Tình hình ở Ukraine có thể thay đổi cách thế giới đón tiếp người tị nạn
March 13, 2022
Thiện Lê/Người Việt
LOS ANGELES, California (NV) – Hiện nay, có khoảng 2 triệu người Ukraine phải bỏ quê nhà ra đi vì bị Nga xâm lăng. Số người tị nạn sẽ sớm tăng lên đến khoảng 4 triệu người, làm tổng số người phải rời khỏi quê nhà khắp thế giới lên đến 84 triệu người.
Nhiều người Ukraine tị nạn đang bị kẹt ở biên giới. (Hình: Ethnic Media Services cung cấp)
Tại cuộc hội thảo do Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức trực tuyến hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Ba, một số diễn giả thảo luận về ảnh hưởng của tình hình ở Ukraine, nhất là đối với những di dân hay người tị nạn khác đang bị kẹt tại cửa khẩu của nhiều quốc gia, và cách thế giới đón nhận người tị nạn.
Diễn giả đầu tiên là bà Natalia Banulescu-Bogdan, phó giám đốc Migration Policy Institute, nói về tình hình ở Ukraine, nhất là về người tị nạn.
Theo bà, một ước tính mới cho thấy có đến khoảng 2.5 triệu người Ukraine phải đi tị nạn, và 60%, khoảng 1.5 triệu người, đi đến Ba Lan. Nhiều nước thuộc Khối Liên Âu (EU), trong đó có Ba Lan, có một cộng đồng người Ukraine di cư lớn và bây giờ phải đón nhận thêm hàng triệu người nữa.
Bà Banulescu-Bogdan còn nói đa số người Ukraine tị nạn là phụ nữ và trẻ em vì đàn ông trong độ tuổi 18 đến 60 không được ra khỏi nước, làm cuộc chiến này khác với những khủng hoảng khiến nhiều người phải di cư trước đây.
Bà cho biết tình hình tại biên giới Ukraine có nhiều điểm đáng mừng, nhưng cũng có một số điểm không hay.
Một điểm đáng mừng là di tản người dân rất dễ và các nước lân cận mở cửa biên giới cho người Ukraine tị nạn vào. Từ năm 2017, người Ukraine được quyền đi lại khắp Âu Châu trong vòng 90 ngày mà không cần xin visa. Như vậy, những người tị nạn có mang theo sổ thông hành dễ qua biên giới hơn.
Tuy nhiên, một điểm không hay là không có những biện pháp bảo vệ người lớn tuổi và trẻ em không có cha mẹ đi theo.
Một số khó khăn sau khi đón nhận người Ukraine tị nạn gồm có cách theo dõi họ sau khi vào các nước EU và tìm cách nào để đưa họ về nước sau khi xung đột chấm dứt.
Từ trái, bà Natalia Banulescu-Bogdan, ký giả Manuel Ortiz, và bà Kish O’Mara Vignarajah. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)
Diễn giả thứ hai là ông Manuel Ortiz, ký giả của EMS và Peninsula 360 Press, tường thuật từ Ukraine.
Ông Ortiz cho biết mình đang ở Lviv, chỉ cách Ba Lan khoảng một tiếng rưỡi lái xe, nhưng đang rất khó đi lại vì vừa có nhiều người rời khỏi Ukraine, vừa có nhiều người vào Ukraine để tham chiến hay cứu trợ thực phẩm và thuốc men.
Ông kể có hai vụ tấn công mới xảy ra ở hai thành phố là Lutsk ở Tây Bắc Ukraine và Ivano-Frankivsk ở Tây Nam Ukraine. Điều đó làm nhiều người cho rằng thành phố Lviv là một nơi an toàn.
“Tuy nhiên, sáng nay chúng tôi mới nghe còi báo động. Tình hình đang rất căng thẳng, và ít ai nói chuyện với nhau. Rất nhiều người từ nơi khác đến nữa,” ông Ortiz nói về tình hình ở Lviv.
Theo ông, nhiều người từ các thành phố khác đang đổ xô đến Lviv, thậm chí sẵn sàng đi hơn 30 giờ để đến đây. Lý do nhiều người đi hơn 30 tiếng đồng hồ là vì nhiều con đường bị hư hại, không lái xe ban đêm được, và họ phải đi xe lửa.
Nhiều người đang sống trong hầm chống bom phải viết danh sách biên giới các nước lân cận để tìm đường ra khỏi Ukraine, trong đó, hai nước được cân nhắc nhiều nhất là Ba Lan và Romania.
Ông Ortiz cho hay ban đầu nhiều người Ukraine không muốn rời khỏi thành phố của họ vì không tin mình đang bị Nga tấn công, nhưng đến nay, hầu hết ai cũng muốn bỏ đi. Không chỉ vậy, tình hình căng thẳng làm người dân và mọi thứ gần như tĩnh lặng.
“Không ai nói chuyện với nhau cả, kể cả khi đứng xếp hàng dài,” ông nói.
Trẻ em tị nạn không có cha mẹ đi theo phải được ưu tiên. (Hình: Ethnic Media Services cung cấp)
Diễn giả cuối cùng là bà Krish O’Mara Vignarajah, tổng giám đốc Lutheran Immigration and Refugee Services, trình bày suy nghĩ về những cách Hoa Kỳ có thể hỗ trợ Ukraine và ảnh hưởng đến chính trị Mỹ ra sao.
Bà cho biết Quốc Hội Mỹ vừa thông qua khoản tiền cứu trợ $13.6 tỷ cho Ukraine, và một nửa của số tiền đó sẽ được dùng để hỗ trợ về kinh tế và các vấn đề nhân đạo.
“Đó là một khởi đầu quan trọng vì hỗ trợ được những thứ quan trọng như thực phẩm, nước uống, chỗ trú ngụ, và các dịch vụ y tế khẩn cấp,” bà Vignarajah nói.
Hiện nay, chính phủ Hoa Kỳ đang phải tính toán theo những trường hợp có thể xảy ra ở Ukraine để đưa ra chính sách trợ giúp.
Trong trường hợp tốt nhất là Nga thất bại trong cuộc xâm lược Ukraine, và người dân của quốc gia đó được về nước khi an toàn. Bà Vignarajah cho biết các nước Âu Châu đang đón nhận người Ukraine tị nạn rất tốt, và còn có những chính sách cho họ nhận các dịch vụ xã hội quan trọng.
Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng có những chính sách tương tự cho người tị nạn, nhưng không bằng các nước Âu Châu hiện nay.
Người lớn tuổi hay người khuyết tật cũng là một ưu tiên trong các chính sách đón nhận người tị nạn. (Hình: Ethnic Media Services cung cấp)
Theo bà, trường hợp xấu nhất là Nga quyết định tấn công mạnh hơn, làm nhiều người Ukraine phải bỏ chạy. Liên Hiệp Quốc dự đoán trường hợp đó có thể làm số người Ukraine tị nạn lên đến 7 triệu. Điều đó sẽ làm các nước Âu Châu không có chỗ để đón nhận người tị nạn và thậm chí không muốn cho người Ukraine vào tị nạn.
Tình hình ở Ukraine liên tục thay đổi, và điều đó làm Hoa Kỳ cùng các nước Âu Châu phải thay đổi kế hoạch, và chưa ai biết được mọi thứ sẽ thay đổi ra sao. [đ.d.]
—–
Liên lạc tác giả: [email protected]