Bỏ tiền tỷ xây tượng đài, nhưng 14 tỉnh xin gạo cứu đói dịp Tết Quý Mão

Báo Nguoi-viet

December 27, 2022

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) –Mặc dù bỏ tiền tỷ xây tượng đài to lớn nhưng dịp Tết Quý Mão sắp đến, 14 tỉnh xin nhà cầm quyền trung ương cấp gạo cứu đói cho dân như thông lệ hằng năm.

Tờ Tiền Phong hôm Thứ Hai, 26 Tháng Mười Hai, đưa tin về cuộc họp báo của Tổng Cục Dự Trữ Nhà Nước trực thuộc Bộ Tài Chính, nói cơ quan này chờ lệnh của thủ tướng để mở kho cung cấp 15,400 tấn gạo cho dân tại 14 địa phương thiếu đói dịp Tết Quý Mão 2023.

Tỉnh Đắk Nông, một trong những tỉnh xin cấp gạo, vừa khánh thành tượng đài N’Trang Lơng kinh phí hơn 167 tỷ đồng ($7 triệu) hôm 20 Tháng Mười Hai. (Hình: Dương Phong/Lao Động)

Các địa phương được nêu tên xin cấp gạo gồm Ninh Thuận, Sóc Trăng, Cao Bằng, Nghệ An, Trà Vinh, Tuyên Quang, Đắk Nông, Đắk Lắk, Quảng Bình, Bạc Liêu, Gia Lai, Bắc Kạn, Bình Phước, Quảng Ngãi. Trong số các tỉnh vừa kể, có những tỉnh rất nghèo nhưng vẫn vung tiền xây những khu “tượng đài” rất to từ hàng chục tỷ đến hàng trăm hay hơn ngàn tỷ đồng.

Tờ Tiền Phong nói rằng trong năm 2022, nhà cầm quyền trung ương đã xuất kho 107,327 tấn gạo, tổng trị giá 1,287 tỷ đồng ($54.5 triệu): “Trong đó gồm: hỗ trợ cứu đói dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, hỗ trợ giáp hạt đầu năm, hỗ trợ dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tại do ảnh hưởng mưa lũ, hạn hán, mất mùa, hỗ trợ học sinh, hỗ trợ trồng rừng và xuất viện trợ cho Philippines, để khắc phục hậu quả mưa bão.”

Riêng dịp Tết Nhâm Dần, báo VNExpress nói hơn 11,448 tấn gạo đã được Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội xin chính phủ xuất cấp cho hơn 658,000 người tại nhiều địa phương “cần gạo cứu đói.” Năm nào cũng vậy, gạo cứu đói thường bị các quan địa phương lạm dụng như một cách ban phát ân huệ riêng, hoặc ăn cắp bớt phần phát cho dân để đem bán hay đem nuôi gia súc.

Mấy năm trước, một viên chức ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, bị cáo buộc không phát gạo cứu đói cho một số gia đình đã có tên trong danh sách được trợ cấp. Một số gia đình khác thì nhận được số lượng gạo ít hơn số họ phải được nhận. Ông này đã giả chữ ký của nhiều người để hợp thức hóa hồ sơ cấp phát.

Một tỉnh khác như tại Phú Yên, dân thôn Phú Khê thuộc xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, đã đồng loạt trả lại gạo cứu đói phát cho họ. Lý do mỗi người phải nhận được 15 kg gạo, thì chỉ nhận được có 10 kg, theo báo Tiền Phong.

Dân Hà Nội ngồi chờ nhận gạo cứu đói Tháng Tư, 2020, khi nhà cầm quyền phong tỏa cả nước để chống dịch COVID-19. (Hình: Kênh 14)

Theo tạp chí Nhịp Sống Thị Trường ngày 26 Tháng Chín, 10 tỉnh có tỉ lệ cách biệt giàu nghèo lớn nhất nước, đều là những tỉnh rất nghèo gồm Cao Bằng, Lai Châu, Bắc Kạn, Sơn La, Gia Lai, Quảng Trị, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Đắk Nông. Hầu hết những tỉnh này đều đổ ra những số tiền rất lớn để xây “tượng đài” trong khi vẫn xin gạo cứu đói.

Một tài liệu hồi năm ngoái của Cục Mỹ Thuật-Nhiếp Ảnh và Triển Lãm thuộc Bộ Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch cho hay trên toàn Việt Nam có hơn 400 tượng đài do các cấp từ trung ương tới tỉnh và huyện đầu tư, quản lý.

Hai tuần trước, người ta thấy Bộ Công Thương khoe rằng thương mại hai chiều của Việt Nam năm nay đạt đến $700 tỷ, thặng dư mậu dịch $10 tỷ, một trong những điểm sáng của thương mại thế giới. Nay lại có tin 14 tỉnh cần gạo cứu đói. (TN) [qd]

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay