Viet Phuong
LỜI CẢM ƠN MUỘN MÀNG
Việt phương
Tôi đặt chân đến phi trường Dallas/ Fort Worth vào cuối thu. Cái lạnh khiến tôi tỉnh táo người hơn, khi buổi sáng phải bị thức dậy sớm ở Los Angeles để kịp chuyến bay về Dallas như trong lịch trình. Thành phố Dallas nhìn từ trên cao khi trời đang ren rén vào đông, thật buồn. Những thảm cỏ ngút ngàn đã đổi thành màu da bò trông lành lạnh.
Ra đón tôi là người anh cả cùng chị dâu tôi. Anh chị trẻ và đẹp hơn những tấm hình đã gửi về. Trong cái dè dặt ôm anh, tôi thấy cả một bầu trời yêu thương. May quá, tôi không đến nỗi bơ vơ trên xứ người.
Tuần lễ đầu tiên, anh tôi tập cho tôi lái xe, đi thi lấy bằng viết, rồi bằng lái. Tôi còn trẻ nên việc “tiếp thu” cũng không đến nỗi chậm chạp. Sau một tuần là tôi đã có được bằng lái xe tạm để đi làm. Anh chị tôi cho tôi mượn chiếc xe Oldsmobile đời 1975 màu hoàng đồng, cũ và thô kệch như một chiếc xe tăng. Anh tôi dẫn tôi xin việc trong một hãng tiện. Tôi được nhận vào làm ngay. Hôm sau, một mình tôi lái xe đi làm. Vì ra lộn exit, bị lạc đến nửa ngày. Rồi lại mò về nhà. Lạc đường muốn khóc. Tôi ngồi trên xe mà như ngồi trên ổ kiến lửa. Tôi chạy vòng quanh. Trời ơi, đường xá gì mà như màng nhện. Xe cộ chạy ào ào như thác lũ. Kinh hãi quá! Tôi lại bị cuốn trong dòng thác ấy, không biết đường nào ra. Về tới nhà. Anh tôi an ủi tôi. Chú chạy được về nhà là giỏi lắm rồi. Ngày hôm sau, đích thân anh dẫn tôi vào nói chuyện với superintendent, xin cho tôi được tiếp tục làm việc.
Bắt đầu mùa học, anh tôi dẫn tôi vào trường làm thủ tục ghi danh. Anh chỉ cho tôi môn học nào cần lấy trước. Những bước đầu tiên chập chững ấy, đều có anh tôi nâng đỡ, lo lắng. Anh như người cha. Bởi anh là anh cả, trong khi tôi thua anh đúng 10 tuổi và ở vào hàng thứ năm. Anh nghiêm trang, ít đùa giỡn; hơn nữa khoảng cách tuổi tác khiến tôi không gần gũi anh như một người bạn. Có thể tâm sự với anh những điều tôi suy nghĩ trong đầu. Tuy nhiên, tình cảm anh dành cho các em và gia đình lúc nào cũng tràn đầy, lai láng. Chúng tôi hiểu điều ấy. Tôn trọng, và yêu thương anh cũng từ điều ấy.
****
Mùa lễ Thanksgiving đầu tiên, tôi được hãng thưởng cho một con gà tây nặng cỡ 20 lbs. Tôi hớn hở mang con gà tây về nhà. Anh tôi cười:
“Con gà tây nặng sấp sỉ bằng chú rồi đó.”
Tôi cười, vì mới từ đảo qua, vẫn còn da bọc xương:
“Không biết mình làm gì với con gà bự khủng khiếp này?”
“Chú đừng lo. Anh sẽ chế biến ra món ngon chú chưa từng được ăn bao giờ.”
Thế là tôi giúp anh tôi “xả đá” con gà. Trước tiên, anh bảo tôi bỏ gà vào trong nước lạnh, cứ 30 phút là thay nước một lần cho đến khi gà rả hết đá, da thịt đã mềm. Rồi anh ngâm gà trong nước muối, để cách đêm.
Hôm sau, anh mang gà ra khỏi tủ lạnh, anh bóp gà với ít muối tiêu, sau đó anh lấy cọ phết nước bơ chung quanh con gà, anh nói làm cách này da gà sẽ trở thành màu vàng nâu rất đẹp sau khi nướng. Anh lấy chanh cắt thành tám cho vào bụng gà, và sau đó cho thêm gia vị ground spices chà sát vào da gà. Anh gọi đó là massage cho thịt gà được mềm. Anh đổ 2 cups nước cốt gà vào khay, xong đặt gà vào, anh để con gà nằm ngửa. Tênh hênh. Trần truồng. Đút gà vào oven, anh vặn lửa lên 350 độ F, mỗi 45 phút, anh mang gà ra khỏi lò nướng, lấy nước juices từ gà tiết ra dội lại khắp hết con gà cho đều, rồi bỏ vào nướng tiếp. 45 phút sau cùng anh mang gà ra lần cuối, bôi thêm bơ đã được làm tan chảy vào thân gà một lần nữa. Lần này anh nói để da gà giòn hơn, và sẽ đổi thành màu golden brown rất đẹp và hấp dẫn. Anh nướng gà tới 4 tiếng đồng hồ, thật công phu. Anh lấy cây nhiệt độ kế đâm vào ức gà để đo nhiệt độ. Khi thấy nhiệt độ thân gà cỡ 165 độ F, anh bảo gà đã chín rồi. Anh mang gà ra khỏi lò nướng, Cầm gà chúc xuống, cho nước trong con gà chảy ra hết xuống khay, anh dùng nước gà này để làm nước sốt (gravy) ăn với khoai tây nghiền. Sau đó, anh đặt con gà vào một khay khác, lấy aluminum foil bọc lại.
Đêm Thanksgiving năm ấy. Trên bàn đã được chị dâu bày biện mỹ thuật: nào là khoai tây nghiền trắng với nước gravy nâu lóng lánh chút bơ và mỡ gà tây, nào là mứt cranberry đỏ tươi trên đĩa men sứ trắng, rồi bánh bí đỏ, bánh mì Pháp, chính giữa là con gà tây màu da vàng rượm nằm khiêu khích tuyến nước miếng của tôi. Tất cả những món ăn trước đó tôi chưa bao giờ được dùng tới. Chị dâu tôi còn cẩn thận làm thêm mấy món Việt Nam cho tôi nhỡ tôi ăn không được thức ăn Mỹ. Tôi nghĩ tới đồng bào ở Việt Nam lúc bấy giờ đang sống trong giai đoạn “quá độ”, vẫn còn ăn cơm độn khoai mỗi ngày. Tôi nói với anh tôi:
“Lãng phí quá. Chỉ một con gà và bàn tiệc như thế này ở Việt Nam làm đám giỗ, chắc ăn tới cả làng.”
Ba chúng tôi cùng cười vui vẻ. Vâng, chỉ ba người chúng tôi cũng có được một đêm thật ấm cúng gia đình bên con gà tây vàng rượm, nhớ đời.
****
Để tiện cho công việc học hành, tôi dọn vào ở chung với các bạn cùng trường. Tôi không còn ở với anh chị tôi nữa. Nhưng cứ đến mỗi Thanksgiving, tôi lại nhớ đến anh tôi, đến con gà tây anh làm cho tôi dạo nào.
Ngày tháng cứ vun vút trôi. Anh em chúng tôi không gặp nhau thường xuyên lắm, nhưng trong tâm tôi, anh lúc nào cũng chiếm một vị trí quan trọng. Tôi chưa bao giờ nói với anh tiếng cảm ơn mà nước Mỹ đã dạy cho tôi trên đầu môi. Tại sao hai chữ Thank you tôi nói quá dễ dàng trong mỗi xã giao hàng ngày. Nhưng đối với anh tôi, hai chữ cảm ơn lại khó thoát ra khỏi cổ họng đến dường ấy. Với tôi, hai chữ cảm ơn như một sáo ngữ khi nói với anh tôi. Tôi thương anh tôi, nó nằm ở trong tim tôi, chứ không phải ở đầu môi. Tôi nghĩ thế. Nhưng liệu anh tôi có biết là tôi thương anh tôi đến chừng nào?
Những cuốn Tuổi Hoa, Thằng Bờm anh đã mua cho tôi từ dạo bé, tôi không bao giờ quên. Những cuốn sách đã dẫn tôi tập tễnh bước vào thế giới văn chương, trong đó công anh hai tôi không phải là nhỏ. Thế nhưng tôi chưa bao giờ nói với anh hai tiếng cảm ơn. Tôi coi như đó là bổn phận của anh tôi.
****
Ngày anh hai báo cho tôi biết anh bị ung thư lá lách, tôi không thể nào tin được. Nhìn anh vẫn còn mạnh khỏe, da dẻ vẫn hồng hào. Tôi hy vọng đó chỉ là giả thuyết của bác sĩ mà thôi. Rồi anh đi mổ. Tôi đến bệnh viện thăm anh, anh nói với tôi giọng rất lạc quan:
“May quá, bác sĩ phát hiện sớm, nên cục u đã được cắt bỏ.”
Tôi hỏi nguyên nhân bệnh ung thư của anh, anh nói bác sĩ bảo đó là di hại của chất độc da cam. Phải rồi! Năm 1968 gia đình tôi di cư từ Huế vào Nha Trang. Anh tôi phải ở lại Huế để học xong tú tài toàn phần. Thời gian này, anh đã bị nhiễm chất độc da cam. Anh bảo tôi thế. Anh đã cùng sinh viên, học sinh đi đến những làng mạc xa xôi để cứu trợ.
Và, tôi tin anh. Tôi tin bác sĩ. Cục u đã được cắt bỏ. Không thấy phát triển thêm. Anh xuất viện, an tâm đi làm lại. Nhưng sự thật không dễ dàng như thế. Vài tháng sau lại nghe tin anh phải chấp nhận làm Chemotherapy. Tóc anh đã bắt đầu rụng, da anh không còn hồng hào như xưa. Nhưng anh vẫn lạc quan. Không sao cả. Tình hình không trở nên tồi tệ đâu chú ạ. Đó là lời anh an ủi tôi, thay vì tôi phải nói với anh.
****
Tôi nghe anh ngày mai phải đi bệnh viện để mổ, liền gọi cho anh. Anh nói chú đừng lo. Chỉ đến để cắt cục u nhỏ như trước thôi, đây là tiểu phẫu, không thành vấn đề đâu. Tôi nghe xong thở phào nhẹ nhõm. Anh làm em lo quá. Không sao đâu chú, ngày mai chú không cần đến bệnh viện đâu. Cứ đi làm như thường lệ nhé. Bác sĩ bảo bệnh tình anh đã được ổn định, có thể sống thêm nhiều năm nữa. Anh cười. Tiếng cười anh vẫn rõ đầu dây, không có dấu hiệu mệt mỏi. Tôi yên tâm gác máy.
Hôm sau, chị dâu tôi hốt hoảng gọi tôi. Tôi vội vàng phóng xe vào bệnh viện. Anh tôi đang nằm trong phòng cấp cứu. Tôi nói chuyện với bác sĩ. Anh tôi trong lúc giải phẫu, đã bị vỡ mạch máu. Máu chảy ngược lên não làm não bị hư hại trầm trọng. Tôi nói đây không phải là cuộc giải phẫu lớn, chỉ cắt bỏ cục u như đã làm lần trước, thế thôi. Sao lại để sự việc xảy ra như thế này? Bác sĩ bảo “chúng tôi” đã theo đúng “procedure”. Rồi làm ra vẻ bận rộn, ông quay lưng, vội vã bước đi.
Tôi đứng bên giường bệnh. Anh tôi nằm mang ống dưỡng khí. Tôi nghĩ anh tôi đang chiến đấu với cơn đau dữ dội. Bác sĩ bảo luật Texas, không được tháo ống dưỡng khí nếu bệnh nhân còn một chút hơi thở. Tôi nhìn anh, đau đớn. Không nói nên lời. Chết lặng.
Rồi anh trút hơi thở cuối cùng. Trước khi anh đi, tôi không hiểu sao, một người nằm bất động đã mấy ngày, bỗng nhiên giơ tay cao, nắm lấy bàn tay tôi rất chặt. Anh có rất nhiều điều muốn nói với tôi. Cái nắm tay của anh. Như luồng điện chạy qua tay tôi, dẫn vào tim, làm tim tôi co thắt. Tê liệt. Cái nắm tay truyền ngàn lời muốn nói. Tôi hiểu. Tôi cam đoan tôi hiểu anh muốn nói điều gì. Tôi khóc như mưa. Bàn tay anh xiết chặt. Bàn tay làm nhói đau tim tôi. Rồi tay anh nới lỏng ra. Rơi xuống giường.Tuyệt vọng. Tôi khóc. Tôi vẫn chưa có cơ hội nói hai tiếng cảm ơn với anh.
Tối hôm đó, tôi và hai người chị ruột của tôi (một người từ Hòa Lan sang, và một người theo chồng sang Mỹ diện H.O.) được một bác sĩ trực mời vào phòng riêng. Ông bảo nhỏ, đây là sơ suất của bác sĩ trong lúc giải phẫu. Tôi bàn với hai chị tôi, nên làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng hai chị tôi cản. Hãy để cho anh ấy ra đi bình an. Mấy người đồng nghiệp Mỹ trong sở tôi (có người đã từng tham chiến ở Việt Nam) cũng khuyên tôi nên “kiện” bệnh viện. Hơn nữa, chính phủ Hoa Kỳ đã nói họ chịu trách nhiệm về những di hại của chất độc da cam mà họ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Chị tôi bảo người chết thì hết. Đừng làm anh tôi phải chết thêm lần nữa, về những cuộc khảo nghiệm không cần thiết. Hãy để cho anh thanh thản ra đi.
Ngày đưa tiễn anh đi, tôi đọc điếu văn. Không hiểu sao, trong bài điếu văn ấy cũng không có hai tiếng cảm ơn anh.
****
Mùa Lễ Tạ Ơn, đối với tôi có những ý nghĩa thật sâu sắc. Từ món gà tây đút lò anh tôi đã dạy cho tôi. Và bữa tiệc Tạ Ơn đầu tiên trên đất Hoa Kỳ, bên người anh vì cuộc chiến đã không được chung sống cùng nhau 14 năm, từ năm 1968. Khi anh ở lại Huế một mình. Rồi lại qua Mỹ một mình sau biến cố 1975.
Lễ Tạ Ơn đối với người Việt tị nạn cũng là lễ Tạ Ơn Chúa Trời đã cho chúng ta được sống sót trên những chiếc thuyền mỏng manh để đến xứ sở này. Như ngày xưa, ở những năm đầu thế kỷ 17 (tháng 11, 1620). Người dân Pilgrims vì bảo vệ tôn giáo đã vượt thoát từ Anh Quốc trên đường đi tìm Tân Thế Giới. Họ đến bãi Cape Cod nay thuộc tiểu bang Massachusetts bằng chiếc thuyền Mayflower. Mùa đông năm ấy, vì không chịu đựng được cái giá lạnh trên xứ lạ, một nửa số người trên chiếc thuyền Mayflower đã chết. Họ được Thổ dân da đỏ dạy cho cách săn bắn, trồng trọt. Và đúng một năm sau, gặt hái được mùa, họ mời Thổ dân da đỏ đến và tổ chức lễ Tạ Ơn đầu tiên năm 1621. Chúng ta được thừa hưởng một ngày lễ thật ý nghĩa của dân tộc Pilgrims.
Cảm ơn dân tộc Pilgrims. Cảm ơn Thổ dân da đỏ. Cảm ơn bố mẹ đã sinh ra, nuôi lớn và dạy dỗ yêu thương tôi. Cảm ơn bạn bè, thầy cô. Cảm ơn Việt Nam, đất nước tôi đã được sinh ra. Cảm ơn anh chị em đã cùng tôi lớn lên trong một gia đình đông đúc. Cảm ơn anh tôi đã bảo trợ cho tôi qua Mỹ từ trại tị nạn Hongkong, dắt tôi đến trường khi tôi ngu ngơ như cậu bé của Thanh Tịnh trong sách giáo khoa ngày xưa. Cảm ơn chị dâu tôi đã cho tôi sống trong gia đình chị những tháng ngày mới đến Mỹ định cư. Cảm ơn chị đã san sẻ tình thương của anh cho tôi. Cảm ơn anh hai, chị ba tôi đã cùng tôi vượt qua đau khổ bên này đại dương, khi nghe tin bố tôi mất ở quê nhà. Cảm ơn hai người chị của tôi đã có mặt cùng tôi, chia sẻ đau buồn trong những ngày anh hai tôi hấp hối ở bệnh viện. Cảm ơn vợ con đã ở cạnh kề mỗi ngày, cho tôi mái ấm gia đình và những nụ cười hạnh phúc. Cảm ơn những người bạn cùng sở dù đôi lúc có những đấu tranh ngấm ngầm vì miếng cơm. Cảm ơn đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang, đã cho tôi tiền học phí để tiếp tục học hành. Cảm ơn đồng bào Việt Nam đã cùng chung tiếng nói. Cảm ơn những người bản xứ chung quanh đã sống tử tế với tôi.
Đây không phải là ngày lễ Tạ ơn của bất cứ tôn giáo hay tín ngưỡng nào. Nó đã trở thành ngày lễ Tạ Ơn chung cho tất cả mọi người ở Mỹ và Canada (dù khác ngày). Tôi hy vọng đây sẽ là một ngày Lễ Tạ Ơn cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Cùng đến với nhau một ngày. Môt ngày gần nhau như con chuột và bàn phím cùng thế giới cận kề yêu thương, hòa bình trên mỗi monitor. Chúng ta có quá nhiều bài học yêu thương. Hãy học để biết yêu thương người khác. Sống tử tế với người khác. Chỉ có trái tim hòa ái, mới có thể sống tử tế với mình và với người.
Tôi là người Phật giáo, mùa lễ Tạ Ơn, tôi lại nhớ đến câu chuyện:
Một người nghèo hỏi Đức Phật:
“Tại sao con nghèo như thế?”
Phật nói:
“Vì con chưa học được cách bố thí cho người khác.”
Người ấy nói:
“Con không có thứ gì cả, thì lấy gì con bố thí.”
Đức Phật dạy:
“Cho dù con hoàn toàn không có cái gì, con vẫn có thể thực hiện bố thí 7 điều này”:
- Nhan thí – Bố thí nụ cười.
- Ngôn thí – Bố thí ái ngữ, nói lời hay.
- Tâm thí – Bố thí tâm hòa ái, lòng biết ơn.
- Nhãn thí – Bố thí ánh mắt nhìn thẳng hiền từ.
- Thân thí – Bố thí hành động nhân ái.
- Tọa thí – Bố thí nhường chỗ cho người cần.
- Phòng thí – Bố thí lòng bao dung.
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay