Điều Trần Vụ Bạo Loạn Capitol Hill: 4 Điểm Chính Trong Buổi Điều Trần Thứ 7

Điều Trần Vụ Bạo Loạn Capitol Hill: 4 Điểm Chính Trong Buổi Điều Trần Thứ 7

12/07/2022

Phiên điều trần thứ 7 diễn ra vào Thứ Ba, 12 tháng 7 năm 2022, tập trung vào việc Donald J. Trump và các đồng minh của ông đã nỗ lực triệu tập một đám đông những người ủng hộ ông kéo đến Washington để phản đối việc chứng nhận cuộc bầu cử như thế nào, sau khi mọi con đường pháp lý đều đi vào ngõ cụt. (Nguồn: YouTube)

WASHINGTON – Trong buổi điều trần vào Thứ Ba, 12 tháng 7 năm 2022, dựa vào lời khai từ các phụ tá của Trump, các nhà bình luận truyền thông cánh hữu và các thành viên dân quân, Ủy Ban Đặc Biệt Hạ Viện đã chứng minh cách các tuyên bố công khai của Cựu Tổng Thống Trump khiến những người ủng hộ ông tin rằng cuộc bầu cử thực sự đã bị đánh cắp và xông vào Điện Capitol nhằm ngăn chặn chứng nhận bầu cử, theo NYTimes đưa tin ngày Thứ Ba, 12 tháng 7 năm 2022.

Trang New York Times đã rút ra 4 điểm chính của phiên điều trần thứ 7:

  1. Một dòng tweet của Trump huy động được đám đông ngày 6 tháng 1

Sáng sớm ngày 19 tháng 12 năm 2020, Cựu Tổng Thống Trump đăng một dòng tweet kêu gọi những người ủng hộ mình hãy đến Washington vào ngày 6 tháng 1.

“Biểu tình rầm rộ ở D.C. vào ngày 6 tháng 1,” Trump đăng trên Twitter. “Hãy đến đó, sẽ rất điên cuồng!”

Ủy Ban đã chứng minh cách dòng tweet này đóng vai trò như một lời kêu gọi tập hợp những người ủng hộ ông Trump – bao gồm các tổ chức cực đoan và các nhà bình luận truyền thông cánh hữu.

Ngay lập tức, sự ủng hộ bắt đầu được tăng cao cả trong các nhóm cực hữu như Oath Keepers và Proud Boys, cũng như trong số những công dân bình thường tin vào lời nói dối của Trump về cuộc bầu cử. Và có nhiều trường hợp, các bình luận trực tuyến từ những người ủng hộ Trump nghe giống như một lời kêu gọi vũ trang, dùng bạo lực để nói chuyện.

Matt Bracken, một nhà bình luận cánh hữu, cho biết trong một video clip được đăng ngay sau dòng tweet của Trump: “Chúng ta sẽ chỉ được cứu rỗi bởi hàng triệu người dân Hoa Kỳ kéo đến Washington, chiếm toàn bộ khu vực, nếu cần thì xông thẳng vào Điện Capitol luôn. Chúng ta biết các quy tắc giao tranh là gì. Hễ có đủ người, ta có thể đẩy sập bất kỳ loại hàng rào hoặc bức tường nào.”

Khi đám đông đến Washington, những người ủng hộ ông Trump tiếp tục nghe theo những gợi ý từ ông ta.

“Tôi đã nghe theo mọi lời ông ấy nói,” Stephen Ayres, một người ủng hộ đã nhận tội nhẹ về hành vi cản trở và gây rối vì vai trò của mình trong vụ bạo loạn Điện Capitol, cho biết. Ayers nói rằng mình không hề có kế hoạch chạy đến Điện Capitol nhưng đã quyết định làm vậy sau khi nghe ông Trump phát biểu trước đám đông trên quảng trường Ellipse, gần Tòa Bạch Ốc.

“Về cơ bản, thì chúng tôi chỉ làm theo những gì ông ấy nói,” Ayers nói. Ông đã rất tức giận vì tin rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp và cần phải làm gì đó để sửa sai. Theo ông, đám đông tin rằng ông Trump sẽ gặp họ tại Điện Capitol. Ông nói: “Tôi nghĩ mọi người cũng như tôi, đều nghĩ rằng ông ấy sẽ tới đó. Mọi người cũng biết mà, trong bài phát biểu của mình, ông Trump đã nói giống như kiểu ông ấy sẽ ở đó với chúng tôi. Cho nên tôi đã tin.”

  1. Bằng chứng mới về kế hoạch đi đến điện Capitol

Ủy Ban đã đưa ra bằng chứng mới cho thấy ông Trump và các đồng minh có nhiều kế hoạch sâu rộng hơn so với những gì từng được biết, về việc đi tới Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.

Trong các tài liệu mà Ủy Ban thu được, có một dòng tweet được soạn sẵn cho ông Trump, mà ông cũng đã biết, kêu gọi những người ủng hộ diễn hành đến Điện Capitol sau bài phát biểu của ông.

Dòng tweet nháp viết rằng: “Sẽ có một bài phát biểu lớn lúc 10:00 A.M. ngày 6 tháng 1 ở phía nam Bạch Ốc. Mọi người hãy đến sớm nhé. Dự kiến ​​sẽ đông lắm. Rồi sẽ diễn hành đến Capitol sau Stop the Steal!”

Dòng tweet chưa bao giờ được gửi đi, nhưng Ủy Ban cho rằng nó là một bằng chứng cho thấy rằng, trong những ngày trước ngày 6 tháng 1, Cựu Tồng Thống Trump và các đồng minh đã thảo luận về kế hoạch để ông tới khu vực xung quanh Điện Capitol sau cuộc biểu tình ở Ellipse.

Ủy Ban đã đưa ra một tin nhắn văn bản mà một đồng minh của Trump, Michael J. Lindell, người đứng đầu công ty My Pillow, đã nhận được từ một nhà tổ chức cuộc biểu tình vào ngày 4 tháng 1, trong đó nhà tổ chức nói rằng giai đoạn thứ hai sẽ được thiết lập tại Tối Cao Pháp Viện, đối diện với Mặt Phía Đông của Điện Capitol.

Người tổ chức cuộc biểu tình, Kylie Kremer, đã viết: “Tôi không thể thoát ra để chuyển qua giai đoạn thứ hai bởi vì mọi người  cố gắng tạo thành một cuộc biểu tình khác và phá hoại. Cũng không thể thoát ra để qua cuộc diễn hành vì tôi sẽ gặp rắc rối với National Park Service và tất cả các cơ quan, còn POTUS sẽ chỉ chép miệng gọi đó là ‘bất ngờ.’”

Các tin nhắn văn bản khác được gửi vào khoảng thời gian đó đều cho thấy các nhà hoạt động cánh hữu tin rằng ông Trump sẽ tham gia cùng họ khi họ tập trung tại Điện Capitol.

“Trump được cho là sẽ ra lệnh cho chúng tôi đến thủ đô vào cuối bài phát biểu của ông ấy nhưng chúng tôi cứ chờ xem,” Ali Alexander, người dẫn đầu chiến dịch “Stop the Steal” cho biết.

Ủy Ban cũng đưa ra một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Bạch Ốc, Shealah Craighead, người có mặt tại một buổi họp tại Phòng Bầu Dục vào tối ngày 5 tháng 1, khi ông Trump và một số phụ tá có thể nghe thấy đám đông những người ủng hộ ông đang tụ tập gần đó. Bà Craighead làm chứng rằng ông Trump có nói, “Chúng ta đến Điện Capitol thôi. Đường nào đến Điện Capitol tốt nhất?”

  1. Một cuộc đụng độ trong Phòng Bầu Dục

Bốn ngày sau khi các bang bỏ phiếu Đại Cử Tri Đoàn, về cơ bản chấm dứt mọi thách thức pháp lý đối với chiến thắng của Joseph R. Biden Jr., một nhóm cố vấn bên ngoài của Trump đã hối hả đến Cánh Tây để gặp ông tại Phòng Bầu Dục. Các cố vấn – bao gồm cả luật sư Sidney Powell và Michael T. Flynn, vị tướng về hưu từng có thời gian ngắn làm cố vấn an ninh quốc gia cho Trump – mang theo đầy đủ các dự thảo lệnh hành pháp mà họ muốn ông Trump ký để lợi dụng Bộ Quốc Phòng thu giữ các máy bỏ phiếu trong nỗ lực cố gắng chứng minh cho những tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử.

Ngay sau khi cuộc họp bắt đầu, cố vấn Bạch Ốc, Pat A. Cipollone – người không tin cuộc bầu cử bị đánh cắp và đã thúc giục Trump nhận thua – biết được điều đó và lao vào Phòng Bầu Dục nhanh đến mức bà Powell cho biết ông ấy đã lập “kỷ lục tốc độ mới trên đất liền.”

Ông Cipollone nói trong lời khai được ghi hình: “Tôi mở cửa, bước vào, và thấy Tướng Flynn, Sidney Powell đang ngồi ở đó – Tôi không vui nổi khi thấy mấy người này có mặt trong Phòng Bầu Dục.”

Cipollone kể ông đã quay sang một trong những cố vấn mà ông không biết và hỏi danh tính của người này. Hóa ra đó là nhà sáng lập của Overstock.com, Patrick Byrne. Ông nói: “Tôi không nghĩ có bất kỳ ai trong số mấy người đó cho tổng thống được những lời khuyên hữu ích. Có cách để tranh cãi về các cuộc bầu cử, nhưng mà cái ý tưởng lôi chính phủ liên bang vào cuộc và thu giữ các máy bỏ phiếu? Không – không hiểu sao tôi còn phải giải thích tại sao đó là một ý tưởng tồi. Đó là một ý tưởng khủng khiếp.”

Trong những giờ sau, một cuộc họp diễn ra sau đó được coi là gây tranh cãi nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, khi ông Cipollone và các cố vấn khác của Bạch Ốc, bao gồm cả Eric Herschmann, đối đầu với bà Powell, ông Flynn và ông Byrne.

“Nhiều lúc, họ la hét, chửi bới nhau chứ không chỉ là ngồi bàn bạc công chuyện,” Derek Lyons, thư ký Bạch Ốc lúc bấy giờ cho biết.

Bà Powell cho lời khai rằng bà nghĩ ông Trump đã chỉ định mình làm cố vấn đặc biệt để điều tra các cáo buộc gian lận bầu cử. Nhưng ông Cipollone cực lực phản đối động thái đó và thẳng thừng từ chối làm các thủ tục giấy tờ cần thiết cho việc đề cử.

Sau tất cả các cuộc đấu đá giữa các cố vấn bên ngoài và cố vấn Bạch Ốc, ông Trump từ chối kế hoạch sử dụng quân đội hoặc các cơ quan liên bang khác để chiếm giữ các máy bỏ phiếu. Vài giờ sau, cựu tổng thống chuyển sang Twitter để đăng lời kêu gọi những người ủng hộ ông đến Washington vào ngày 6 tháng 1.

  1. Thêm cảnh báo về việc giả mạo nhân chứng

Cuối phiên điều trần hai tuần trước, DB Liz Cheney, phó chủ tịch Ủy Ban 6 Tháng 1, đã cảnh báo về việc giả mạo nhân chứng – và lần này thông điệp của bà nhắm thẳng vào ông Trump.

Bà Cheney nói rằng có một nhân chứng – người mà bà từ chối nêu đích danh, chỉ cho biết lời khai của người đó cho đến nay vẫn chưa được công khai – đã nhận được cuộc gọi từ ông Trump trong hai tuần qua. Nhân chứng này đã nhận được cuộc gọi sau phiên điều trần cuối cùng, khi mà Cassidy Hutchinson, một cựu phụ tá Cánh Tây, cung cấp lời khai gây sốc về ông Trump.

Bà Cheney nói rằng nhân chứng này đã từ chối nhận hoặc trả lời cuộc gọi của ông Trump, và đã nói với luật sư của mình báo lại cho Ủy Ban. Ủy ban sau đó đã chuyển thông tin cho Bộ Tư Pháp.

Sau lời khai công khai của bà Hutchinson vào ngày 28 tháng 6, Ủy Ban đã tiết lộ nỗ lực của các đồng minh của Trump nhằm tiếp cận một nhân chứng, cũng chính là bà Hutchinson.

Hôm Thứ Ba, phát ngôn viên của ông Trump cho biết trên Twitter rằng bà Cheney đang “ăn đằng sóng nói đằng gió,” nhưng không đề cập trực tiếp đến việc liệu ông Trump có cố gắng tiếp cận với một nhân chứng hay không.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay