Thức Ăn Nhanh Cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul)
thứ hai, ngày 15 tháng 8 năm 2022.
TỈNH THỨC
Fr. Quảng Trần, C.Ss.R.
Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.
Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về,
để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.
(Luca 12: 35-6)
Tỉnh thức là gì?
Tỉnh thức hoặc thức tỉnh là một trạng thái tâm linh bừng tỉnh, ý thức về chính mình và về những thực tại xung quanh. Tỉnh thức, tiếng anh là spritirual awakening (bừng tỉnh tâm linh, thức tỉnh tâm linh). Tỉnh thức là lời mời gọi hãy bừng tỉnh, hãy ý thức RÕ về chính những SUY NGHĨ, LỜI NÓI, HÀNH ĐỘNG của mình, và THẾ GIỚI XUNG QUANH để nâng mình lên cao hơn, thoát khỏi những đam mê, những tội lỗi kéo mình xuống. [Mặc dầu chúng ta, với những giới hạn thân phận con người, không có khả năng nhận thức đầy đủ về chính mình và thế giới xung quanh. Theo ngôn ngữ của thánh Phaolô, bây giờ chúng ta chỉ thấy mọi sự lờ mờ, chưa sáng tỏ, đợi khi nào vào trong trời mới đất mới, mọi sự mới tỏ tường]. Tỉnh thức (awake) có nghĩa đen là thức dậy nhưng cũng có nghĩa bóng là tỉnh thức, đừng mê đắm vào điều gì đó quá mức. Nói cách cụ thể, tỉnh thức là thành công trong việc chống lại các sự cám dỗ tinh vi, không bị lạc trong những “mật ngọt” của cuộc sống, không bị thiếu ý thức kẻo rơi vào những thứ được giăng ra hầu mong ta sập bẫy.
Tỉnh thức bao gồm BA MỨC ĐỘ. Tỉnh thức trong SUY NGHĨ, LỜI NÓI, và HÀNH ĐỘNG. Tuy nhiên, ba mức độ này là một chuỗi tổng hợp liên kết chặt chẽ, không tách rời. Tỉnh thức trong suy nghĩ sẽ chi phối hướng dẫn lời nói. Một khi đã tỉnh thức trong suy nghĩ, lời nói rồi, thì sẽ tỉnh thức trong các hành động của mình.
Con người thời này, với công nghệ khoa học kỹ thuật số (như vi tính, điện thoại được trang bị với những ứng dụng tối tân…) đã, đang, sẽ chi phối cuộc sống của mỗi cá nhân, và làm cho họ quá bận rộn, nên dường như quên ý thức về cuộc sống xung quanh, và quên cả thân phận mau hư nát của chính mình. Nhiều người sống như là một cỗ máy sẽ hoạt động vĩnh cửu, không bao giờ chết, không bao giờ ngừng hoạt động. Họ dường như không bao giờ có cùng suy nghĩ như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, hay có suy nghĩ mà không ý thức đủ, cuộc sống ở trần gian chỉ là quán trọ:
Con chim ở trọ cành tre,
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn…
Môi xinh ở trọ người xinh,
Duyên dáng ở trọ đôi chân Thuý Kiều…
Tôi nay ở trọ trần gian
Mai sau về chốn xa xăm với Người.
Nhìn những người khác chết, họ chẳng mảy may suy nghĩ “nay người mai ta.” Họ không quan tâm rằng:
Khi cánh cửa quan tài khép lại,
là khép lại mọi ước hẹn.
Tôi nằm xuống sau một lần vào viễn du,
Đất hoang vu khép lại mọi hẹn hò,
Đứa con xưa trở lại nguồn.
Mặt trời còn đây, mặt trời còn lên,
Đồng còn xanh, cỏ còn tươi.
… Mà hôm nay tôi phải ra đi!
Khi mỗi người chúng ta chết,
là thế giới chấm dứt với ta.
Thế giới chấm dứt với ta,
khi ta diện kiến Thiên Chúa.
Sống mà không ý thức một mai mình sẽ chết là đang mê ngủ. Cơn mê ngủ này không có thuốc đặc trị nếu chính đương sự không bừng tỉnh. Một khi con người không bừng tỉnh, không tỉnh thức về số phận phải chết của mình thì họ cũng chẳng thể sống như một con người. Trong ngôn ngữ tiếng Anh có câu: Chỉ khi bạn học thế nào để chết, thì bạn mới học thế nào để sống (Once you learn how to die, you learn how to live). Khi bừng tỉnh:
Kiếp sống thoảng qua: một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi…
Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. (x. Tv 90: 9, 10 và 12).
Tính thức với thái độ khôn ngoan là “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay” (Luca 12: 35-6).
Nếu đã ý thức thân phận con người phải chết, đó là quy luật không thay đổi. Giờ chết đến bất ngờ? Chuẩn bị. Chắc chắn sẽ chết. Vậy, câu hỏi đặt ra là chúng ta có đang “thắt lưng cho gọn, cầm đèn cháy sáng trong tay không?” Xin cho mỗi người chúng ta trong hoàn cảnh, trong bậc sống của mình, hãy thắp sáng đời mình.
Chuyện kể rằng: Vài thế kỷ trước, tại một ngôi làng miền núi ở châu Âu, một nhà quý tộc quyết định bí mật xây một nhà thờ để làm di sản cho người dân trong làng của ông.
Ngày khánh thành, mọi người ngạc nhiên trước vẻ đẹp sắc sảo của ngôi thánh đường. Nhưng một người có cái gì đó không bình thường nên đã hỏi: “Hệ thống đèn, điện ở đâu? Nhà thờ được thắp sáng thế nào?”
Nhà quý tộc chỉ vào một số móc trên tường. Rồi, sau đó, ông trao cho mỗi gia đình một chiếc đèn, và dặn: “Mỗi khi đến đây, chính mỗi người treo đèn của mình lên vào cái móc gần chỗ mình ngồi nhất.”
Ông giải thích: “Mỗi khi bạn đến, khu vực bạn ngồi sẽ sáng. Nếu bạn không đến, khu vực đó sẽ tối. Bất cứ khi nào bạn không đến, một số nơi trong nhà thờ sẽ không có ánh sáng, bị tối tăm chiếm dụng. Và quan trọng hơn, bạn ‘giữ cho đèn tâm hồn luôn sáng’ không chỉ trong nhà thờ mà cả ngoài nhà thờ nữa.”
Cùng Suy Nghĩ và Hành Động: Tôi đã khi nào ngồi, nhắm mắt lại và tưởng tượng ra cảnh chính tôi đang nằm trong quan tài, và mọi người đang thăm viếng tôi không? Thử tưởng tượng xem mọi người đang nghĩ gì về tôi – người ra đi? Tôi có đang sống như một anh hùng và để rồi chết như một anh hùng không? Tôi có đang hành động, hay làm điều gì đó để nhắc nhở tôi phải sống như sẽ chết không?
Fr. Quảng Trần, C.Ss.R.