Biết thêm về ChatGPT- Syndey Trần 

Syndey Trần 

Vào Google type ChatGPT login with Google mail hay tạo ra một ID & PW mới, hỏi bất cứ vấn đề gì, chẳng hạn như giải một bài toán khó, viết một project coding với ngôn ngữ C plus tất cả nó giải quyết thật nhanh và chính xác với tất cả mọi ngôn ngữ. Thí dụ tôi nhờ nó giải một bài toán đố: “Vừa gà vừa chó có 36 con, trói lại cho tròn đếm đủ 100 chân, hỏi có bao nhiêu con gà và bao nhiêu con chó”.
Nó giải và trả lời đúng chính xác trong 30 giây. Chúng ta thấy dữ liệu trên Google thật đáng nể, GPT không những cho mình dữ liệu mà còn giải quyết vấn đề thật mau chóng.
Kính mời,
Đồng

Biết thêm về ChatGPT (Chat “Generative Pretrained Transformer”)

  ChatGPT 

Hồi cuối năm rồi, lúc tôi mới vọc ChatGPT (lúc đó chỉ gọi nó là AI) thì còn ít người biết.  Đến hôm nay, khi người trong nước tìm được cách đăng ký và sử dụng công cụ này, thì cơn sốt ChatGPT trên mạng quá dữ.

Thay vì viết thêm về khả năng của ChatGPT, tôi xin cống hiến một chút thông tin thú vị về nguồn gốc và tương lai của hệ thống công nghệ này.

Đầu tiên chúng ta nên tìm hiểu ý nghĩa của cái tên ChatGPT.  Chat thì ai cũng biết là nói chuyện, đối thoại rồi.  Còn GPT thì hơi rắc rối một chút.  GPT là viết tắt cho cụm từ “Generative Pretrained Transformer.”

Generative là tạo ra một cái gì đó, thay vì chỉ xếp loại, liệt kê hay đặt tên.  Trong trường hợp này, khi chúng ta hỏi ChatGPT một cái gì đó thì nó sẽ “tạo” ra một câu trả lời cho chúng ta.  Khác với kỹ thuật tra xét tìm kiếm và cung cấp như Google, ChatGPT sẽ tạo ra những câu trả lời “mới” dựa trên những gì nó “hiểu”.

Pretrained là được huấn luyện trước.  Có nghĩa là ChatGPT dùng một mô hình trí tuệ đã được đào tạo dựa trên những dữ liệu thông tin khổng lồ.

Transformer – ở đây là một mô hình kiến trúc của mạng nơ-ron, một cách dạy máy tính hoạt động như bộ não của con người.

Tuy ít người biết, công nghệ phía sau ChatGPT không mới.  Mô hình đầu tiên của GPT được thành lập năm 2018, đến nay thì nó đã được 5 tuổi.  Phiên bản GPT hiện đang được mọi người dùng là 3.5.

Giữa tháng 11 năm ngoái, nhân viên của công ty OpenAI nhận được một lệnh khẩn:  Phải làm sao cho ra lò ChatGPT càng sớm càng tốt.  Đây là một đòi hỏi bất ngờ và kỳ quái vì mọi người lúc đó đang nổ lực để trong vòng 2 tuần thì sẽ cho ra phiên bản GPT 4.0 mới.  Họ dự định là sẽ cho ra mắt phiên bản 4.0 vào đầu năm 2023 để mọi người thử nghiệm.

Ai ngờ mấy xếp lớn của công ty đổi ý.  Theo tin đồn thì sẽ có một công ty khác, cũng chuyên môn về AI, sắp trình làng sản phẩm của họ và OpenAI không muốn bị mất thế thượng phong.  Vì vậy họ đã đem phiên bản cũ năm 2020 ra, gấp gáp kiện toàn để 13 ngày sau cho nó ra đời.

Sau hai tháng, hiện nay ChatGPT đã có hơn 30 triệu người dùng, trung bình khoảng 5 triệu lượt truy cập mỗi ngày.  Nó đã đạt kỷ lục là sản phẩm phần mềm phát triển nhanh nhất từ xưa đến nay.  Lúc trước Instragram phải cần đến 1 năm mới có được 10 triệu người dùng.

Vì tăng trưởng nhanh quá, có nhiều người dùng quá, nên ChatGPT thường có vấn đề, có lúc phải ngừng hoạt động vì máy chịu không nổi.  Không những vậy, vì ChatGPT miễn phí nên công ty OpenAI phải chi hàng triệu đô tiền hoạt động mỗi tuần mà không thu được lợi tức gì. Đúng là tiền ra thì như nước mà tiền vô thì không thấy đâu.

Bất chấp những hạn chế đó, ai cũng nhận thấy rằng ChatGPT sẽ thành công.  OpenAI rồi đây sẽ đứng vào hàng những công ty mạnh nhất trong Thung lũng Silicon. Mới đây nó đã thỏa thuận và nhận được 10 tỷ dollars đầu tư từ Microsoft.

Sam Altman, giám đốc của OpenAi, năm nay mới 37 tuổi.  OpenAI cũng là một công ty khác thường. Năm 2015 nó được thành lập dưới tư cách là một công ty bất lợi nhuận, chuyên về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.  Nhóm lãnh đạo cho chương trình này gồm ông Altman, Peter Thiel, Reid Hoffman và Elon Musk (đúng rồi, Elon Musk mà bạn biết đó.)

Vào năm 2019, OpenAI đẻ ra một công ty con (làm việc có lời) và nhận 1 tỷ USD từ Microsoft. Đến nay thì OpenAI có  khoảng 375 nhân viên.

Ngay từ lúc đầu, OpenAI đã tự đặt sứ mệnh cho mình là phải bảo đảm cho việc cung cấp công nghệ trí tuệ nhân tạo cho người dùng một cách an toàn và phù hợp với các giá trị con người. Nhưng trong những năm gần đây, công ty đã chấp nhận cạnh tranh nhiều hơn.  Tinh thần này thường bị chỉ trích là đi ngược lại mục tiêu ban đầu của công ty.

Âu cũng là vấn đề dĩ nhiên.  Để tồn tại và phát triễn trong xã hội tư bản, một công ty không thể sống bằng lý tưởng.

Baidu, công ty khổng lồ của Trung Quốc, đang chuẩn bị giới thiệu một chatbot tương tự như ChatGPT vào tháng 3 tới. Anthropic, một công ty A.I. được thành lập bởi các cựu nhân viên của OpenAI, đang đàm phán để tìm 300 triệu đô la đầu tư mới. Google hiện đang chuẩn bị cho ra lò hơn một tá công cụ A.I.

Trở lại lúc đầu, chúng ta đừng quên rằng phiên bản 4.0 của ChatGPT dự trù sẽ được cho ra mắt trong năm nay. Biết đâu, chức năng của nó sẽ vượt bực khiến cho ChatGPT hiện giờ trở thành sơ đẳng.

Cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo đang bắt đầu gây cấn.  Là hành khách, chúng ta hãy thắt chặt dây an toàn và chuẩn bị cho chuyến phiêu lưu đầy thú vị.

Syndey Trần 

From: Do Tan Hung & KimBang Nguyen

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay