Trung Cộng Xem “Thiên Chúa Giáo Là Kẻ Thù Số 1”

Báo Vận Hội Mới

Sơn Hà (Feb.2023)

Bán nguyệt san The New American, số ra ngày 16 tháng Giêng -2023, có đăng bài nhận định của bỉnh bút Angeline Tan gởi về từ Singapore. Bài viết nhan đề “Why the CCP Fears Christianity”. Dường như đó không phải là câu hỏi, mà là điều thắc mắc của Angeline; cô đặt ra để tự đi tìm lời giải thích “Tại Sao Đảng Cộng sản Trung Quốc Sợ Thiên Chúa Giáo”. Angeline Tan là phóng viên độc lập, thường có những bài nhận định về chế độ Trung Cộng, đăng trên bán nguyệt san The New American, xuất bản ở Hoa Kỳ.

Ở đây, Angeline gọi chung những người tin vào Đức Chúa Trời và Đức Giêsu là Christian (tín hữu Thiên Chúa Giáo), hay những người theo đạo Thiên Chúa, trong đó có đạo Công Giáo, và các hệ phái Tin Lành. Angeline ghi nhận các cuộc đàn áp nhắm vào Thiên Chúa Giáo vẫn gia tăng mỗi ngày.

ChinaAid, là một tổ chức vô vụ lợi, chuyên tranh đấu cho Tự Do Tín Ngưỡng và Tự Do Tôn Giáo tại Trung Hoa, có trụ sở tại Texas, Hoa Kỳ. ChinaAid thường xuyên phổ biến các báo cáo về những vi phạm nhân quyền, nhất là về tôn giáo tại Trung Hoa lục địa.

Căn cứ theo báo cáo của ChinaAid, Angeline cho biết, có 1256 vụ đàn áp tôn giáo trong năm 2017 so với năm 2016, đã gia tăng 66%. Sau khi đã có sự đi lại nhiều lần, để đạt kết quả vào tháng Mười- 2016, Trung Cộng và Vatican ký kết những thoả hiệp. Vatican chấp thuận để cho nhà cầm quyền Trung Cộng phê chuẩn tất cả các cuộc đào tạo và bổ nhiệm. Đảng cộng sản Trung Cộng lập danh sách đề nghị rồi Vatican bổ nhiệm, hoặc, Vatican hỏi ý kiến đảng cộng sản trước khi bổ nhiệm một chức vụ gì ở đâu đó trên lãnh thổ Trung Hoa. Điều đó cũng có nghĩa là Vatican để cho nhà cầm quyền Trung Cộng kiểm soát Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa. Đổi lại, Trung Cộng để cho các chức sắc của giáo hội Công Giáo được đi lại với giáo đô La Mã (Roma), được gần gũi và tham dự các cuộc họp với các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Roma.

Trung Cộng Sợ Thiên Chúa Giáo

Từ thời Mao Trạch Đông, khi đảng cộng sản chiếm được Hoa Lục, Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Không phải cộng sản sợ Vatican, mà họ sợ tinh thần của đạo Thiên Chúa. Kể từ chế độ Mao Trạch Đông đến nay, trên lục địa Trung Hoa luôn có hai tập thể tín hữu Công Giáo: Công Giáo Hầm Trú và Công Giáo Quốc Doanh. Công Giáo Quốc Doanh là các họ đạo Công Giáo chấp thuận để cho đảng cộng sản kiểm soát. Công Giáo Hầm Trú là các họ đạo hoạt động không có giấy phép của đảng cộng sản, hay còn được gọi là Giáo Hội Thầm Lặng (Underground Church).

đi đàng Thánh Giá

Các hệ phái Tin Lành cũng ở trong tình trạng tương tự. Báo cáo thường niên của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) của Hoa Kỳ cho biết, tính trong năm 2018, có hơn 5.000 tín đồ Tin Lành và 1.000 các vị lãnh đạo tinh thần bị bắt giữ vì lý do có các hoạt động liên quan đến đức tin. Theo báo cáo, đó chỉ là một phần của việc phá hủy hàng ngàn nhà thờ Thiên Chúa Giáo trên khắp lục địa Trung Hoa. Cũng theo báo cáo, “Tại tỉnh Hà Nam, Uỷ Ban Nhân Dân của tỉnh này, yêu cầu các giáo hội Thiên Chúa Giáo loại bỏ điều răn Thứ Nhất trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời”, với lý do đảng không chấp nhận: “đặt sự thờ phượng Đức Chúa Trời lên trên lòng trung thành với đảng Cộng sản”. Giáo hội “Quốc Doanh” có thể đáp ứng yêu sách của cộng sản, nhưng Giáo Hội Hầm Trú thì vẫn kiên cường giữ vững đức tin.

Đất Thánh Trong Lòng Đất – Hang Toại Đạo

Nói đến Giáo Hội Thầm Lặng, hay Giáo Hội Hầm Trú, người ta liên tưởng đến những Hang Toại Đạo của Giáo Hội Công Giáo vào thế kỷ thứ nhất. Đến nay, di tích Hang Toại Đạo còn hiện hữu trong lòng đất Ý Đại Lợi. Đó là “Đất Thánh Trong Lòng Đất” của những vị Thánh Tử Đạo và Kitô Hữu trong thời kỳ tiên khởi.

Trong một cuộc hành hương Roma, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt được đi thăm những Hang Toại Đạo (Catacombs of Saint Callixtus), Ngài kể lại trong bài suy tư “Con đường Hạt Lúa: “Giáo hội giữ vững niềm tin trên nền tảng tử đạo của biết bao con người nằm dưới hang này trong 300 năm đầu bị bách hại. Hang toại đạo là hệ thống đường hầm đào sâu dưới lòng đất tại các khu nghĩa trang ngoại thành Rôma. …Gia sản của Giáo Hội là đây. Tại nơi này, các tín hữu sơ khai đã ẩn trốn những cơn bách hại liên tiếp trong ba thế kỷ. Người tín hữu buổi đầu đã phải sống trong những điều kiện như thế để bảo vệ đức tin của mình”.

Hang Toại Đạo

Sau khi Chúa Giêsu về trời, các tông đồ lên đường đi rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và gánh chịu cơn bách hại kinh khủng của các triều đại Roma. Lính Roma không dám vào các nghĩa trang, là nơi trú ngụ của các tín hữu Công Giáo. Họ sống trong các nhà mồ của nghĩa trang để trốn các đợt bắt đạo. Họ lặng lẽ đào sâu xuống lòng đất, đi xuyên qua các huyệt mộ tạo thành con đường hầm dưới lòng đất. Họ sống với người chết. Họ chết đi và được mai táng trong đường hầm ấy. Các triều đại La Mã tưởng đã chôn vùi đạo Chúa. Nhưng Đức Tin của người Công Giáo vẫn sống mạnh qua 300 năm của thiên niên kỷ đầu tiên.

Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt kể: “Đi dưới lòng hang toại đạo tôi mới thấm thía ý nghĩa của lời Chúa nói: ‘Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác’. Hạt giống Giáo Hội đã bị chôn chặt dưới 3, 4 tầng đất. Hạt giống đức tin đã bị vùi sâu đến 300 năm. Tất cả các thánh Tông đồ, các tín hữu sơ khai đã bị mục nát. Và các ngài đã làm trổ sinh cả một mùa gặt dồi dào phong phú. Cả châu Âu đã tin theo Chúa”.

“Nhìn lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, ta cũng thấy có sự tương tự. Khi đạo Chúa mới được truyền vào Việt Nam, lập tức bị các vua chúa phong kiến bắt bớ. Cuộc bắt bớ kéo dài khoảng 300 năm. Đủ mọi hình thức để tiêu diệt đạo. Nào là cấm cách bắt bớ. Nào là đe doạ bạc đãi. Nào là xua đuổi ra khỏi những vùng trù phú phồn vinh. Nào là phân sáp, tức là tách ly cha mẹ, anh chị em trong một gia đình bắt đi sống riêng rẽ trong các gia đình ngoại đạo. Nào là lấy thép nung đỏ khắc chữ “tả đạo” trên má người có đạo. Và nhất là lên án tử hình những người có đạo.

“Người tín hữu trung thành với đức tin phải trốn chạy chết trên rừng thiêng nước độc. Nếu bị bắt có thể bị chết trong tù. Nếu không cũng bị xử án tử hình. Có đấng bị chém đầu. Có đấng bị trói chân tay vào… bốn con ngựa kéo về bốn góc xé nát xác vị tử đạo. Có đấng bị kết án cho voi dày. Thê thảm nhất có lẽ là án bá đao. Cứ sau một hồi trống, đao phủ xẻo một miếng thịt cho đến khi chết”.

Các tín hữu tiên khởi của Công Giáo Việt Nam đã chết đi để sinh ra nhiều hạt lúa khác. Từ một nhóm nhỏ người bị bắt bớ ấy, nay ta đã có 7, 8 triệu người Công Giáo ở Việt Nam.

Người Công Giáo ở Trung Hoa cũng sẽ xá gì gian lao mà tiếp tục giữ đạo Chúa. Con số tín hữu Thiên Chúa Giáo ở Trung Quốc đã lên tới 100 triệu người.

Trung Cộng Chống Thiên Chúa Giáo

Chống lại các tôn giáo đã có từ lâu ở Trung Quốc, trước khi cộng sản chiếm được Hoa Lục. Từ thời quân chủ, các triều đại vua chúa rất sợ các tôn giáo. Họ ngờ vực tất cả các tôn giáo do những quyền lực “ngoại bang”, sẽ đe doạ quyền lực của họ.

Dưới triều đại nhà Đường của Trung Hoa vào thế kỷ thứ 9, Hoàng đế Đường Vũ Tông (Wuzong) chủ trương tiêu diệt các tôn giáo bị cho là đến từ ngoại quốc như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo,… do ám ảnh bị áp lực từ “các thế lực bên ngoài” có thể làm lung lay ngai vàng. Sau này, dưới triều đại nhà Thanh, thế kỷ 19, Thiên Chúa Giáo bị xem là làn sóng xâm lăng của Tây Phương vào xã hội, gây chia rẽ và xé nát Trung Hoa. Triều đình phát động phong trào bài xích, tiễu trừ các hệ phái Thiên Chúa Giáo. Càng đàn áp, càng gây nên sự phản kháng từ các tín hữu. Họ nổi lên chống trả mạnh mẽ để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo. Một nhà truyền giáo tên là Hồng Tú Toàn đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của nông dân, trở thành Cuộc Cách Mạng Thái Bình (Taiping Rebel, Taiping Revolution). Quân nổi dậy chiếm Nam Kinh, lan đến các tỉnh chung quanh và thiết lập vùng tự trị lấy tên “Thái Bình Thiên Quốc”. Thái Bình Thiên Quốc thống lĩnh 16 tỉnh, gồm có hơn 600 thị trấn, kéo dài trong 13 năm (từ 1851 đến 1864).

nghĩa binh của Thái Bình Thiên Quốc

Cuộc nổi dậy Thái Bình là kết cuộc của hiện tượng tức nước vỡ bờ, và cũng thời đại suy tàn của một triều đại phong kiến Mãn Thanh. Khi mà giới lãnh đạo chỉ lo vơ vét cốt làm giàu cho bản thân, mặc cho dân chúng khốn khổ vì sưu cao thuế nặng, thiếu thốn mọi bề. Chỉ còn một giải pháp là dân chúng nổi dậy lật đổ nhà cầm quyền và thiết lập vùng tự trị.

Giáo sư Frzanz Micheals, người Mỹ gốc Đức, nhiều năm giảng dạy về Trung Hoa tại đại học University of Washington và Georgetown University ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, cho rằng, cuộc nổi dậy Thái Bình là một cú đánh mạnh vào chế độ độc tài và cái thói hủ Nho của triều đình phong kiến. Tác động của cuộc Cách Mạng Thái Bình đã phá vỡ trật tự cũ, được cho là thảm khốc hơn cả hai cuộc Chiến Tranh Nha Phiến.

Sau cùng, quân nhà Thanh đã cầu viện Anh và Pháp, bao vây đánh bại quân “Thái Bình” đưa đến cuộc thảm sát hơn 20 triệu người! Rồi thế lực Tây Phương chia cắt nước Trung Hoa thành nhiều mảnh. Tuy nhiên, các chiến hữu “Thái Bình” vẫn bền chí giữ đạo, giữ đất và sống còn. Mới hay, đạo Thiên Chúa phát triển ở lục địa Trung Hoa chẳng có thế lực ngoại quốc nào đứng đàng sau cả. Người ta chỉ thấy nhà cầm quyền liên kết với thế lực bên ngoài để bách hại tôn giáo.

Hoàn cảnh xã hội và chính trị đã thay đổi nhiều, không khí bách hại Thiên Chúa Giáo cũng thay đổi qua các thời kỳ, kéo dài đến đầu thế kỷ 20. Đến thời kỳ cộng sản thì càng khốc liệt hơn. Cuộc nổi dậy Thái Bình thường được đảng ôn lại, vì là mối lo cho chế độ Trung Cộng.

Trong những năm lục địa Trung Hoa bị cai trị bởi cộng sản, các giáo hội Tin Lành và Công Giáo ngày càng bị áp bức nặng nề. Các giáo hội được phân loại thành “giáo hội yêu nước”, được cấp phép hoạt động công khai và loại kia thì không được phép. Hai loại giáo hội đó được dân gian gọi là “Quốc Doanh” và “Hầm Trú”. Giáo hội “Quốc Doanh” thì được công khai hoạt động, có công an len lỏi để theo dõi. Giáo hội “Hầm Trú” thì hoạt động âm thầm, nhóm họp kín đáo tại tư gia.

Đạo Binh Đức Mẹ Nguy Hiểm Hơn?

Kể từ khi mới bắt đầu hoạt động tại lục địa Trung Hoa, Mao Trạch Đông và đảng cộng sản chủ trương đặt các giáo hội Thiên Chúa Giáo ra ngoài vòng pháp luật. Tuy nhiên, đảng cộng sản lại phải chạm trán Đạo Binh Đức Mẹ (Legion of Mary). Năm 1937, khi Đạo Binh Đức Mẹ đặt chân lên lục địa Trung Hoa, thì cộng sản cảm thấy bị đe doạ trực tiếp. Mao Trạch Đông không ngần ngại tuyên bố công khai: “Thiên Chúa Giáo là Kẻ Thù Số 1”.

Một hôm, linh mục Aedan McGrath, người Ái Nhĩ Lan, là người có trách nhiệm truyền bá tinh thần Đạo Binh Đức Mẹ ở Trung Hoa; ông đem giới thiệu cho một nhóm cộng sản, nói rằng, Đạo Binh Đức Mẹ là nhóm hoạt động về tâm linh, có thể giúp mọi người về phương diện tinh thần. Nhóm Cộng sản ấy nhận xét ngay: “Đây là một tổ chức ‘tuyệt vời’, giống như đảng cộng sản”. Có nghĩa là họ đang gặp kẻ thù nguy hiểm.

Một khi đảng Cộng sản nhận thấy, “đạo binh” này cũng họp nhóm, cũng dùng khẩu hiệu, cũng có chính sách, cũng được chỉ huy từ trung ương, cũng dùng biểu tượng màu đỏ,… rất giống Cộng sản; thì đảng cộng sản xem đây là đối tượng nguy hiểm nhất. Thiên Chúa Giáo vẫn lừng lững sống còn.

Đạo Binh Đức Mẹ Là Gì?

Ký giả Angeline Tan nói đến Đạo Binh Đức Mẹ trong bài tường thuật, và vẫn còn hoạt động ở Trung Quốc. Vậy Đạo Binh Đức Mẹ là gì?

Đạo Binh Đức Mẹ là một phong trào sống đạo, là phong trào giáo dân có tổ chức. Tên phong trào Đạo Binh Đức Mẹ lấy từ chữ Latin: Legio Mariae, hay Légion de Marie (tiếng Pháp), Legion of Mary (tiếng Anh), được thành lập vào đêm 7 tháng Chín, năm 1921, nơi căn nhà nhỏ tại thủ đô Dublin của nước Ái Nhĩ Lan. Legio Mariae là một Đoàn Thể Giáo Dân, được Giáo Hội phê chuẩn và đặt dưới quyền chỉ huy hùng mạnh của Đức Maria vô nhiễm, trung gian các ơn. Các binh sĩ sẵn sàng đối đầu với quyền lực tội ác của thế gian này. Tuy vậy, quyền lợi của họ không nằm trong thế gian này.

Legio Mariae được thiết lập từ các đơn vị nhỏ nhất tại các họ đạo, đi dần lên Hạt, Địa Phận, Tỉnh, Miền rồi Trung Ương, với sự ưng thuận của vị chủ chăn ở giáo phận. Các binh sĩ của Đạo Binh Đức Mẹ gồm có nam và nữ, từ vị thành niên cho đến người lớn. Họ sống Đạo thực hành theo Đức Tin, muốn làm việc Tông Đồ Giáo Dân theo công tác của Legio và sẵn sàng chu toàn phận sự của Hội Viên. Legio Mariae có hai loại Hội Viên: Hội Viên Hoạt Động (Active members) và Hội Viên Tán Trợ (Auxilary members).

Chủ đích của phong trào “Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ” là thánh hóa hội viên bằng cầu nguyện. Thống thuộc giáo quyền Roma, hội viên tích cực tham gia các hoạt động với Đức Maria và Hội Thánh. Đó là, đạp đầu con rắn và mở rộng Nước Chúa Kitô.

Các chế độ chủ trương vô thần như Trung Cộng chắc chắn sẽ phải e dè khi chạm trán với Đạo Binh Đức Mẹ. Trong khi đó, các binh sĩ của Legio Mariae được trang bị tinh thần quyết tâm “vào trận” và “bất thối”; nhất định không đi lui. Vũ khí của họ là đặt niềm tin vào Thiên Chúa và trái tim yêu thương con người. Họ chấp nhận bước vào Trung Hoa lục địa, là môi trường thử thách to lớn đối với Đạo Binh Đức Mẹ.

Tập Cận Bình và Nhiệm Kỳ Thứ Ba

Nhận xét về chủ tịch Tập Cận Bình, ký giả Angeline Tan viết, sau Đại Hội Đảng Thứ 20 của đảng cộng sản Trung Cộng, chủ tịch Tập Cận Bình tự sửa luật để được cầm quyền trong nhiệm kỳ số 3, trở thành một trong những ông vua cầm quyền lâu nhất. Từ đó, những người theo đạo Thiên Chúa nhìn thấy và sắp sẵn tinh thần đối phó với một tương lai đen tối trước mặt.

Trước khi lên ngôi chủ tịch, Tập Cận Bình từng là bí thư tỉnh uỷ ở tỉnh Triết Giang, là tỉnh có rất đông tín hữu Công Giáo. Tập nhìn vào hình tượng thập tự giá, xem là biểu tượng nguy hiểm cho đảng cộng sản, nên đã ra lệnh tháo gỡ tất cả các biểu tượng Thánh Giá ra khỏi các ghe đánh cá, bất chấp đó là tập tục lâu đời của người dân địa phương. Chung quanh các nhà thờ, Thánh Giá cũng phải hạ xuống.

Báo Express của Anh Quốc trong bản tin của tháng Mười -2020, cho biết chế độ Tập Cận Bình yêu cầu đặt sự trung thành với đảng cộng sản lên trên hết. Hội Đồng Quản Trị các nhà thờ Thiên Chúa Giáo của chế độ Trung Cộng đã yêu cầu xoá chữ “Cơ Đốc” (Christ) trên các ấn phẩm bày bán online. Khoa trưởng Trung Văn tại Chinese University of Hongkong, giáo sư Ying Fuk-tsang cho biết, các sách giáo lý Thiên Chúa Giáo bày bán trên Tianfeng Bookstore đã bị cải sửa. Giáo sư Lian Xi của đại học Duke University ở North Carolina phát biểu trên báo Guardian (xuất bản tại London), nói rằng, “Nhà cầm quyền Trung Cộng phát động chiến dịch Hán hoá Thiên Chúa Giáo. Có nghĩa là, các giáo hội sẽ bị thuần hoá [bởi cộng sản] và trở thành công cụ cho đảng”.

Tin tức cho biết, một bản dịch Thánh Kinh mới được in ra ở Trung Quốc cách đây hai năm, gọi là để giúp độc giả “hiểu đúng” Thánh Kinh. Các mục sư Cơ Đốc Giáo phản đối thì bị bắt giam vì tội “kích động lật đổ nhà cầm quyền” và nhà thờ bị xem là “hoạt động trái phép” rồi bị đóng cửa. Nhiều nhà thờ đã bị đóng cửa vì không cho phép nhà cầm quyền lắp đặt camera bên trong nhà thờ để theo dõi.

chủ tịch Tập Cận Bình

Theo báo cáo của ChinaAid, không chỉ Công Giáo mà các tôn giáo khác cũng chịu chung số phận, trong đó có những người theo Phật Giáo Tây Tạng, tín hữu Tin Lành của nhiều hệ phái khác nhau, v.v… Cuộc bố ráp rầm rộ các chùa chiền và nhà thờ, rồi đến việc đột nhập các cuộc họp nhóm họp tại tư gia. Mục sư Wang Yi đã cùng với hơn 400 mục sư của các “nhà thờ tư gia” và đông đảo tín hữu ký tên vào bản Tuyên Bố Chung, phản đối cuộc bố ráp tôn giáo. Vụ này dẫn đến cuộc đàn áp “giáo hội hầm trú” trên toàn quốc. Mục sư Wang Yi bị kết án 9 năm rù. Vô số người bị ngược đãi, sách nhiễu, tù tội cho đến ngày hôm nay, dưới thời đại Tập Cận Bình.

Giáo Hội Yêu Nước và Giáo Hội Hầm Trú

Trở lại bài tường thuật của Angeline Tan, sau khi nhà cầm quyền Trung Cộng ký kết với Vatican các thoả thuận cuối năm 2016, thì cuộc bắt bớ lại tăng nhiều hơn. Các tổ chức nhân quyền đưa ra báo cáo năm 2018 viết rằng, nhiều nhà thờ không thuộc “giáo hội yêu nước” thì bị đóng cửa. “Giáo hội yêu nước” được công khai hoạt động, có công an Cộng sản bám sát theo dõi. Các tín hữu Thiên Chúa Giáo có thể bất ngờ bị bắt giam. Do đó, tín hữu Công Giáo và Tin Lành đổi sang sinh hoạt theo kiểu “giáo hội hầm trú”. Tức là quay về sinh hoạt thầm lặng để tránh sự dòm ngó của nhà cầm quyền Trung Cộng.

Trong bài tường thuật của Angeline Tan còn cho biết, báo cáo của ChinaAid, ghi nhận có đến 1,700 nhà thờ ở Triết Giang bị nhà cầm quyền bắt phải gỡ bỏ các Thánh giá chung quanh nhà thờ, vì lý do “an toàn”. Có nhà thờ phải thay thế tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu bằng chân dung chủ tịch Tập Cận Bình. Các vị lãnh đạo họ đạo “yêu nước” bị bắt buộc quảng bá về đảng cộng sản và chủ tịch Tập Cận Bình trong các cuộc lễ.

Trong một bài phát biểu về chính sách tôn giáo, Tập Cận Bình tuyên bố: “Chúng ta [đảng cộng sản] phải kiên quyết đề phòng sự xâm nhập từ nước ngoài xuyên qua các tôn giáo và phải ngăn chặn sự ‘xâm phạm ý thức hệ từ những kẻ cực đoan’”. Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, đảng cộng sản phải khống chế và buộc các tôn giáo phải được thuần hoá, và được kiểm soát bởi chế độ.

Tại Hội Nghị Công Tác Tôn Giáo Toàn Quốc năm 2016, Tập Cận Bình tuyên bố rằng đảng phải “tích cực hướng dẫn các tôn giáo thích nghi với xã hội chủ nghĩa. Một nhiệm vụ quan trọng là hỗ trợ các tôn giáo thấm nhuần tư tưởng Trung Quốc”. Nghĩa là phải “Hán hoá” Thiên Chúa Giáo.

Càng Đàn Áp, Giáo Hội Hầm Trú ở Trung Cộng Càng Phát Triển

Nhận xét của bình luận gia Andrew Brown trên báo The Guardian của Anh Quốc, được Angeline Tan đưa vào bài tường thuật, nhận định rằng, “Cấu trúc phi tập trung của Cơ Đốc Giáo giúp đạo phát triển và lan rộng, khiến các nhà cầm quyền khó phá hoại cũng như không thể khống chế”. Andrew Brown so sánh Vua Henry VIII của Vương Quốc Anh với Tập Cận Bình của Trung Cộng, Andrew Brown cho rằng, bàn tay của Tập Cận Bình đã vấy máu, rồi sẽ chuốc lấy sự thất bại. Vua Henry VIII của Anh Quốc là người từng ra lệnh tra tấn đến chết 14 tu sĩ Công Giáo vì không nghe theo nhà vua phản lại Giáo Triều La Mã. Ông vua đã thể hiện sự cao ngạo và độc đoán, muốn kiểm soát hoàn toàn các tôn giáo ở Anh Quốc, nhưng đã thất bại. Henry VIII hay bất cứ triều đại nào cũng phải suy tàn, nhưng Thiên Chúa Giáo thì sẽ sống mãi. Và chế độ Trung Cộng sẽ tàn lụi là điều tất yếu.

Dưới triều đại của Tập Cận Bình, giáo hội Công Giáo và các hệ phái Tin Lành đang dần dần phân tán mỏng để sống còn. Họ thấm nhập sâu trong quần chúng mà đảng cộng sản không có cách nào kiểm soát được. Tự thân các hệ phái Tin Lành là các giáo hội không tập trung tiện cho đạo này tồn tại. Giáo hội Công Giáo tại Trung Quốc chỉ mong được thống thuộc Vatican thì bị cản trở. Họ vẫn âm thầm giữ đạo và sống đạo dù chưa được Vatican chấp thuận.

Quan điểm của Vatican là Công Giáo ở Trung Quốc bị chia rẽ; trong khi nhà cầm quyền Trung Cộng thì muốn thanh toán “giáo hội hầm trú” và ưu tiên phát triển “giáo hội yêu nước”. Từ đó phát sinh ra nhu cầu gặp nhau của cả hai bên.

Đức Hồng Y Joseph Zen tại Hongkong chỉ trích mạnh mẽ sự thoả hiệp của Vatican, cho đó là một cuộc bán đứng giáo hội Công Giáo Trung Quốc. Theo đòi hỏi của nhà cầm quyền Trung Cộng, Vatican đã ép buộc các giám mục của “giáo hội hầm trú” về hưu và loại bỏ hệ thống “giáo hội hầm trú” ở lục địa. Linh mục Jeroom Heyndrickx, người Bỉ, đã từng làm công tác mục vụ tại lục địa Trung Hoa trên 60 năm, cho rằng, đã đến lúc Vatican và Bắc Kinh phải đi đến cuộc thoả thuận. Ngài nhận xét, Giáo Hội cũng như nhà cầm quyền Trung Cộng, cả hai đã có “những thay đổi đáng kể” và cần đi đến một thoả thuận.

Tại quận Chinh Định, tỉnh Hà Bắc, Giám mục Phaolo Dong Guanhua không chấp nhận để cho giáo xứ thống thuộc “giáo hội yêu nước”; cả Bắc Kinh lẫn Vatican đều xem giám mục Phaolo Dong Guanhua là người ngoại cuộc.

Báo cáo của Freedom House, năm 2017 cho biết, chỉ riêng trong nước đã có khoảng 100 triệu tín hữu Thiên Chúa Giáo. Con số đó đã vượt qua con số 90 triệu đảng viên của Trung Cộng trong năm đó. Họ là tín hữu Thiên Chúa Giáo, đặt niềm tin vào Thiên Chúa, bất kể thuộc giáo hội nào. Càng tin tưởng vào Thiên Chúa thì họ càng khinh khi đảng cộng sản. Con số 100 triệu tín hữu đó thực sự đe doạ đảng cộng sản.

Xem lại các trang lịch sử mới đây, Giáo Hội Công Giáo là động lực dẫn đến sự sụp đổ các chế độ cộng sản ở Ba Lan và các nước Đông Âu. Sự sụp đổ của chế độ Xô Viết cho thấy dân chúng ở khắp nơi quăng vào thùng rác cái chủ nghĩa Mác-Lênin, mà nó vẫn là học thuyết chính thức của chế độ Trung Cộng ngày nay.

Sự thoả thuận giữa Vatican và Bắc Kinh được nói đến công khai nhưng chưa ai biết cụ thể nội dung ra sao. Chỉ thấy, càng ngày giáo dân càng không muốn dự lễ ở “nhà thờ yêu nước”. Họ tìm đến các “họ đạo chui” thuộc “giáo hội hầm trú”. Họ không để cho công an cộng sản rình rập. Họ bền bỉ bảo vệ Đức Tin trong hầm trú, một thứ Hang Toại Đạo ở Trung Hoa lục địa.

* *  * *

Phần cuối bài tường thuật, Angeline Tan nhận xét rằng, Trung Cộng vẫn thường xuyên tận dụng hệ thống tuyên truyền để nói những điều nhân nghĩa với dân chúng. Nào là “do dân, vì dân,… cán bộ cộng sản cùng ăn, cùng ở, cùng làm… với nhân dân. Nhưng thực tế thì ngược lại. Trong những năm có dịch bệnh COVID-19, đảng cộng sản cầm quyền Trung Cộng, vốn say mê quyền lực, lợi dụng nạn dịch để đưa ra chính sách cô lập và toàn kiểm dân chúng bằng nhiều kỹ thuật mới. Nhưng, nó chỉ có thể áp dụng và khuất phục những người bình thường. Đối với các tín đồ Thiên Chúa Giáo thì khác. Họ đã chịu đựng nhiều cuộc bách hại lâu năm và có sức chịu rất bền. Đức tin của họ sẽ không bị bẻ gẫy.

photo: www.thebeijinger.com

Trong những năm sau này, Trung Cộng gia tăng các chương trình khai thác sức lao động của dân tộc Uyghur, Tân Cương,… rồi đàn áp phong trào Pháp Luân Công,… buôn bán nội tạng con người, càng làm cho dân chúng xa lánh nhà cầm quyền và oán hận đảng cộng sản Trung Cộng. Người ta nhận thức và ngán ngẫm cái đạo đức giả của chế độ và tiêu chuẩn “nói một đàng, làm một nẻo” (double standard) của đảng cộng sản. Người dân hoàn toàn mất tin tưởng vào nhà cầm quyền.

Xã hội Trung Quốc có một khoảng trống tôn giáo do đảng cộng sản vô thần gây ra trong nhiều năm. Càng ngày, người dân Trung Hoa càng tìm đến đạo Thiên Chúa. Càng sinh hoạt với Thiên Chúa Giáo thì càng thấy cái bỉ ổi của đảng cộng sản. Cho nên, đảng cộng sản Trung Quốc phải tính đến việc thanh toán Thiên Chúa Giáo. Như Mao Trạch Đông đã tuyên bố: “Thiên Chúa Giáo là Kẻ Thù Số 1”.

Căn cứ trên các con số người bị bắt trong lúc truyền giáo tăng cao, Angeline Tan đưa nhận xét rằng, kể từ sau khi có thoả hiệp với Vatican, nhà cầm quyền Trung Cộng càng xiết chặt tôn giáo gay gắt hơn. Nhưng, con số người theo Đạo Chúa vẫn gia tăng.

Ngay sau khi Vatican có thoả hiệp với Trung Cộng, Đức Hồng Y Joseph Zen ở Hongkong (đã nghỉ hưu) phát biểu trên đài phát thanh BBC, ông nói “…Chúng tôi đã phải chịu đựng nhiều thứ, nhưng không sao cả. Chúng tôi biết chúng tôi sẽ bị đàn áp mạnh hơn… Chế độ cộng sản không bao giờ thay đổi chính sách. Họ không cần phải thỏa hiệp với Thiên Chúa Giáo. Họ muốn chúng tôi đầu hàng”. Lời phát biểu khẳng khái của Hồng Y Joseph Zen cho thấy, tín hữu Thiên Chúa Giáo sẽ không bao giờ đầu hàng. Điều này đủ nói cho thế giới rằng, các tín hữu và các vị lãnh đạo Thiên Chúa Giáo ở Trung Hoa lục địa sẵn sàng đối đầu với cộng sản, bất chấp hậu quả.

Sơn Hà (Feb.2023)

From: Hong Lien Nguyen &My Tran

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay