S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Trương Tửu
Ngoại và mẹ tôi đều rất hảo rượu nên mâm cơm gia đình không bao giờ thiếu chai/ lọ và ly/cốc … Được nuôi dưỡng trong cái không khí luôn nồng nàn hơi men như thế nên tôi cũng uống rất đều, và bắt đầu lê la hàng quán, ngay từ lúc thiếu thời.
Quanh bàn rượu, đôi lần, tôi được nghe kể về bà Vương Nhuận Chi (phu nhân của nhà thơ Tô Đông Pha) mà không khỏi sinh lòng hảo cảm:
“Mười năm chia tay bạn, chiều tối chợt bạn xuất hiện. Mở cửa, tay nắm chặt tay, chẳng kịp hỏi tới nhà mình bằng thuyền hay bằng ngựa. Cũng chẳng kịp mời ngồi ghế hay ngồi giường. Hàn huyên qua loa, vội chạy vào nhà trong, thấp giọng hỏi vợ rằng:
– Mình liệu có đấu rượu của Tô Đông Pha không?
“Vợ tươi cười rút cành trâm vàng đang cài trên đầu trao cho. Thế là đủ ba ngày cơm rượu…”
Chỉ cần một bữa “cơm rượu” thế thôi (nếu có) cũng đủ cho tôi tri ân người bạn đời của mình cho đến khi nhắm mắt. Nói chi tới ba ngày, hay sáu bữa. Vương Nhuận Chi quả là một tấm gương sáng soi cho nữ nhi (hậu thế) chỉ tiếc có điều là nó đã mờ dần với thời gian.
Bà đã vĩnh biệt dương gian cả ngàn năm rồi. Nay, mấy ai còn nhớ đến người phụ nữ “rút cành trâm vàng”để mua rượu đãi bạn của chồng(dễ dàng) như thế nữa?
May mắn và gần gũi hơn, mới ngày qua, tôi lại vừa biết thêm về vị nữ lưu tuyệt vời khác nữa:
“Tên bà là Nguyễn Thị Lai (1916-1996) con gái đầu của cụ Nguyễn Xuân Giới chủ một hiệu may nhỏ tại phố Tiên Tsin – nay là phố Hàng Gà – Hà Nội. Khi lập gia đình với nhà văn Trương Tửu bà được cha mẹ chia hồi môn cho một cửa hàng tạp hoá nhỏ đầu phố Hàng Điếu – Cửa Đông để bán hàng xén. Cuộc đời bà chỉ lặng lẽ làm nội trợ phía sau chồng con.
“Ngày rằm tháng giêng năm nay, kỹ sư Trương Quốc Tùng con trai của ông bà kể cho tôi nghe về nghị lực của người mẹ khi trải qua “cơn bão” Nhân văn Giai phẩm quét tới… Giáo sư Trương Tửu không còn dạy Đại học, ông bẻ bút về nhà. Không lương, không biên chế, mọi nguồn thu nhập của gia đình dồn hết lên đôi vai bà Lai.
“Giáo sư Trương Tửu mở phòng khám Đông y châm cứu thì cơ quan chức năng yêu cầu đóng cửa vì không có chuyên môn y khoa. Lúc này 45 tuổi, tối tối bà Lai đi học lớp Trung cấp Đông y bền bỉ và tốt nghiệp, được cấp bằng xuất sắc. Bà đứng tên đăng ký hành nghề, mở hiệu Đông y bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc, châm cứu. Tiếng lành đồn xa, cửa hiệu lúc nào cũng đông khách.
“Kỹ sư Trương Quốc Tùng trầm ngâm nhớ tới lời kể của người thân trong gia đình (thời gian này ông đang đi học tại CHDC Đức) có những bữa cơm, bà Lai chỉ ăn cơm không. Bà nói: Nhai kỹ thấy cơm bùi và rất ngọt.
“Kỳ thực, người vợ, người mẹ ấy nhường phần thức ăn ít ỏi trên mâm cơm cho chồng, cho con nhỏ… Khó khăn chồng chất nhưng không bao giờ bà có một lời oán thán!” ( Người Vợ Nhân Văn. FB Son Kieu Mai – 02/28/2021)
Ngay bên dưới bài viết này là phản hồi của độc giả Lệ Thúy: “Tại sao người chồng không cố gắng vật lộn để khắc phục hoàn cảnh, lại cứ phải là bà vợ, vừa chăm con nội trợ lại lăn lộn kiếm tiền, chồng để ngắm? Bởi đảm đang thế nên đàn ông cứ ươn hèn…”
Trương Tửu bị mắng là “ươn hèn” không phải là chuyện ngẫu nhiên. Người đời nay không mấy kẻ biết về ông, kể cả những nhân vật học thức – theo nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Thị Bình:
“Ông thuộc số tên tuổi mà thế hệ chúng tôi (cùng một số thế hệ trước và sau chúng tôi nữa) được nghe nói đến nhiều nhất nhưng lại ít rõ ràng nhất. Trong suốt một thời kỳ dài, chúng tôi không sao hiểu nổi ông là ai giữa những lời kết án nặng trịch trên giấy trắng mực đen và vô số câu chuyện đồn thổi vừa đầy niềm thán phục vừa không thiếu ngậm ngùi cay đắng.”
Nỗi “cay đắng” này có thể được lý giải gẫy gọn như sau:
“Năm 1984, khi trở về Hà Nội, tôi muốn tìm lại, dù chỉ một dấu vết nhỏ, chứng minh sự hiện diện của Nhân Văn Giai Phẩm trong lòng người dân Bắc. Nhưng vô ích. Tất cả đều đã bị xóa sổ. Kín đáo dò hỏi những người thân trong gia đình sống ở Hà Nội, thuộc thế hệ ‘phải biết’ Nhân Văn, xem có ai còn nhớ gì không? Nhưng không, tuyệt nhiên chẳng ai ‘nghe nói’ đến những cái tên như thế bao giờ: linh hồn Nhân Văn đã bị xóa trong ký ức quần chúng, và như vậy, ‘nọc độc’ Nhân Văn đã hoàn toàn bị tẩy sạch. (Thụy Khuê. Nhân Văn Giai Phẩm & Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc. Tiếng Quê Hương: Virgninia, 2012).
Công việc “tẩy sạch” cá nhân Trương Tửu cũng đã được “đội ngũ văn nghệ cùng giới trí thức miền Bắc thực hiện một cách hơi quá nhiệt tình (bởi cả đám môn sinh cũ của ông) mà “viện sỹ” Phan Cự Đệ là một gương mặt tiêu biểu:
“Với một lập trường chính trị phản động, thù địch với tư tưởng xã hội chủ nghĩa, với những quan điểm văn nghệ tư sản lỗi thời, với một phương pháp giảng dạy hoàn toàn duy tâm chủ quan, cơ hội, chúng ta có thể kết luận rằng: trong mấy năm qua, Trương Tửu đã tỏ ra không xứng đáng một tý nào với cương vị giáo sư một trường Đại học.”
Thời thế, may thay, không đứng về phía những kẻ xu thời. Do đó, ngay đến Wikipedia (vốn luôn được biên soạn theo khẩu vị Hà Nội) cũng đã đề cập đến Trương Tửu một cách công bằng và khách quan hơn. Nó chỉ “gài” có mỗi một câu sai với sự thực thôi: “Đầu năm 1958, bị buộc thôi việc vì dính líu đến vụ Nhân văn giai phẩm. Sau đó, ông chuyển sang nghiên cứu y học và sống bằng nghề Đông y.”
Sự thực thì đúng là Trương Tửu định xoay sở sống bằng nghề Đông Y nhưng đâu có được Đảng và Nhà Nước để cho yên phận. Bởi thế nên mới có cảnh bà Nguyễn Thị Lai phải “nhường phần thức ăn ít ỏi trên mâm cơm cho chồng, cho con nhỏ… Khó khăn chồng chất nhưng không bao giờ bà có một lời oán thán!”
Trường hợp của L.S Nguyễn Mạnh Tường cũng vậy, cũng được Wikipedia Hà Nội “biên tập” một cách nhập nhèm, lấp liếm tương tự: “Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, ông được chuyển sang làm chuyên viên nghiên cứu văn học nước ngoài tại Viện nghiên cứu phương pháp và chương trình giáo dục thuộc Bộ Giáo dục, và là cộng tác viên của nhà xuất bản Giáo dục.”
Nghe cứ y như thiệt vậy, nếu chính người trong cuộc không có cơ hội lên tiếng:
“Thảm cảnh đầu tiên mà tôi và gia đình phải chịu đó là cái đói… Tôi muốn dạy tiếng Pháp tại nhà. Nhưng vừa mới bắt đầu là đã có một đám công an, chắc chắn là đã được bọn gián điệp và điềm chỉ quanh tôi báo động cho họ, xuất hiện và bảo cho tôi là dưới chế độ cộng sản không có gì là tư nhân mà được cho phép, dù chỉ là việc dạy học của những ông thầy tận tụy.” (Nguyễn Mạnh Tường, Un Excommunié – Hanoi, 1954 -1991: Procès d’un intellectuel. Trans Nguyễn Quốc Vĩ – Kẻ Bị Mất Phép Thông Công Hà Nội, 1954-1991: Bản Án Cho Một Trí Thức).
Tôi mới chỉ có dịp được biết thêm về Trương Tửu qua những bài tiểu luận viết với công tâm của vài vị thức giả thôi (Thụy Khuê, Lê Hoài Nguyên, Đỗ Ngọc Thạch, Lại Nguyên Ân…) nhưng cũng đã có được một hình ảnh về một Trương Tửu khác.
“Ai kiềm chế được quá khứ, kẻ đó kiểm soát được tương lai. Ai kiểm soát được hiện tại, kẻ đó kiềm chế được quá khứ- Who controls the past, controls the future; who controls the present, controls the past.” Khi viết dòng chữ trên, trong tác phẩm Nineteen Eighty – Four, vào năm 1948, George Orwell đã có thể hình dung ra được tất cả những thủ đoạn ma mãnh (của những chế độ toàn trị) trong việc ngụy tạo lịch sử.
Điều mà George Orwell không ngờ tới là kỹ thuật truyền thông tân tiến ngày nay đã đưa nhân loại bước vào Thời Đại Thông Tin. Ở thời đại này, mọi cố gắng đánh tráo dĩ vãng đều trở thành vô vọng, và chỉ tạo ra được những trò hề lố bịch mà thôi.