Trong phúc có họa, trong họa có phúc bởi tất cả đều là sự an bài tốt nhất!
Tất cả đều là sự an bài tốt nhất, trong phúc có họa, trong họa có phúc, ai biết rằng tương lai sẽ có những thay đổi kinh ngạc?
Một lữ khách thấy bà lão bên bờ sông đang buồn rầu vì không biết làm thế nào qua sông. Lữ khách cũng đã mệt mỏi gần như kiệt sức rồi, bèn dốc hết sức toàn thân giúp bà lão. Kết quả, vừa sang sông, bà cụ chẳng nói năng gì đã vội vàng đi mất.
Lữ khách thấy rất hối tiếc. Anh cảm thấy dường như không đáng để bản thân vắt hết sức lực giúp bà lão, vì ngay cả từ “Cảm ơn” anh cũng chẳng nhận được.
Nào có hay, mấy giờ sau, đúng lúc anh đang mệt mỏi đến mức khó cất bước, một người trẻ tuổi đuổi kịp anh. Người trẻ tuổi nói, cảm tạ anh đã giúp bà nội tôi. Chỉ tiếc rằng bà không thể nói được, nên phải dùng cử chỉ tay để căn dặn tôi đem những thứ này biếu tặng anh, tôi chắc anh cũng đang cần dùng đến. Nói rồi, người trẻ tuổi lấy ra lương khô và cả con ngựa anh ta đang cưỡi tặng lữ khách.
Nhiều lúc chúng ta luôn sốt ruột muốn có ngay câu trả lời, nhưng cuộc đời lại bắt chúng ta phải nhẫn nại mà chờ đợi. Ngay cả chúng ta có hét lên với thung lũng trống vắng, thì cũng phải đợi một lúc mới nghe được âm thanh vang vang văng vẳng vọng lại.
Cũng có nghĩa là, cuộc đời luôn sẽ cho chúng ta câu trả lời, nhưng sẽ không lập tức nói hết thảy cho chúng ta biết.
Thực ra, tháng năm như một ngọn cây khổng lồ cành lá đan xen ngang dọc, mà cuộc đời là chú chim nhỏ bay vào bay ra trong đó. Nếu một ngày nào đó, chúng ta gặp gió mưa rét buốt trên đường đời, con tim đã không thể chịu đựng nổi nữa, thế thì, hãy kiên nhẫn đợi một chút. Rất có thể ngọn cây khổng lồ này đang chống chọi với gió rét để gây dựng khí tượng mùa xuân, đồng thời từng chút từng chút một tiến đến gần chúng ta, chỉ cần chúng ta nỗ lực.
Báo đáp không nhất định sẽ lập tức xuất hiện sau khi phó xuất. Chỉ cần chúng ta chịu đợi chờ một chút, những điều tốt đẹp của cuộc sống luôn luôn đến vào lúc chúng ta không để ý nhất.
Bởi vì, tất cả đều là sự an bài tốt nhất!
Khi chúng ta ở trong nghịch cảnh, cảm thấy mọi việc đều không thuận lợi, tình yêu, công việc, sự nghiệp, lý tưởng đều trở thành mây khói, lòng sinh ra ý niệm tuyệt vọng… Lúc ấy hãy thay đổi góc độ để xem xét vấn đề, tự nhủ với bản thân mình: Tất cả đều là sự an bài tốt nhất, trong phúc có họa, trong họa có phúc, ai biết rằng tương lai sẽ có những thay đổi kinh ngạc?
Còn có một câu chuyện như thế này.
Một hôm, quốc vương vào rừng sâu săn bắn, ông bắn một mũi tên hạ được một con báo hoa. Quốc vương xuống ngựa đến xem báo hoa. Nào ngờ báo hoa dùng hết sức tàn, lao lên vồ, cắn đứt đốt ngón tay út của ông.
Quốc vương bảo tể tướng uống rượu giải sầu, ai ngờ tể tướng lại mỉm cười nói: “Bẩm đại vương, ngài hãy nghĩ thoáng một chút, tất cả đều là sự an bài tốt nhất!”.
Quốc vương nghe vậy rất bực mình, nói: “Nếu quả nhân tống giam khanh vào ngục, đó cũng là sự an bài tốt nhất sao?”.
Tể tướng mỉm cười nói: “Nếu là như vậy, thần cũng tin rằng, đó là sự an bài tốt nhất”.
Quốc vương nổi giận, sai người đem tể tướng tống giam trong ngục.
Một tháng sau, quốc vương đã dưỡng lành vết thương, một mình đi vi hành. Ông đến một vùng núi rừng hẻo lánh, bỗng từ trên núi một nhóm thổ dân xông xuống, bắt ông trói gô lại rồi đem về bộ lạc.
Bộ lạc nguyên thủy trên núi, mỗi khi đến ngày trăng tròn đều xuống núi tìm vật tế Nữ Thần Mặt Trăng. Thổ dân chuẩn bị đưa quốc vương đi thiêu để tế Thần.
Đúng lúc quốc vương tuyệt vọng, viên quan tư tế bỗng kinh hãi thất sắc, ông ta phát hiện ra ngón tay út của quốc vương bị thiếu một đốt. Đây là đồ tế không hoàn mỹ, nhận được đồ tế như thế này, Nữ Thần Mặt Trăng sẽ nổi giận. Thế là nhóm thổ dân thả quốc vương đi.
Quốc vương mừng rỡ, sau khi về cung sai người thả ngay tể tướng, bày tiệc rượu mời. Quốc vương nâng chén chúc rượu tể tướng rằng: “Khanh nói thực sự không hề sai chút nào, quả nhiên, tất cả đều là sự an bài tốt nhất! Nếu chẳng phải quả nhân bị báo hoa cắn, thì hôm nay ngay cả mệnh ta cũng đã mất rồi”.
Quốc vương bỗng như nhớ ra điều gì, hỏi tể tướng: “Nhưng khanh vô duyên vô cớ bị giam trong ngục hơn một tháng, vậy thì nói sao đây?”.
Tể tướng chậm rãi uống chén rượu, rồi mới nói: “Nếu thần không bị giam trong ngục, thế thì người tháp tùng bệ hạ đi vi hành ắt là thần. Khi thổ dân phát hiện ra bệ hạ không phù hợp để tế Thần, vậy chẳng phải sẽ đến lượt thần đó sao?”.
Quốc vương không nén nổi phá lên cười ha hả, rồi nói: “Quả nhiên không sai, tất cả đều là sự an bài tốt nhất!”.
Câu chuyện trên nói nên một đạo lý: Khi chúng ta gặp sự việc không như ý, tất cả nhất định là sự an bài tốt nhất! Chớ buồn rầu, chớ chán nản, cũng không được nhìn nhất thời. Hãy đưa tầm mắt nhìn ra xa, mở rộng tầm nhìn cuộc đời. Chớ than thân trách phận, chớ trách Trời oán người, hãy luôn luôn lạc quan, cố gắng, tin rằng Trời không tuyệt đường sống con người.
“Tất cả đều là sự an bài tốt nhất”, đây chính là câu chuyện mà các bậc thầy thôi miên tâm lý thích kể nhất. Vì họ thấy rằng, tiềm ý thức của con người vô cùng lớn mạnh, hơn nữa lại không có khả năng phán đoán, chỉ cần chúng ta nhập vào câu lệnh và chương trình chính xác, tiềm ý thức sẽ nghe theo và thực hiện. Thôi miên là phương pháp nhanh nhất ảnh hưởng đến tiềm ý thức, gây dựng lại tiềm ý thức.
Câu chuyện này có tác dụng chính diện tích cực, thực tế chứng minh tác dụng vô cùng lớn. Rất nhiều người nghe xong câu chuyện này, đều có sự cải biến cuộc đời, hơn nữa cuộc đời sau đó còn tiếp tục chứng minh câu nói ấy.
Kỳ thực, chỉ cần chúng ta suy nghĩ lại kỹ lưỡng mỗi sự kiện trong cuộc sống, cũng có thể tự nói với bản thân rằng: “Tất cả đều là sự an bài tốt nhất”. Khi ở quanh chúng ta có người phát tín hiệu cầu cứu, như tâm trạng chán nản, nổi giận đùng đùng, hoặc hành vi dị thường, thì hãy kể câu chuyện này cho họ, khơi thông tâm lý hữu hiệu hơn các biện pháp dự phòng rất nhiều.
Do đó, tất cả đều là sự an bài tốt nhất. Cảm ơn hết thảy những gì chúng ta gặp trong cuộc đời.
An Nhiên – Vạn Điều Hay