BẠN ĐANG THIỆN TÂM hay ÁC TÂM?
Fr. Francis Quảng Trần C.Ss.R
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2: 14)
Thiện tâm là gì? Ác tâm là gì?
Hiểu đơn giản thì thiện tâm là tâm ngay lành, là nghĩ tốt, nói đúng và làm tốt cho người khác. Thiện tâm là lòng tốt, là chân tình, là tình yêu thương.
Ác tâm là nghĩ xấu, nói xấu, và làm xấu cho người khác. Ác tâm là lòng độc ác.
Dấu chỉ của người thiện tâm là luôn luôn bình an trước những khó khăn, bất công của cuộc sống, vì người thiện tâm biết rằng một khi đã sống thiện tâm thì không sự dữ nào có thể tấn công, làm hại được họ. Trái lại, người ác tâm luôn sống bất an trước mọi vấn đề của cuộc sống, vì họ luôn nhìn mọi biến cố theo chiều hướng có thể “ác tâm” cho mình, hoặc cho người khác.
Chuyện nghe và quan sát được: Một lần kia, tôi được mời đến giảng tĩnh tâm cho một xứ nọ. Đây là một cộng đoàn Công Giáo của người Việt, mới được giáo phận trao cho một nhà thờ để toàn quyền lo cho đời sống đức tin của cộng đồng người Việt trong giáo phận. Nhà xứ và nhà thờ này cách nhau chừng năm phút lái xe. Bên cạnh nhà thờ Công giáo này là một cở sở nhỏ của anh em tin lành. Cơ sở này nếu nhà thờ Công giáo mua để làm nhà xứ rất thích hợp và thuận tiện – nhà xứ nằm ngay bên cạnh nhà thờ theo văn hoá, tinh thần mục vụ của người Việt.
Một lần, cha xứ ở đây và tôi trên xe đi từ nhà ra nhà thờ, tôi hỏi: làm thế nào để mình mua được cơ sở này của anh em giáo phái Tin Lành để làm nhà xứ?
Cha xứ trả lời: Cầu nguyện thôi! Cầu nguyện xin Chúa cho họ có nhiều người đi hội họp, cầu nguyện… để cơ sở này trở nên chật chội, và họ cần kiếm một cơ sở mới, khang trang, rộng rãi hơn để sinh hoạt việc thờ phượng.
Nói theo ngôn ngữ đời thường thì cha xứ này đã cầu nguyện cho người ta “ăn nên làm ra.” Một khi đã ăn nên làm ra thì chỗ nhỏ bé này không xứng tầm với người giàu nữa. Cần chỗ khang trang để xứng tầm với người ăn nên làm ra.
Cũng câu hỏi ấy, tôi hỏi một giáo dân khi người ấy chở tôi đi công chuyện ngang qua khu nhà thờ: nếu bên Công giáo mà mua được cơ sở của anh em thuộc giáo phái Tin lành bên cạnh để làm nhà xứ thì tiện lợi biết bao?
Người đó trả lời: Cầu nguyện! Cầu nguyện cho ÍT người đến sinh hoạt ở đó để họ không đủ chi trả, và phải bán cho bên chúng ta.
Nói theo ngôn ngữ đời thường thì người này đã cầu nguyện cho người ta “làm ăn bết bát.” Làm ăn bết bát thì không còn tiền bạc để sinh sống, đến nỗi phải bán cả tài sản, đất đai để trang trải cho cuộc sống.
Cùng một cầu hỏi, cùng một ý hướng là mua cở sở của anh em giáo phái Tin lành, và mong muốn người ta bán cho, nhưng qua câu trả lời khác nhau đã diễn tả nội tâm, tâm hồn khác nhau được ẩn chứa bên dưới: Thiện tâm và ác tâm. Thiện tâm là muốn điều tốt cho người ta có thể mình cũng được hưởng lợi theo hoặc không; còn ác tâm là muốn điều không tốt cho người ta và mình có thể hưởng lợi hoặc không.
Để có thể làm sáng danh Thiên Chúa, và sống cuộc đời bình an, cần lắm việc huấn luyện lương tâm, tập luyện lòng chúng ta hướng về sự thiện.
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2: 14).
Để có hành động, lời nói thiện tâm thì trước đó lòng, trái tim phải thiện tâm. Vì lẽ, Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa, yếu tố này làm con người trổi vượt hơn các loài thọ tạo hiện hữu trong trần gian này, và con người có tự do chọn lựa. Con người có tự do đưa ra những chọn lựa luân lý cho mình, nhưng con người hoàn toàn không có tự do vì những hậu quả do những chọn lựa của họ (You are free to choose, but you are not free from the consequences of your choices). Do vậy, có ai đã nói:
Hãy cẩn thận với NHỮNG SUY NGHĨ của bạn vì chúng sẽ biến thành Lời Nói.
Hãy cẩn thận với những LỜI NÓI của bạn vì chúng sẽ biến thành Hành Động.
Hãy cẩn thận với những HÀNH ĐỘNG của bạn vì chúng sẽ biến thành Thói Quen.
Hãy cẩn thận với các THÓI QUEN của bạn vì chúng sẽ tạo nên Tính Cách của bạn.
Hãy chú trọng tới TÍNH CÁCH của bạn vì nó sẽ tạo nên Số Mệnh của bạn.
Và SỐ MỆNH của bạn sẽ là CUỘC ĐỜI của bạn . . .và . . .
Cùng Suy Nghĩ và Hành Động: Tôi có kinh nghiệm như thế nào về việc: miệng nhanh hơn não, hoặc nói mà chưa kịp suy nghĩ kỹ, rồi sau đó cảm thấy giá mà đừng nói những lời đó thì tốt hơn không? Nhìn vào lòng mình, tìm xem trong quá khứ đã bao nhiêu lần tôi ác tâm cố ý? Ác tâm không cố ý? Tôi đã cảm nhận như thế nào về sự bình an do ý ngay lành của tôi không?
Fr. Francis Quảng Trần C.Ss.R
From: Le Ngoc Bich & KimBang Nguyen