Cháu bé bị rơi vào ống trụ bê tông là một vụ tai nạn thương tâm, cá nhân tôi không muốn suy diễn gì thêm, chỉ kể vài chi tiết về việc đảm bảo an toàn nơi công trường mà tôi được nghe.
Tôi có vài người bạn làm công tác an toàn lao động, chuyên đi theo các công trình xây dựng để thực hiện việc giám sát và quản lý an toàn. Có bạn bảo, sợ nhất là làm cho công trình của người Hàn Quốc là chủ đầu tư, vì yêu cầu về an toàn của họ thật… khủng khiếp.
Ở Việt Nam, nhiều nhà thầu vốn chưa có “văn hóa an toàn”, cứ ngỡ có máy móc, công nhân và tiền bạc, nhẩm tính thấy lợi nhuận lớn thì nhận thầu, chắc mẩm ăn dày. Không ngờ, vào thi công mới tá hỏa. Ví dụ, một chiếc máy xúc, thông thường như ở VN, chỉ cần một công nhân lái là xong. Nhưng không, họ yêu cầu phải có 1 công nhân nữa làm nhiệm vụ cầm cờ luôn theo sát, người lái máy chỉ được thực hiện theo hiệu lệnh của người cầm cờ ấy. Chi phí tăng lên, một thành 2. Đó là chưa kể việc giám sát an toàn nhiều cấp nữa ở vòng ngoài. Nhà thầu có năng lực tài chính yếu có thể phá sản như chơi vì những yêu cầu an toàn như thế.
Bạn kể, không thể hình dung là họ (Hàn Quốc và nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác) lại nghiêm ngặt đến thế. Sáng mai, trước khi bắt đầu vào công việc, tất cả công nhân được tập hợp lại, phổ biến về an toàn, tập các động tác thể dục, hát, và làm nhiều thủ tục khác. Mọi hoạt động trên công trường phải tuân thủ tuyệt đối, kể cả vị trí để vật liệu, cách rào chắn, cảnh báo, v.v.. Cái câu “An toàn là trên hết” hoàn toàn sự thật, chứ không phải tiền là trên hết như ở ta.
Nhìn công trình nơi cháu bé bị lọt xuống hố cọc, một kỹ sư an toàn đã từng đi làm cho Hàn Quốc hay các doanh nghiệp nước ngoài khác không thể tưởng tượng được. Nó nham nhở, ngổn ngang, không rào chắn, không che đậy. Đó phải gọi là một khu bẫy người.
Đảm bảo an toàn ở mức càng cao thì chi phí càng lớn, chi phí nhân công, chi phí vật tư, chi phí về năng suất lao động… Vì thế, nếu không có những đòi hỏi và giám sát nghiêm ngặt của chủ đầu tư thì các nhà thầu sẽ sẵn sàng làm ẩu ngay. Mỗi cái chết vì thiếu an toàn, như vẫn âm thầm xảy ra trong bóng tối, nhà thầu bỏ ra 1 – 2 trăm triệu là xong. Đó là một chi phí quá nhỏ nếu đem so với số tiền phải chi ra để đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối mà đáng ra họ luôn phải thực hiện.
Vì thế, ở những xứ man dã, sinh mạng con người trở nên rẻ mạt chưa từng có, nó được tính bằng tiền với mệnh giá thấp.
Đó không phải chỉ là chuyện trách nhiệm, hơn cả, nó thể hiện một xã hội rối loạn và tình trạng hoang dã trong tinh thần. Chung quy, cũng vì thiếu thốn một nền quản trị quốc gia lành mạnh, số phận con người vì thế mà luôn bấp bênh, may nhờ rủi chịu…
Thái Hạo