“Lướt theo chiều gió,”
Một con thuyền, theo trăng trong
Trôi trên sông thương, nước chảy đôi giòng.”
(Đặng Thế Phong – Con Thuyền Không Bến)
(Lc 6: 36)
Thuyền trên sông Thương hay sống “Mến” có nước chảy đôi giòng, mà lại không có bến, thì chỉ có nước cứ lênh đênh ba chìm bẩy nổi, rất long đong. Thuyền nhà Giáo hội, lại cũng là thuyền trên giòng sông Yêu-thương xưa nay vẫn có bến/có bờ, chẳng nghi ngờ gì một tình-huống long đong rất như thế.
Thuyền Hội-thánh Công-giáo La Mã hôm nay, chắc cũng không giống như câu hát tiếp:
“Ðêm nay thu sang cùng heo may
Ðêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng.
Trong cây hơi thu cùng heo may
Vi vu qua muôn cành mơ say
Miền xa lời gió vang thông ngàn
Ai oán thương ai tàn mơ màng.”
(Đặng Thế Phong – bđd)
Vâng. Thuyền không bến bờ, mà lại hát “ai oán thương ai tàn mơ màng” như thế, chắc sẽ mãi mãi chẳng thấy bờ bến thương yêu, mỹ-miều ở đâu hết. Thuyền Hội thánh, thật ra tuy chẳng hát nhiều nhưng vẫn thấy nhà Đạo khẳng định tình thương xót xa rất thánh-hội, như ý-kiến của Đức Hồng Y Walter Kasper qua câu trả lời phỏng vấn do nhà báo đặt ra như sau:
“Nhà báo: Thưa Đức Hồng Y, trong cuốn có tựa đề là “Mercy: The Essence of the Gospel and the Key to Christian Life”, ngài có viết: “Tình Thương Yêu Xót Xa, là bản-chất của Thiên-Chúa. Vậy, làm sao để người đọc hiểu được Lòng thương-xót của Chúa, đây?
Hồng Y Kasper: Tín-điều Chúa gửi đến với ta, là do ta hiểu-biết về bản-thể của Chúa rất như thế. Thiên-Chúa, đương nhiên là thế, và còn hơn thế nữa. Điều này không có gì là sai quấy hết. Nhưng, Kinh Sách Đạo Chúa hiểu một cách sâu-sắc và tư riêng hơn. Chẳng hạn: trong chuyện kể về Bụi Cây Bốc Cháy ở Cựu Ước, tương-quan giữa Giavê Thiên-Chúa với Môsê qua Lời Ngài khẳng-định bảo rằng: “Ta có” mà là: “Ta có với ngươi. Ta có là cho ngươi. Ta cùng đi với người”. Trong bối cảnh này, lòng xót thương đã đặt nền tảng kiên cố ở Cựu-Ước. Thiên-Chúa của Cựu-Ước không là Đức Chúa chuyên giận-dữ mà là Đức Chúa chuyên tỏ lòng xót thương, nếu đọc kỹ. Và, các Thánh vịnh còn cho thấy rõ điều này nữa.
Lối hiểu-biết tận thâm căn về Thiên-Chúa khi xưa cũng khá mạnh đến độ Thiên-Chúa được xem là Đấng Công-Chính, chứ không là Đấng Đầy Xót Thương. Thánh Tôma Akinô từng nói rõ: tình thương mang ý-nghĩa căn-bản/triệt-để hơn, bởi lẽ Thiên-Chúa không là lời đáp-trả cho các đòi hỏi nơi qui-định của con người. Lòng Thương Xót là tính-chất rất đáng tin-tưởng của Thiên-Chúa đối với bản-thể đầy tính thương-yêu của Ngài. Bởi lẽ, Thiên-Chúa là Tình-yêu. Và, lòng xót thương là Tình-yêu bày tỏ cho ta bằng hành-động và lời nói rất cụ-thể. Thế nên, lòng xót thương trở nên không chỉ là thuộc-tính trọng-yếu của Thiên-Chúa mà thôi, nhưng còn là chìa khoá cho lòng Đạo rất hiện-hữu nữa.
Thành thử, hãy tỏ lòng thương-xót với mọi người như Thiên-Chúa đầy lòng xót-thương. Và, ta vẫn cứ phải học đòi bắt chước Lòng Chúa xót-thương mới được.
Nhà báo: Thưa Đức Hồng Y, tại sao hôm nay, Giáo hội cần phải nói lại cho mọi ngươòi hiểu điều đó, thế?
ĐHY Kasper: Thế kỷ thứ 20 là một thế-kỷ đầy tăm-tối với 2 cuộc chiến thế-giới, lại qui-tụ nhiều hệ-thống độc-tài toàn trị, những đảo ngục tù kiểu gulag, trại tập-trung, nạn diệt chủng người Do-thái, vv… Và, thế-kỷ thứ 21 khởi-đầu một cách không mấy tốt đẹp hơn trước. Chúng dân cần được thương-xót và thứ tha. Đó, cũng là lý-do khiến Đức Giáo Hoàng Gioan 23 có viết trong cuốn tiểu-sử linh-đạo trong đó ngài có nói: lòng xót thương là “thuộc-tính” đẹp nhất của Thiên-Chúa. Và, trong bài phát-biểu mở đầu Công Đồng Vaticăng 2, ngài lại nói: Giáo-hội Chúa luôn cưỡng-chống lại các sai sót của thời-đại, thông thường với tất cả tính nghiêm-túc cần có, nhưng ngày này ta lại cứ phải dùng đến thang thuốc của lòng xót thương, để làm thế. Đây là một bước nhảy rất lớn lao. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị đã sống xuyên suốt qua giai-đoạn cuối của Thế Chiến thứ 2 và rồi cũng đã ngang qua chế độ Cộng-sản ở Ba Lan. Thế nên, ngài thấy rõ nỗi khổ của dân ngài và của chính nỗi khổ-tâm ngài từng gánh chịu, trong đời. Với ngài, lòng xót thương là yếu-tố rất quan trọng, trong đời người. Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 lại cũng ra tông-thư đầu tay qua đó ngài nhất mực khẳng định: Thiên-Chúa là Tình-Yêu. Và nay, thì Đức Giáo hoàng Phanxicô, từng sống trải-nghiệm với chúng dân ở Nam Bán Cầu, nơi đó lại có đến hai phần ba người Công Giáo đang sống trong cảnh thiếu thốn, khó nghèo. Thế nên, ngài cũng đã coi lòng xót thương là trọng-điểm cho triều-đại giáo-hoàng của ngài. Theo tôi, thì đây là câu trả lời cho các dấu chỉ của thời đại ta đang sống…” (xem Matthew Boudway và Grant Gallicho, Phỏng vấn Đức Hồng Y Walter Kasper, 7/5/14)
Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng: Đức Hồng Y nhà mình nhận-định về lòng xót thương mà dân con trong Đạo từng am hiểu qua nhiều năm tháng ngày giờ như thế rất không sai. Nhưng hỏi rằng: dân con trong đạo hiểu và sống thế nào, về lòng xót thương của Chúa, lại là chuyện khác.
Và, trước khi nghiên-cứu những chuyện rất khác thế, cũng nên về với thi ca mà hát rằng:
“Biết đâu bờ bến
Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu?
Trên con sông Thương, nào ai biết nông sâu?
Nhớ khi chiều sương, cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Biết bao buồn thương, thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng
Bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong
Ánh trăng mờ chiếu, một con thuyền trong đêm thâu
Trên sông bao la, thuyền mơ bến nơi đâu?”
(Đặng Thế Phong – bđd)
Nói gì thì nói. Hát gì thì hát, cũng nên hát và nói những lời vàng được thánh sử Luca từng ghi lại:
“Anh em hãy có lòng nhân từ thương xót,
như Cha anh em
là Đấng nhân từ xót thương.”
(Lc 6: 36)
Nay hỏi rằng, “lòng nhân từ thương xót” được thánh-sử ghi lại ở trên có là khẳng-định “ắt và đủ” cho dân con nhà Đạo, chăng? Và, dân con Đạo mình có thực-thi điều đó hay không? Và, các nhà thần-học cùng chú giải Kinh thánh, nói thế nào về những điều này?
Và đây, là một trong các ý-kiến của đấng bậc nhà Đạo, từng giảng-giải về “lòng thương xót Chúa cho đi hết mình Ngài, như sau:
“Chúa cho đi, không phải sự sống của Ngài, cho bằng cả “tâm-thân” Ngài. Và, Ngài tặng ban “tâm-thân” Ngài hiểu theo nghĩa cụm-từ “Lytron” bên tiếng Hy-Lạp, là từ-vựng chính buộc ta phải xem xét ngay với tự-vựng tiếng Aram là ‘hoi polloi”, tức khối lượng những người không mang bất kỳ tên gọi một ai hết. Đây là sự-việc nói về “tình yêu dành cho tha-nhân” được hiểu một cách không hạn-hẹp về sự chết của Ngài, nhưng bao gồm mọi thứ thuộc toàn-bộ con người của Ngài và toàn-bộ tất cả những gì Ngài làm trong đời, cả bản-thể Ngài cũng như những gì Ngài làm trong cuộc sống có Phục sinh/trỗi dậy. Đây là sự “cho đi” chính bản-thể của Ngài, chứ không chỉ mỗi cuộc sống rất xác-phàm của Ngài mà thôi. Đó là tính-cách “lytron”, ban đầu được sử-dụng để đưa ra ý-nghĩa về một “thế-chấp bảo-kê” cho những ai được đưa vào tương-quan giao-ước rất miên trường. Họ là ai? Là chúng dân ở khắp nơi, bất cứ nơi nào cũng có họ ở đó. Họ là những người bị bỏ rơi, quên lãng, tức những kẻ bị hạ giá/xuống cấp ở bất cứ xã-hội nào đặt dưới hệ-thống quyền-lực hoặc cơ-chế của đế-quốc.” (xem Lm Kevin O’Shea, CSsR Ơn Cứu Chuộc và thần-học lịch-sử từ Thánh Kinh, www.giadinhanphong.blogspot.com 01-4-2014).
Và, đã nói thì phải nói cho cùng, cho xuyên suốt một ý-nghĩa thần-học về lòng xót thương của Đức Chúa, để chứng-minh cho cái chết Ngài chấp-nhận cho riêng Ngài, không phải chỉ để đền bù mọi lỗi tội của người phàm trần, mà là để xác-chứng lòng thương xót vô bờ bến của Ngài, như đấng bậc ở trên, lại đã viết rất như sau:
“Hỏi rằng: Đức Giêsu chết đi phải chăng là để chứng minh rằng Thiên-Chúa yêu thương loài người chúng ta không?
Câu trả lời, là: Đúng thế! Nhưng, không theo cách rất chung chung như ta thường thấy. Đức Giêsu minh-chứng cho ta thấy tình-thương-yêu mà loài người không thể tưởng-tượng được của Thiên-Chúa với người nghèo hèn/bé nhỏ, bị áp-bức. Và, bằng vào tình thương-yêu thần thánh của Ngài, Thiên-Chúa luôn khước-từ mọi quyền-lực dù chỉ để chống lại những kẻ từng bức-bách đám “thân-cô thế cô”, đi nữa. Khi nói Đức Giêsu chết đi để chứng-tỏ tình-thương-yêu của Ngài với con người, nói như thế không làm giảm-suy những gì Ngài từng thực-hiện. Nếu so sánh với ý-tưởng về “tình yêu” thông-thường ở đời, thì Tình-thương-yêu của Ngài, ở đây, cần được thăng-hoa dàn trải thật lớn rộng.” (xem Lm Kevin O’Shea CSsR, Ơn Cứu-Chuộc và Khúc cuối một Giòng Suy-Tư, bđd 08/5/2014).
Lại có đấng bậc khác, quan niệm Lòng Xót Thương của Chúa diễn tả rất rõ ở truyện kể Tin Mừng về “Người Con Đi Hoang”, đã bảo rằng:
“Điều dễ hiểu lầm là nhiều người vẫn rằng: dù ta làm gì tệ phạm đi nữa, cuối cùng rồi Chúa cũng xót thương, tha thứ. Vậy nên, cứ tha hồ làm điều xấu. Trong tương quan với Đức chúa, có hai việc cần minh định. Trước nhất, Chúa yêu thương mọi người chúng ta. Tình yêu của Ngài không mang điều kiện nào hết. Chẳng cần biết ta là ai? Ta có làm gì chống Chúa, chống anh em? Tình yêu Ngài đối với ta, tuyệt nhiên không suy xuyển.
Thứ đến, có điều chắc chắn, là: chẳng phải vì ta hiền lành/thánh thiện mà Ngài sẽ yêu hơn hoặc nếu ta phạm lỗi, Ngài yêu ít đi. Thiên Chúa là Tình yêu. Tình Ngài yêu ta rất trọn vẹn. Dù là, đối với các vị thánh như Mẹ Têrêsa. Hoặc, với các kẻ độc tài, hình sự. Bởi nếu không, thì Ngài cũng thiên vị, như ai. Chính vì thế, Ngài mới bảo: “Có là người bệnh mới cần đến thầy lang.”
Dầu sao, việc Chúa thứ tha mọi tội, là hành xử vô điều kiện. Điều này thấy rõ nơi dụ ngôn “người em đi hoang” có thái độ của người con đã trót dại: “thích lang thang, ngổ ngáo với đời” và “thích phiêu bạt rong chơi”, như nhà thơ diễn tả. Dù rồ dại, Cha vẫn yêu đứa con “hoang tàng”. Cha không mang thành kiến, hoặc kỳ thị các con: “mãi từ xa trông thấy, Cha đã chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ người con, và hôn lấy hôn để…” Tình yêu của Cha là như thế. Nhưng tình thương yêu tha thứ của Cha chỉ nên trọn vẹn, khi con biết tỉnh giấc, quay về. Nói khác đi, chỉ có thứ tha trọn vẹn khi có hoà giải. Khi vết thương chia cách được chữa lành. Đây chính là ý nghĩa của bí tích hoà giải, thứ tha.
Trong hòa giải với Chúa, bước dấn thân đầu tiên như “người em đi hoang” đã nghĩ là bước quan trọng. Quan trọng, vì biết chắc Cha sẽ giang rộng đôi tay già ra chào đón ta trở về. Chẳng còn chữ “nếu”, chữ “nhưng”. Chẳng điều kiện, cũng không dè chừng. Không hình phạt, cũng chẳng đòi bồi thường. Điều này, được thánh Phao-lô mạnh dạn nói rõ: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Kitô Giê-su đã đến thế gian, để cứu người tội lỗi, mà kẻ đầu đàn là tôi.” (1Tm 1: 15).
Cũng thế, đường lối Chúa đón nhận “người em đi hoang” trở về, phải được chứng xác bằng tương quan ta có với người khác nữa. Trong lời cầu Chúa dạy, rõ ràng ta vẫn quyết: “Xin tha cho con mọi lỗi lầm trót phạm, cũng một kiểu như con đã làm cho người anh em.”
Cuối cùng ra, khi đã được tha thứ, cũng nên nhớ thêm Lời Ngài đã phán: “Hãy trở nên trọn lành, vì Cha của chúng ta trên trời là Đấng trọn lành”. Điều này mang ý nghĩa rất sáng tỏ: hãy yêu thương hết mọi người, một cách vô điều kiện, như Chúa hằng yêu ta. Và, hãy sẵn sàng tha thứ cũng như hòa giải với từng người như Ngài đã từng làm như thế, với từng người một.
Việc này không dễ. Nhưng không phải là chẳng thể làm được. Nhưng với sự trợ giúp của Cha, ta luôn hy vọng. Vào tiệc lòng mến hôm nay, ta cứ hân hoan và hy vọng. Hy vọng là Chúa vẫn thứ tha. Hy vọng là ta cũng sẽ tha thứ hết mọi người. Từ “người em đi hoang” thích phiêu bạt giang hồ, cho chí người anh “vẫn hầu hạ Cha, chẳng khi nào trái lệnh”, và tất cả mọi người.” (xem Lm Richard Leonard sj, Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 24 thường niên năm C, www.suyniemloingai.blogspot.com 15/9/2013)
Hiểu theo ý-hướng thần-học thì như thế. Còn lại, là tâm-tưởng của dân thường ở huyện nghĩ ra sao? Để trả lời, thiết tưởng bạn và tôi, ta cũng nên đi vào vùng trời truyện kể để lắng nghe câu chuyện diễn tả rất xa xa về ý-hướng, ý-nguyện của người dân thường, như bên dưới
“Có người thợ mộc già nọ làm việc rất chuyên cần và hữu-hiệu lâu năm cho hãng thầu xây cất nọ. Một ngày kia, ông ngỏ ý với hãng muốn xin nghỉ việc về hưu để vui thú với gia-đình. Tuy không còn lãnh lương nữa, nhưng ông muốn nghỉ ngơi để an-hưởng tuổi già. Hãng đề-nghị ông cố-gắng ở lại giúp hãng xây một căn nhà chót trước khi thôi việc. Ông nhận lời. Nhưng, vì biết mình sẽ giải-nghệ lại bị miễn-cưỡng làm việc, nên ông làm một cách tắc-trách qua quít, xây nhà bằng vật-liệu tầm thường kém phẩm-chất, miễn có bề ngoài đẹp là được.
Mấy tháng sau, khi xây dựng xong căn-nhà cuối cùng ấy, ông được chủ hãng mời tới, đưa cho ông chìa khoá nhà và nói: “Ông đã tận-tụy phục-vụ hãng rất nhiều năm, để trả công cho những đóng góp của ông cho sự thịnh-vượng của hãng, nay xin tặng ông ngôi nhà vừa xây xong!” Thật bàng hoàng. Nếu người thợ xây như ông biết là mình sẽ xây căn nhà cho chính mình, thì ông đã làm việc cẩn-thận và chọn vật-liệu có phẩm-chất tốt hơn. Lối làm việc tắc trách cho căn nhà ấy chỉ mình ông là biết tới, và nay thì ông đành phải sống trong căn nhà mà chỉ riêng ông mới biết là nó kém phẩm-chất.” (trích truyện kể từ điện-thư vừa mới nhận hôm rồi).
Truyện kể vỏn vẹn chỉ mỗi thế. Không thêm hoa lá cành và cũng chẳng lý-luận, phân bua gì hết. Nhưng, người kể hôm nay, lại muốn chia sẻ một bài học rút từ câu chuyện răn đời ở đây: Chuyện kể đây cũng giống chuyện đời người của mọi người. Mọi người đều giống ông thợ già kể ở trên, tạo cuộc sống xa hoa/hào nhoáng, rất tạm bợ, lại cứ đua đòi nhiều thứ, chứ không chú tâm vào phẩm-chất của mọi sự.
Nhiều lúc ngồi nghĩ về hành-xử của mình trong quá khứ, ta thấy mình cứ phải cam chịu hậu-quả do việc mình làm. Đời người, là công-trình kiến-trúc do mình tạo ra. Đời sống hiện-tại vẫn là kết-quả của mọi tạo-dựng ta làm nên trong quá-trình sống. Cuộc sống tương-lai, lại là kết quả của những gì ta tạo-dựng ngay từ hôm nay. Hãy xây dựng đời mình cho đúng đắn, để rồi không hối-hận gì nữa hết, cho mai ngày.
Quyết thế rồi, giờ đây mời bạn và mời tôi, ta cứ thế hiên-ngang, đứng thẳng người mà tuyên-bố với mọi người rằng: lòng thương xót Chúa là gương-lành để ta bắt chước, chứ không phải để mình chiêm-ngưỡng theo cung-cách bái lạy đưa lên bàn thờ mà thờ phượng, như thần tượng. Một thứ tượng-thần mới, khi xưa ít thấy có, nhưng nay lại đã thấy ở khắp khung trời mở ngỏ của nhà Đạo.
Chuyện còn lại, vẫn là chọn lựa của tôi, của bạn và của mọi người trong sống đời thương yêu, thương xót hết mọi người như Lời Chúa từng căn dặn ở nhiều nơi.
Nhận định thế rồi, sá gì một vài phút giây để tôi cùng bạn, ta lại hát lên câu ca ở trên làm đoạn kết một cuộc tình, rất xót thương và cũng thương xót, như sau:
“Nhớ khi chiều sương, cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Biết bao buồn thương, thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng
Bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong
Ánh trăng mờ chiếu, một con thuyền trong đêm thâu
Trên sông bao la, thuyền mơ bến nơi đâu?”
(Đặng Thế Phong – bđd)
Vâng. Sự thật là như thế. Như thế, cũng như thể cuộc đời người cứ như con thuyền không bến không bờ, nếu thiếu đi tình xót thương vô bến bờ, thiếu đợi chờ và vấn vương.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ nhủ người
Và tự nhủ
Đừng quên sót
Lòng xót thương vô bến bờ
Với mọi người.