Loạn tiến sĩ – Vì đâu nên nỗi?

Loạn tiến sĩ – Vì đâu nên nỗi?

Một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ ở Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam. Ảnh Facebook.

Vài suy nghĩ lan man nhân chuyện tiến sĩ mọc ra như nấm ở Việt Nam

Mấy hôm nay, trên mạng xã hội Facebook rộ lên chuyện phong trào “tiến sĩ” nhân vụ báo chí phanh phui chuyện Viện Hàn Lâm Khoa Học và Xã Hội Việt Nam cấp bằng tiến sĩ giống như cái máy đẻ, “nghiệm thu” hàng chục đề tài nghiên cứu để sinh ra hàng chục tiến sĩ trong một ngày. Đọc tiêu đề của các luận văn tiến sĩ này khó ai khép được miệng cười, hoặc không nhịn được mà phải văng tục, chẳng hạn như luận văn “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” của Đặng Hoàng Anh, bộ môn Giáo dục học, được giáo sư tiến sĩ Lưu Quang Hiệp và phó giáo sư tiến sĩ Đặng Văn Dũng thuộc Viện Khoa học Thể dục Thể thao hướng dẫn! Một thông tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 5 tháng Năm cho biết luận văn tiến sĩ cầu lông của ông Anh đã “bảo vệ thành công” ngày 19 Tháng Giêng 2022 và đến nay có tới 10 luận án tiến sĩ cầu lông như của ông Anh!

Người ta còn tìm ra và đăng lên Facebook hàng chục bìa luận văn tiến sĩ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (tên mới của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trung ương, nơi đào tạo các quan chức lãnh đạo của đảng CSVN) với những đề tài giống hệt nhau, kiểu như “Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến 2015” của Lê Xuân Dũng; “Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến 2015” của Trần Thị Vân; “Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến 2015” của Nguyễn Thị Thu Hương v.v… Trên một bài đăng của Facebooker Sơn Trần, chúng tôi đếm có hơn 30 luận văn như vậy.

***

Một trong vô số luận án tiến sĩ ở Học viện Chính trị quốc gia HCM. Ảnh Facebook

Phong trào tiến sĩ nở rộ ở Việt Nam như nấm sau mưa không phải tự dưng xuất hiện mà có chủ trương chính sách khuyến khích của nhà cầm quyền. Các bộ ngành trung ương và các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn đều đặt ra “chỉ tiêu” đào tạo, “nâng cấp” hàng ngàn tiến sĩ cho đội ngũ cán bộ công chức. Ông Nguyễn Thiện Nhân, từng là Phó thủ tướng, Bộ trưởng giáo dục, khi còn là Phó chủ tịch thành phố Sài Gòn đã yêu cầu thành phố phải đầu tư 14,000 tỷ đồng để đào tạo 20,000 tiến sĩ làm việc cho chính quyền thành phố!

Chính sách khuyến khích “phổ cập tiến sĩ” còn được hỗ trợ bởi các biện pháp vật chất khác. Người làm việc trong guồng máy nhà nước phải có bằng tiến sĩ mới có cơ may được đề bạt làm phó giáo sư, giáo sư, lên các chức vụ quản lý. Độ tuổi nghỉ hưu theo luật định là 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ, nhưng nếu có bằng tiến sĩ thì nhà quản lý có thể ngồi tiếp đến năm 65 tuổi, tiếp tục hưởng bổng lộc và sau đó vẫn có thể làm tiếp nhưng không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nữa.

Với những quyền và lợi hấp dẫn như vậy, người người chen nhau đi tìm bằng tiến sĩ và các “lò sản xuất” luận văn tiến sĩ âm thầm mọc lên, cung cấp đủ loại luận văn cho người có nhu cầu và có tiền trả, thường là luận văn cho các ngành “tào lao”, chẳng có ý nghĩa khoa học gì như ngành lịch sử Đảng, xây dựng Đảng, quản trị kinh doanh, văn hóa học; hầu như không có các luận văn thuộc các ngành khoa học tự nhiên hoặc công nghệ. Báo Asia Sentinel từng đăng một phóng sự điều tra khá sốc về tình trạng gian lận học thuật ở Việt Nam mà báo gọi là một thị trường kinh doanh lớn phục vụ chủ yếu cho giới quan chức; có thể đọc bản dịch tiếng Việt của phóng sự trên ở đây.

Không khó để nhận ra những “luận văn tiến sĩ” kể trên là sản phẩm sản xuất hàng loạt của một vài lò luận văn nào đó, lấy một bản luận văn “mẫu”, thay đổi chút về tên người, địa danh và vài số liệu là có thêm một tiến sĩ được ra lò! Rất nhiều quan chức lãnh đạo hoàn toàn không đi học, không có thời gian cho việc học nhưng chỉ sau vài năm cầm quyền thì trên danh thiếp đã có thêm dòng chữ ghi học vị tiến sĩ, giáo sư. Loại tiến sĩ đó chỉ có thể là do mua bằng, mua luận văn và đút lót các hội đồng trường mà có.

Điểm hết sức khác biệt của Việt Nam là ở các nước, luận văn tiến sĩ phải là một công trình nghiên cứu, đưa ra một giá trị mới dù nhỏ về tri thức khoa học ở một lĩnh vực nào đó, và phải trải qua một quy trình đào tạo, xét duyệt công phu của những nhà khoa học có uy tín, không hề có cái luận văn tiến sĩ nào về cầu lông, cờ tướng, lãnh đạo công tác hội, ứng xử của cán bộ, xây dựng phường xã… tào lao, vô bổ như ở Việt Nam. Ở các nước, tiến sĩ là nhà khoa học, làm việc chủ yếu ở các cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm hoặc giảng dạy ở đại học, chẳng có bao nhiêu người làm quan chức hành chánh trong khi ở Việt Nam, hơn một nửa số tiến sĩ là quan chức đảng, lãnh đạo cơ quan chính quyền mà công việc chẳng liên can gì tới khoa học, chẳng cần nghiên cứu.

***

Chuyện trái khoáy là trào lưu coi trọng bằng tiến sĩ ở Việt Nam đi ngược lại với triết lý nền tảng của chủ nghĩa cộng sản mà đảng và nhà nước Việt Nam cổ xúy, trong đó đề cao người công nhân, nông dân như là nòng cốt của cách mạng vô sản.

Ngay từ thuở mới thành lập, năm 1930, đảng CSVN đã thù địch với trí thức, coi những người có bằng cấp, có học thức là tay sai của thực dân phong kiến, áp bức nhân dân lao động. Câu khẩu hiệu đấu tranh của đảng thời Xô Viết Nghệ Tĩnh: “Trí, phú, địa, hào – đào tận gốc, trốc tận rễ”, đặt trí thức lên hàng đầu những “đối tượng” phải tiêu diệt. Những thanh niên trí thức được đào tạo trong nhà trường của Pháp, khi đi theo cộng sản, như Trường Chinh (Đặng Xuân Khu), Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… đều phải từ chối thành phần xuất thân, phải “vô sản hóa”, phải hòa mình với công nhân, nông dân “để lãnh đạo họ”. Trong những chiến dịch thanh trừng sau khi cầm quyền, như cuộc Cải Cách Ruộng Đất, đám bần cố nông vô học làm theo sự dẫn dắt của các cố vấn Trung Cộng, thẳng tay tiêu diệt những người có của (địa chủ, tư sản) và không tha cả những người có học (thầy giáo, thầy thuốc) ở nông thôn.

Ở miền Bắc sau năm 1954 và trên cả nước sau năm 1975, để được cho đi học, cho vào làm việc trong chính quyền, cho vào đảng cộng sản, thanh niên phải có lý lịch tốt, cụ thể là phải xuất thân từ thành phần công nhân, bần nông (nông dân nghèo), cố nông (nông dân cực nghèo). Những ai xuất thân trong gia đình tư sản, địa chủ, dính dáng với chế độ Việt Nam Cộng Hòa thì sống không bằng chết, bằng cấp càng cao càng bị ngược đãi, đã được đào tạo, tu nghiệp ở các nước tư bản thì bị nghi ngờ là CIA, là gián điệp, chẳng những không được sử dụng mà còn bị an ninh theo dõi thường xuyên.

Đã có nhiều thanh niên, là con cái các gia đình cán bộ cao cấp, được theo học các trường đại học trong nước, được cho đi du học các nước Trung Quốc, Liên Xô, Đông Âu. Việc đi học đại học, đặc biệt là đi du học nước ngoài, trước tiên là nhằm tìm chỗ trú an toàn cho các con ông cháu cha, tránh phải vào lính cầm súng vào chiến trường “sinh Bắc tử Nam” – nơi dành cho con cháu thường dân hoặc gia đình cán bộ cấp thấp, không có thế lực hoặc quan hệ chính trị với quan chức. Việc chọn người đi học chỉ dựa vào lý lịch và quan hệ, không coi trọng trình độ và khả năng học vấn, nhưng vì “tình hữu nghị quốc tế vô sản” các sinh viên này sau mấy năm ở nước ngoài, vẫn được tốt nghiệp, được cấp bằng, nhiều người có bằng phó tiến sĩ (candidate). Một chính sách sau này của đảng CSVN hủy bỏ học vị phó tiến sĩ, thế là hàng ngàn phó tiến sĩ sau khi ngủ một đêm dậy đều trở thành tiến sĩ!

Chính sách đào tạo và dùng người dựa trên lý lịch, trên thành phần giai cấp, khinh thường học thức đã tạo ra một guồng máy cai trị dốt nát, tham lam và chỉ giỏi phá hoại.

***

Sau khi chiếm được miền Nam năm 1975, đảng CSVN nhận ra không thể tiếp tục lề lối dùng kẻ dốt cai trị người giỏi, cần phải “trí thức hóa” công nông cho phù hợp với thời đại. Vả lại, đất nước hòa bình tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ của đảng được đi học văn hóa, việc mà họ đã bỏ qua trong những năm chiến tranh khổ cực.

Thế là các chính sách khuyến khích cán bộ đi học được ban hành, các chương trình “bổ túc văn hóa”, “chuyên tu”, “tại chức” mở ra rầm rộ. Có những người học bổ túc văn hóa một năm hai, ba lớp; có nhiều người học “tại chức”, vừa làm việc vừa đi học, nếu không thu xếp được thì nhờ đàn em học thay, thi hộ. Trong xã hội lưu truyền câu thành ngữ: “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” là để chỉ hiện tượng này.

Gần đây, trào lưu học chuyên tu, tại chức để lấy bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ phát triển mạnh, đem lại một nguồn thu đáng kể về tiền bạc cho các trường đại học, các giảng viên cho nên mới có chuyện các trường tranh giành nhau, giẫm lên địa bàn của nhau để trục lợi. Nhiều trường ở Hà Nội mở lớp đào tạo tận miền Trung, miền Nam; trường ở Huế, Đà Nẵng mở lớp ở Cần Thơ, Vĩnh Long; giảng viên đi mây về gió bằng máy bay, “chạy sô” từ tỉnh này sang tỉnh khác là chuyện bình thường. Nhiều sinh viên ở Sài Gòn than thở với người viết bài này là ở trường bây giờ sinh viên chỉ được học với các thầy cô trẻ, mới tốt nghiệp đại học và được giữ lại trường, vừa thiếu kiến thức vừa không có kinh nghiệm dạy học bởi vì các thầy cô có tuổi, có kinh nghiệm đã giành nhau đi dạy chuyên tu, tại chức ở tỉnh xa, vừa có nhiều tiền vừa gầy dựng được quan hệ với quan chức địa phương, có nhiều mối lợi.

Chẳng ai quan tâm tới thiệt hại mà thế hệ sinh viên trẻ phải chịu đựng do lòng tham của các bậc cha chú.

***

Cách đây vài mươi năm, Tố Hữu – thi sĩ tuyên truyền số một của đảng – đã phán: “Những kẻ quê mùa đã thành trí thức / Tăm tối cần lao nay bỗng hóa anh hùng”. Bây giờ, nhiều cán bộ của đảng trong guồng máy chính quyền, hoặc đi ra từ rừng Trường Sơn, hoặc từ những cánh đồng chiêm trũng của đồng bằng sông Hồng, đã có bằng tiến sĩ nhưng có thành trí thức như Tố Hữu nói hay không lại là chuyện khác. Cái áo không làm nên thầy tu, mảnh bằng không làm nên người trí thức, huống hồ là những mảnh bằng giả, bằng mua. Cũng giống như những tư sản đỏ Việt Nam, nhờ chiếm đoạt đất đai mà trở nên giàu có thì giỏi lắm chỉ có thể thành trọc phú chứ chưa thể đặt chân vào giới thượng lưu.

Để thành trí thức, để có tri thức, ngoài công phu học tập, rèn luyện, nghiên cứu, người ta còn phải có một nền tảng văn hóa nhất định, từ truyền thống gia đình và môi trường văn hóa xã hội. Môi trường văn hóa xã hội ở Việt Nam hiện nay không thuận lợi cho sự vun trồng trí thức mà giỏi lắm chỉ có thể sinh ra trọc phú, cho dù có mông má, điểm trang kiểu gì đi nữa.

Vì vậy, đừng nên ngạc nhiên khi thấy các quan chức từ địa phương tới trung ương lên truyền hình, báo chí phát biểu những câu “tranh hết phần ngu của thiên hạ” dù ai cũng xưng là tiến sĩ, giáo sư! 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay