Nguyễn Quyết TRANG VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM
NHỚ VỀ MỘT NHẠC SĨ VẮN SỐ
(Bài viết có sưu tầm một số tài liệu)
Trước năm 75, ở miền Nam nổi lên rất nhiều nhạc sĩ tài năng. Nhạc sĩ gốc miền Tây như Thanh Sơn, Nhật Ngân, Trúc Phương, Lam Phương…nhạc sĩ ở miền Bắc di cư vào Nam như Anh Bằng, Phạm Đình Chương, Phạm Duy…đã có những sáng tác rất hay khi tuổi đời mới 16,17. Lam Phương có ca khúc ” Chiếc đò vĩ tuyến” khi ông mới 16 tuổi là một điển hình.
Nhưng có lẽ mọi người còn nhớ một nhạc sĩ khác không hề kém cạnh, người gốc Mỹ Tho, đấy là Anh Việt Thu. Ông sáng tác bài “Giòng An giang” nổi tiếng khi mới 17 tuổi. Cũng năm ấy ông thi đậu vào trường Quốc gia âm nhạc Sài gòn và mấy năm sau tốt nghiệp loại Á khoa khóa học. Cùng trào lưu nền nhạc điệu bolero, Anh Việt Thu đã cho ra đời những nhạc phẩm “Tám điệp khúc”, “Người ngoài phố” v.v… và một nhạc phẩm rất hay khác là “Hai vì sao lạc” nói về tình bạn giữa nhạc sĩ và người bạn nam thi sĩ Anh Phương quê ở Sóc Trăng. Danh xưng “Người” và “Ta” làm mọi người nhầm Nhạc sĩ có tình cảm với người con gái nào đó.
Năm 1972, Anh Việt Thu là một trong 12 nhạc sĩ du ca ấn hành tuyển tập nhạc “Hát cho những người sống sót”. Ông đã viết những ca từ đậm chất hồn quê: “Một ngày Việt Nam thơm lừng hòa bình, một ngày Việt Nam bay tràn thế giới”…
Tài năng vắn số. Anh Việt Thu qua đời khi ông mới 37 tuổi, lúc đó là tháng 3 năm 1975 vì căn bệnh “Hoại thận” quá ngặt nghèo. Ông ra đi để lại bao thương tiếc cho người vợ là bà Nguyễn Nữ Hiệp, cựu nữ sinh Gia Long và 2 cậu con trai. Khán giả mất đi những ca khúc hay, càng thương cảm khi biết cuối đời nhạc sĩ sống trong bệnh tật và nghèo đói kiệt quệ. Ông ra đi sau khi để lại ca khúc cuối là bài ” Đi về phía mặt trời” mà khán giả ít có người được thưởng thức.
Chỉ những người bạn thân của ông mới biết và hát vĩnh biệt ông: “Tôi đưa anh đi, đi về phía mặt trời/ Đưa ngày về, đưa ngày về bóng xế trưa trưa…/ Tôi đưa anh đi về phía có ruộng đồng/ Đồng rạ vàng, đồng rạ vàng, /Nơi bạn bè rong chơi an nghỉ lần cuối cùng”.
Trong những ngày bệnh tật, nhạc sĩ Anh Việt Thu vẫn khao khát cuộc sống. Ông chỉ khao khát có được một căn nhà nhỏ nơi quê nhà, có được một chiếc xe đạp, và chiều về có gì ăn nấy. Vậy mà không được. Ông về thế giới bên kia khi mùa xuân năm ấy chưa tàn!
Khi sưu tầm những bài viết về nhạc sĩ Anh Việt Thu, người viết không khỏi bùi ngùi thương xót, nhớ lại những câu hát trong nhạc phẩm “Tám điệp khúc” của ông:
“Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu/Bàn tay năm ngón mưa sa/Dìu anh trong tiếng thở/Đưa tiễn anh đi vào đời”.