“Không ai ưa người thông minh hơn mình, nhứt là lại khoe cái khôn ấy.”

“Không ai ưa người thông minh hơn mình, nhứt là lại khoe cái khôn ấy.”

Tác giả:Nguyễn Tuấn 

Tôi kinh ngạc khi em nghiên cứu sinh dứt khoát không chịu liệt kê trong luận án những giải thưởng (awards) mà em ấy từng được trao trong thời gian làm nghiên cứu. Ở nước ngoài các nghiên cứu sinh đều được khuyến khích làm như thế, nhưng lạ lùng là ở Việt Nam thì không (?).

Em ấy giải thích rằng ở đâu thì không rõ, nhưng ở đây (Việt Nam) mà liệt kê mấy giải thưởng trong luận án sẽ được ngầm hiểu là khoe khoang, rất rất bất lợi cho nghiên cứu sinh. Tôi quả thật không hiểu tại sao lại có suy nghĩ như vậy. Mình làm người hướng dẫn và thấy học trò có giải thưởng thì phải mừng chớ. Trường đại học cũng mừng vì học sinh có giải thưởng danh giá. Hội đồng thẩm định cũng nên mừng vì sắp có một ‘ngôi sao’ trong chuyên ngành. Nhưng tôi sai. Nói chuyện với vài nghiên cứu sinh khác, ai cũng nói như trên: liệt kê giải thưởng có thể là một tai hoạ cho cá nhân.

Thật lạ lùng!

Nhưng suy đi nghĩ lại, tôi thấy quyết định của em nghiên cứu sinh đó rất phù hợp với cách ứng xử của người Á Đông thời xưa. Có lẽ nhiều người trong độ tuổi tôi nhớ đến nhân vật Dương Tu thời Tam Quốc bên Tàu. Dương Tu có thể hiểu là một bậc trí thức, vừa học giỏi, vừa thông minh, nhưng ông ấy chết chính vì cái thông minh của ông.

Chuyện xưa kể rằng khi Tào Tháo được mời đến cho ý kiến về khu vườn mới được xây dựng, ông ta chẳng khen hay chê gì cả mà chỉ viết 1 chữ thôi: HOẠT. Ai cũng ngẩn ngơ, chẳng hiểu ý của Tào Tháo là gì, nhưng chỉ có Dương Tu là hiểu. Họ Dương phân tích rằng trong cửa mà viết chữ ‘hoạt’ thì nó thành chữ ‘khoát’, mà ‘khoát’ có nghĩa là rộng; Tào Tháo chê cửa vườn rộng quá. Mấy người thợ sau đó làm lại cái cửa cho nó hẹp hơn, và khi Tào Tháo đến xem, ông ta kinh ngạc hỏi ai mà biết ý của ông ta. Khi biết Dương Tu là người đằng sau của sự thay đổi cánh cửa, Tào Tháo đã không ưa họ Dương.

Vài sự kiện sau đó thể hiện sự thông minh hơn người của Dương Tu càng làm cho Tào Tháo ghét họ Dương. Khi quân của Tào Tháo đang trong thế tiến thoái lưỡng nan ở Tà Cốc, một tướng vào dinh để nghe khẩu lệnh trong ngày và ngay lúc đó Tào Tháo đang cầm cái chân gà có gân nhưng chưa ăn, ông ta bèn nói “Gân gà, gân gà”. Viên tướng bèn truyền khẩu lệnh ‘Gân gà’ cho quân lính. Chỉ có Dương Tu hiểu ý của họ Tào và lí giải rằng cái gân gà không có thịt, bỏ thì tiếc mà ăn thì chẳng có gì là ngon; như vậy họ Tào có ý rằng tấn binh thì không được vì bị Mã Siêu chận, còn lui binh thì mất mặt với nước Thục, thôi thì rút quân về nhà còn hay hơn. Thành ra, Dương Tu hiểu cái khẩu lệnh đó và cho quân lính chuẩn bị quay về cố quốc. Tào Tháo khi thấy quân lính chuẩn bị ‘quay xe’ như thế bèn kinh ngạc hỏi ai mà hiểu được ý của ông, thì câu trả lời là Dương Tu. Thế là họ Tào có có cái cớ để đem Dương Tu ra chém đầu vì tội “làm loạn lòng quân”.

Dương Tu chết vì đã thể hiện trí thông minh của mình không đúng chỗ. Dương Tu có vẻ quên chữ “Lễ” trong văn hoá Á Đông. Lễ của người Á Đông là đạo xử thế. Có thể nói không ngoa rằng tất cả thuật xử thế của người Á Đông đều ở trong một chữ Lễ.

Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Lễ là sự khiêm cung, nhún nhường, không làm tổn hại đến sự tự ái của người khác. Lễ cũng có nghĩa là che cái xấu, giấu cái dở, và biểu dương cái đẹp cái hay của người khác. Dương Tu đã chạm đến lòng tự ái của Tào Tháo, một người vốn rất thông minh và nghĩ mình thông minh, và họ Dương đã phải trả cái giá bằng sanh mạng của mình. Cũng có thể nói họ Dương chết là do cái lòng đố kị của người Á Đông.

Thật vậy, nếu Dương Tu ở phương Tây ngày nay thì có lẽ ông đã được trọng dụng. Ở phương Tây, người ta khuyến khích biểu hiện tài năng và sự thông minh. Ngay từ cấp tiểu học và trung học, các thầy cô đều tìm mọi cách để phát hiện và khen tặng các tài năng. Họ tìm những cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải thưởng và vinh danh trước tất cả học sinh, thậm chí trong cộng đồng. Ở cấp nghiên cứu sinh, hầu như luận án tiến sĩ nào cũng có phần liệt kê các giải thưởng mà nghiên cứu sinh đã được trao trong thời gian nghiên cứu, và xem đó là một niềm tự hào, một chứng từ quan trọng rằng việc làm của họ đã được công nhận bởi đồng nghiệp. Trong các tổ chức, người đứng đầu lúc nào cũng tìm người thay thế mình, và họ xem sự tiếp nối là một thành công cá nhân.

Nếu chịu khó đọc qua trang ‘profile’ các nhà khoa học và giảng sư của đại học phương Tây chúng ta sẽ thấy họ liệt kê những giải thưởng, những vinh dự, hay những phần thưởng mà họ đã được các hội đoàn chuyên môn trao tặng. Mới đọc qua thì tưởng là đương sự ‘nổ’ (dùng chữ của Việt Nam ngày nay), nhưng thật ra họ chỉ viết ra những gì họ có hay đạt được và đó là một cách để thể hiện họ là ai.

Quay lại trường hợp em nghiên cứu sinh không chịu liệt kê giải thưởng, tôi hiểu rằng em ấy đã hành xử theo chữ Lễ trong văn hoá Á Đông thời xa xưa. Còn em ấy có làm theo chữ Lễ thời nay hay không thì tôi không chắc. Thời nay, có rất nhiều người trẻ không biết khiêm cung hay nhún nhường là gì, và họ hăng hái bóc tách khiếm khuyết nhưng lại dìm những cái hay của người khác, họ càng không ngại xoáy vào nỗi đau khổ cho bản ngã của người khác. Họ ghét những ai tài giỏi hơn họ, và đó có lẽ chính là lí do tại sao em nghiên cứu sinh không dám thể hiện thành tựu của mình.

Tóm lại, bài học ứng xử ở Việt Nam là đừng tỏ ra mình tài giỏi hơn người vì đó có thể là một tai hoạ.

Tác giả:Nguyễn Tuấn

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay