January 15, 2023
HÀ NỘI, Việt Nam (NV). – Mới chỉ có 10 tỉnh xin trung ương cấp gạo cứu đói và đói giáp hạt cho dân đầu năm 2023 được loan báo lai rai mấy ngày qua.
Theo thông lệ hàng năm, nhà cầm quyền tại nhiều tỉnh nghèo tại Việt Nam xin nhà cầm quyền trung ương xuất từ kho lương thực dự trữ, phát gạo để chống đói vào dịp tết cũng như giúp họ vượt qua cơn đói trong khi chờ thu hoạch nông sản mùa kế tiếp gọi là “đói giáp hạt”.
Công nhân thất nghiệp ở tỉnh Bình Dương đi lượm ve chai kiếm sống khi tết Quý Mão sắp đến. (Hình: VNExpress)
Từ giữa Tháng Mười Hai 2022, tin tức được một số báo đưa tin nói có 14 tỉnh tại Việt Nam xin nhà cầm quyền trung ương cấp gạo cứu đói dịp Tết Quý Mão và đói giáp hạt 2023 cho dân nghèo. Tuy nhiên, đến nay qua ba đợt thông tin tuyên truyền, thấy có 10 tỉnh được cấp gạo cả từ miền bắc đến miền nam.
Trang mạng chinhphu.vn đưa tin, ngày 13 Tháng Giêng nhà cầm quyền trung ương đã cấp hơn 61 tấn gạo cho tỉnh Bắc Kạn và hơn 91 tấn gạo cho tỉnh Kon Tum “hỗ trợ nhân dịp tết Quý Mão” bên cạnh hơn 90 tấn gạo cho Kon Tum giúp dân địa phương chống đói giáp hạt năm 2023.
Cũng vào ngày này, 5 tỉnh gồm Tuyên Quang, Trà Vinh, Đắk Nông, Quảng Bình, Nghệ An được cấp gạo cứu đói dịp tết Quý Mão và đói giáp hạt 2023. Tỉnh Tuyên Quang được cấp hơn 257 tấn gạo và tỉnh Nghệ An được cấp gần 1,326 tấn gạo ăn tết. Ba tỉnh gồm Trà Vinh, Đắc Nông và Quảng Bình vừa được cấp gạo ăn tết vừa phải cứu đói giáp hạt tổng cộng hơn 3,870 tấn gạo.
Trước đó, ngày 20 Tháng Mười Hai 2022, nhà cầm quyền trung ương cấp cho tỉnh Ninh Thuận 1,183 tấn gạo, tỉnh Sóc Trăng hơn 3,927 tấn gạo và tỉnh Cao Bằng hơn 642 tấn gạo để ăn tết.
Báo chí tại Việt Nam mừng rỡ đưa tin nền kinh tế của Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 8.02%, cao nhất Á Châu như sự hãnh diện cho thành tích xuất sắc của chế độ vượt qua cả Trung Quốc, vốn là khuôn mẫu để Hà Nội bắt chước. Thành tích tăng trưởng kinh tế vĩ mô gộp chung thì như vậy trong khi nhiều tỉnh vẫn phải xin cứu đói và dịp tết âm lịch truyền thống và nhất là cái đói khi đồ ăn dự trữ trong nhà đã hết mà mùa đông-xuân sắp thu hoạch thì chưa tới.
Lợi tức trung bình đầu người tại Việt Nam năm 2022 khoảng 3,869 đô la, theo bản báo cáo cuối năm của Tổng cục Thống kê Hà Nội. Con số vừa kể không phản ảnh thực tế của xã hội Việt Nam giữa tầng lớp quan quyền giàu có và đại đa số dân chúng cùng khổ. Khoảng 10 triệu người vẫn còn sống trong nghèo khó, dân lao động tại Việt Nam nếu không có việc làm là đối diện ngay với cái đói.
Gạo cứu đói phát cho dân gần tết Quý Mão. (Hình: minh họa/Công Luận)
Chỉ một tuần lễ trước đây, tức ngày 9 Tháng Giêng, báo mạng VNExpress có bản tin kèm nhiều hình ảnh cho biết, nhiều người lao động làm cho các hãng xưởng mới bị sa thải vì hãng xưởng của họ mất đơn đặt hàng, đã phải vội vàng “thả lưới đánh cá, vớt lục bình làm thực phẩm, nhặt ve chai… kiếm sống”. Những ngày cuối năm 2022, tỉnh Bình Dương có khoảng 28,000 công nhân mất việc và 240,000 công nhân bị giảm giờ làm.
Theo tạp chí Nhịp Sống Thị Trường ngày 26 Tháng Chín 2022, thống kê thấy10 tỉnh có tỉ lệ cách biệt giàu nghèo lớn nhất nước, đều là những tỉnh rất nghèo gồm Cao Bằng, Lai Châu, Bắc Kạn, Sơn La, Gia Lai, Quảng Trị, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Đắk Nông. Hầu hết những tỉnh này đều đổ ra những số tiền rất lớn để xây “tượng đài” trong khi vẫn xin gạo cứu đói.
Một tài liệu hồi năm ngoái của Cục Mỹ Thuật-Nhiếp Ảnh và Triển Lãm thuộc Bộ Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch cho hay trên toàn Việt Nam có hơn 400 tượng đài do các cấp từ trung ương tới tỉnh và huyện đầu tư, quản lý. Tiền xây tượng đài từ vài trăm tỉ đồng đến vài ngàn tỉ đồng. (TN)