Yêu là “chết”…
Xưa, có một cây táo rất to lớn. Ngày ngày có một chú bé đến chơi với cây. Chú leo lên cây hái táo ăn, ngủ trưa dưới bóng râm. Chú yêu cây táo và cây cũng rất yêu chú. Thời gian trôi qua, chú bé đã lớn khôn và không còn đến chơi với cây táo mỗi ngày nữa.
Rồi một hôm, chú bé trở lại chỗ cây táo trong tâm trạng sầu não, cây táo reo to:
– “Hãy đến chơi với ta đi?”
– “Cháu không còn là trẻ con, cháu chẳng thích chơi quanh gốc cây nữa. Cháu chỉ thích đồ chơi và cháu đang cần tiền để mua chúng.”
– “Ta rất tiếc là không có tiền, nhưng chú có thể hái tất cả táo của ta và đem bán. Rồi chú sẽ có tiền.”
Chú mừng lắm. Nó leo lên và hái tất cả táo trên cây và sung sướng bỏ đi. Cây táo lại buồn bã vì chú chẳng quay lại nữa.
Thời gian trôi qua, bỗng một hôm, chú bé – giờ đã là một chàng trai – trở lại và cây táo lấy làm vui lắm:
– “Hãy đến chơi với ta đi?”
– “Tôi không có thời gian để chơi nữa. Tôi còn phải làm việc nuôi sống gia đình. Gia đình tôi đang cần một mái nhà để trú ngụ. Ông có giúp gì được tôi không?”
– “Ta xin lỗi, ta không có nhà. Nhưng chú có thể chặt cành của ta để dựng nhà.”
Và chàng trai đốn hết cành cây. Cây táo lấy làm mừng rỡ. Nhưng chàng bẵng một thời gian dài chẳng quay lại. Cây táo lại cảm thấy cô đơn và buồn bã.
Một ngày hè nóng nực, chàng trai – bây giờ đã là người có tuổi – quay lại và cây táo vô cùng vui sướng thốt lên: “Hãy đến chơi với ta đi?”
– “Tôi đang buồn vì cảm thấy mình già đi nhiều. Tôi muốn đi chèo thuyền thư giãn một mình. Ông có thể cho tôi một cái thuyền không?”
– “Hãy dùng thân cây của ta để đóng thuyền đi, rồi chú chèo ra xa thật xa và sẽ thấy rất thanh thản.”
Chàng trai nghe vậy, chặt thân cây làm thuyền và chèo đi thật xa…
Nhiều năm trôi qua, chàng trai đã trở thành ông già lão, và lụ khụ quay trở lại chỗ cây táo mà giờ chỉ còn khúc gốc sần sùi xấu xí.
– “Xin lỗi, con trai của ta. Nhưng ta chẳng còn gì cho con nữa. Không còn táo.”
– “Ồ, tôi còn răng nữa đâu mà ăn chứ.”
– “Ta cũng chẳng còn cành cho con leo trèo.”
– “Tôi đã già quá rồi sao leo trèo được nữa cơ chứ!”
– “Con ơi, ta thật sự chẳng giúp gì cho con được nữa. Cái duy nhất còn lại chỉ là một gốc rễ đang chết dần mòn của ta thôi” – cây táo đau đớn nói trong nước mắt.
– “Tôi chẳng cần gì nữa, chỉ mong có một chỗ ngồi an nghỉ. Tôi đã quá mệt mỏi sau những năm tháng đã qua…”
– Cây táo mừng rỡ thốt lên với hết sức mình: “Ôi, thế thì cái gốc cây già cỗi này là một nơi rất tốt cho con ngồi dựa vào và nghỉ ngơi. Hãy đến đây với ta đi?”
Chàng trai bèn ngồi xuống nghỉ, cây táo vui lắm, và cây mỉm cười cùng những giọt lệ chậm rãi rơi xuống…
Vâng! Tình yêu là câu chuyện muôn thuở. Rất xưa mà cũng rất mới. Xưa là vì tình yêu đã có trước khi con người xuất hiện: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Ðất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1-1). Trời đất, muôn vật được tạo thành như mâm cỗ thơm ngon và sang trọng để chuẩn bị cho loài người được vui hưởng. Sau cùng, Thiên Chúa mới tạo nên con người. Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26). Tình yêu đã tràn ngập khắp vũ trụ trời đất cho con người, và còn bao trùm hơn nữa khi con người xuất hiện, cho đến ngày hôm nay. Tình yêu xưa quá, nhưng cũng vẫn còn mới lạ, vì hình như con người vẫn không hiểu được tình yêu. Con người vẫn còn đang vắt kiệt những quà tặng thiên nhiên ưu đãi như bầu khí quyển, núi rừng, tài nguyên… để phục vụ cho cuộc sống con người thời đại, như chú bé từ từ làm trơ trụi cây táo cổ thụ, và cuối cùng chỉ còn một gốc rễ cụt ngủn và trơ trọi!
Tình yêu đúng nghĩa là thế, là chính Thầy Giêsu của tất cả chúng ta. Sau khi Thầy tắt thở, các môn đệ leo lên cây gỗ cao, tháo từng cây đinh trên thân thể Ngài, rồi mỗi người mỗi tay đỡ lấy thân thể mềm nhũn nát tan, xuống khỏi gỗ thánh giá. Tình yêu của Thầy đã chứng minh qua sự hy hiến chính con người của mình! Tình yêu là cho đi, cho đến khi không còn gì để cho thêm nữa…
Hình ảnh cây táo là biểu tượng của tình yêu. Cây táo như là chỗ mang lại niềm vui cả thân xác lẫn tinh thần cho chú bé. Vì yêu, cây táo chẳng nghĩ cho bản thân. Không những cho chú, mà nó như những bàn tay giang rộng, ban phúc lành cho tất cả những ai tới và ngồi dưới bóng của nó, từ những chim muông xa xăm, đến những con côn trùng thỏa thích nương náu và được dưỡng nuôi.
Khi sống trong tình yêu thật, thì người ta mới hiểu được tình yêu đúng nghĩa. Tình yêu thật sự là cho đi dù thiệt thòi nhưng vẫn vui. Tình yêu không có sự phân biệt hay so đo tính toán. Sống trong tình yêu, thì không ai là lớn hay nhỏ, không ai là xấu hay đẹp, không ai là giỏi hay dốt, không ai là già hay trẻ… Tình yêu ôm choàng tất cả. Vì vậy, tình yêu hoàn toàn không thể đi chung với cái tôi được. Cái tôi là hay phân biệt, so sánh, phê phán, thu vén. Cái tôi, là ngã vị, như triết gia Blaise Pascal thốt ra thật chua cay:”Cái tôi đáng ghét” (Le Moi est haissable). Nhưng Blaise Pascal chưa dừng lại tại đó, ông đi xa hơn nữa: “Cái tôi là đáng ghét, nhưng đó là cái tôi của người khác”. Và ông còn nhấn mạnh: “Mỗi cái tôi là thù địch của nhau và muốn làm bạo chúa trên các cái tôi khác”. Ai cũng nhìn thấy cái tôi của người khác, đó là “cái tôi của hắn to bằng quả núi,” hoặc “anh ta tưởng anh ta là cái rốn của vũ trụ,” là “trung tâm của thế giới”… Và khắp thế giới này vẫn đang tràn ngập cái tôi. Cái tôi xuất hiện đang được khuyến khích thêm tăng trưởng nơi quốc gia, nơi làng xã, nơi gia đình, và trong mỗi cá nhân: thế giới của quảng cáo, của các bích chương, các danh hiệu, của những nhãn made in Japan, in USA…, những căn nhà với kiến trúc đặc thù, những món ăn do những tay bếp khác nhau… Thậm chí, để ý đến cách dùng ngôn từ của mỗi người cũng đủ cho thấy hầu như đều là sự lên tiếng của cái tôi. Ngay cả khi câu nói xem ra khiêm tốn “tôi chỉ là hạt cát dưới chân anh mà thôi” cũng là tiếng nói của cái tôi hiểm độc đang được củng cố.
Cây táo đã trao tặng tình yêu cho chú bé. Cành của nó thật cao, và mỗi khi chú đến vui đùa với nó, những cành như uốn thật cong và hạ xuống thấp để cho chú có thể hái hoa và trái. Tình yêu bao giờ cũng sẵn sàng cúi mình; còn cái tôi không bao giờ sẵn sàng cúi mình. Ngược lại, khi đến gần cái tôi, cành của nó thậm chí sẽ còn vươn cao lên hơn nữa; nó sẽ cứng rắn thêm để không cho bất cứ ai có thể nào chạm đến nó được. Chú bé tới đùa vui với cây, và cây hạ thấp cành của nó xuống. Cây rất vui sướng dù chú bé có vặt hết hoa hết trái; toàn bộ bản thể cây tràn ngập với niềm vui sướng của tình yêu. Tình yêu bao giờ cũng hạnh phúc khi nó có thể cho cái gì đó; ngược lại, cái tôi thì bao giờ cũng lấy làm vui thỏa khi nó có thể lấy, và lấy càng nhiều càng tốt.Cái tôi chỉ nghĩ đến lấy và giữ lại, ngoài ra không còn nghĩ gì khác nữa. Sống cho tình yêu khác với sống cho cái tôi, đó là sống cho tình yêu sẽ mang đến sự tự do và hạnh phúc, còn sự sống trong cái tôi sẽ là sự sống những chuỗi ngày đau khổ và âu lo sợ hãi. Cho dù khi yêu sẽ có đau khổ, nhưng đau khổ này không làm cho con người tuyệt vọng và trở nên nghiệt ngã, nhưng sẽ tăng thêm nơi con người ấy chất sáng tạo và đưa con người lên cấp độ cao hơn.
Sống ở đời, ai cũng muốn nắm lấy và giữ lại, vì thế thì sẽ gia tăng đau khổ. Cái tôi không bao giờ làm cho con người được yên. Cái tôi luôn luôn thuyết phục người ta và có những lời nói ngọt ngào để cho nó được được tồn tại và lớn lên. Cái tôi lúc nào cũng không cho con người được ngơi nghỉ. Nó luôn là kẻ giấu mặt tinh vi và gây cho con người nhiều bất an nội tâm.
Tình yêu đúng nghĩa luôn mời gọi rời bỏ cái tôi của mình, qua những cách thế gọi khác nhau như diệt dục, hy sinh, bao dung, quảng đại, trắc ẩn, từ tâm… Chúa Giêsu rời bỏ ngai vàng vinh quang trên Thiên Quốc để bước xuống trở nên kiếp phàm nhân cùng với con người và trở nên trần trụi hơn con người nữa, và sau cùng, đã chết cho con người.
Vâng! Nhảy vào thế giới tình yêu là nhảy vào bầu trời bao la rộng lớn, mà con người có thể bay lượn thỏa thích. Thế giới tình yêu thênh thang quá đến nỗi có thể con người cảm thấy sợ hãi. Sợ hãi này không như sợ hãi của cái tôi, nhưng đây là sự sợ hãi của một sinh linh bé nhỏ trước sự vô hạn của bầu trời tình yêu. Sợ hãi trong bầu trời bao la này là vì từ thơ ấu đến giờ con người luôn bị cám dỗ để chăm sóc và xây dựng thế giới hạn hẹp của cái tôi mỗi lúc một kiên cố hơn. Con người bị cái tôi dụ dỗ và chỉ biết toàn bộ sự nghiệp của sự sống mình là thế giới cái tôi, ngoài ra không phải lo gì khác nữa. Thế nên con người hình như cứ loay hoay xây dựng và trau chuốt nó mãi, nỗ lực bảo vệ nó, nuông chìu nó, dưỡng nuôi nó, mà hình như nó vẫn cứ đòi hỏi và không bao giờ thấy vừa ý. Thế rồi, từ khi kẻ khôn ngoan ngừng công việc xây thành đắp lũy cho nó, để nhảy bổ vào bầu trời yêu thương rộng lớn kia, thì kẻ ấy sẽ thấy sự mới lạ, đầy vẻ ngạc nhiên, nên vì thế sợ hãi.
Tình yêu trọn vẹn không còn biết đến cái tôi nữa. Tình yêu sẽ làm cho mọi hoạt động và gợi ý của cái tôi bị tê liệt. Tôi nói tôi yêu chim, sao tôi lại nhốt chim vào lồng? Tôi nói tôi yêu cá, sao tôi lại bắt cá vào hồ kính?
Cây táo không còn là nó bấy lâu nay nữa, nó đã cúi xuống để cho chú bé hái trái chặt cành, đốn thân. Cây táo hy sinh tự do của mình để cho chú bé được tự do. Thầy Giêsu đã đi từ “tôi khát” cho đến “con phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Càng đi sâu vào tình yêu, là đi sâu vào đời sống tâm linh. Tình yêu sẽ không thể nào trọn vẹn khi không ẩn chứa mùi vị tâm linh. Mà đời sống tâm linh là đời sống tương quan với thế giới siêu hình, với Cha đầy lòng thương xót và tình yêu. Tương quan với Cha có nghĩa là phát triển lòng tin tưởng nơi Cha. Khi nhảy vào bầu trời tình yêu trong tin tưởng vào Cha quan phòng thì sợ hãi và chơi vơi sẽ biến mất. Khi ấy, toàn vũ trụ vạn thể sẽ hòa nhập vào trong chúng ta. Nhịp đập của vũ trụ sẽ trở thành nhịp đập của chúng ta và ngược lại. Đây là sự chuyển hóa siêu việt tính dành cho những ai thật sự muốn đi vào thế giới tình yêu và tâm linh – một thế giới không còn sự so sánh nào nữa, vì còn so sánh là vẫn còn đau khổ và dĩ nhiên còn đó của cái tôi dẫn dắt.
Khi Thầy Giêsu thốt lên “con phó thác” có nghĩa là Ngài đã hoàn toàn rời bỏ tất cả những gì thuộc về phàm nhân của Ngài để nhảy bổ vào bầu trời tình yêu bao la của Cha. Lúc này, Ngài không còn là Ngài nữa, mà Ngài và Cha đã là một, và Ngài đang khao khát cho hết thảy chúng ta cũng trở nên một trong Ngài và trong Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,20-21).
Vâng! Đỉnh cao của tình yêu chính là đau khổ, và đỉnh cao đau khổ sẽ là sự tịnh lặng của mọi giác quan và trí não. Khi có được sự tịnh lặng ấy, có nghĩa là chúng ta đang bước vào bầu trời của ánh sáng bình an và hạnh phúc thật. Chỉ khi can đảm đi xuyên qua khổ đau, có nghĩa là đi xuyên qua bóng tối, con người mới có thể đến và diện kiến được ánh sáng mặt trời. Để thấy được ánh sáng ban mai, vạn thể phải xuyên qua bóng đêm.
Thầy Giêsu của chúng ta đã làm thế, và Ngài đã phục sinh.
Chúc bạn can đảm và hãy cứ phó thác, để tiến lên. Đừng sợ! Vì bạn không đi một mình. Thưa bạn! Bạn không đi một mình. Amen.
Lm. Raphael Amore Nguyễn nguồn: thanhlinh.net