sao có tên là Bao Bố. Những đợt chuyển trại lớn, đông người thường xảy ra trong đêm khuya để dễ bề kiếm soát an ninh lộ trình , người ngoài không ai hay biết. Ðợt chuyển trại đầu tiên đi ra Bắc gọi là Bao Bố I vì sau khi có lệnh tập trung trong đêm khuya, và gọi tên từng người rồi sau đó trao cho mỗi người môt cái bao bố đựng gạo để bỏ hành trang đi tù vào. Ðợt chuyển trại nầy gồm những nhân vật cao cấp trong chính phủ cũng như trong hàng ngũ đảng phái, cảnh sát, trung ương tình Báo…. Ðợt di chuyến ra Bắc lần thứ hai được gọi là Bao bố II đa phần gồm những giám đốc, nha sở thuộc trung ương. Ðể trấn an các trại viên cũng như để bảo dảm an ninh lộ trình, Ban Chỉ Huy Trại đã động viên tất bằng cách nói láo rằng các anh được di chuyển đến những địa điểm học tập an toàn hơn. Nếu có người thắc mắc hỏi có phải chuyển đi Bắc không thì được cán bộ trấn an bằng cách trả lời không thật là các anh sẽ được đưa về miền Nam như Rừng Ðước, Năm Căn… Nhưng thật tình là xuống tàu ra Bắc cải tạo mút mùa lệ thủy.
Sau hai đợt chuyển trại ra Bắc, Trại chỉ còn độ 250 trại viên. Chúng tôi được tái phân bổ lực lượng lao động và tôi đã được công tác trong tổ Vệ Sinh cho đế n ngày chuyển lên trại Xuyên Mộc Ðồng Nai và tiếp lao động cải tạo trong Ðội trồng trọt, rồi tiếp đến là Ðội Văn Nghệ cho đến khi “ học tập tiến bộ” đượ c trại xét tha về vào cuối tháng 8 năm 1989.
 
Trong thời gian đầu học tập chính trị, chúng tôi có dịp học chung với những chịnh trị gia quen thuộc. Trong đó phải kể đến LS Trần Văn Tuyên, Vũ Hồng Khanh . Không biết mấy ông này trình diện vì lý do gì . Chắc thuộc đảng phái thì phải. Nghe nói Luật Sư Tuyên vì liên hê đến bà vợ nhỏ nên bị kẹt lại và đi tù luôn. Nhiều chánh khách, nhà ngoại giao, hành chánh cao cấp cũng đã rơi vào trường hợp này, hối không kịp vì đã vào rọ rồi. Ngày trở về còn xa lắm nếu không muốn nói là bỏ thây nơi những trại giam nổi tiếng là hắc ám nhất ở miền Bắc. Ls Trần Văn Tuyên là một điển hình. Tôi còn nhớ khi lên lớp học chính trị, sau khi giảng xong bài , cán bộ giảng huấn kêu Ls Trần Văn Tuyên đứng dậy và dùng lời lẽ thô bạo để mắng chưởi ông ta. LS Tuyên đã nói một câu rất bất hủ: “Việc tôi làm chỉ có lịch sử phán xét chứ không ai có quyền phán xét tôi” . Sau bữa lên lớp đó, thì chúng tôi không thấy mặt của LS Tuyên nữa vì người ta đã dẫn ông ta đi đâu mất rồi.
Làm ở đội rau xanh một thời gian tôi được xung vào Ðội Văn Nghệ Trại. Tôi nhớ không lầm đội Trưởng là nhạc sĩ Vũ Thành An. Vì chức vụ cuối cùng của anh ta là trưởng cơ sở Dân Vận & Chiêu Hồi Tỉnh Gia Ðịnh, cho nên anh phải đi trình diện học tập cải tạo theo diện “Ngụy Quân Ngụy Quyền” .
 
Có một điều cũng nên nói ở đây mặc dù Vũ Thành An nổi tiếng với những ca khúc không tên trước 75 nhưng khi vào trại bên cạnh ca khúc anh viết nhân đêm giao thừa năm đầu tiên ở trại 1975 có đoạn rất hay và rất “ tiểu tư sản” và được mọi người chấp nhận : “Thắp nến hồng lên em, giao thừa về rồi đó. Ánh sáng bừng trong đêm. Như bình minh đã lên….” Nhưng khi anh viết theo nhu cầu chính trị tuyên truyền anh lại viết một ca khúc lạc lõng, không giống ai. Lời ca như một lời xưng tội và sặc màu “vô sản chuyên chính” . Tôi nghĩ rằng chỉnh những ngườ i bị rối loạn tâm thần, đánh mất bản ngã, lương tri thì mới viết một ca khúc tồi như thế. Vì vậy anh đã bị hết thảy trại viên chê trách và lên án dữ dội.. Ca khúc có đoạn : “ Nếu biết rõ đế quốc Mỹ là quân xâm lược. Lũ ngụy quyền là bọn tay sai. Bao nhiêu năm cặm cụi miệt mài…”. Ðộc hại hơn nữa là các trại viên bị bắt buộc phải hát ca khúc này trong những lần sinh hoạt vă n nghệ. Nhưng dù anh có viết trăm ngàn bài ca tôn vinh chế độ đáng nguyền rủa kể trên thì cộng sản cũng không tha cho anh đâu và thực tế anh phải ra Bắc sau đó và cải tạo dài dài hơn mười năm mới được tha về vì anh thuộc diện “ác ôn” ( dân vận chiêu hồi bên hành chánh- chiến tranh chính trị hay chiến tranh tâm lý bên quân đội ) .
 
Kịp đến khi Vũ Thành An bị chuyển ra Bắc thì người thay thế anh ta là anh Trần Thiên Ân . Anh nầy là một người còn rất trẻ, xuất thân từ học viện quốc gia hành chánh, chức vụ cuối cùng là phó quận trưởng ở đâu đó. Vì có một thời gian học ở chủng viện khi còn nhỏ, nên nhạc lý anh ta rất rành và rất vững. Anh viết hòa âm cho những bài hợp xướng rất dễ dàng và rất hay.
Kịp đến khi nhóm hình sự di chuyển về đây thì Ðội Văn Nghệ có sự tăng cường nam và đặc biệt là nữ trại viên thì sinh hoạt văn nghệ trại khởi sắc hơn. Có những giọng ca trẻ tân nhạc cũng như cổ nhạc, kịch.. dưới sự dìu dắt và hướng dẫn của anh em trại viên thuộc diện chính trị chúng tôi. Trong đó có tôi dù sau này tôi không còn ờ trong Ðội Văn Nghệ nữa mà ở trong Tổ Vệ Sinh.
 
Chuyện anh Nguyễn Văn Tri :
 
Anh Tri là người cũng xuất từ học viên quốc gia hành chánh, làm giám đốc hành chánh Tổng Nha Ðiền Ðịa do kỹ sư Bùi Hữu Tiển làm Tổng Giám Ðốc. Sau khi học tập cải tạo ở trại một thời gian thì anh Tri có triệu chứng bất bình thường. Cứ vào lúc trời mưa, chúng tôi thấy anh ta ra ngồi ngoài mưa. Miệng thì lẩm bẩm những câu gì không ai hiểu cả. Một thời gian sau đó không biết sao anh ta được trại thả về. Không biết vì lý do bị bệnh tâm thần hay anh thuộc ngành mà cách mạng đang cần người hay không hay vì nguyên do khác không ai hay biết. Chỉ biết rằng sau khi được thả về một thời gian sau thì người ta thấy anh ở Sài Gòn và không có biểu hiện gì bất bình thường cả. Ðược thêm sau đó anh và gia đình qua Mỹ theo diện HO.
Chuyện Cụ Nguyễn Bá Lương, cựu chủ tịch Hạ Viện, Quốc Hội Ðệ Nhi Việt Nam Cộng Hòa.
 
Cụ Nguyễn Bá Lương, vốn là một dân biểu. Người ta thường gọi cụ là “Dượng Năm Xe Ðò Bủu Hiệp”. Cụ có người con trai -thiếu Tá Nguyễn Bá Di. Khi cụ nhập trại thì tuổi của cụ khá cao, sức khỏe yếu kém nên chỉ có thể lao động nhẹ mà thôi. Ở tù được mấy năm trại xét tha cụ và cho cụ về. Trước đó Ban Giám Thị trại đã mời cụ lên dùng trà và mời thuốc đồng thời thông báo cho cụ hay là cụ đã được nhà nước cách mạng xét tha. Nhưng ói ăm thay về đâu chẳng thấy mà chỉ thấy bỏ thây nơi rừng thiêng nước độc- trại Xuyên Mộc Ðồng Nai. Số là như vầy : sau khi mời cụ ra trại và thông báo quyết định tha cụ, Giám Thị trại dự tính là sáng hôm sau sẽ ký lệnh xuất trại .. Nhưng chưa kịp ký lệnh thì thành phố gọi giám thị về họp khẩn. Cho nên lệnh xuất trại chưa được ký và sẽ được ký khi họp xong. Nhưng than ôi, sau khi đi họp về thì lệnh xuất trại của cụ đã không được ký vì quyết định tha cụ đã bị đình hoãn lại trong một thời gian nữa cho đến khi có lệnh mới của trung ương. Thế là hy vọng được sớm trở về sum họp với gia đình tiêu tan theo mây khói. Kịp đến khi nhóm hình sự đã “đủ lông đủ cánh” để điều hành trại thì toàn bộ trại viên “khối chính trị” còn lại ở Trại Long Thành phải chuyển lên Trại Xuyên Mộc Ðồng Nai. Một thời gian sau đó vì không chịu nổi thời tiết khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Xuyên Mộc, cụ đã ngã bệnh và qua đời . Sáng cụ ra đi vì tôi bị bệnh nên tôi đã có mặt nơi chỗ cụ nằm, vuốt mắt cho cụ và nguyện cầu hương linh cụ sớm về nơi chín suối chấm dứt những chuỗi ngày đen tối nhất của cuộc đời. Trong thời gian ở Trại Xuyên Mộc, tôi có dịp đàm đạo với cụ và được cụ kể nhiều chuyện thuộc loại “ thâm cung bí sử” ít ai biết trong cuộc đời tình ái và sinh họat chính trị chính em của cụ. Rất sôi nổi vì theo diện tướng số cụ có khuôn mặt tướng hầu. Ngoài ra giới “ thân cận” của cụ có nói cho tôi biết cụ có thêm một cái ẩn tướng khác là “gậy”, “ của quý” của cụ chạm đất khi cụ ngồi chổm hổm. Không biêt có đúng không. Nếu đúng thì cụ từ một thư ký đồn điền rồi lên làm Dượng Năm Xe Ðò Bủu Hiệp , rồi đắc cử dân biểu Hạ Viện. Rồi đắc cử chủ tịch Hạ Viện cũng là lẽ thường tình dễ hiểu thôi. Như ông Thiệu có tướng hầu như cụ, làm đến chức cao nhất nước thì cũng không ngoa gì. Tướng số nhiều khi cũng đúng cho nhiều người lắm.
Ăn mà cấm không được nói cho ai biết. Thế mới là lạ chứ.
 
Những ngày bên Thành :
 
Vào khoảng cuối năm 1978 trong khi các trại viên thuộc diện chính trị còn lại ở Trại Long Thành phải chuyển trại lên Trại Xuyên Mộc Ðồng Nai, tôi và Phạm Ngọc Thành được “may mắn” ở lại trại để tiếp tục gánh vác một số công việc mà chưa thể giao ngay cho nhóm hình sự vừa mới chuyển đến từ các trại như Bù Ðăng , Bù Gia Mập …. Nhóm này bị tù từ sau ngày Sài Gòn mất. Sau một thời gian dài bị giam trong các trại lao động khổ sai, thiếu đủ mọi thứ nên khi chúng nó về đây chúng nó chết như rạ. Do đó với nhu cầu “ đột xuất”, tổ Vệ Sinh của chúng tôi phải làm một lúc hai công tác. Một là công tác đổ phân . Hai là công tác “khâm liệm” cũng như “di quan” người vừa mới chết ra nghĩa địa liền tù tì. Có ngày có đến hơn 5 đứa “mò- cua” ( tiếng lóng là chết ). Có khi cả chục đứa cho nên tổ Vệ Sinh của chúng tôi rất đắt khách . Chúng tôi phải “ khẩn trương” đem đi chôn mệt nghỉ cả ngày lẫn đêm. . Nhiều khi phải đem đi chôn vào giữa ban đêm ngày rằm. Không có một chút ánh sáng gì ngoài ánh trăng chiếu vằng vặc. Vào những đêm như thế này, không biết các bạn của tôi nghĩ ra sao chứ riêng tôi tôi rất thích vì bản tính nghệ sĩ, ưa mơ mộng của tôi dù phải lao động cật lực để có thể về trại sớm để ngày mai có sức “đi cày” tiếp . Chuyện sợ ma thì không thể nào nghĩ đến vì làm việc bở hơi tai thì giờ đâu mà nghĩ chuyện vu vơ. Phải nói mệt nhất là việc đào huyệt vì nghĩa địa, nói cho oai chứ thực ra là một mô đất cao toàn là đá ong, cứng như đá nên đào huyệt không thể nào đào sâu được, khoảng chừng độ hơn nửa thước là cùng. Không có vật dụng gì khác ngoài mấy cái xẻn cùn. Sức người là chính. Sở dĩ tôi phải dông dài như vầy là vì có liên hệ đến việc đi chôn cất Thành sau này.
 
Vì phải di chuyển khiêng phân hằng ngày hay phải khiêng quan tài đem đi chôn nên tôi thường gặp Thành trong bồ đồ lính được nhuộm đen và trên đầu đội một cái mũ “phở” không giống ai đi rảo trong trại. Chúng tôi chỉ chào nhau rồi ai làm phận sự người ấy. Thành vốn người dong dỏng cao, nước da tái tái . Nước da này vốn dĩ như vậy kể cả lúc còn làm Phó Quận Hàm Thuận rồi Hòa Ða. Ngoài ra không có biểu hiện gì là bệnh hoạn cả.
Thời gian cứ trôi đi. Rồi đến kỳ thăm nuôi . Bà xã của tôi và bà xã của Thành đi thăm nuôi chúng tôi cùng một ngày vào dịp cuối năm 1978 . Tôi được Trại bố trí thăm nuôi trước, Thành thăm nuôi sau. Trước đó bà xã của tôi cũng đã gặp Thành ở nhà thăm gặp , có chào hỏi đôi điều và cũng không thấy Thành không có biểu hiện gì là bệnh hoạn trầm trọng cả.
 
Một thời gian ngắn sau khi thăm nuôi nhất là gần Tết năm đó sức khỏe của Thành có triệu chứng giảm sút thấy rõ. Mắt và da trở nên vàng nhiều, triệu chứng của bệnh viêm gan. Mặc dù Thành được BS cán bộ tên Hùng cũng như BS trại viên Tùng giúp đỡ rất nhiều nhưng không có kết quả gì vì thiếu thuốc đặc chế. Vì vậy thể theo đề nghị của BS trại Viên Tùng và được đồng ý của BS Hùng, trưởng trạm xá đã ghi cho Thành một toa thuốc và xin cho người nhà của Thành đem lên cho Thành. Nhưng than ôi! chưa kịp đem lên thì Thành đã ra người thiên cổ. Tôi nhớ không lầm là Thành ra đi vào ngày mồng một Tết (nhằm ngày 28 tháng giêng) năm 1979 .
 
Nghe tin Thành qua đời tôi tìm cách để viếng thăm anh. Ðược biết xác Thành được để ở bệnh xá Trại, trong một gian phòng tối như bưng.
Tôi cứ nhớ mãi cây đèn cầy duy nhất mà tôi đã thắp lên quan tài của Thành. Cây đèn cầy này tôi đã cất kỹ trong gói “hành trang” khi đi tù vì nghĩ rằng sẽ có dịp để xử dụng nó. Nhưng chưa có dịp nào để xử dụng thì nay lại đem ra cắm trên quan tài của người bạn đồng môn hành chánh và cũng là người bạn thiết thân lúc còn làm việc chung với nhau ở tỉnh Bình Thuận. Dù cây đèn cầy đã bị gãy nhưng dù sao cũng là vật quý báu và rất cần thiết trong lúc này. Chắc Thành cũng thông cảm cho tôi vì cây đèn cầy không phải đơn thuần là một vật vô tri vô giác nhưng nó biểu tượng cho sự tiếc thương cũng như gói ghép một tình cảm thiết thân không thể phai nhòa.
 
Một điều hy hữu là khi Thành mất tổ Vệ Sinh của chúng lo tẩm liệm và đem Thành ra nghĩa địa. Chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi thương tiếc cho người bạn xấu số đã ra đi quá sớm như vậy. Chúng tôi cố ngăn những dòng lệ nhưng không thể nào được. Những giọt nước mắt cứ tuông chảy, cứ lăn dài trên má . Khóc cho Thành một phần mà khóc cho số phận của kiếp đọa đày của những người tù còn lại như chúng tôi thì nhiều.
 
Thành đã từ giã cõi đời bỏ lại vợ con và các bạn tù. Bây giờ Thành có thể yên phận về phần nơi chín suối, không bị ràng buộc với những hệ lụy khổ đau nơi trần thế nữa. Còn lại chúng tôi tiếp tục chịu đựng số kiếp đọa đày nơi chốn tù ngục. Còn lại gia đình với vợ và các con trong nỗi thương đau chất ngất…
 
NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ:
 
Chuyện Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn
 
Nhà văn Nguyễn mạnh Côn , nổi tiếng với tác phẩm “Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử” cũng được mọi người biết đến khi ông ta tuyệt thực để phản đối chính sách giam cầm của cộng sản. Rồi ông ông bệnh, ông chết ở đây.
Chuyện ông Hồ Hữu Tường:
 
Khi chúng tôi đến đây thì có gặp nhà văn Hồ Hữu Tường. Ông Tường nổi tiếng với “Phi Lạc SangTàu”.
 
Hằng ngày, tập họp đi lao động thấy ông gánh đôi gánh. Nghe nói ông bị bệnh phù nên ông được bố trí làm công việc nhẹ là nấu nước cho đội uống. Ông Tường dáng người thấp lùn vả lại ông bị chứng phù thủng nên hai chân ông phù ra. Dáng đi chậm chạp uể oải. Biết ông là nhà văn, là người hiểu biết rộng nên trại đã trao giấy bút để ông viết “thu hoạch, hiến kế.” Nghe nói sau một thời gian sợ ông chết trong trại nên trại đã cho ông về nhà và một thời gian sau thì ông mất.
 
Lại chuyện Ông Nguyễn Bá Lương, dân biểu quốc Hội, chủ tịch Hạ Viện:
Sau khi ông mất một cơ hội trở về sum họp với gia đình ờ trại Cải Tạo Long Thành, ông phải theo chúng tôi lên Khu B Xuyên Mộc Ðồng Nai. Ông được bố trí ở cùng phòng với chúng tôi. Lúc này ông bị bệnh thường hay ở nhà. Khi có dịp rảnh rỗi tôi thường là cà đến nói chuyện với ông. Ông kể cho tôi rất nhiều chuyện thuộc diện “thâm cung bí sử”. Ðiển hình là gán ghép ông và Bà DS Nguyễn Cao Thăng. Không biết ông nói có thật không hay ông phịa ra nhưng chính tai tôi nghe được như vầy: Khi ông Nguyễn Cao Thăng qua đời, giới dân biểu thân chính quyền muốn gán ghép ông với Bà Thăng nhưng chuyện không thành.
 
Ở Khu B một thời gian thì ông bị bệnh nặng và qua đời. Ngày ông mất tôi bệnh phải ở nhà và đã đến tại chỗ nằm của ông để vuốt mắt cho ông .
Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Chúng tôi đã đi vào giấc ngủ với nhiều mộng đẹp và ước vọng tương lai khi đèn của trại tắt.
 
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đuợc lệnh trịệu tập, mang theo hành lý để di chuyển sang Khu B làm thủ tục xuất trại.
 
Chúng tôi đã đến văn phòng làm việc của trại lúc 9 giờ sáng hôm đó. Lần lượt các trại viên ký tên nhận lệnh xuất trại, giấy ra trại và 10 đồng lộ phí đi đường.
 
Khi đã xa cách trại một khoảng khá xa rồi thì tôi bắt đầu vẫy các xe đi qua để xin quá giang. Từng chiếc rồi từng chiếc xe đủ loại đủ cỡ đi qua nhưng không có chiếc xe nào dừng lại cả. May thay cuối cùng có một chiếc xe chở rạ còn ướt vì vừa mới gặt ngừng lại và cho tôi quá giang. Nhìn cách phục sức của tôi, Anh ta hỏi tôi có phải là dân tù cải tạo mới ra không và định về đâu. Tôi trả lời tôi về Sài Gòn. Anh ta bảo tôi chỉ về Biên hòa mà thôi. Tôi đồng ý .
 
Trong khoang xe chất đầy người nên tôi phải ngồi, rồi nằm ngất ngưởng trên đống rạ. Ngước nhìn trời cao và hít thở không khí tự do mà từ lâu vắng bóng và nghĩ về một cuộc đoàn viên trùng phùng sắp đến.
 
Ðến ngã ba Biên Hòa tôi xin anh tài xế cho tôi xuống xe và từ đó tôi lên xe để về Sài Gòn. Vì trong túi tôi chỉ có vỏn vẹn 10 đồng trại phát nên tôi đưa ra cho anh tài xế xe lam. Anh ta nhìn tôi rồi hỏi “dân tù cải tạo mới về hả? rồi anh ta nhận tiền và mời tôi lên xe và không nói thêm một lời nào nữa.
Xe đến đường Ðinh Tiên Hoàng, tôi xin tụt xuống và không quên ngỏ lời cám ơn anh tài xế tốt bụng. Trên đường về tôi hình dung đến bài học thuộc lòng của Thanh Tịnh rồi lẩm bẩm trong miệng “cảnh vật xung quanh tôi hoàn toàn thay đổi như chính lòng tôi đang có một sự thay đổi lớn hôm nay tôi trở về lại mái nhà xưa.”
 
Vì cha mẹ của tôi ở xa lắm tận Cam Ranh nên địa chỉ tôi về là nhà của Cha Mẹ vợ của tôi.
 
Bước vào nhà người đầu tiên tôi gặp không phải là bà xã của tôi vì bà đi làm chưa về,mà là ông gia của tôi. Ông ôm tôi với ràng rụa nước mắt. Rồi đến mẹ vợ tôi, cũng với hai hàng nước mắt . Rồi đến con trai út của tôi. Hai đứa lớn đi học chưa về. Nhìn đứa con trai út của tôi thấy thân hình nó gầy ốm tôi không cầm được nước mắt.
 
Trong đêm trước khi từ giã trại, tôi mường tượng cảnh đoàn viên và cứ tưởng người tôi gặp đầu tiên là vợ tôi và tôi sẽ ôm vợ tôi vào lòng hôn lên môi lên má cho vơi đi những nhớ thương. Nhưng tất cả những sự kiện vừa mới xảy ra ngoài sự tiên đoán của tôi. Nhưng tôi không ân hận điều gì vì trước sau gì tôi cũng sẽ gặp lại vợ con tôi dù hơi muộn màng, không như mình tưởng.
 
Cuối cùng tôi đã gặp vợ con tôi trong sự xúc động đến nghẹn ngào. Tôi ôm hôn vợ tôi, các con tôi cùng với những giọt nước mắt trào dâng vì sung sướng. Hy vọng những ngày tiếp theo sẽ là những ngày hoan ca, hạnh phúc dù tôi biết sẽ rất ngắn ngủi vì sẽ phải đối đầu với những khó khăn, bất trắc, hiểm nguy chực chờ bủa vây trước mặt. ..
 
SanDiego
 
Uyên Nguyên
 


Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay