“ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN…”

“ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN…”

nguồn: conggiaovietnam.net

Tác giả: Lm. Vĩnh Sang, DCCT

 


Năm hết Tết đến, mọi người bận rộn lao xao cho cái Tết của chính mình, của gia đình mình. Các bến xe nêm chặt cứng người, xe
hỏa, xe đò ngược xuôi đủ kiểu. Năm nay kinh tế tiếp tục khủng hoảng, kinh tế thế giới khủng hoảng thì kinh tế Việt Nam làm sao thoát khỏi ? Mới đây ông Thủ Tướng hội nghị với các tập đoàn kinh tế Nhà Nước, những tập đoàn, những tổng công ty vốn được mệnh danh là “quả đấm thép” tuyên bố… lỗ 60 tỷ đôla. Con số nợ khủng khiếp người dân bình thường nghe ngơ ngác vì không tưởng tượng được con số theo mệnh gía Việt Nam đồng ( 1.330.000 tỷ VND ), và cũng không thể tưởng tượng được con số theo mệnh giá Mỹ Kim ( 60 tỷ USD ).

Lại lang thang trên mạng và đọc được những thông tin màu xám xịt, hoặc tím tái:

“…Việt Nam hiện đứng thứ 11 thế giới về số lượng người nghèo ( 14,3 triệu người, chiếm 16,9% dân số ) và cũng nằm trong số các nước có lượng người nghèo cao nhất khu vực. Lâu nay Việt Nam được xem là một trong những nước thành công nhất về chuyện giảm nghèo, tuy nhiên đó là đo theo chuẩn nghèo cũ, thấp hơn chuẩn quốc tế.

Nếu tính theo chuẩn nghèo mới của Việt Nam ( 1,61 USD cho khu vực thành thị và 1,29 USD cho khu vực nông thôn ) thì tỷ lệ nghèo trên toàn quốc là 20,7%. Còn nếu so với chuẩn của quốc tế 2 đôla Mỹ một ngày ( tính theo PPP ) thì có hơn 40% người Việt Nam nằm dưới mức nghèo…” ( Cafef, 15.12.2012 ).

“Nhìn chúng nó cởi truồng giữa mùa đông, xót xa lắm. Có cảm giác như vùng đất ấy, con người ấy trở lại thời hồng hoang, chỉ vỏ cây – áo lá che thân. Và quan trọng hơn, cảm giác như nòi giống cứ bị lụi bại đi bởi chim cò tím tái, thông thống giữa gió lạnh từ bên kia biên giới kèn kẹt thổi sang… Lo được cái ăn rồi, nhưng căn cơ gì mà
không lo thêm cái mặc, cho chính tương lai của đất liền, của vùng biên ải…
Không biết Thủ Tướng của mình, đã bao giờ được chứng kiến những cảnh này chưa
?”
( Xin đọc toàn bài và xem các ảnh chụp ở http://maithanhhaiddk.blogspot.de/2013/01/thu-tuong-oi-ung-e-chung-no-coi-truong.html )

Cũng chính cái ông Thủ Tướng ở Hà Nội mà tác giả Mai Thanh Hải vừa gọi đến, ông ấy đang còn rất ư tự hào tuyên bố đất nước của ông đứng đầu thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu !

Những ai còn lương tâm, còn tình người, khi đọc những bản tin này không thể không xót xa, cay đắng cho đồng bào mình, cho dân tộc mình. Đáng tiếc thông tin không được rộng rãi, đáng tiếc nỗi sợ hãi làm người ta không dám thông tin, đáng tiếc người ta bị hoặc tự khoanh những vùng cấm kị, nhạy cảm để không dám bước vào, thản nhiên nhìn nỗi đau hoành hành, dửng dưng chấp nhận thực tế, ngày này qua ngày khác, mãi thành quen. Thản nhiên đã đành nhưng còn cảm thấy khó chịu khi có người đề cập đến, bàn đến, rồi tự mình phong thánh cho mình vì “không thuộc về thế gian”.

Một xã hội sau nhiều năm “hòa bình” mà cứ tụt hậu, chắc chắn trách nhiệm thuộc về những người cấm quyền, không cần phải lý luận dài dòng. Trên trường đua, bạn bè chạy bên cạnh vượt xa tắp tít, khoảng cách mỗi ngày một giãn ra, hoàn toàn mất khả năng thu ngắn thì trách nhiệm thuộc về mình, chẳng cần phải hỏi ai ! “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt ?”

Một đáng tiếc khác là nhà cầm quyền không cho  phép tôn giáo được tham gia với xã hội về 3 mặt quan trọng của đời sống một dân tộc, một quốc gia: đó là Giáo Dục, Y Tế Cộng Đồng và Từ Thiện !

Qua kinh nghiệm của miền Nam trước năm 1975 và  qua thực tế của thế giới, tôn giáo là một tổ chức rất có uy tín trong cả ba lãnh vực này. Người ta không cho làm thì cứ ngồi yên trong Nhà Thờ, trong Tu Viện, và chấp nhận. Gần 38 năm qua đối với một số người, Đạo đã trở thành lô cốt phòng thủ, thành pháo đài kiên cố. Nhưng rồi từ khi có chính sách đổi mới, có nhiều nơi Đạo được trở thành lễ đài, tha hồ phô diễn sự hoành tráng, mặc kệ kẻ khát kẻ đói, mặc xác kẻ cô thế cô thân. Thật ra thì cũng có rất nhiều nỗ lực để thi hành sứ mạng của mình, có rất nhiều cố gắng và hy sinh, nhưng cứ làm
chui lủi trong cái mặc cảm của “cơ chế xin – cho”, nó chẳng ra làm sao cả !

Thôi thì năm mới xin có vài ước mơ, hay gọi là có vài đề nghị cũng được: Hãy giảm bớt những lễ hội, nhất là những lễ tạ ơn rềnh rang, những chi phí tiếp đón ồn ào thi đua với thế gian; giảm bớt những chi tiêu xây dựng sang trọng to lớn cho những công trình “của Giáo Hội” để chia cho vùng đói vài hạt gạo, chút vải dư; giảm bớt, thậm chí chấp nhận thiếu thốn nhân  sự vùng phát triển, hầu có người dôi ra để gởi đến các vùng nghèo, vùng đói, mà ân cần phục vụ…

Năm mới tha hồ uốn lưỡi để nói những lời chúc tốt đẹp, nhưng sẽ tốt đẹp hơn, chân thành hơn, chắc chắn là những sẻ chia cho người nghèo, thay vì chỉ môi miếng hời hợt bên ngoài mà thôi !

Chúa bảo chúng ta: “Anh em hãy cho họ ăn” ( Mt 14, 16 )…

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 2.2.2013 (Ephata 547)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay