ĐỨC TIN KIÊN TRUNG
TGM Vũ Văn Thiên
Hành trình Đức tin là một hành trình liên lỉ, suốt đời. Tin vào Chúa là chọn Ngài làm lý tưởng tối thượng của cuộc đời. Đức tin không giống như ghi danh vào một tổ chức xã hội, khi thích thì tuân thủ, khi không hài lòng thì bất mãn tiêu cực. Gia nhập Giáo Hội không giống như xin việc ở một công ty, chỉ nhất thời tạm bợ và đòi hỏi quyền lợi. Tin vào Chúa cũng là sự chọn lựa ưu tiên cho cả cuộc đời. Chính vì vậy mà cần phải có lòng kiên trung, trong mọi biến cố hoàn cảnh.
Thánh Phaolô khuyên nhủ người môn sinh của ngài là Timôthê, hãy “khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa” Đặc sủng này, ông Timôthê đã đón nhận qua nghi thức đặt tay (tức là Bí tích Truyền chức thánh). Đặc sủng, tức là ơn đặc biệt do Chúa ban. Ơn này vẫn hiện hữu trong con người được lĩnh nhận các Bí tích, nhưng cần phải được khơi lại, vì nhiều khi đặc sủng này bị lớp bụi thời gian bao phủ. “Khơi dậy đặc sủng”, tức là tái nhận ra quyền năng của Thiên Chúa hiện hữu nơi chúng ta, giúp chúng ta ý thức bổn phận của mình trong cộng đoàn Giáo Hội. Thánh Phaolô lúc đó đang bị cầm tù. Ông khuyên nhủ dặn dò người môn đệ của mình hãy vững tâm và hãy trung thành với sứ mạng loan báo Tin Mừng, đồng thời sống mẫu mực, để những lời giảng dạy có sức thuyết phục đối với người nghe. Vị Tông đồ minh chứng về lòng trung thành của mình đối với Chúa, ngay cả trong tù ngục xiềng xích.
Trong bài Tin Mừng, một ngày nọ, các môn đệ xin Chúa ban thêm Đức tin, nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu xem ra không ăn nhập với câu hỏi của các ông. Theo giáo huấn của Chúa, điều quan trọng không hệ tại ở việc chúng ta có nhiều Đức tin hay ít, nhưng là ở ý thức về Đức tin nơi chúng ta. Đối với người tín hữu, Đức tin luôn hiện hữu từ ngày được thanh tẩy. Qua Bí tích Thanh tẩy, Chúa ban cho chúng ta Đức tin, như một món quà vô giá. Món quà ấy, luôn hiện diện trong tâm hồn chúng ta và để lại dấu ấn không thể xoá nhoà. Có những người để cho lớp thời gian che phủ, đến nỗi Đức tin bị bóp nghẹt. Như thế, theo Chúa Giêsu, mỗi người tín hữu phải khơi lên ngọn lửa Đức tin nơi cuộc đời mình, để ngọn lửa ấy soi sáng mọi hành động, sưởi ấm con tim và tăng cường sức mạnh nơi họ.
Đức tin Chúa ban là món quà quý giá đem lại niềm vui, đồng thời cũng là nguồn sức mạnh để chúng ta vươn lên giữa dòng đời. Xã hội thời Đức Giêsu là chế độ nô lệ. Vì thế, trong giáo huấn của Người, chúng ta vẫn thấy những hình ảnh ông chủ và người nô lệ hoặc người đầy tớ. Chúa đã dùng những hình ảnh và quan niệm thời bấy giờ, để diễn tả nội dung giáo huấn của Người. Những người đầy tớ, đương nhiên phải làm bổn phận của người đầy tớ. Người đầy tớ không có quyền đòi hỏi nơi ông chủ. Ông Chủ tối cao chính là Thiên Chúa. Ngài dựng nên con người và cho họ hiện hữu trên trái đất này. Của cải vật chất mà mỗi người đang sở hữu, thực ra cũng chỉ là tài sản Chúa trao cho quản lý và sinh lợi. Có những người quản lý trung tín, nhưng cũng có những người quản lý bất trung. Trong Tin Mừng thánh Luca, nhiều lần Chúa Giêsu đã mạnh mẽ lên án những người giàu có mà cậy tiền cậy của để khinh thường người khác, nhất là ích kỷ độc đoán và dửng dưng với người nghèo khổ. Người quản lý trung tín vừa biết chăm lo để tài sản được sinh lợi, vừa biết phân phát để giúp đỡ người khác. Con Thiên Chúa làm người đã trở nên đầy tớ (tức là người phục vụ) của mọi người. Nhờ mầu nhiệm Nhập thể và Cứu cuộc, con người, vốn thấp hèn và tội lỗi, lại trở nên thánh thiện cao sang.
“Khi anh em đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” Lời dạy của Chúa có thể gây sốc đối với chúng ta! Nhưng Chúa Giêsu muốn khẳng định, ở đời này, mỗi khi làm được việc gì, suy cho cùng, đó cũng làm những việc bổn phận mình mà thôi. Người dạy ta khiêm tốn khi thành công, kiên trì khi thất bại, và nhất là đừng cậy mình ỷ thế, vênh vang tự đắc khi làm được những việc lớn lao.
Như trên đã nói, hành trình Đức tin là hành trình liên lỷ suốt đời. Hành trình Đức tin cũng nhiều nỗi gian truân. Ngôn sứ Kha-ba-khúc hoạt động dưới thời Giơ-hô-gia-kim. Đây là giai đoạn đen tối của lịch sử Do Thái: luân lý suy đồi, tôn giáo pha tạp, vua quan lầm lạc và đi ngược lại với giáo huấn của Chúa. Sách mang tên Kha-ba-cúc được viết khoảng từ năm 612 đến 597 trước Công nguyên. Tác giả than vãn với Chúa, vì dân tộc suy đồi. Ông phàn nàn vì cầu nguyện mãi mà Chúa không đáp lời. Chính trong bối cảnh đó, Chúa đã trả lời ông. Ngài hứa với ông, người công chính sẽ được Chúa bù đắp, kẻ gian ác sẽ phải diệt vong. Ngài phán: “Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình.” Lời hứa này đã tiếp sức cho vị ngôn sứ, để ông can đảm thực thi sứ vụ của mình, vì ông biết ông luôn có Chúa ở cùng.
Trong bối cảnh hiện tại, người tín hữu đôi khi bị cám dỗ chán nản, vì những người tin vào Chúa là một thiểu số quá ít. Hơn nữa, những khuynh hướng và quan điểm tục hoá đang làm cho Đức tin phai nhạt. Rồi bạo lực tràn lan trong xã hội. Khi chứng kiến những bất công, hoặc khi phải đối diện với những khó khăn thử thách, nhiều khi chúng ta cũng thốt lên như ngôn sứ Kha-ba-cúc: “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên: “Bạo tàn!” mà Ngài không cứu vớt?” Từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, Chúa vẫn đang ngỏ lời với chúng ta. Ngài khuyên chúng ta hãy kiên trung trước mọi thử thách. Những ai sống công chính sẽ không bao giờ bị bỏ rơi. Lịch sử cứu độ và lịch sử cá nhân mỗi người đã chứng minh điều đó.
Khi gia nhập Giáo Hội qua Bí tích Thanh tẩy, mỗi chúng ta, dù còn nhỏ, đã tuyên xưng Đức tin và hứa từ bỏ ma quỷ, từ bỏ những hành vi ám muội xấu xa để sống xứng đáng là con cái ánh sáng. Nhiều người tín hữu không ý thức lời hứa ấy, thậm chí họ không biết là cha mẹ và người đỡ đầu đã thay họ để tuyên xưng những điều này. Chính vì thiếu hiểu biết, nên đời sống Đức tin của họ mờ nhạt. Lời thề hứa từ bỏ ma quỷ, từ bỏ tội lỗi vì thế mà không được tôn trọng giữ gìn.
Cũng có người quan niệm lệch lạc, cho rằng tuyên xưng Đức tin trong kinh Tin Kính là đủ. Đức tin kiên trung thể hiện qua việc tuyên xưng Đức tin trong Phụng vụ và việc sống Đức tin trong cuộc đời. Phụng vụ giúp ta tăng trưởng Đức tin. Đời sống cụ thể là nơi chúng ta làm chứng cho Đức tin. Đức tin tuyên xưng, phải đi đôi với Đức tin thực hành. Tinh thần Đức tin phải thấm nhập cuộc sống gia đình cũng như mọi lĩnh vực của đời sống. Một cách cụ thể, người tin Chúa phải tránh nói dối, tránh xúc phạm đến danh dự, tài sản và thân thể người khác. Người tin Chúa phải luôn xác định rằng, mọi hành vi và tư tưởng của tôi, Chúa đều thấu hiểu. Ngài biết rõ và Ngài sẽ xét xử tôi về những hành vi đó. Nếu luôn tâm niệm như thế, người Kitô hữu sẽ cảm nhận được giá trị của cuộc sống và trân trọng từng phút giây cuộc đời. Bởi lẽ mỗi phút giây ấy là cơ hội để chúng ta gặp Chúa và thực thi giáo huấn của Người.
“Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa. Người phán: các ngươi chớ cứng lòng.” Lời Thánh vịnh nhắc nhở chúng ta về giây phút hiện tại của cuộc sống trần gian. Hãy nghe tiếng Chúa. Không bao giờ là muộn, vì Chúa bao dung và rộng lượng thứ tha. Hãy xác tín nơi Ngài, dù tội lỗi đến đâu chăng nữa. Tin vào Ngài sẽ không bao giờ thất vọng, vì Chúa là Đấng tín trung.
TGM Vũ Văn Thiên
From: langthangchieutim & NguyenNThu