Lời thách thức đó hoàn toàn sai!

Khi người dân góp ý, than phiền, chỉ trích, đả kích, phản đối … một chính sách của chính phủ, thì có nhiều người thường thách thức rằng : có giỏi thì nhảy vô mà làm … ! 

Nói như vậy thì có khác nào, khi thực khách than phiền một món ăn của đầu bếp, thì có người lại thách thức rằng : có giỏi thì nhảy vô mà làm … ! …

Lời thách thức đó hoàn toàn sai!

Vì lẽ:

Con người sinh ra vốn khác nhau về thể lực, trí lực, năng khiếu, sở thích …, cộng thêm tác động của môi trường, hoàn cảnh, nên mỗi người có thể tự do lựa chọn hay bắt buột phải làm một công việc hay nghề nghiệp nào đó, hình thành nên sự phân công lao động trong xã hội. Và khi xã hội loài người ngày càng tiến hóa thì sự phân công lao động ngày càng hướng đến tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cao độ …

Nền Văn Minh Nhân Loại phát triển song hành với quá trình “Chuyên Môn Hóa”.

Thời hồng hoang mông muội, một người vừa phải tự lo kiếm cái ăn, vừa phải tự lo kiếm cái mặc, vừa phải tự lo làm lấy các loại dụng cụ … vv …

Dần dần, một cách khách quan, do con người sinh ra vốn dĩ có thể lực, trí lực, năng khiếu, sở thích … khác nhau, nên chỉ có thể làm tốt ở công việc này mà không thể làm tốt ở công việc khác, do đó tất yếu hình thành nên sự “Phân Công Lao Động”: trong một gia đình, bộ tộc có sự phân công người này lo kiếm cái ăn, người kia lo kiếm cái mặc, người nọ lo làm các loại dụng cụ … vv …

Dần dần, trong một cộng đồng xã hội, một người chuyên về săn bắt, nuôi trồng có thể đem thực phẩm đổi lấy quần áo từ người chuyên về dệt may, đổi lấy giáo mác cung tên cuốc cày từ người chuyên về rèn đúc, đổi lấy bình lọ ấm chén từ người chuyên về gốm sứ … vv …, và ngược lại.

Sự “Phân Công Lao Động” đã hình thành nên quá trình “Chuyên Môn Hóa”, giúp cho hàng hóa được làm ra ngày càng tốt hơn, nhiều hơn …

Rồi con người lại phát minh ra tiền, để chuyển việc trao đổi trực tiếp bằng hàng hóa thành trao đổi gián tiếp thông qua một “đại lượng trao đổi ngang giá”, giúp cho việc trao đổi trở nên dễ dàng thuận tiện hơn, trở thành việc mua bán …

Nền Văn Minh Nhân Loại phát triển ngày càng cao thì sự “Chuyên Môn Hóa” cũng ngày càng cao. Một người có thể dùng khả năng chuyên môn trong lĩnh vực của mình làm việc để kiếm ra tiền, rồi dùng tiền để mua lấy các loại hàng hóa, dịch vụ từ những người có khả năng chuyên môn trong những lĩnh vực khác, và ngược lại …

Công Dân trong một xã hội phát triển không cần phải tự bảo vệ mình theo kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng …” thời Cựu Ước, mà có thể dùng khả năng chuyên môn trong lĩnh vực của mình làm việc để kiếm ra tiền, rồi dùng tiền đóng thuế để mua lấy dịch vụ Bảo Vệ từ Nhà Nước, và Nhà Nước là một nhóm người có khả năng chuyên môn trong lĩnh vực lập ra và thi hành Pháp Luật để Bảo Vệ Công Dân.

Người làm một nghề nghiệp gì, thông thường được đánh giá theo bậc thợ, từ bậc 1 đến bậc 7. Trong cùng một nghề, thì việc đánh giá được xếp theo chiều dọc, một cách tuyệt đối, thợ bậc 7 giỏi hơn thợ bậc 1; nếu khác nghề, thì việc đánh giá sẽ được xếp theo chiều ngang, một cách tương đối, thợ bậc 7 của nghề này thường cũng được đánh giá cao hơn thợ bậc 1 của nghề khác …

Thực khách có thể không giỏi, hay thậm chí không biết nấu ăn, nhưng có thể họ biết, hay thậm chí rất giỏi trong nghề nghiệp khác. Và họ dùng đồng tiền kiếm được trong nghề nghiệp ấy để mua món ăn, trả lương cho đầu bếp làm việc trong nhà hàng, nên có quyền được than phiền về món ăn. Nếu đầu bếp không thể thỏa mãn được nhu cầu của thực khách thì đầu bếp có thể bị khiển trách, sa thải, thất nghiệp ; nhà hàng có thể bị ế ẩm, thua lỗ, phá sản …

Tương tự, công dân có thể không giỏi, hay thậm chí không biết làm chính trị, nhưng có thể họ biết, hay thậm chí rất giỏi trong nghề nghiệp khác. Và họ dùng đồng tiền kiếm được trong nghề nghiệp ấy để đóng thuế, trả lương cho chính khách làm việc trong chính phủ, nên có quyền được than phiền về chính sách. Nếu chính khách không thể thỏa mãn được nhu cầu của công dân thì chính khách có thể bị khiển trách, cách chức, thất nghiệp; chính phủ có thể bị phê phán, bãi nhiệm, lật đổ …

Ấy là nói chuyện làm chính trị ở các nước “Dân Chủ”, nơi mà công dân được tương đối bình đẳng về cơ hội để tham gia vô chính phủ, chứ ở các nước “độc tài đảng trị”, “hồng hơn chuyên”, “đảng cử dân bầu”, “nhất quan hệ, nhì hậu duệ, ba tiền tệ …, bỏ qua trí tuệ”, “con lãnh đạo làm lãnh đạo …” … thì công dân “nhảy vô” chính phủ bằng cách nào !?

Nguồn: Fb Canh Le

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay