Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động và hoạt động là kết quả của cầu nguyện.
Frédéric Ozanan, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là sinh viên đại học. Một hôm để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện một cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông. Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẽ rụt rè, nhà bác học lên tiếng hỏi: “Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không? Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ: “Thưa giáo sư con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép giáo sư cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin.!” Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn: “Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi, nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm.” Chàng sinh viên liền hỏi: “Thưa giáo sư, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không? Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời: “Cậu ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi.”
S.T.
Trích lịch phục vụ Bính Thân 2016 của Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ (trang 238-239)