Tự tử do áp lực mafia hay do yếu bóng vía?

Tự tử do áp lực mafia hay do yếu bóng vía?

Mai Bá Kiếm

5-6-2022

Nguyên thứ trưởng Trương Quốc Cường ký duyệt cấp số đăng ký lưu hành tại VN cho thuốc trị ung thư giả mà chỉ bị phạt 4 năm tù, nên đáng tiếc cho bà Trưởng khoa Dược – Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp phải tự tử tại nhà riêng, vào sáng ngày Quốc tế Thiếu nhi, bỏ lại hai con!

Chỉ có một giám đốc CDC Đồng Tháp và một phó khoa Chẩn đoán, Xét nghiệm thuộc CDC bị bắt giam vì liên quan Việt Á. Chưa có quan chức nào ở BVĐK Đồng Tháp bị khởi tố, mà bà Trưởng khoa Dược của BV này đã tự tử có lẽ áp lực từ nội bộ đè lên vai bà rất khủng khiếp!

Cách đây 29 năm, trưa ngày 5/3/1993, dược sĩ Phan Văn Tín – Vụ trưởng Vụ Quản lý dược (QLD – từ 13/8/1996, Vụ QLD đổi thành Cục QLD), treo cổ chết tại nhà riêng!

Lý do, ngày 11/1/1993, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Trọng Nhân (1930-2017) đã cho thanh tra Vụ QLD. Kết luận thanh tra cho thấy: Vụ QLD làm giả mạo văn bản nhà nước để cấp số đăng ký “ma” cho 192 mặt hàng thuốc nhập khẩu, không thông qua hội đồng xét duyệt, không kiểm nghiệm chất lượng thuốc, hoặc thuốc không có số đăng ký lưu hành tại nước sở tại. Trong đó, dược sĩ Phan Văn Tín đã cấp 149 số đăng ký “ma”! Bộ trưởng Nhân tạm đình chỉ chức vụ dược sĩ Tín và chuyển hồ sơ thanh tra sang cơ quan điều tra, thì mấy ngày sau, dược sĩ Phan Văn Tín đã tự tử.

11 năm sau, ngày 5/11/2004, báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài: “Giáo sư, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Trọng Nhân: Tôi không thể sống chung với tham nhũng”.

Trong đó, GS Trọng Nhân kể lại đầu đuôi vụ việc dược sĩ Tín và xác nhận việc Cục QLD để thuốc giả thuốc dỏm nhập khẩu như hiện nay (năm 2004) là “do hồi đó (1993) mình xử lý chưa xong, chưa triệt để.

Sau khi dược sĩ Tín tự tử, hai ông vụ phó (dược sĩ T.N.D và dược sĩ P.X.L) “đánh” nhau dữ dội để tranh chức. Và sau này tôi mới hiểu vỉ sao họ “đánh” nhau? Vì họ tranh giành vị trí béo bở. Tôi đình chỉ chức vụ của hai ông luôn.

Bọn tham nhũng cũng ghê gớm lắm, nó tìm cách chống trả quyết liệt. Quãng cuối thời kỳ tôi làm bộ trưởng, tôi yêu cầu Hội đồng kỷ luật phải họp để xử lý triệt để vụ việc, nhưng một số thành viên chần chừ không họp.

Tôi đặt vấn đề với thứ trưởng thường trực phải họp hội đồng kỷ luật, để có quyết định kỷ luật những cán bộ sai phạm theo kết luận thanh tra, thì đùng một cái nhận được “trát” của trên gửi xuống yêu cầu đình chỉ mọi cuộc họp của Bộ Y tế. Cuối cùng, vụ án “chìm xuồng”!

GS Nhân cũng cho báo Pháp Luật biết, vì không thể sống chung với tham nhũng, tháng 11/1995, ông phải từ chức trước nhiệm kỳ (tháng 10/1992 – tháng 10/1997).

Cố bộ trưởng Nhân còn sợ mafia mà!

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay