Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 17 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên của Phủ Giáo Hoàng đã trình bày bài giảng Tĩnh tâm Mùa Chay thứ ba trước Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma.
Tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân của Ngài là trọng tâm của bài giảng này.
“Để an ủi quý vị và tôi, thưa Đức Thánh Cha, các Cha đáng kính, và anh chị em, buổi suy niệm này sẽ hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa. Diễn ngôn về Thiên Chúa, tức là thần học, không thể xa lạ với thực tại của Thượng Hội đồng, cũng như không thể xa lạ với bất kỳ thời điểm nào khác của đời sống Giáo hội,” Đức Hồng Y Cantalamessa đã bắt đầu như trên.
Vị Hồng Y dòng Phanxicô nhận xét rằng “Nếu không có thần học, đức tin sẽ dễ dàng trở thành sự lặp lại chết chóc và sẽ thiếu công cụ chính của nó để hội nhập văn hóa”.
Sự gần gũi của Thiên Chúa
Tuy nhiên, ngài gợi ý rằng để hoàn thành nhiệm vụ này, chính thần học, “cần một sự đổi mới sâu sắc”.
“Điều mà dân Chúa cần là một nền thần học thấm nhuần cuộc sống, không phải lúc nào cũng nói về Chúa ‘ở ngôi thứ ba’, với những phạm trù thường vay mượn từ hệ thống triết học đương đại, không thể hiểu được bên ngoài một nhóm nhỏ ‘người trong cuộc’.”
Thay vào đó, ngài thúc giục, chúng ta phải nhìn thấy Chúa một cách gần gũi, dễ hiểu.
Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa…Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ nhưng không Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. (1Cr 2:10-12).
Nhưng bây giờ chúng ta có thể tìm thấy ở đâu một nền thần học dựa vào Chúa Thánh Thần để biết “những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” hơn là dựa vào các phạm trù khôn ngoan của con người? Đối với điều này, cần phải dùng đến những gì được gọi là các trường phái “tùy chọn”: tức là “Thần học linh đạo,” và “Thần học mục vụ” nếu người ta muốn một nền thần học có khả năng được rao giảng.
Thiên Chúa yêu mến anh chị em
Tin tốt đẹp nhất mà Giáo hội có nhiệm vụ loan báo cho thế giới, tin mà mọi trái tim con người thổn thức mong đợi được nghe, đó là: “Thiên Chúa yêu mến anh chị em!”
Ngài nhấn mạnh, xác tín này phải xóa bỏ và thế chỗ cho niềm tin mà chúng ta luôn mang trong mình: “Thiên Chúa đang phán xét bạn!”
Ngài nhấn mạnh rằng chân lý “Thiên Chúa là tình yêu” phải đi kèm, giống như một nốt trầm, mọi lời loan báo Kitô giáo, ngay cả khi những đòi hỏi thực tế của tình yêu này phải được nhắc lại, như Tin Mừng đã làm.
Sau đó, Đức Hồng Y giải thích thêm về các mầu nhiệm đức tin, chiều sâu và ý nghĩa đằng sau Chúa Ba Ngôi, Nhập Thể và Thương Khó, và nói rằng chúng ta phải xem chân lý mà chúng ta đã chiêm ngắm trong những mầu nhiệm này dưới ánh sáng của khẳng định “Thiên Chúa là tình yêu” sẽ thay đổi như thế nào trong cuộc sống của chúng ta.
Ngài lập luận rằng sự biến đổi cuộc sống của chúng ta, thông qua các mầu nhiệm, tạo nên “tin mừng” và “không bao giờ thiếu khi chúng ta cố gắng đào sâu kho tàng đức tin Kitô giáo”. Ngài nói thêm rằng “Tin tốt lành là nhờ được tháp nhập vào Chúa Kitô, chúng ta cũng có thể yêu mến Thiên Chúa bằng một tình yêu xứng đáng với Ngài!”
Tràn đầy tình yêu thiêng liêng
“Tình yêu đã tuôn đổ vào chúng ta là tình yêu mà Chúa Cha đã luôn yêu mến Chúa Con, không phải là một tình yêu khác! Đó là sự tràn đầy tình yêu thiêng liêng từ Chúa Ba Ngôi đối với chúng ta.”
Thánh Gioan Thánh Giá viết: Thiên Chúa truyền đạt cho linh hồn, “chính tình yêu mà Ngài truyền đạt cho Chúa Con, ngay cả khi điều này không xảy ra tự nhiên, như trong trường hợp của Chúa Con, nhưng bằng sự kết hiệp.”
Ngài lưu ý rằng hệ quả là chúng ta có thể yêu mến Chúa Cha bằng tình yêu mà Chúa Con yêu mến Ngài, và chúng ta có thể yêu mến Chúa Giêsu bằng tình yêu mà Chúa Cha yêu mến Ngài.
Ngài nói, tất cả những điều này là nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng chính là tình yêu đó.
Đức Hồng Y hỏi “Vậy thì điều gì chúng ta dâng lên Thiên Chúa là của riêng chúng ta khi chúng ta nói với Ngài, ‘Con yêu mến Chúa ‘? Không có gì ngoài tình yêu mà chúng ta nhận được từ Ngài! Như thế, hoàn toàn không có gì về phía chúng ta chăng? Phải chăng tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa không gì khác hơn là một sự “bật ngược trở lại” về phía Ngài chính tình yêu của Ngài, phải chăng nó chỉ giống như tiếng vọng đưa âm thanh trở lại nguồn của Ngài? Thưa: Không phải đâu! Tiếng vang trở lại với Thiên Chúa từ thẳm sâu trái tim của chúng ta, nhưng với một điều mới lạ là tất cả dành cho Thiên Chúa: hương thơm của tự do và lòng biết ơn hiếu thảo của chúng ta! Tất cả những điều này được thực hiện một cách mẫu mực trong bí tích Thánh Thể. Trong đó, chúng ta dâng lên Chúa Cha, như “của lễ của chúng ta,” điều mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta trước, đó là Chúa Giêsu Con của Người.
“Chúng ta có thể nói với Chúa Cha trong lời cầu nguyện của mình: “Lạy Cha, con yêu mến Cha bằng tình yêu mà Con Cha là Chúa Giêsu yêu Cha!” Và chúng ta có thể thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa bằng tình yêu mà Cha trên trời yêu mến Chúa!” Và xác tín rằng tất cả những điều này không phải là một ảo ảnh ngoan đạo trong trí tưởng tượng của chúng ta!
____________
Toàn bộ bài giảng thứ ba:
https://www.youtube.com/watch?v=oCJnP1Mg8LQ
Phan Sinh Trần