Thức Ăn Nhanh Cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R. thứ ba, ngày 30 tháng 8 năm 2022.
TRỞ THÀNH NGƯỜI QUAN TRỌNG LÀ VIỆC TỐT MÀ?
“Chúa Giêsu nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi”
(Lc 14: 7)
Hình như là người bình thường, ai cũng thích là người quan trọng? Nó nằm trong bản chất của con người? Phải chăng đó là bản tính của con người?
Thời nào cũng có những người thích là người quan trọng.
Thời Chúa Giêsu có đầy dẫy, thời này cũng không ít.
Thời nào con người cũng thích là người quan trọng. Mà chính Chúa Giêsu, như một con người, Người cũng thích là người quan trọng? Bằng chứng Người muốn người khác NHỚ đến, nhớ đến mãi mãi. Muốn mình ở trong tâm, trong trí người khác, chứng tỏ mình là người quan trọng. Bằng chứng Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly, đã căn dặn các tông đồ hãy cử hành Bí Tích Thánh Thể để nhớ đến Người. “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến thầy.”
Chúng ta cũng muốn người khác nhớ đến mình. Xét lại cõi lòng mình, nếu ta đi xa, ta thường hay gọi điện, email, viết thư về và hay hỏi những người khác “có nhớ tôi không?” Câu hỏi này, chứng tỏ, đâu đó, trong sâu thẳm cõi lòng, ta mong muốn mình có chỗ trong lòng của người khác. Mong mình chiếm vị trí nào đấy, chứng tỏ đang mong muốn là người quan trọng, người được người khác nhớ, được lưu ý đến và không bị bỏ rơi, không bị lãng quên.
Để trở thành người quan trọng là tốt, là cần thiết, nên cố gắng hết sức mình bằng những tài năng, nén bạc Thiên Chúa ban để trở nên giỏi nhất, tài nhất, quan trọng nhất trong khả năng, trong chuyên môn của mình. Phát triển tốt nhất khả năng của mình, đạt được vị trí cao nhất với khả năng của mình là điều Thiên Chúa mong muốn về ta. Bởi lẽ, nếu mình là người quan trọng, đúng vị trí, thích hợp, thì nhờ đó xã hội, cộng đoàn mới tiến lên được.
Tuy nhiên, như thi sĩ T. S. Eliot kinh nghiêm đúng đắn rằng “hầu hết những rắc rối trong cõi nhân gian đều do bởi con người ham muốn trở nên người quan trọng” “Most of the trouble in the world is caused by people wanting to be important.” Ham thích trở thành người quan trọng, mà vị trí đó không phù hợp với khả năng của mình thì không tốt, là ham thích hão, và gây khốn đốn cho những người khác.
Hãy ý thức, và khám phá chính bản thân mình đâu là vị trí, đâu là chỗ đứng Thiên Chúa phú ban cho tôi, và tìm ra những phương thức chính đáng để đạt được nó. Xin đừng ảo tưởng những chỗ không phù hợp với khả năng, với nén bạc Chúa trao ban cho mình. Đừng ảo tưởng, tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để đạt được những vị trí đó không phải là của mình. Ý thức rõ về khả năng và những giới hạn của cá nhân mình là điều rất quan trọng, để từ đó khiêm tốn hơn, bớt kiêu ngạo, bớt tìm những vị trí nhất dường như không thuộc về mình.
Bởi vì ham thích những vị trí không thuộc về mình, dễ dẫn đến ảo tưởng khả năng của mình và từ chối những sự khác biệt, phủ nhận khả năng của người khác.
Ai đó ảo tưởng về những khả năng của mình, cho mình luôn luôn phải là người quan trọng NHẤT và không công nhận tài năng của người khác là người kiêu ngạo. Kiêu ngạo gắn liền với bản chất của con người, không phân biệt bất cứ ai, nên ta cần ý thức luôn, để tránh, đừng rơi vào cái bẫy hám địa vị, chức quyền, hám lời khen, không thích nghe lời phê bình đúng đắn.
Chuyện kể rằng: Có một cha trẻ, mới về làm cha xứ được mấy năm. Trong một kỳ tĩnh tâm, cha giảng phòng giảng về nhân đức khiêm nhường, và tránh xa tính kiêu ngạo.
Sau đó, vào một bữa ăn, một vị linh mục trẻ ngồi cùng bàn ăn với một cha già, và đã hỏi cha già: Tại sao ai đó khen con, con thấy khen quá đáng, không đúng sự thật, mà con vẫn thích nghe, nghe cũng thích. Cảm thấy thích thú!
Trái lại, ai mà chê, hoặc phê phán con, con xét thấy là rất đúng, mà sao con cũng tức người ấy.
Rồi cha trẻ hỏi cha già: Còn cha cố thì sao?
Cha già nói ngay, không do dự: Mình cũng y như vậy!
Câu trả lời của cha già là rất thật. Rất con người. Nó nói lên bản chất thật của con người: thích được khen, thích được cho là tốt, là giỏi; không thích bị cho là dở, là không tốt. Do vậy, phải dè dặt khi được khen và “trân trọng” lời phê bình, và xem đó là cần thiết để sửa mình.
Ý thức rõ rằng:
“Tài năng do Chúa Trời phú ban, hãy khiêm tốn.
Danh tiếng do người khác trao tặng, hãy biết ơn.
Kiêu ngạo do chính ta tự phong, hãy cẩn thận.”
(John Wooden)
Suy Nghĩ và Hành Động: Nhiều khi tôi có mơ mộng những vị trí, những chỗ đứng mà không thuộc khả năng của tôi không? Tôi có thành kiến với xấu, ác cảm với những người góp ý tôi không? Tôi có đủ bình tĩnh, khôn ngoan để phân định những lời nói xu nịnh không? Tôi đang làm và thực hành gì để bớt kiêu ngạo?
Fr. Quảng Trần, C.Ss.R.
From: ThuNNguyen