ĐỪNG CHỈ LÀ NGƯỜI TỬ TẾ! – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

ĐỪNG CHỈ LÀ NGƯỜI TỬ TẾ!

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm!”

Charles Hodge nói, “Một thế giới của những người tử tế, vốn hài lòng với sự tốt đẹp của chính họ, không nhìn xa hơn, quay lưng lại với Chúa… sẽ rất cần sự cứu rỗi như một thế giới khốn khổ – và thậm chí có thể khó cứu hơn!”

Kính thưa Anh Chị em,

Ai cũng mong làm người tử tế!  Nhưng thật bất ngờ, cùng với Charles Hodge, Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay yêu cầu chúng ta nhiều hơn, ‘đừng chỉ là người tử tế!’  Vì nếu chỉ là người tử tế, với Chúa Giêsu, xem ra vẫn không đủ!  Ngài sẽ tiết lộ sự thật này qua dụ ngôn người phú hộ giàu có và Lazarô nghèo khó, mà giữa họ là ‘một vực thẳm!’

Người phú hộ trong Tin Mừng được Amos, bài đọc thứ nhất, phác thảo là những con người chỉ biết có mình, họ sống an nhàn mà quên đi những người khốn khổ bên cạnh.  Thiên Chúa của Cựu Ước và của Tân Ước cũng chỉ là một, “Ngài là Vua các vua, Chúa các chúa” như Phaolô nhắn nhủ qua thư Timôthê, bài đọc hai; rồi đây, Ngài sẽ đứng ra hạch tội những kẻ vị kỷ.  Cũng chính Ngài sẽ nâng cao và phục hồi phẩm giá cho kẻ cô thế cô thân.  Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa!”, “Đấng trả lại quyền lợi cho người bị áp bức.”

Trở lại bài Tin Mừng, ai cũng biết người phú hộ trong dụ ngôn là người “tử tế”; ít là ông không ác tâm, không hại ai.  Kết thúc cuộc đời, ông cam phận cách hiền lành; ông không yêu cầu được rời khỏi địa ngục, nhưng chỉ xin một giọt nước để làm dịu cơn khát đang cháy bỏng.  Và khi không được đáp ứng ‘nhiều’ đến thế, ông xin một người đưa tin về gia đình, với hy vọng những người anh em của mình không chịu chung một số phận.  Ông, ít nhất, đã nghĩ đến phúc lợi của người khác.  Tuy nhiên, tất cả những điều tử tế đó vẫn không cứu được ông khỏi hình phạt đời đời.  Tôi có bao giờ suy nghĩ rằng, chỉ cần trở thành một người “tử tế”, tôi sẽ đạt thấu thiên đàng?  Có thể tôi đang sử dụng tiêu chí riêng của mình để đánh giá sự xứng đáng của bản thân, thay vì sử dụng những tiêu chuẩn của Chúa?

Người phú hộ dường như không bao giờ bận tâm đến sự có mặt của Lazarô.  Ông không đuổi, cũng không nhờ người khác đuổi; thay vào đó, ông ‘không thấy’ Lazarô.  Và đó là sai lầm của ông; tội của ông là tội thiếu sót.  Ông mất linh hồn không vì những gì ông đã làm, mà vì những gì ông đã không làm!  Tuy nhiên, dù đang bị lên án, ông lại tỏ ra quan tâm đến năm anh em còn ở nhà.  Có lẽ, họ đang sống một cuộc sống “tử tế” như ông trước đó; và rồi đây, chắc cũng có chung số phận với người anh em ruột thịt đi trước của mình.  Mối quan tâm của người phú hộ là đúng đắn, nhưng thời gian của ông đã quá muộn.  Giá mà ông thể hiện sự quan tâm đến linh hồn những người cật ruột khi ông còn sống, thì có thể ông đã tạo ra một sự khác biệt.

Anh Chị em,

“Giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm!”  Bỏ qua một người nghèo là tạo thêm một vực thẳm, phớt lờ người nghèo là coi khinh Chúa!  Nhiều người thường giả vờ như không nhìn thấy người nghèo!  Với họ, người nghèo không tồn tại.  Vậy mà, không một sứ giả nào, không một sứ điệp nào có thể thay thế những người nghèo mà chúng ta gặp trên hành trình cuộc đời; bởi chính trong họ, Chúa Giêsu đến gặp chúng ta!  Người phú hộ xem ra không có lỗi gì, ông chỉ quá bận tâm về mình; và hầu như cuộc đời ông chỉ biết tìm thoả mãn bản thân mà quên mất giới răn trọng nhất, “kính mến Chúa, yêu thương người!”  Bạn và tôi đừng quên, Lazarô có thể là người ở bên ngoài cánh cổng; nhưng Lazarô cũng có thể chính là người nhà trong gia đình chúng ta.  Hãy sống làm sao để đừng hối tiếc vì đã không làm nhiều hơn cho họ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa muốn con ‘đừng chỉ là người tử tế!’; đừng để con tạo thêm cho mình một vực thẳm giữa Chúa và con ngay hôm nay, điều sẽ khiến con bẽ bàng và vỡ vụn mai ngày!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: Langthangchieutim

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay