THỪA DANH HIỆU- THIẾU DANH DỰ

THỪA DANH HIỆU- THIẾU DANH DỰ

“Lịch sử của Việt Nam lẫn nhân loại ngàn năm qua, những bậc vĩ nhân nào có ai khoác trên mình học hàm, học vị, danh hiệu này kia. Họ được tôn thờ và tưởng nhớ nhờ những tư tưởng vĩ đại, những trước tác bất hủ, những chiến công oanh liệt, vạch đường soi sáng cho dân tộc. Trong khi hình thức “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân” thực tế cũng chỉ sử dụng ở vài ba quốc gia, giữa thời đại mà mọi đánh giá về thành tựu, hiệu ứng/hiệu quả nghệ thuật đang có quá nhiều thay đổi mang tính toàn cầu, hiện đại.

Ra thế giới, người ta chỉ cần biết anh viết gì, vẽ gì, hiệu ứng phổ quát ra sao, độ tương tác thế nào với đông đảo người tiếp nhận, chứ ai cần biết danh hiệu anh là gì? Nhưng trong nhà mình, năm nào cũng thấy eo sèo cãi cọ về xét danh hiệu với xin “đặc cách” giải thưởng. Để rồi với không ít người, danh hiệu chỉ có tác dụng làm dài thêm trong diễn văn giới thiệu và trên bia mộ.

David Bowie (1947-2016), người Anh, một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại, người được đặt tên cho một tiểu hành tinh gần sao Hỏa, lúc sinh thời đã từ chối nhận tước hiệu Hiệp sĩ của Nữ hoàng Anh. “Tôi thực sự không biết nó để làm gì. Đó không phải là thứ mà tôi đã dành cả đời để làm việc”.

Một người Anh vĩ đại khác là Stephen Hawking cũng đã nói không với tước hiệu danh giá của Hoàng gia.

David Bowie hay Stephen Hawking từ chối phong tước Hiệp sĩ, thì nhân loại vẫn mãi ghi ơn công trình sáng tạo, khoa học của những con người ấy. Có hay không có một chữ “Sir” trước họ tên thì họ vẫn là những hiệp sĩ cao quý và đích thực.

Danh dự của người sáng tạo chính là những tác phẩm, công trình thực sự góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, bồi đắp nhân văn, mang lại lợi ích lớn lao cho nhân dân. Bao giờ những nghệ sĩ, người lao động sáng tạo của chúng ta mới giảm bớt sự ham muốn cồng kềnh mang vác những danh hiệu, cả trong tư tưởng lẫn ngoài đời, để hiểu rằng “thừa” danh hiệu nhiều khi sẽ dễ dẫn tới thiếu danh dự?”

Trần Tuấn

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay