“Ones Vie Romam”
(Trích nhật ký của một linh mục trẻ)
Cao Gia An, S. J.
(Roma)
Má vào phòng con dọn dẹp. Cầm lên mớ giấy tờ chữ nghĩa lạ lẫm, Má hỏi:
– Này là vé máy bay phải không con?
– Dạ, Má! – Con trả lời – Này là vé từ Roma về Việt Nam. Còn này là vé từ Việt Nam qua lại Roma.
Dường như Má bị chưng hửng.
– Ủa, sao phải qua lại Roma nữa hả con?
– Dạ, con còn phải đi học mà má…
– Còn phải học gì nữa sao? Con đã học hơn 5 năm rồi còn gì! Với lại bây giờ con đã làm cha rồi mà…
– Làm cha rồi thì có gì oai đâu má… Có làm cha đi nữa thì cũng còn nhiều cái phải học lắm. Con còn dốt thí mồ!
Vậy là Má gật đầu im lặng. Con biết Má không hiểu, nhưng im lặng nghĩa là Má tin lời của con. Má là vậy. Có nhiều điều Má không hiểu về con. Không phải lúc nào Má cũng biết rõ về những chuyện con làm. Nhưng chỉ cần biết đó là chương trình nhà Dòng dành cho con, vậy là Má không thắc mắc gì thêm nữa.
Còn nhớ ngày con về báo với cả nhà chuyện nhà Dòng sắp gởi con đi học ở Roma, ánh mắt của ba sáng lên niềm vui và hạnh phúc. Má cũng vậy. Má không ngồi lại một chỗ để tâm sự với con như cách của ba, nhưng nhìn cách Má tất tả bận rộn, con biết Má đang vui lắm. Chắc Má không ngờ con trai của Má lại có thể đi xa như vậy, được đến một nơi đặc biệt như vậy. Vậy là Má cứ âm thầm mà dõi theo con.
Lòng con cũng rộn ràng háo hức đâu kém gì. Những ngày được huấn luyện trong Tập Viện và trong giai đoạn học Triết, anh em chúng con đã luôn được chuẩn bị tinh thần và nhiệt huyết để sẵn sàng được gởi đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, miễn là có thể phục vụ cho Chúa, phục vụ Giáo hội và phục vụ con người. Nhưng con không nghĩ chuyến đi của mình lại xa như vậy. Con lại có linh cảm chuyến đi của mình không chỉ xa mà còn dài nữa…
Thế là con bắt đầu bước chân vào cuộc đời của một nhà truyền giáo. Thật kỳ diệu!
* * *
Một trong những hình ảnh đầu tiên thu hút con, trở nên động lực đầy gợi hứng cho con trong hành trình tu trì, là hình ảnh của những nhà truyền giáo. Hồi nhỏ con thích đọc sách lắm, nhưng sách vở lại khan hiếm. Tìm được quyển sách nào là con cứ say mê mà đọc… Mùa hè năm lớp năm, có mấy sơ cho con mượn quyển sách “Uống nước nhớ nguồn”, chuyện về 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam. Những câu chuyện ấy hút hồn con, nhất là chuyện về những nhà truyền giáo từ bỏ quê hương xứ sở, bỏ họ hàng thân thuộc, bỏ cả những ước mơ tuổi trẻ, lên đường đến tận miền Viễn Đông xa xôi, để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Con cứ tự vấn mình hoài: Đâu là động lực thật sự để những nhà truyền giáo này sẵn sàng bỏ cả một Châu Âu phồn hoa đô hội để đến tận xứ sở khỉ ho cò gáy, sẵn sàng đối mặt với bao nhiêu là hiểm nguy bách hại, sẵn sàng chôn vùi cả cuộc đời mình? Con thấy lý tưởng sống ấy quá đẹp và quá cao cả. Con đọc đi đọc lại lời kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: “…các Ngài đã chấp nhận nên như hạt giống gieo vào lòng đất, để Hội Thánh Việt Nam thu lượm được mùa lúa dồi dào”, và nghe từ tận thâm sâu lòng mình trỗi dậy một niềm biết ơn rất chân thành và sâu xa. Đức tin và ơn gọi của con bám rễ và lớn lên từ lòng biết ơn ấy.
Và hôm nay con được gởi sang Roma để làm việc, bắt đầu cuộc đời của một người truyền giáo, được đi lại hành trình của các nhà truyền giáo ngày xưa, theo hướng ngược lại… Con có cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn của mình cách cụ thể bằng chính cuộc sống và ơn gọi của mình.
Roma đón con vào một ngày Chúa Nhật đầy nắng. Dù mệt lả sau chuyến bay dài, lòng con vẫn rộn ràng và bồi hồi xúc động khi được đưa về cộng đoàn nhà Dòng, căn nhà ở gần sát bên Vương Quốc Vatican. Đêm đầu tiên, con quỳ gối một mình giữa Quảng Trường Thánh Phêrô, thấy mình như một đứa con nhỏ bé giữa lòng một người mẹ mênh mông.
Hai hàng cột ở hai bên Quảng Trường như vòng tay dang rộng, vừa chở che nâng đỡ vừa chào đón và bao bọc lấy đời con. Hai vòi nước ở hai bên Quảng Trường đẹp huyền hoặc trong dòng ánh sáng tan chảy và hoà quyện theo những tia nước. Âm thanh đều đặn của vòi nước nghe êm dịu và mềm mại như một điệu ru…
* * *
Sau một thời gian ngắn học ngôn ngữ, con bắt đầu vào làm việc tại Radio Vatican. Lại thêm một ân huệ kỳ diệu nữa trên cuộc đời con. Ngày đầu tiên được nghe giọng của mình phát trên radio, con xúc động lắm. Con như được nghe lại và chạm lại khung trời của những ngày xưa thân ái. Cả một trời ký ức của tuổi thơ ùa về trong con…
Nhớ những ngày còn nhỏ, con hay dậy sớm để nghe đài với ông nội. Sáng sớm, trời lạnh, con thường thu mình co ro ngồi lọt thỏm trong lòng ông. Hai ngón tay của ông chậm rãi rà từng kênh đài.
Tiếng radio rột rẹt, cho đến khi vang lên bài nhạc hiệu và lời chào quen thuộc: “Laudetur Jesus Christus – Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô!”… Hồi đó, ông nội dạy con rằng mình đang nghe Radio Vatican, là cung giọng chính thức của Đức Giáo Hoàng ngỏ với toàn thế giới. Ông hướng con về Thánh Đô của Giáo Hội, một nơi thật đẹp nhưng cũng thật xa…
Chắc ông nội không bao giờ ngờ rằng ba mươi năm sau, giọng của con vang lên trên chiếc radio ấy. Cũng lời chào này, cũng nhạc hiệu này. Từ trên Thiên Đàng nhìn xuống, chắc ông nội đang nghe giọng của con, phải không? Người ta thường nói: Đường nào cũng dẫn về Roma. Con không biết tại sao con được dẫn về Roma. Con cũng không biết hành trình ở Roma rồi sẽ dẫn con về đâu, sẽ kéo dài bao lâu…
Nhưng con tin vào bàn tay quan phòng kỳ diệu của Chúa trên hành trình của một người sống đời dâng hiến. Con tin rằng từ Roma cuộc sống sẽ nở hoa.
Lời vàng
– Thập giá vác trên vai thường nhẹ hơn thập giá kéo lê. (Têrêsa Avila)
– Có đức tin là ký vào một tờ giấy trắng và để Thiên Chúa muốn viết gì vào đó tùy Người. (Augustinô)
– Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình. (Têrêsa Calcutta)
– Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở của tha nhân. (Augustinô)
– Đối với em, cầu nguyện là một sự trào dâng của con tim; cầu nguyện đơn giản là một cái nhìn hướng về trời, là một tiếng kêu nhận biết và yêu thương, ôm lấy cả thử thách lẫn niềm vui. (Têrêsa Hài Đồng Giêsu)
– Nếu chúng ta cầu nguyện, chúng ta sẽ tin tưởng, nếu chúng ta tin tưởng, chúng ta sẽ yêu thương, nếu chúng ta yêu thương, chúng ta sẽ phụng sự. (Têrêsa Calcutta)
From: Le Ngoc Bich & KimBang Nguyen