Bởi AdminTD
17-11-2021
Trước ngày ăn miếng bò bít-tếch với giá cắt cổ của đầu bếp Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe hay còn gọi Salt Bae (Thánh rắc muối), Tô Lâm hướng dẫn một phái đoàn đến viếng mộ Karl Marx ở nghĩa trang Highgate thuộc vùng ngoại ô London. Theo phiên bản tiếng Anh của báo Công An, hành động của Tô Lâm thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Các báo Anh và Mỹ phê bình hành động này. Tựa của bài báo trên The Independent hôm 8 tháng 11: “Bộ trưởng Việt Nam ăn miếng bít tết dát vàng trị giá 1,450 bảng sau khi đặt hoa tại mộ của Karl Marx” (Vietnamese minister fed £1,450 gold-plated steak after laying flowers at Karl Marx’s grave).
Khi đặt tựa như vậy, tác giả bài báo đã thấy ra những điểm nghịch lý giữa hai sự kiện. Dưới lăng kính tư cách lãnh đạo, hai hành động đó chửi nhau.
Tạm gác qua bên chuyện đúng hay sai trong Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản, Tư Bản Luận, Duy Vật Biện Chứng, Duy Vật Lịch Sử, chỉ bàn chỗ đứng của Karl Marx khi nhìn về phía con người. Trong toàn bộ lý thuyết của mình, Karl Marx (Việt Nam gọi là Mác) nhân danh lớp người bị bóc lột tức giai cấp vô sản.
Buổi sáng đặt vòng hoa để tưởng nhớ một người đấu tranh cho giai cấp lao động vô sản rồi tối hôm sau ngồi ăn bò bít tết giá 44 triệu đồng mỗi phần trong khi nhiều triệu người trong tầng lớp lao động vô sản tại Việt Nam không biết ngày mai sống chết ra sao.
Đại dịch ảnh hưởng toàn cầu nhưng chưa ở đâu, ngay cả ở nước có trên tỉ dân như Ấn Độ, đã trải qua thảm cảnh 1.3 triệu người đói khát tìm về quê bằng mọi phương tiện kể cả đi bộ hàng ngàn cây số như tại Việt Nam.
Là lớp người thừa kế gia sản của tiền nhân, giới lãnh đạo đảng CS không làm gì cả ngoài việc hưởng lợi tức để lại từ các thời Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Hà Huy Tập, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn theo kiểu cha truyền con nối.
Đảng CSVN không hề chuẩn bị một lối thoát, một phương án nào cho những tình trạng nguy cấp tột cùng. Thực tế bi thảm vừa qua cho thấy, suốt hơn 46 năm, chắc chắn trong các hội nghị trung ương chưa ai từng đặt ra câu hỏi đảng phải làm gì để đối phó nếu môt đại dịch, một đại thiên tai xảy ra trên đất nước. Nhìn cách giải quyết khi biến cố xảy ra để thấy sự bất lực, vụng về, rừng rú và vô nhân của đảng.
Từ khi thành lập đến nay, đảng CS không sáng tạo thêm gì mới ngoài hai phương tiện sẵn có gồm bộ một máy tuyên truyền tinh vi và những cách bách hại người tàn bạo do ông tổ Lenin để lại.
Chúng ta thường nghe những tên đồ tể tàn sát dân Do Thái như Heinrich Himmler, Heinrich Müller vì tên của chúng xuất hiện gần như thường xuyên trên sách báo về Thế Chiến Thứ Hai nhưng rất ít khi nghe tới tên Felix Dzerzhinsky. Thật ra, Heinrich Himmler và Heinrich Müller về lý luận và thực tế chưa đáng là học trò của Dzerzhinsky, giám đốc cơ quan mật vụ Cheka khủng khiếp do Lenin lập ra ngay sau khi cách mạng CS 1917. Ngoại trừ đảng viên CS, hầu hết dân Nga đều run sợ khi nghe tên Dzerzhinsky. Lenin chết sớm nên không bị nguyền rủa nhiều như Stalin và Mao Trạch Đông, nhưng con số gần 100 triệu người bị giết dưới các chế độ CS là sản phẩm của lý luận Lenin.
Nhưng cánh tay tàn bạo, tinh vi và thâm độc của chủ nghĩa Mác Lê không phải giết người mà là tẩy não. Tẩy não (brainwash), khái niệm do Edward Hunter dùng lần đầu năm 1950, là một tiến trình nhằm xóa bỏ mọi nhận thức độc lập của một người qua lao động, qua kiểm soát tâm lý, qua cải tạo tư tưởng để thay vào đó bằng một nhận thức mới, trong trường hợp này là nhận thức CS về mọi lãnh vưc của đời sống con người. Hệ thống tuyên truyền CS có câu trả lời cho tất cả câu hỏi và cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ, từ em bé mới biết đánh vần cho tới nhà khoa học.
Nhưng, dù đứng trên quan điểm tôn giáo nào, con người là một sinh vật có trí tuệ và có các giá trị thiêng liêng không thể bị hoàn toàn xóa bỏ bởi các nhận thức áp đặt.
Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa chân lý và bạo lực, giữa tự do và độc tài vẫn tiếp tục diễn ra. Diễn ra trong âm thầm nơi mỗi con người dẫn đến bán công khai rồi công khai ở từng làng xã, quận huyện, thành phố cho đến phạm vi một nước, khối các quốc gia và cả châu.
Sau khi phong trào CS Châu Âu sụp đổ, ngôi mộ của Mác mà Tô Lâm đến thăm không còn mang tính thời đại mà được xem như một di tích bảo tàng.
Trước 1991, mỗi năm vào sinh nhật 5 tháng 5, mộ Mác tràn ngập những vòng hoa. Tháng 5, 1992, chỉ có một vòng đặt ở chân mộ với hàng chữ “Chúng tôi vẫn giữ vững niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản”. Nhưng rồi những năm sau đó không còn ai đến nữa kể cả những người vừa thề thốt năm qua. Mộ của Mác hai lần bị phá hoại trong năm 2019. Nghĩa trang Highgate có lần được dùng làm ngoại cảnh cho một cuốn phim ma. Điều này vô tình nhưng trùng hợp lý thú với câu mở đầu cho Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản “Một bóng ma đang ám ảnh Châu Âu”.
Nhưng Việt Nam thì khác. Sự kiện Tô Lâm đến đặt vòng hoa tại mộ Mác cho thấy ý thức hệ CS vẫn có tác dụng lừa gạt được một số không nhỏ người Việt thuộc nhiều trình độ nhận thức khác nhau.
Bộ máy tuyên truyền của đảng trong một mức độ nào đó vẫn thành công. Trên sân khấu chính trị Việt Nam, các lãnh đạo đảng không chỉ là những tên hề làm cho khán giả cười nhưng đôi khi còn là những kép mùi như Tô Lâm hát bài “uống nước nhớ nguồn” làm khán giả cảm động. Tô Lâm “uống nước nhớ nguồn” là phải. Không có Mác làm gì có thịt bò bít tết để ăn, xe sang để chạy, nhà sang để ở, thẻ tín dụng để xài.
Có hai thành phần tin Tô Lâm thăm mộ Mác phát xuất từ ý nguyện chân thành.
Một thành phần ít học tin vào đảng và sống theo chủ nghĩa số phận nương nhờ thần linh đảng. Họ xem đảng là nắng, là mưa, là mùa xuân, là hy vọng. Bộ máy tuyên truyền của đảng buộc hơn 90 triệu người dân Việt, từ một em bé vừa tập nói cho đến cụ già đang mất dần trí nhớ, phải học thuộc, phải tin, phải lặp đi lặp lại những khẩu hiệu, những lời sùng bái, ca tụng các lãnh tụ CS cho đến khi chúng được ghi sâu vào ý thức để trở thành một phần trong đời sống đạo đức và tình cảm của con người. Với thành phần này, cơ chế chính trị CS là tất yếu chẳng khác gì thời tiết. Họ vui khi một cơn gió mát thổi qua những không buồn lắm khi trời nắng rát.
Một thành phần khác có học và đọc sách vở từ nhiều nguồn nhưng vẫn tin nơi đảng CS. Thành phần này có lý luận hơn, biết so sánh tốt xấu, biết chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội và thậm chí có khi cũng lên tiếng phản biện vài sai lệch của đảng nhưng trong đáy lòng họ vẫn nghĩ chỉ có đảng CS mới đủ tư cách chính trị để lãnh đạo đất nước. Họ được chích vắc-xin nghi ngờ mọi thứ ngoại trừ đảng vào nhận thức còn sớm hơn trẻ em được chích vắc-xin phòng cúm. Tại Việt Nam số người không phân biệt được sự khác nhau giữa một ông Tây và một ông Mỹ còn rất nhiều, và vì thế họ đồng ý với đảng cuộc “cách mạng dân tộc dân chủ đánh đuổi Thực Dân Pháp và Đế Quốc Mỹ” dẫn tới “cách mạng xã hội chủ nghĩa” là một chọn lựa đúng đắn của dân tộc Việt Nam.
Theo họ, xã hội nào cũng có mặt tốt và mặt xấu. Đảng cũng thế. Đúng thì khen, sai thì sửa nhưng thay đổi thì không. Họ ngụy biện rằng trình độ hiểu biết của người Việt nói chung còn thấp để có thể xây dựng một chế độ dân chủ theo kiểu Mỹ, kiểu Pháp, kiểu Anh, và do đó, đa đảng chỉ dẫn đến hỗn loạn trong khi đất nước đang cần đoàn kết dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN.
Thế nào là thấp?
Dân chủ là một tiến trình chứ không phải mà một món đồ hộp chế biến sẵn chỉ khui ra là ăn.
Dân tộc Mông Cổ có thể nói chưa bao giờ thật sự sống dưới chế độ dân chủ trước ngày bầu cử đa đảng 29 tháng 7, 1990. Nhưng cũng từ ngày vui đó một nền cộng hòa được ra đời và phát triển tương đối ổn định cho đến nay. Quốc gia nằm sâu trong đất liền này đã vươn lên từ một dân tộc sống rải rác trên các thảo nguyên bát ngát để ngày nay có Tổng Sản Phẩm Nội Địa (GDP) tính theo đầu người 4,007 Mỹ kim. Người chăn cừu trên thảo nguyên Mông Cổ trước năm 1990, theo cách nói của Mác, chỉ là một công cụ sản xuất giống như cừu, hôm nay ông ta là một con người tự do.
Điều này cho thấy dân chủ cần được hoàn thiện theo đà phát triển của một quốc gia nhưng đồng thời cũng luôn thích nghi với con người dù trong trình độ giáo dục nào, nhận thức nào và đang sống ở đâu trên mặt đất này.
Phải chăng đa đảng dẫn tới hỗn loạn?
Kinh nghiệm của các nước cựu CS cho thấy con đường dân chủ có nhiều ổ gà, nhiều gai góc nhưng là con đường thời đại.
Cộng hòa Ba Lan có tới 97 đảng chính trị trong đó 19 đảng có đại diện trong quốc hội nhưng không phải vì thế mà gây ra bất ổn. Ba Lan ngày nay là một quốc gia hùng mạnh và GDP tính trên đầu người tăng từ 1,731 Mỹ kim vào năm 1990 đến 15,600 Mỹ kim vào năm 2020.
Hai thành phần tin đảng CS nêu trên khác nhau về cách thể hiện và biện luận nhưng bản chất nô lệ vào đảng CS vẫn giống nhau vì cả hai đều là kết quả của chính sách nhồi sọ có hệ thống. Bài viết này không nhắm vào một thành phần khác tạm gọi là “thành phần phên giậu” biết đảng sai nhưng vẫn phò vì bổng lộc.
Khát vọng tự do của mọi con người trên trái đất đâu cũng giống nhau nhưng các điều kiện lịch sử và văn hóa đã làm cho cuộc đấu tranh chống chế độ CS tại một nơi chậm hơn vài nơi khác. Điều này đòi hỏi những người Việt quan tâm đến vận nước, ngoài đức độ và tài năng, còn phải có thêm tính kiên nhẫn để soi sáng con đường trước mặt. Đó là con đường dân chủ cho Việt Nam và không có con đường nào khác.