Trước hội đàm ở Rome, Mỹ nói Nga ‘kêu gọi TQ trợ giúp quân sự và kinh tế’ (BBC)

Trước hội đàm ở Rome, Mỹ nói Nga ‘kêu gọi TQ trợ giúp quân sự và kinh tế’

Trước cuộc gặp của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan (trong ảnh) với quan chức ngoại giao TQ Dương Khiết Trì ở Rome, Hoa Kỳ nói Nga ‘yêu cầu TQ viện trợ’ vì khó khăn trong chiến sự ở Ukraine.

Giới chức Hoa Kỳ nói trước cuộc gặp Sullivan-Dương Khiết Trì ở Rome rằng Nga ‘yêu cầu TQ viện trợ’ vì khó khăn trong chiến sự ở Ukraine.

Giới chức Mỹ cho hay Nga đã kêu gọi Trung Quốc cung cấp vũ khí quân sự và hỗ trợ kinh tế hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các lệnh cấm vận quốc tế.

Lời kêu gọi này đang đưa mối quan hệ Nga-Trung trở thành tâm điểm chú ý, chỉ vài tuần sau khi hai nước tuyên bố rằng quan hệ đối tác của họ là “không có giới hạn”.

Các trang CNN, ABCNews và Politico cho rằng dù Nga “vẫn có ưu thế tại chiến trường Ukraine”, việc thiệt hại vũ khí hạng nặng, quân trang quân dụng khiến cuộc chiến của họ ngày càng trở nên khó khăn”.

Về lâu dài, các nhà bình luận quốc tế như Francis Fukuyama, Stephen Kotkin đều cho rằng “Nga sẽ thua, hoặc vì không thắng được, không đạt được các mục tiêu đặt ra ở Ukraine, hoặc có thắng về quân sự trước mắt thì cũng bị sa lầy”.

Các đòn cấm vận khủng khiếp của Phương Tây đánh vào Nga không chỉ gồm kinh tế tài chính mà gồm cả việc cấm bán, hợp tác sản xuất linh kiện điện tử. Điều này khiến quân sự Nga, gồm cả không quân, tên lửa, hàng không vũ trụ sẽ thiếu bộ phận thay thế.

Về mặt công khai, chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi Nga và Ukraine giảm leo thang căng thẳng ở Ukraine – và đáng chú ý là không coi hoạt động quân sự của Nga là một “cuộc xâm lược”.

Đây cũng là cách nhìn chính thức của Việt Nam, nước bỏ phiếu trắng giống Trung Quốc ở Đại hội đồng LHQ khi đa số các quốc gia thành viên lên án cuộc xâm lăng của Nga, yêu cầu Nga rút quân.

Nga-Trung có quan hệ kinh tế – thương mại mạnh mẽ đạt mức kỷ lục 147 tỷ đôla Mỹ vào năm ngoái.

Nhưng nay Nga gặp khó khăn nghiêm trọng vì các lệnh cấm vận dồn dập, hà khắc của Phương Tây.

Hôm cuối tuần, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov xác nhận trên truyền hình Nga rằng, “chừng 300 trên tổng số 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của chúng ta bị đóng băng”.

Ông Siluanov nói Nga “cần Trung Quốc giúp vì khoản còn lại của Nga là vàng, và nhân dân tệ”.

“Lấy làm tiếc cho châu Âu nhưng không bỏ bạn quý”?

Mặc dù vậy, mối quan hệ cá nhân thân thiết giữa Vladimir Putin và Tập Cận Bình đã được thể hiện tại Thế vận hội mùa đông gần đây,

Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây nhất có trao đổi với lãnh đạo Pháp và Đức, bày tỏ “sự đáng tiếc là chiến tranh quay trở lại châu Âu”.

Xe tăng Nga bị trúng đạn tại ổ phục kích gần Kyiv

Tuy thế, về chính thức thì Trung Quốc coi chính quyền Putin là “quan hệ bạn hữu không giới hạn” (no limits).

Mỹ cảnh báo Trung Quốc có thể phải đối mặt với những hệ quả xuất phát từ việc tiếp tục ủng hộ Nga.

Hiện chưa rõ tuyên bố của quan chức Hoa Kỳ về “tiềm năng TQ giúp Nga ở Ukraine” là gì, có nội dung gì cụ thể, hay chỉ là đòn ngoại giao trước các cuộc gặp cao cấp.

Theo biên tập viên ngoại giao của BBC Robin Brant thì đây “có thể chỉ là một chiến thuật thương lượng của Mỹ với TQ” trước cuộc gặp cao cấp, và là thứ hai bên sẽ “không xác nhận, không phủ nhận”.

Nhà báo BBC cũng nói nếu đúng là Trung Quốc thực hiện lời hứa trước Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh với ông Putin thì đúng là “đổ dầu vào lửa”.

Và nếu Hoa Kỳ nói không sai, và tình hình xảy ra là Hoa Kỳ, châu Âu giúp Ukraine, và TQ giúp Nga, thì “lằn ranh phân chia thế giới hiện rõ”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đang trên đường sang Rome để họp với Ủy viên Quốc vụ chuyên về Ngoại giao của TQ, ông Dương Khiết Trì.

Ông Sullivan cảnh báo không chỉ Trung Quốc mà các nước khác không được phép “cứu giúp Nga về kinh tế”.

Có thể Nga mới chỉ muốn “trao đổi tìm hiểu” với Trung Quốc về khả năng Trung Quốc giúp được gì, theo ông Michael Kofman, giám đốc chuyên về Nga của thin tank CNA ở Virginia, Hoa Kỳ, theo trang Politico.

EU giúp Ukraine, còn Trung Quốc sẽ giúp Nga? – Ảnh người tỵ nạn Ukraine tới ga Lviv tìm đường sang Ba Lan

“Hoặc có thể Nga cần chips, nhưng phần nhiều mặt hàng này do Đài Loan sản xuất”.

Chính phủ Đài Loan và các nước Đông Á đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc, và một thành viên giàu có của Asean là Singapore đều áp dụng lệnh cấm vận với Nga.

Theo trang Sunday Times ra ở Anh hôm 13/03, các ngân hàng Trung Quốc và các tập đoàn công nghệ nước này đều rất cẩn thận để không bị “dính vào” lệnh cấm vận của Phương Tây áp dụng với Nga, kể cả trong quan hệ thương mại gián tiếp.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay