“Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già”
Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo
Lời tôi thay cho tiếng đạn bay
Lời tôi xây cho vững tay cầy
Rồi đêm đêm xua ác mộng đầy
Lời ca êm ru giấc ngủ say.”
(Phạm Duy – Tiếng Hát To)
(Êphêsô 4: 29 tt)
Trần Ngọc Mười Hai
Cái “Tôi” đó, có hát to hơn cả bầy “tôi” đây là bần đạo, thì cũng vẫn lạo khạo/lào xào, nhưng chẳng bao giờ “nổ bạo” như ở trên.
Quả thật, trên đời này là gì có ai lại tự hào rằng mình hát to hơn cả sung đạn, lẫn thuốc “nổ” bạo, bên bờ ruộng già kia chứ? Thôi thì, ta cứ để nhạc-sĩ già nhà mình cứ hát thêm đôi lời lẽ đượm nhoè giòng lệ, vẫn như sau:
“Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ vơi dòng lệ nhòa
Một miền quê, một miền quê tim héo và khô
Lời tôi ca khâu vá tình thương
Lời hôm qua chắp nối Con Ðường (1)
Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn (2)
Lời mai đây cao ngút Trường Sơn (3).
(Phạm Duy – bđd)
Tuy hát thế, nào đã to bằng những lời nho nhỏ vẫn còn vang vọng ở đâu đó, như bảo rằng:
“Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù
Lời tôi ca, lời tôi ca như suối rừng thu
Lửa âm u ai đốt từ lâu
Miền quê tôi khan tiếng kêu gào
Lời tôi ca như nước nhiệm mầu
Thành mưa rơi cho dứt niềm đau
Lời tôi ca, lời tôi ca xua hãi hùng đi
Mùa xuân qua ai mất tuổi thơ
Lời tôi ca hôn má xuân già
Còn yêu nhau xin cứ mặn mà
Ðừng cho ai ăn cướp tình ta”…
(Phạm Duy – bđd)
Thế đó, là giọng hát to/nhỏ ở ngoài đời, thật thấm-thiá. Còn đây, là những lời nhỏ/to nơi nhà Đạo. Nơi, vẫn có bậc thánh-nhân hiền-lành tuy không hát, nhưng vẫn nhắn và nhủ những lời rất như sau:
“Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa,
nhưng nếu cần,
hãy nói những lời tốt đẹp,
để xây dựng và làm ích cho người nghe.
Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa,
vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em,
để chờ ngày cứu chuộc.
Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn,
hay la lối thoá mạ,
và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác.
Trái lại, phải đối xử tốt với nhau,
phải có lòng thương xót
và biết tha thứ cho nhau,
như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.”
(Thư Êphêsô 4: 29tt)
Thật ra thì, có hát hoặc nói những lời to nhỏ, không phải để “thốt ra những lời độc địa”, mà chỉ muốn bà con mình “nói những lời tốt đẹp”, ở trên đời. Thật sự thì, cứ nói nhỏ nói to hoặc biểu-tỏ những điều hay/lẽ phải ở đâu đó trong nhà Đạo, không bằng lời. Nhưng đôi lúc lại cứ như tiếng khóc được nghệ-sĩ diễn-tả ở câu tiếp:
“Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang ngồi vỉa hè
Trẻ bơ vơ, trẻ bơ vơ đi giữa vườn hoa
Hỏi thăm em, em có mẹ cha
Hỏi thăm em, em có ông bà
Hỏi thăm em, em có cửa nhà
Một ngày qua em mất cả bạ
Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang tìm nụ cười
Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, xin đến gần tôi
Cùng em côi tôi có bàn tay
Và đôi môi tôi hát ăn mày
Chia hạt cơm rơi hay bát gạo đầy
Cùng ngủ ven sông hay gối bụi câỵ
Tôi sẽ khóc cho em gái nhỏ theo mụ chủ nhà
Một chiều mưa, một chiều mưa đi trong ngõ bùn nhơ
Từ vườn quê ra chốn phồn hoa
Người em xua dĩ vãng đen nhoà
Rồi đêm đêm son phấn nhạt mờ
Mới nhận của tôi dâng mấy lời thơ
(Phạm Duy – bđd)
Hôm nay đây. Bần đạo này, có nói hoặc có khóc những lời to/nhỏ, hay sao đó, cũng chỉ để thưa và thốt với bạn bè người thân đang đọc giòng chảy văn hoa đầy ý nhạc, cũng là có ý muốn trích thêm những điều được đấng bậc ở chốn trên cao, nhà Đạo Úc Châu từng nói và có khi khóc ròng, những giòn viết như sau:
“Lần họp cuối cùng vừa rồi ở Thượng Hội Đồng Giám Mục Rôma dạo tháng 10 năm 2014, có nhiều vị vẫn tìm cách nhìn vào gia-đình thời hiện-đại ngang qua viễn-kính mục-vụ; thành thử, mới thấy rằng có quan-ngại đặc-biệt về cảnh-tình trong đó, xem như vẫn có một tranh-chấp hoặc còn gọi là xung-đột giữa tín-điều của Hội-thánh và nhu-cầu mục-vụ cho chúng dân. Ở đây, lại thấy nảy sinh hai chủ-đề chính khiến ta cần tìm đến.
Có vị quan-ngại về tình-huống của những người con ở Giáo-hội đã lớn lên nên mới khám-phá ra rằng: bản-chất tự-nhiên của họ vẫn cứ hướng chiều về tính-dục như người đồng-tính nam hay nữ, cả những người lưỡng-tính hoặc những kẻ chuyển giới.
Tín-lý với giáo-điều từng bảo rằng: bất cứ hành-xử tình-dục nào thực-hiện ngoài phạm-vi giữa nam-nhân và nữ-giới đã hôn-phối và mở ra để cùng kiến-tạo đều méo-mó và vi-phạm tội trọng đến chết người. Nhu-cầu mục-vụ lại bảo rằng: hôn-nhân khác phái không là điều để những người như thế sử-dụng mà thay-thế. Và, mấy người này lại cảm thấy không phải là lời mời gọi nhẹ nhàng nhất cho cuộc sống độc-thân hoàn-toàn mà lời giáo-huấn như thế đòi hỏi họ phải chịu sự trừng-phạt đớn đến muôn đời.
Quan-ngại thứ hai, là: tình-cảnh của các người Công-giáo từng thất-bại trong hôn-nhân và sau đó lại đã tái-giá. Tín-lý trong Đạo từng dạy rằng: hôn-nhân là điều ta không thể phân-cách/giải-toả, thế nên cặp phối ngẫu ấy phải cố sống trong tình-trạng tội trọng vẫn kéo dài. Trong khi nhu-cầu mục-vụ lại bảo rằng: những người như thế vẫn cảm thấy mình luôn bị đẩy lùi ra khỏi Thánh hội và không được hiệp-thông rước Chúa vào lòng.
Nhiều vị đã phát-biểu ở Thượng Hội-Đồng Giám Mục vừa rồi từng cố-gắng tìm cách có giải-pháp mục-vụ nằm trong khuôn-khổ tín-lý/giáo-điều; nhưng, lại phải nói rằng điều các vị làm vẫn chưa đạt kết quả là bao nhiêu. Một số vị khác lại kiên-quyết chống lại các động-thái tựa hồ như thế, nên đã nhấn mạnh nhiều vào tính-cách xít-xao trọn vẹn của giáo-huấn trong Đạo.
Với tôi, chừng như đa số các nghị-phụ đều rất chân-phương khi các ngài lo-lắng làm sao phải đạt nhu-cầu mục-vụ mới được. Tuy thế, các vị này lại tin rằng bất kỳ giải-pháp mục-vụ nào cũng phải nằm trong khuôn-khổ của truyền-thống giáo-huấn có tín-lý/giáo-điều hẳn hoi và các ngài lại đã thực sự không biết mình sẽ đi về đâu.
Riêng tôi, có đề-nghị là giả như nghị-trình thứ hai của Thượng Hội-đồng Giám Mục Rôma năm 2015 là kiếm tìm câu giải-đáp, thì việc đầu tiên các nghị-phụ phải làm cho được là nghiêm-chỉnh nhìn vào giáo-huấn của Hội-thánh có liên-quan ngõ hầu xem các ngài có thể cho phép mở ra con đường mà tiến về phía trước trong kiếm tìm các giải-pháp mục-vụ, thì hơn. Đó là điều, riêng tôi vẫn muốn làm trên cương-vị của mình, ở đây, bây giờ.
Tôi đây, không tìm cách áp-đặt mọi người phải thông-hiểu điều này điều nọ, cho bằng mở ra cho thấy còn có nhiều thứ phải tính đến hơn là chỉ mỗi hai chủ-đề hiện có trong giáo-huấn của thánh hội mình.
Thế nên, đề nghị với bạn đọc phần “Mở Đầu” gọn nhẹ theo bối-cảnh ấy của cuốn “The 2015 Sydnod, The crucial Questions: Divorce and Homosexuality, ATF Press 2015 đã xuất-bản)
Xem thế thì, bạn và tôi đây, ta cũng nên tìm đọc cho biết cuốn sách của đấng bậc có tên ở trên đã xuất bản, nhưng chưa kịp dịch. Giả như, tôi và bạn có trong người đầy tính thi-ca/âm nhạc theo lối nói ở trên, chắc sẽ phải hát tiếp những câu sau:
“Tôi hát tiễn đưa dăm thiếu phụ quay về đường nhà
Lời tôi ca, lời tôi ca hun bếp lạnh tro
Lời như tơ như tóc tìm nhau
Giường thơm tho chăn gối tươi mầu
Mảnh gương to rơi vỡ ngày nào
Còn lại bao nhiêu vẫn soi rõ mặt nhau.”
(Phạm Duy – bđd)
Ấy! Ấy! Hỡi ngài nghệ-sĩ già của tôi ơi. Ngài có hát gì thì hát, cũng đừng hát những câu buồn rầu như thế. Mà, chỉ nên nói và nhắn nhủ với bà con người đọc cùng người nghe, những lời lẽ như sau:
“Trong các bài giáo lý vừa rồi, chúng ta đã nói về vấn-đề gia-đình sống có tính-chất mỏng dòn ở thân-phận con người, như nghèo khổ, bệnh hoạn, chết chóc.
Hôm nay, chúng ta chia sẻ về các vết thương thực sự xảy ra trong cuộc sống chung của gia-đình. Đó là những tai hại xảy đến trong chính gia-đình, một điều đáng sợ hơn cả. Chúng ta đều rõ là đời sống của bất cứ gia-đình nào cũng không thiếu các giây phút xảy đến các hành-xử của các phần-tử chạm đến những tình-cảm thân-mật chí-thiết. Có những lời nói và hành động cùng những việc bỏ qua không làm, thay vì tỏ bày tình yêu thương, thì lại làm giảm-sút hay tệ hơn nữa, còn sát-hại tình yêu thương, nữa…
Mọi sự đều liên-hệ với nhau trong cuộc sống gia-đình, khi tinh-thần của nó bị thương-tích ở nơi nào đó, thì mọi người đều bị cảm-nhiễm. Và khi người nam và nữ dấn thân để trở nên một xác-thịt hình thành gia đình, mà chỉ nghĩ đến nhu-cầu tự-do và thoả-mãn nhu-cầu tư riêng của mình, thì việc lệch-lạc này sẽ tác-hại sâu xa đến cõi lòng và đời sống của con cái. Rất nhiều lần con cái cứ phải âm-thầm khóc than…” (x. bài Giáo-lý số 23 Đức Phanxicô nói về Gia-đình hôm 24/6/2015, do bạn bè dịch và gửi qua vi-tính.)
Thế mới biết, tiếp tục cuộc sống gia-đình trong hoàn-cảnh khó-khăn, lạ lùng hơn khi trước, cũng không phải là chuyện dễ. Rất không dễ, nên nhiều đấng bậc trong Đạo lại đã tỏ bày bằng nhiều cách rất như sau:
“Trong một thế-giới đầy những giá-trị kiểu “bóng xà-phòng” cùng những thói giả-hình và lừa-bịp, thì Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại khuyên các người trẻ hãy biết chiến-đấu “đánh trả” bằng tình thương-yêu đích-thực, đồng thời hợp-tác dựng-xây nền kinh-tế mới mẻ dựa trên đức tính sáng-tạo và dũng-cảm.
Ngài cũng xin các bạn đạo ở Waldensia hãy tha thứ cho Hội thánh Công-giáo khi xưa đã xúc-phạm họ bằng việc “dứt phép thông công” và hành-quyết một số trong các vị tiên-tổ của họ từ nhiều thế-kỷ đến hôm nay.
Ngài có nói: “Tôi yêu-cầu quý vị tha-thứ cho các động-thái thiếu chất Kitô, có khi còn vô-nhân-đạo cùng những hành-xử mà trong quá khứ Hội thánh chúng tôi đã làm chống lại tiên-tổ của quý vị trong lịch-sử. Nhân danh Đức Giêsu Kitô, xin thứ lỗi cho chúng tôi…
Và cũng cùng ngày hôm ấy, 21 đến 22 tháng 6 năm 2015, trong chuyến viếng thăm thị thành ở miền Bắc nước Ý, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ cử chỉ có một không hai trong lịch-sử. Đức Giáo Hoàng thăm viếng khu tàng-trữ di-tích khăn Turin và cũng nhân dịp mừng kính 200 năm ngày sinh của thánh Gioan Bosco, ở đây.
Trong chuyến này, Đức Phanxicô còn kêu gọi tín-hữu Đức Kitô thuộc các giáo-phái khác nhau hãy hiệp nhất để đảm-bảo là từ nay mọi người trong chúng ta sẽ tập-trung nhấn mạnh vào Thiên Chúa trước nhất và sau đó mới để ý đến các khác-biệt của nhau. Việc tỏ-bày xin lỗi đại-diện những người anh em Waldensia và các Giáo-phái lâu nay vẫn cách-biệt, như: nhóm bạn đạo thuộc phái Mê-tô-đi, giáo-phái Tin Lành Truyền Đạo, Giáo-hội Luther và cộng-đoàn các giáo-hội bạn cùng tin vào Đức Kitô.
Ngài cũng đã thêm, rằng: vốn dĩ là anh em, chị em trong niềm tin, cũng tương-tự như anh chị em trong cùng một gia-đình, điều đó không có nghĩa là chúng ta giống nhau hoàn toàn như giọt nước, nhưng lại có nghĩa là: ta có cùng một số điều giống nhau, cũng xuất tự một nguồn gốc.
Thượng-phụ phái Waldesia là Mục sư Eugenio Bernardini có n ói với Đức Phanxicô là: sự việc ngài thăm viếng đất miền này tượng-trưng cho việc vượt cao lên tường thành ngăn-cách từng dựng đứng đến tám thế-kỷ, khi phong trào của Waldensia bị kết-án là bè rối và bị dứt phép thông công khỏi Giáo hội Công giáo…” (xem phần tin tức trên tờ The Catholic Weekly ngày 28/6/2015, tr. 12)
Nghe biết thế rồi, nay đã rõ: ở trong Đạo lẫn ngoài đời, vẫn có tình-huống khá khó xử. Bởi thế nên, để minh-hoạ một đời sống không khó mấy trong hiệp-thông đoàn-kết, tưởng cũng nên học hỏi nhiều điều từ trường đời ở đó có những người từng bày-tỏ như sau:
“-Tôi học được rằng:
Tự hiểu mình là điều quan trọng nhất.
-Tôi học được rằng:
Đừng mất thì giờ phân định việc thị phi cho rành mạch đen trắng trong khi tất cả đều chỉ là tương đối trong tục đế mà thôi. Cái đúng với người này có thể sai với người khác, cái phải ở chỗ kia có thể trái ở nơi nọ, cái đang đúng lúc này không hẳn sẽ đúng về sau v.v…*
-Tôi học được rằng:
Hãy xét đoán chính mình mà đừng xét đoán kẻ khác dầu họ tốt xấu thế nào đi nữa …
-Tôi học được rằng:
Đừng là gì cả… Nếu là gì đó bạn sẽ đau khổ…Vì bạn sẽ khó mà sống với con người thật, với giá trị thật của chính mình….
-Tôi học được rằng:
Ai biết lắng nghe, học hỏi, chiêm nghiệm bài học của chính đời mình, dù khổ hay vui, dù thành hay bại, người ấy đang thật sự thiền, hay đúng hơn là đang sống giáp mặt với chân lý muôn đời*
-Tôi học được rằng:
Đừng bám víu vào điều gì, vì bám víu là dính mắc, là trói buộc là đau khổ…Và là không còn thong dong tự tại nữa*
-Tôi học được rằng:
Thương và ghét, cả hai đều đau khổ bởi vì đều do tham ái gây ra. Muốn là khổ. Muốn mà không được cũng khổ. Ngay cả khi có được cái mà bạn muốn, cũng là đau khổ nữa, bởi vì khi được chúng, bạn lại lo sợ sẽ mất chúng.
-Tôi học được rằng:
Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành
-Tôi cũng học được rằng:
Mỹ phẩm tốt nhất là nụ cười. Nữ trang quý nhất là sự khiêm tốṇ. Trang phục đẹp nhất chính là sự tự tin!
-Tôi học được rằng:
Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim
-Tôi học được rằng:
Bí quyết lớn nhất của thành công là thành thật.
-Tôi học được rằng:
Cuộc sống muôn đời vẫn đẹp chỉ có cái ta ảo tưởng mới
biến cuộc đời thành bể khổ mà thôi.
-Tôi học được rằng:
Cuộc sống vận hành khi bạn chọn những gì bạn đang có. Thật ra, những gì bạn đang có chính là những gì bạn đã chọn.
-Tôi học được rằng:
Thế giới là một sàn diễn. Ai cũng phấn đấu để có một vai. Đừng nản lòng khi gặp những điều kiện bất lợi.
-Tôi cũng học được rằng:
Đừng bận tâm về nhận xét của ai đó về mình
-Tôi học được rằng:
Tâm là tên lừa đảo lớn nhất. Người khác có thể dối bạn nhất thời, tâm dối gạt bạn suốt đời.
-Tôi cũng học được rằng:
Hạnh phúc đích thực là ngay nơi thực tại đang là…
-Tôi học được rằng:
Nếu suốt đời chỉ lo chờ mưa bão, thì sẽ không bao giờ thưởng thức được nắng ấm.
-Tôi cũng học được rằng:
Đừng bao giờ so sánh cuộc đời mình với bất cứ ai, vì mỗi người là bài học nhân quả của chính cuộc đời của họ
-Tôi học được rằng:
Mỗi khi xa rời người thân yêu, hãy luôn nói lời thương yêu nhất, bởi có thể đó là lần cuối ta gặp họ.
-Tôi học được rằng:
Ngay cả khi trắng tay, ta vẫn có thể thấy được mình thật giàu có để giúp đỡ mỗi khi bạn bè cần đến.
-Tôi cũng học được rằng:
Đã là bạn thân, dù không làm gì cả…”lặng nhìn không nói năng” ta vẫn có những phút giây tuyệt vời khi bên nhau.
-Tôi học được rằng:
Tình bạn chân thành sẽ mãi lớn lên dù cho có cách xa ngàn dặm, và tình yêu đích thực cũng thế đấy.
-Tôi học được rằng:
Mỗi khi ta rơi vào tâm trạng buồn, thương, giận, ghét…v…v…chỉ nhìn vào tâm như nó đang là…Đừng đặt tên, phán xét gì cả…Chính là ta đang trải nghiệm chân lý…
-Tôi học được rằng:
Hoàn cảnh sống có ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của chúng ta, nên hãy ý thức về điều đó.
-Tôi học được rằng:
Người trưởng thành có nhiều điều phải suy nghĩ với những kinh nghiệm đã qua, và có được những bài học rút ra từ đó, và không bao giờ quan tâm nhiều đến việc mình đã tổ chức bao nhiêu lần sinh nhật.
-Tôi cũng học được rằng:
Chính sự mất mát, dạy cho chúng ta giá trị của mọi thứ.
-Tôi cũng học được rằng:
Thế giới như một tấm gương, bạn nhăn mặt với nó, nó nhăn lại với bạn, bạn mỉm cười với nó, nó cũng mỉm cười với bạn…” (Như Tuệ ghi lại lời chỉ bảo của đại sư Viên Minh)
Thế đó, là giòng chảy đầy suy tư để bạn và tôi, ta thưởng lãm. Thưởng lãm, bằng và ngang qua tâm-tình trầm-lắng, thân thương, khắc-phục. Tất cả, đều trong tư-thế rất vui vẻ có đính kèm đôi lời kể cũng khá vui, làm câu truyện minh-hoạ đáng để đời, như sau:
Một hành khách hớt hơ hớt hải gọi taxi và nói vội:
-Ông làm ơn chở tôi gấp đến phi trường giùm.
Tài xế bắt chuyện:
-Ông đi chuyến bay nào mà vội thế?
-Chuyến 386 đi Paris!
-Ồ, vậy thì có gì đâu mà gấp gáp đến như thế. Bởi lẽ, truyền thanh phát sóng trên loa đài báo là: chuyến bay số 386 này bị hoãn chờ phi-hành-đoàn…đấy! Ông tài xế dõng dạc tiếp lời thông-báo ra dáng sành sỏi việc nắm bắt thông tin trong/ngoài nước.
-Giời ạ! Nhanh lên một tí có được không, tôi đây là phi công chính của chuyến đó!
Thế đó, là thông-tin xẹt lửa đầy tình-tiết như chuyện thật ở đời. Chuyện xẹt lửa hay xịt khói ở đời còn tình-tiết hơn nhiều nữa với truyện kể rất dễ nể ở bên dưới:
“Ở cửa hàng bán hoa hôm ấy, có người đàn ông trạc cỡ trung niên chọn 3 đoá hoa hồng rồi bảo bà bán hàng rằng:
-Mấy bông hoa này, là để tôi gửi cho vợ tôi làm kỷ niệm ngày cưới đấy bà ạ. Thế nên, đề-nghị bà đính kèm vào đây một dải băng lụa thật đẹp với giòng chữ: Mỗi bông này đánh dấu một năm anh được hưởng hạnh phúc vợ chồng, với em cưng!
Bà bán hàng tỏ vẻ xúc động, bèn hỏi:
-Ông mới lấy vợ được có 3 năm thôi à?
-Dạ, không phải thế đâu! Tôi lấy vợ có đến 30 năm trời cơ đấy. Nhưng hạnh-phúc ấy à, cũng chỉ nói được mỗi thế thôi!”
Hạnh-phúc trong hôn-nhân hay gia-đình, nhà Đạo hoặc giữ các đạo hoặc giáo-phái, đôi lúc cũng khó diễn-tả. Hàng trăm năm là thế, nhưng về hạnh-phúc thì, thì… ai dám bảo là nhiều nhặn, cỡ bao lăm.
Thôi thì, hôm nay và mai ngày, hạnh-phúc của bày tôi bần đạo đây chỉ muốn gửi đến bạn đọc và bạn đạo bấy nhiêu thôi. Bấy nhiêu, là để tôi và để bạn, ta cùng cười vui, dù chỉ vài ba phút rất phù-du con bươm bướm ở đời người.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn mọi người và mọi bạn
Sẽ hạnh phúc triền miên
Suốt mọi ngày trong đời mình.