Chắc gì chỉ có Tân Hoàng Minh và FLC?
Đỗ Ngà – Năm 2020, doanh nghiệp Bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp chiếm 38% tổng nguồn vốn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong khi đó ngành sản xuất chiếm 6%, ngành năng lượng chiếm 8%. Tuy nhiên, đến năm 2021, doanh nghiệp bất động sản chiếm đến 40% nhưng ngành sản xuất chỉ còn 3% và ngành năng lượng chỉ chiếm 5%. Nghĩa là doanh nghiệp bất động sản phát triển phình ra rất nhanh trong khi đó ngành sản xuất và năng lượng lại teo tóp. Nguyên nhân là do đâu?
Như tôi đã có phân tích trước đây, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lâm nợ đến mức vay ngân hàng không được, và ngân hàng đã cấu kết doanh nghiệp bảo lãnh phát hành trái phiếu thông qua ngả “phát hành chui” (tức không niêm yết). Vì lỗ hổng pháp lý của thị trường trái phiếu quá lớn nên các doanh nghiệp mất khả năng trả nợ vẫn phát hành trái phiếu bán ra cho dân thu tiền thanh toán nợ ngân hàng và còn ít đầu tư. Sau đó, họ thổi giá bất động sản lên để đẩy hàng đi để kiếm lời khỏa lấp khoản nợ khổng lồ.
Đó là thủ thuật đánh quả của các doanh nghiệp bất động sản. Các doanh nghiệp sản xuất thì không dám làm như thế vì họ không thể thổi giá sản phẩm để bán kiếm siêu lời nhằm bù đắp khoản nợ như các doanh nghiệp bất động sản thổi giá nhà. Chính vì thế ngành sản xuất không lớn nổi và ngành sản xuất không lớn thì năng lượng cũng không lớn. Việc các doanh nghiệp bất động sản phát triển như vũ bão ở cả số lượng doanh nghiệp lẫn quy mô vốn điều lệ là dấu hiệu bất thường. Nếu nền kinh tế mạnh thì tại sao các doanh nghiệp sản xuất và năng lượng không lớn nhanh như doanh nghiệp bất động sản? Đấy là dấu hiệu bong bóng rất rõ.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có lỗ hổng cực lớn, hổng đến nỗi 80% doanh nghiệp phát hành không niêm yết ung dung “bán giấy lộn” hốt tiền dân. Những doanh nghiệp này được gọi là doanh nghiệp 3 không “không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán”. Trong đám “3 không” ấy, Chính quyền bắt con “ 3 không” Tân Hoàng Minh ra “xẻ thịt” thử trong đó có gì? Và kết quả thật kinh hãi, trong ruột chả có gì ngoài nợ. Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên phát hành trái phiếu để hốt tiền trả nợ và đầu tư. Giờ bắt Tân Hoàng Minh trả lại tiền cho các trái chủ (mà đúng hơn là khổ chủ) thì họ vét “sạch túi” chỉ đủ thanh toán 20% khoản nợ. Hốt tiền khổ chủ trả nợ hết trơn, còn lại bao nhiêu đâu mà hoàn trả lại được cho các khổ chủ chứ?
Đấy là thị trường trái phiếu, còn thị trường cổ phiếu thì chả khác gì mấy. Chính quyền bắt con cá trương đối lớn trong thị trường cổ phiếu là FLC ra mổ xẻ thì cuối cùng, bên trong nó còn kinh hơn cả con cá Tân Hoàng Minh bên thị trường trái phiếu. Trịnh Văn Quyết đã thổi từ 1,5 tỷ lên đến 4.500 tỷ bằng cách bán giấy lộn cho người dân để thu tiền thật.
Nếu không có kẽ hở khổng lồ ở thị trường trái phiếu thì làm sao Đỗ Anh Dũng của Tân Hoàng Minh có thể lọt lưới để lừa dân bán “giấy lộn” lấy tiền? Nếu không có lỗ hổng khổng lồ trên thị trường cổ phiếu thì làm sao Trịnh Văn Quyết của FLC lấy “giấy lộn đổi tiền”?. Đã là lỗ hổng pháp lý, lỗ hổng bởi năng lực bộ máy chính quyền thì đám cá d bơi dày đặc ở thị trường chứng khoán ngoài kia không phải là “cá mè một lứa” thì đó là gì? Đã là lỗ hổng thì con này chui qua được thì con khác cũng chui. Đặc biệt là các con cá bất động sản, chúng có biểu hiện rất giống nhau đó là tốc độ lớn của vốn điều lệ còn nhanh hơn cả… Thánh Gióng.
Có lẽ chính quyền CS không dám bắt những con cá lớn trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Sunggroup ra “xẻ thịt”. Vì nếu xẻ mà bên trong nó “cùng một giuột” như FLC thì thị trường chứng khoán sụp đổ. Vậy nên, rất có khả năng chính quyền im luôn, cứ để dân cầm giấy lộn mà tưởng tài sản còn hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự như đang xây lâu đài trên cát, rất rủi ro cho nhà đầu tư./.