Một số bệnh nhân ung thư có thể không cần điều trị quá nhiều
June 8, 2022
CHICAGO, Illinois (NV) – Sau khi giải phẫu, một số bệnh nhân ung thư có thể không cần được xạ trị hoặc hóa trị, theo AP trích dẫn tin từ hai nghiên cứu về việc giảm nhẹ điều trị ung thư.
Nghiên cứu đầu tiên sử dụng xét nghiệm máu để xác định những bệnh nhân ung thư ruột kết có thể bỏ qua quá trình hóa trị sau giải phẫu. Nghiên cứu này được sự tài trợ của chính phủ Úc, Mỹ và các nhóm phi lợi nhuận, được tạp chí y khoa New England Journal loan tải hôm Thứ Bảy, 4 Tháng Sáu.
Một bệnh nhân được hóa trị. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)
Trong khi đó nghiên cứu thứ hai cho thấy một số bệnh nhân ung thư vú nguy cơ thấp có thể bỏ qua bước xạ trị sau khi cắt bỏ khối u. Nghiên cứu này được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp Hội Ung Thư Lâm Sàng Mỹ diễn ra vào Thứ Ba, 7 Tháng Sáu, tại Chicago.
Bác Sĩ Stacey Cohen của Trung Tâm Ung Thư Fred Hutchinson ở Seattle, người tham gia xem xét nghiên cứu thứ nhất, cho biết những phát hiện từ hai nghiên cứu này sẽ giúp bác sĩ “tập trung vào những bệnh nhân thực sự cần xạ trị, hóa trị, từ đó tránh được những tác dụng phụ ở những nhóm bệnh nhân còn lại.”
Nghiên cứu ung thư ruột kết
Nhiều bệnh nhân ung thư ruột kết vẫn phải hóa trị sau giải phẫu. Thuốc dùng trong quá trình này có thể đi kèm những tác dụng phụ như muốn ói, thiếu máu, các vấn đề về trí nhớ. Tuy nhiên việc xác định chính xác bệnh nhân nào không cần điều trị thêm không phải là việc dễ.
Vậy nên các nhà nghiên cứu muốn xem thử xét nghiệm máu có thể giúp giải quyết vấn đề này hay không.
Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu tiến hành xem xét 455 bệnh nhân phải giải phẫu vì ung thư di căn vào ruột kết. Sau khi giải phẫu, một nhóm được xét nghiệm máu để thử xem còn bất kỳ đoạn DNA ung thư nào sót lại hay không.
Từ kết quả xét nghiệm máu, các nhà nghiên cứu đưa ra hướng chăm sóc cho các bệnh nhân. Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy không còn dấu hiệu ung thư, thì bệnh nhân không cần hóa trị. Đối với nhóm không xét nghiệm máu thì sẽ điều trị theo cách thông thường, tức là dựa theo phân tích các khối u và mô lân cận.
Kết quả cho thấy sau hai năm, cả hai nhóm đều có khoảng 93% bệnh nhân không mắc ung thư, dù tỷ lệ hóa trị của nhóm xét nghiệm máu chỉ là 15% so với 28% của nhóm không xét nghiệm máu. Hay nói cách khác, dù hóa trị ít hơn nhưng kết quả của nhóm xét nghiệm máu tốt tương đương nhóm còn lại.
Bác Sĩ Jeanne Tie của Trung Tâm Ung Thư Peter MacCallum ở Melbourne, Úc, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết ở những bệnh nhân không còn DNA ung thư thì tỷ lệ tái ung thư là rất thấp, do đó hóa trị đối với họ không có nhiều lợi ích.
Nghiên cứu ung thư vú
Trong nghiên cứu về ung thư vú, nhóm nghiên cứu theo dõi 500 phụ nữ lớn tuổi mắc dạng ung thư vú giai đoạn đầu phổ biến với mức protein Ki67 (một dấu hiệu bệnh ung thư phát triển nhanh) thấp.
Sau khi giải phẫu, họ được dùng thuốc ức chế hormone, một phương pháp điều trị tiêu chuẩn, nhưng không được xạ trị.
Sau năm năm, chỉ có 10 phụ nữ bị tái phát ung thư cùng một bên vú, một ca tử vong vì ung thư vú. Mặc dù không có nhóm so sánh, tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho biết kết quả cũng không thua kém với các dữ liệu về những bệnh nhân được xạ trị trong quá khứ.
Theo Bác Sĩ Timothy Whelan của đại học McMaster University ở Hamilton, Ontario, người dẫn đầu nghiên cứu, xạ trị không có nhiều lợi ích đối với nhóm bệnh nhân này, trong khi tác dụng phụ lại rất đáng cân nhắc. Bức xạ có thể gây ra các vấn đề về da, mệt mỏi, hoặc ít thấy hơn là có vấn đề lâu dài về tim hoặc thậm chí cả ung thư. (V.Giang) [qd]