Hôm 4 Tháng Mười, nói với báo Tuổi Trẻ, ông Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm phát ngôn viên Bộ Công An, cho biết ngoài ông Hà, Cơ Quan An Ninh Điều Tra cũng ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Lê Ngọc Anh, 34 tuổi, cựu cán bộ Đại Sứ Quán Việt Nam tại Malaysia, để điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”
Ông Nguyễn Hồng Hà khi còn là cán bộ Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam tại Nhật. (Hình: Tuổi Trẻ)
Trước đó, hai ông Nguyễn Quang Linh, 48 tuổi, trợ lý Phó Thủ Tướng Thường Trực Phạm Bình Minh; và ông Nguyễn Thanh Hải, 51 tuổi, vụ trưởng Vụ Quan Hệ Quốc Tế thuộc Văn Phòng Chính Phủ Việt Nam, bị bắt giữ do liên quan vụ “chuyến bay giải cứu.”
Ông Xô cho biết ông Hà, bà Ngọc Anh là người thứ 22 bị “xử lý hình sự” sau tám tháng điều tra và là diễn biến mới nhất trong vụ án “đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại Giao, Bộ Công An, Bộ Y Tế, Bộ Giao Thông Vận Tải, Văn Phòng Chính Phủ và các đơn vị liên quan ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố khắp Việt Nam.
Theo báo VNExpress, trong các bị can, quan chức cao nhất bị khởi tố đến nay tại Bộ Ngoại Giao có ông Tô Anh Dũng, thứ trưởng; bà Nguyễn Thị Hương Lan, cục trưởng Lãnh Sự; ông Đỗ Hoàng Tùng, cục phó Lãnh Sự; ông Lê Tuấn Anh, chánh văn phòng Cục Lãnh Sự; ông Lưu Tuấn Dũng, phó Phòng Bảo Hộ Công Dân Cục Lãnh Sự.
Tại Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh của Bộ Công An, ông Trần Văn Dự, cục phó, cùng hai cán bộ dưới quyền là Vũ Sỹ Cường và Vũ Anh Tuấn cũng bị bắt về tội “nhận hối lộ.”
Ngoài ra, cơ quan điều tra đã khởi tố ông Phạm Trung Kiên, chuyên viên Vụ Trang Thiết Bị và Công Trình Y Tế thuộc Bộ Y Tế; ông Ngô Quang Tuấn, chuyên viên Vụ Hợp Tác Quốc Tế thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải; bà Nguyễn Mai Anh, chuyên viên Vụ Quan Hệ Quốc Tế, Văn Phòng Chính Phủ.
Ông Bùi Huy Hoàng, cán bộ Cục Y Tế Dự Phòng thuộc Bộ Y Tế, hiện là người duy nhất bị điều tra cáo buộc tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Theo cơ quan hữu trách, từ năm 2020 đến nay, Bộ Ngoại Giao phối hợp với bộ, ngành thành lập “Tổ Công Tác Năm Bộ” đã tiến hành hơn 2,000 chuyến bay đưa hàng trăm ngàn công dân Việt Nam từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước trong các đợt dịch COVID-19.
“Gần 2,000 chuyến bay giải cứu, mỗi chuyến thu lợi khoảng 2 tỷ đồng ($86,236),” ông Tô Ân Xô được tờ Công An Nhân Dân dẫn lời.
Các cán bộ bị bắt trong vụ “chuyến bay giải cứu.” (Hình đồ họa: VNExpress)
Ông Xô cũng nhấn mạnh rằng con số nêu trên là “lợi nhuận” sau khi trừ các chi phí của chuyến bay. Và nếu đúng như lời ông Xô nói, thì các giới chức trong đường dây tổ chức “bay giải cứu” thu lợi bất chính tổng cộng đến 4,000 tỷ đồng ($172.5 triệu).
Tuy vậy, cả ông Xô lẫn các báo nhà nước không nói rõ khoản lợi nhuận ròng sau mỗi “chuyến bay giải cứu” rơi vào túi của những ai, có được thu hồi hay chưa. Đặc biệt, “trùm cuối” vẫn chưa bị lộ. (Tr.N)