AO LÀNG, BIỂN CẢ VÀ GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG – Tác giả: Đào Hiếu.

Tiểu Luận Đào Hiếu

  AO LÀNG, BIỂN CẢ VÀ GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG

Tác giả: Đào Hiếu.

***

Ai cũng biết: giải Nobel văn chương là giải thưởng lớn nhất và danh giá nhất mà nhà văn nào trên thế giới cũng đều mơ ước. Từ nhà văn của các nước nhỏ, lạc hậu, nghèo nàn Á, Phi – thường được ví von một cách miệt thị là “ao làng” – cho đến những nhà văn của các nước văn minh hiện đại, giàu có như Mỹ và châu Âu đều thèm nhỏ dãi!

Ngày nọ, có anh chàng nhà văn Giao Chỉ qua sống bên Mỹ (chẳng biết cậu ta làm nghề ngỗng gì), nhưng có lẽ vì thấy mình đang sống trong một xã hội rộng lớn, và văn minh quá nên tưởng tượng mình đang bơi trên biển, cạnh mấy con cá nhà táng, bạch tuộc khổng lồ… và nghĩ thương cho các đồng nghiệp mình đang ngụp lặn trong cái “ao làng” Việt Nam bên cạnh mấy con cá rô, mấy con nhái bén… mà thốt lên những lời cao ngạo.

Thực ra tác phẩm văn chương vừa là con cá nhà táng, con bạch tuộc, nhưng cũng có thể là con cá rô, con nhái bén vì chúng đều là những kiệt tác của tạo hóa nên không thể đem cân ký lô để xác định giá trị được.

Trong thiên “Tề Vật Luận” của Nam Hoa Kinh, Trang tử có đưa ra hình ảnh của “Con Chim Bằng” và “Con Chim Sẻ”. Ông viết đại khái: “Chim bằng có sải cánh dài muôn trượng, bay một lúc đến sáu tháng mới nghỉ, còn chim sẻ chỉ nhảy lách tách trong sân nhà, nhưng chim Bằng muốn làm chim sẻ cũng không được mà chim sẻ muốn làm chim Bằng cũng chào thua”.

“Văn chương” là như vậy đó.

Khi bàn đến văn chương đừng bao giờ nói đến “văn chương nhà giàu” hay “văn chương nhà nghèo” “văn chương da trắng” hay “văn chương da màu”, càng không nên phân biệt văn chương của thời đại kỹ thuật số với văn chương của thời Homère hay Xuân Thu, Chiến Quốc.

Đâu cần phải có laptop mới viết được văn chương. Đâu cần phải khoác áo “Hậu hiện đại”, “Hiện thực huyền ảo” hay “Tân hình thức”… mới có giá trị. Trang Tử, La Quán Trung, Vương Thực Phủ, Lý Bạch, Tô Đông Pha, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nam Cao, Lỗ Tấn… chỉ có mỗi cây bút lông.

Tôi đọc Nam Hoa Kinh, Thi Kinh Tập Truyện, Đường Thi Tam Bách Thủ, Tạp Thuyết Tứ… từ hồi con là cậu sinh viên 20 tuổi, tôi thấy cách đây hàng ngàn, hàng trăm năm mà những tác phẩm ấy vẫn rất mới. Mới trong ngôn ngữ lẫn bút pháp. Ngày nay, đã có mấy nhà văn hiện đại (kể cả những người từng đoạt giải Nobel) sử dụng được ngôn ngữ và bút pháp độc đáo như trong Thánh Kinh của đạo Ki-Tô hay Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Chưa kể nhiều nhà phê bình văn học vẫn coi kinh Coran của Đạo Hồi là một kiệt tác văn học.

Tôi muốn nói thêm rằng: Văn chương không phải là một cái “mốt” (mode). Văn chương là một SINH VẬT. Nó sống giữa loài người và sống trong cảm nhận của mỗi người.

Văn chương cũng không phải là thời trang cho nên đừng bao giờ khoác cho nó bộ trang phục của Christian Dior, Armani, Pière Cardin hay Hậu Hiện Đại, hay Hiện thực XHCN, hay Siêu Thực, hay Tân Hình Thức…

Văn chương là… văn chương.

Nó tự do tuyệt đối.

Nó muốn thể hiện kiểu nào tùy thích, miễn là độc đáo, mới lạ, bất ngờ và làm ta xúc động, làm ta rung chuyển tận gốc rễ, đến nỗi có thể khiến ta thay đổi nhận thức, thay đổi cảm xúc và thậm chí thay đổi cả nhân cách.

Các trường phái nghệ thuật chỉ để làm dáng.

Văn chương phải ĐƯỢC lột sạch quần áo.

Phải trần truồng.

Sẽ rất thô kệch. Hoặc sẽ rất quyết rũ.

NHƯ VẬY, BẢN CHẤT CỦA VĂN CHƯƠNG LÀ:

-Tự do tuyết đối -Một người điên -Một nhà hiền triết -Một kẻ lên đồng -Một người thầy của mọi thế hệ.

MÔI TRƯỜNG CỦA VĂN CHƯƠNG LÀ TẤT CẢ

-Từ ao làng tới đại dương, bầu trời, núi rừng và mặt đất -Từ ổ chuột đến phố phường -Từ lũy tre làng đến chân trời góc biển -Từ cái loa Phường cho tới điện thoại thông minh, vệ tinh viễn thông….

NHÂN VẬT CỦA VĂN CHƯƠNG LÀ:

-Từ kẻ mù chữ cho tới bác học, triết gia -Từ Đạo Chích tới Khổng Tử -Từ con voi tới con chuột -Từ Thị Nở cho tới Marilyn Monroe -Từ Chí Phèo, Ả Q cho tới Zarathustra, Renaud Sarti…

*

Kinh nghiệm viết văn cho biết, nhà văn sống trong môi trường càng nghèo đói, càng bị áp bức thì vốn sống càng nhiều, văn chương càng phong phú, đề tài càng đa dạng.

Bạn không tin? Hãy thử đọc Chuyện Kể Năm 2.000 của Bùi Ngọc Tấn, Ba Người Khác của Tô Hoài, Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy, Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam… bạn sẽ thấy những tác phẩm ấy là BIỂN CẢ của những bi kịch man rợ, khốc liệt mà trong đó con người bị chà đạp và dìm chết không thương tiếc. Đó là chưa kể Sơn Nam cũng là một đại dương mênh mông về con người Nam Bộ, về phong tục tập quán, sông núi, rừng rậm và những mảnh đời… Đó là chưa kể những tác phẩm ngoài luồng đang trôi dạt trong giang hồ của nhiều cao thủ.

Những đại dương ấy, những biển cả ấy, nghịch lý thay, lại nằm gọn trong cái AO LÀNG Việt Nam nhỏ bé.

Tất nhiên là tôi cũng đã đọc nhiều tác phẩm Nobel văn chương trên thế giới. Có truyện hay, có chuyện cũng tầm tầm, thậm chí là dở, nhưng được khoác cho chiếc áo triết lý hay ý nghĩa nhân bản nào đó.

Có lẽ tôi sẽ trở lại với tác phẩm Rừng Na-uy của Murakami trong một bài khác để nói rằng đó là một sản phẩm rất “trung bình” hoàn toàn không xứng đáng với một nước Nhật đang vươn lên mạnh mẽ từ nỗi đau của hai trái bom nguyên tử.

Còn Solzhenitsyn, (Nobel 1970)? Đọc “Bất ngờ tại nhà ga Krechtovka” thì lòng vòng, buồn ngủ gần chết.

Hermann Hesse (Nobel 1946) với “Câu Chuyện Dòng Sông” một đề tài có thể là “mới” đối với dân châu Âu nhưng lại rất cũ với môi trường Phật giáo. Để viết cuốn đó, nhà văn không cần vốn sống và trí tưởng tượng. Đó chỉ là những cóp nhặt hành trình của thái tử Siddhartha được tiểu thuyết hóa. Ờ Việt Nam có người viết tiểu thuyết về đề tài Phật Giáo sâu sắc, đa dạng và sáng tạo hơn rất nhiều.

Còn “văn chương” của Naguib Mahfouz của Ai Cập (Nobel 1988) thì “buồn ngủ” gấp mười lần Solzhenitsyn.

Nhưng Mạc Ngôn (Nobel 2012), với “Báu Vật Của Đời” lại là một hiện tượng. Tôi cho rằng ông là nhà văn Nobel xứng đáng nhất. Tôi sẽ viết thêm về ông, vì tác phẩm của ông cũng đã ra đời trong cái “ao làng” nhưng nó mang tầm vóc của biển cả. Cái ao làng đó là huyện Cao Mật thuộc tỉnh Sơn Đông, nhưng ngòi bút của Mạc Ngôn đã khắc họa vô cùng sinh động và kinh hoàng cả một bối cảnh Trung Quốc từ triều đại Tưởng Giới Thạch sang Mao Trạch Đông với vô số những biến động, những bi kịch tàn bạo, khốc liệt và bi thảm nhất.

***

Cho nên nếu nghĩ rằng sống ở châu Âu hay Mỹ sẽ viết văn hay hơn sống ở châu Phi hay Đông Nam Á thì đó là chuyện rất buồn cười.

Bạn có thể vặn lại tôi: Thế sao nước Mỹ, và châu Âu có nhiều nhà văn đoạt giải Nobel quá vậy? Xin thưa, đó là một chuyện dài, một cái tệ nạn có tên là Closed Club of the Whites (Câu lạc bộ khép kín của người da trắng). Một cụm từ mà trước đây có người dùng để tặng cho giải Nobel văn chương.

Xin thêm một câu để khép lại bài này: “Tôi đang ở trong ao làng hay trong biển cả không quan trọng, quan trọng là tôi có biết bơi không. Nếu tôi bơi giỏi thì biển cả cũng chỉ là cái ao làng, ngược lại nếu tôi không biết bơi thì ao làng cũng có thể dìm chết tôi, nói chi tới biển cả. Không biết bơi, tôi sẽ không dám và không thể ra khơi. Và thế là tôi chẳng hiểu gì về biển. Làm sao có thể viết điều gì hay ho về nó? Tôi chỉ có thể ngồi trên bờ mà nghịch cát như đứa trẻ con”.

Ngày 10/10/2022

ĐÀO HIẾU

CHÚ THÍCH ẢNH:

– Mạc Ngôn

-Hermann Hesse

-Phan Nhật Nam.

-Sơn Nam.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay