20-10-2022
Tình cờ đọc được tuyên bố này của bầu Đức: “Phải có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không đơn thuần là người giàu Việt Nam“.
Chỉ qua cách nhìn, động lực của ông ta thì thấy rõ cách làm giàu cũng như tham vọng của giới triệu, tỷ phú Việt: phải thành công bằng mọi giá, phải giàu hơn mọi người và phải có tiếng trên thế giới!
Cho nên mới có chuyện ồn ào về nữ tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, muốn cống hiến 155 triệu bảng Anh cho trường Linacre College, để được đổi tên thành Thao College. Nguyện vọng của bà là để góp phần cải tiến môi trường giáo dục. Nhưng bà quên rằng, chính tại quê hương của bà mới là nơi cần được đầu tư, giúp đỡ để cải thiện một nền giáo dục vốn dĩ quá đỗi lạc hậu.
Tầng lớp giàu có Việt Nam khác hẳn giới tỷ phú trên thế giới: kín tiếng, kín đáo và không ngừng làm việc, đầu tư, sáng tạo,… để chinh phục những mục tiêu đề ra. Họ không ầm ĩ nhưng vẫn cứ giàu và rất giàu!
Giới tỷ phú quốc tế chắc chắn có những tham vọng kinh khủng nhưng họ khiêm tốn hơn và sự thành công vượt bậc của họ cũng góp phần quan trọng cho sự phát triển của xã hội, trong mọi lĩnh vực.
Giới triệu và tỷ phú Việt Nam khó lòng thành công bằng chính đôi bàn tay lương thiện và khối óc sáng tạo. Đơn giản vì cơ chế chính trị lắc léo, không minh bạch, cộng với sự quan liêu và tham nhũng trong mọi ngóc ngách xã hội khiến cho bất cứ công ty hay tập đoàn nào cũng bị chi phối, kiểm soát và thao túng bởi chính quyền.
Sự yểm trợ và bảo kê của nhà cầm quyền khiến cho các cá nhân hay tập đoàn trở nên giàu có một cách nhanh chóng. Nhưng bản chất của mối quan hệ ấy lại rất phũ phàng và tàn nhẫn một khi chính quyền muốn ra tay trừng phạt hay có sự tranh giành quyền lực nơi hậu trường chính trị.
Từ Phạm Nhật Vượng, tỷ phú đình đám với thương hiệu xe hơi vượt biên giới Việt đến bầu Đức nổi tiếng với những phi vụ liên quan đến đất đai và môi trường tại Việt Nam, Lào và Campuchia, có ai dám chắc rằng đằng sau sự giàu có của họ, không có bàn tay của chính quyền?
Cái bệnh nổ cho đã, tự sướng, để cho thế giới phải biết đến mình, chính là căn bệnh trầm kha của xã hội. Tất cả chỉ biết chạy theo thành tích, theo danh vọng hão huyền, theo hình thức nhưng lại không hề có lương tâm, trách nhiệm để xây dựng những nền móng vững chắc và nhân bản cho mọi sự phát triển cân đối và hài hoà trong xã hội Việt Nam.