Nghe lời cao cả, sao chỉ thấy rùng mình
Tuấn Khanh
8 tháng 8, 2021
Bác sĩ Khoa không thấy xuất hiện nữa, sau sự kiện gây sốt dư luận mạng xã hội mà bác sĩ Khoa kể rằng anh đã quyết “rút ống thở” của cha mẹ già, để nhường cho hai đứa trẻ sơ sinh vừa mới chào đời. Bản tin lan nhanh đến khủng khiếp trong đêm 7 Tháng Tám 2021. Bên dưới lời tâm tình gây chấn động đó, không ít các nhân vật tên tuổi để lại lời kính trọng và cám ơn. Thậm chí, có người còn ghi rằng họ nợ anh, về mạng sống của cha mẹ già mà anh đã quyết hy sinh.
Nhưng rồi chỉ đến rạng sáng hôm sau, mọi thứ bày ra một sự thật khủng khiếp: hóa ra đó là trò bịa đặt. Nó có giá trị như một cú hích truyền thông được tổ chức, nhằm tạo một luồng tâm lý mới trong xã hội đang quá bất mãn và đầy tiêu cực về những câu chuyện mất mát, khốn khó của người dân thời phong tỏa. Cùng với thực trạng bộ máy y tế Sài Gòn đang kiệt sức trước các mệnh lệnh chống dịch bất hợp lý và bế tắc.
Người ta tìm thấy vị bác sĩ tên Khoa ấy – tự xưng là làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thế nhưng trả lời báo Tiền Phong, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy là ông Nguyễn Tri Thức đã khẳng định là không có bác sĩ nào tên Khoa và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không có khoa sản. Câu chuyện hai em bé sinh đôi cũng được vạch ra: là hình ảnh được ăn cắp từ trang Facebook của bác sĩ Cao Hữu Thịnh, về một ca mổ do chính bác sĩ này đảm trách.
Tâm lý đám đông bị hành hạ khủng khiếp vì kịch bản truyền thông này. Người Việt ở mọi nơi bị sững sờ và khuất phục bởi hình ảnh không khác gì những giai thoại trong truyện Tàu cũ – vốn đã ăn sâu vào tình cảm người Việt nhiều đời.
Hãy tự hỏi, có cái gì “cao quý” hơn việc một bác sĩ trong thời đại xã hội chủ nghĩa đã quyết hy sinh cả ba mẹ để cứu cho những đứa trẻ vừa ra đời? Nhất là chuyện đó xảy ra trong lúc đại dịch khốn khó, rõ là hình tượng sáng ngời và mẫu mực của đám đông đang cắn môi ứa lệ để giơ cao tay đi cùng thủ tướng, quyết “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng vượt qua mọi nỗi đau để chiến thắng. Kịch bản này đau đớn và đẹp đẽ tương tự như Tỷ Can chấp nhận ăn bánh bao thịt con mình, để thoát khỏi tay Trụ Vương, nghĩ đến ngày khởi nghĩa. Chuyện cũng bi phẫn như Quách Cự tự tay chôn sống đứa con ba tuổi để dành thêm cơm nuôi mẹ trong Nhị Thập Tứ Hiếu.
Không đến 24 giờ đồng hồ sau, tâm lý đám đông lại bị hụt hẫng, đặc biệt với những người bị tác động khủng khiếp bởi đã để cảm xúc kiểm soát mình hơn là lý trí. Rất nhiều người nói mình đã cúi đầu, khóc thương hay ngưỡng mộ bác sĩ Khoa, nay lại rơi vào trạng thái tức giận và buông lời nguyền rủa.
Báo chí Nhà nước lao vào cải chính, vạch trần sự kiện này cũng nhanh đến mức bất ngờ. Nhưng có lẽ mọi thứ sẽ sớm qua đi, vì có vẻ như mọi nguồn cơn tìm thấy, xuất phát mạnh mẽ từ một người làm báo chuyên phát ngôn cho nhà nước, và cũng hay tổ chức sự kiện truyền thông để phục vụ mục đích chính trị mỗi khi có yêu cầu. Bên cạnh việc trang cá nhân của “vị bác sĩ trẻ tên Khoa” này biến mất, khiến nhà báo cũng phải xin lỗi và rút lại những gì đã đăng, mặc dù vẫn chống chế rằng “đã huy động tòa soạn kiểm tra nguồn tin đến 2 giờ sáng”.
Ở Việt Nam, đã có hàng trăm người bị gọi làm việc với công an, phạt tiền, bị bỏ tù… với các câu chuyện của họ trên Facebook từ năm 2020 đến nay, bởi các Điều khoản 117, 331 hoặc theo Nghị định 15 về viễn thông. Thế nhưng, không chắc là sẽ có ai liên quan bị khiển trách gì sau vụ này, nhất là với vị trí lãnh đạo của một sếp tờ báo về Pháp Luật.
Phải “khâm phục” là câu chuyện cổ tích giữa đời thường của “bác sĩ Khoa” phối hợp với một vài nhân vật KOL có chủ ý dẫn dắt dư luận trên Facebook, đã chọn đúng điểm rơi tâm lý của người dân lúc này.
Cả một đất nước đang lo lắng trước những câu chuyện đau thương, và vật vã trước những những đòn ngăn sông cấm chợ điên loạn của một lực lượng kiêu binh nổi lên, nhân danh Chỉ thị 16, thì rõ là mọi người đang khao khát được nghe những điều tử tế, những sự cao cả và lương thiện của con người dành cho nhau. Chính câu chuyện này có tác dụng làm ai nấy chùng lòng lại. Thậm chí những người đang kêu gào cho quyền lợi của mình hay cho người khác, đều có ít phút giây tự vấn về sự thấp hèn của mình khi nghe chuyện.
Nếu không bị vạch trần, chuyện của “bác sĩ Khoa” có tác dụng không nhỏ trong việc kềm hãm sự bức bối quyền lợi cá nhân, và nhu cầu bản thân bị thiệt thòi của đám đông bất bình đang ngày càng tăng trong phong tỏa. Và thậm chí, câu chuyện có thể trở thành sách khoa của giới tuyên truyền về việc dẫn chứng sự hy sinh bản thân của thế hệ mới xã hội chủ nghĩa cho tương lai đất nước.
Có người nêu câu hỏi, để dựng nên câu chuyện này, vì sao “bác sĩ Khoa” có thể giỏi đến mức tạo nên một khung hình cao thượng-nhẫn tâm thú vị như vậy, để hớp hồn nhiều tầng lớp dân chúng?
Thật ra, mọi thứ đều có tính truyền thống của nó, soi chiếu lại quá khứ sẽ thấy không khó nhận ra. Trong mỗi giai đoạn kiểm soát đất nước, tùy theo tình hình, các nhà lãnh đạo vẫn có khuynh hướng mị dân và thao túng bằng những câu chuyện được dựng thêm, hay sáng tác ra. Việt Nam đã có những chuyện đầy cảm hứng của thời chiến tranh như Kim Đồng, Lê Văn Tám, Tô Vĩnh Diện… Và chẳng phải từ xa xưa, Lê Lợi đã thành vua trong suy nghĩ mê tín của người dân, qua việc cho viết bằng nước cơm trộn mật lên lá Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần, để kiến đục thành chữ?
Những điều như vậy, cũng quen thuộc với tinh thần “Thép đã tôi thế đấy” của N.A.Ostrovsky: trung thành và sẵn sàng hy sinh theo mệnh lệnh, theo thời cuộc sắp đặt và tương lai mà cộng sản kêu gọi.
Chắc nhiều người còn nhớ tác phẩm “Người thứ 13”, truyện về cô gái Hồng quân bị kẹt trên đảo với một sĩ quan Bạch vệ đẹp trai. Gần nhau nên cả hai nảy sinh tình yêu. Nhưng đến khi một nhóm Hồng quân đến đảo và yêu cầu cô gái giết tên sĩ quan Bạch vệ, vì mệnh lệnh và nhân danh lòng phụng sự cao cả, cô đã bắn người yêu của mình.
Việt Nam cũng có, sách vở vẫn ghi lại rất nhiều trong năm 1945, trong đợt Cải cách ruộng đất. Để chứng tỏ trái tim đỏ và cao quý, nhiều thanh niên đã từ chối cha mẹ mình, thậm chí quay mặt khi họ bị bắn, đánh đập. Mục đích là để bản thân mình vươn cao hơn trong đám đông – một kiểu kiếm views thời chưa có internet – để lọt vào tầm mắt bề trên, và chấp nhận mình là con bài cần thiết của thời cuộc.
Nếu thật sự có một sự thật hy sinh vĩ đại như “bác sĩ Khoa” đã nói, sao anh ấy còn tỉnh táo đến mức dành thêm thời gian để khoe chuyện như vậy trên Facebook, và còn ăn cắp ảnh trẻ sơ sinh từ trang người khác để minh họa cho mình? Ấy là máu lạnh chứ đâu là sự thánh thiện – một người bạn tôi nhắn như vậy.
Đời người ngày càng khó biết, và khó đoán. Thật không dám nói gì thêm về cái gọi là sự thật trong những ngày tháng này. Nhưng trong tầm nhìn hạn hẹp của mình, thật lòng tôi không cảm thấy xúc động từ lúc đầu được biết về câu chuyện của vị bác sĩ tên Khoa. Nhưng rồi khi nhìn lại từ những gì lịch sử ghi lại, đã có đến nay, câu chuyện ấy chỉ khiến tôi lại thấy rùng mình.