BÀI HỌC KHIÊM NHƯỜNG

Rung Nga Nguyen

Thấm thoát Lễ Giáng sinh 2022 một chuỗi nguồn ơn phúc và mùa Giáng sinh đã kết thúc. Có bao giờ tự hỏi tôi đã trải qua bao nhiêu mùa Giáng sinh? Cái gì đã để lại trong tâm hồn trong trái tim tôi khi mùa Giáng sinh kết thúc và tôi đã rút ra được bài học gì sau mỗi mùa Giáng sinh? Hay chỉ biết nghĩ tới mùa Giáng sinh là mùa của mua sắm và những buổi tiệc tùng mà quên đi những bài học khiêm nhường nơi Đấng Cưú Thế giáng trần.

* Đức Giêsu là con Thiên Chúa nhưng Ngài không chọn sinh ra nơi cung vàng điện ngọc, nơi quyền quý cao sang mà lại khiêm nhường sinh ra nơi máng cỏ nghèo hèn!

* Chúa Giêsu không tội lỗi gì nhưng vẫn khiêm nhường đến xin Thánh Gioan được chịu phép rửa như những người tội lỗi khác. Ngài đã thanh tẩy tội lỗi chúng ta để chúng ta xứng đáng là con Thiên Chúa. Lễ kính Chúa Giêsu chịu phép rửa cũng là ngày kết thúc mùa Giáng sinh năm nay ngày 09-01-2023.

* Thiên Chúa dựng lên trời đất muôn vật Ngài làm phép lạ cho 5000 người ăn một lúc, nhưng Ngài khiêm nhường chấp nhận lao động bình thường bằng nghề vất vả chân tay là làm thợ mộc để nuôi sống bản thân.

* Ngài là thầy dậy là Chúa nhưng sẵn sàng khiêm nhường quì xuống để rửa chân cho các môn đệ.

* Sau cùng Ngài đã khiêm nhường chết trên thập giá cùng các phạm nhân như một tội phạm để cứu chuộc nhân loại. Đấng đã hạ mình xuống mức thấp nhất để nâng chúng ta lên.

Đối nghịch với Khiêm nhường là kiêu ngạo được trình thuật trong dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế. Sau khi họ cầu nguyện Chúa Giêsu tuyên bố: “Người thu thuế đã được tha tội, còn người Pha-ri-sêu thì không”. Rồi Ngài kết luận: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18:14).

Thánh Phêrô cũng khuyên: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5:5). Khiêm nhường là nhân đức tối quan trọng, vì đó là nhân đức nền tảng. Trong Kinh Thánh nói tới đức khiêm nhường khoảng 200 lần. Người khiêm nhường không bao giờ nói xấu người khác khi vắng mặt, vì sẽ bị những người nghe mình nói đánh gía thấp về con người của chính mình, họ nghĩ rằng khi họ vắng mặt cũng sẽ là nạn nhân của mình như vậy!

Khiêm nhường không khoe khoang tự cao tự đại vì “Tự cao tự đại là tự sát”, nhưng dùng ưu thế của mình để phục vụ cho mục đích cao thượng mà mình đã theo đuổi, khiêm nhường học hỏi được mọi thứ từ bất kỳ ai, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào và chỉ nhận những lời khen thành thật, không nịnh bợ. Vua Salomon con người khôn ngoan và thông thái, đã nói: “Sự kiêu hãnh đi liền với ô nhục, còn khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường” (Cn 11:2).

Con người dễ ảo tưởng và tự mãn, ma quỉ thì mưu mô và xảo quyệt, nó muốn giành lấy linh hồn của ta nên dùng sự kiêu ngạo để gài bẫy, như đã gài bẫy bà Evà. Thánh Augustinô nhận xét: “Kiêu ngạo biến Thiên Thần thành ma quỉ, và khiêm nhường biến con người thành Thiên Thần”.

Thi hào Nguyễn Du đã khuyến cáo: “Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần” và “Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI”.(Truyện Kiều câu 3247-3248-3252).

Một vĩ nhân như Pythagore (570-495 trước Công nguyên) là một triết gia, chính trị gia, toán học… nhận định: “Đừng thấy bóng mình to mà tưởng mình vĩ đại”. Ông rất sợ thói kiêu ngạo, chúng ta là gì mà dám tôn vinh mình?! Người khiêm tốn làm việc không cần người khác khen ngợi, vì họ đã được phần thưởng từ lương tâm khi họ chu toàn bổn phận và trách nhiệm.

Nguyện chúc mọi người rút ra được một bài học hay sau mỗi mùa Giáng sinh, để trang điểm cho mình một vẻ đẹp tuyệt mỹ bằng loại mỹ phẩm “KHIÊM NHƯỜNG” qua những cách hành xử tốt đẹp với tha nhân, để sẵn sàng đối diện với vẻ đẹp toàn mỹ của Thiên Chúa.

RN

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay