Ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống
Tác giả: Phùng Văn Phụng
Năm mới, năm Tân Sửu sắp đến, xin gởi đến bà con, anh chị em, các con cháu mấy câu nói như sau và xem có giúp gì được cho mình để có lòng thanh thản, vui tươi, bình an, lạc quan yêu đời, chứ không bi quan chán đời?
*1) Hãy yêu kẻ thù.
-Tôi hoạt động chính trị trong Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, người sáng lập là Giáo Sư Nguyễn Văn Bông và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, có thiện ý muốn xây dựng miền Nam theo chế độ tư bản, đem sự sung túc, bình an và hạnh phúc cho người dân miền Nam. Sau này, nếu hoàn cảnh quốc tế cho phép thì hai bên miền Nam và miền Bắc sẽ thống nhất bằng bầu cử. Nhưng rồi, miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn đã dùng võ lực để tiến chiếm miền Nam, bất chấp hiệp định Paris ngày 27-01-1973 vừa được ký kết chưa ráo mực, với sự bảo đảm của quốc tế. Khi chiếm được miền Nam rồi, cộng sản đã tập trung tất cả những người đối kháng ở miền Nam, trong quân đội, cấp Chuẩn úy trở lên, trong hành chánh, cấp Chánh sở trở lên, trong đảng phái, cấp phó bí thơ cấp quận trở lên đều phải đi “học tập cải tạo” tức là đi tù dài hạn.
Tôi đã kiệt sức vì thiếu ăn mỗi ngày chỉ được ăn 1 chén bo bo không xay, hay một vài muổng cơm cộng với vài ba củ khoai mì miền Bắc gọi là sắn cứng ngắt, có hôm nhận được ba trái bắp luộc, 1 tô canh lỏng bỏng vài cọng rau. Ăn xong vẫn thấy đói. Đói triền miên, đói khủng khiếp, đói bủn rủn chân tay, đói mờ mắt… cho nên, khi đi lao động, ra khỏi trại tù, lúc cuốc đất trồng khoai, trồng bắp khi thấy bất cứ loại rau gì như rau tàu bay, rau má, rau sam…hay con nhái, con cóc… thấy bất cứ “con gì nhúc nhích” thì ta “ních liền”.
Bị bỏ đói gần 8 năm như vậy, bị mắng chửi nặng lời vì lấy rau, bắt cóc nhái v.v…
Rồi khi trở về với gia đình cũng đâu có yên. Hàng tuần, sáng thứ hai phải trình diện công an phường, nộp cuốn sổ ghi trong tuần qua, ai đến thăm, đã nói gì và đã làm gì? Phó chủ tịch phường bắt đi đấp đất làm bờ ruộng, mục đích xem thái độ “các cựu tù nhân” có phục tùng nhà cầm quyền hay còn chống đối.Vậy để quên đi quá khứ đau thương đó để tâm bình an, chỉ còn cách duy nhất là:
“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ đã ngược đãi anh em” (Mt 5,44)
2- *Tha thứ.
Khi qua Mỹ định cư, tôi làm nghề bảo hiểm. Hàng tuần, tôi đã gặp rất nhiều người, dĩ nhiên cũng phải gặp vài người kỳ khôi, nóng tánh, nghi ngờ tôi đến nhà họ để lường gạt họ. Họ đã chửi thẳng tôi “mấy anh đến đây để lường gạt hả, tôi kêu lính bắt bây giờ”. Một người khác đã nói: “Mấy thằng bán bảo hiểm đều lường gạt hết, đi ra khỏi nhà tôi!”. Những hiểu lầm, nặng lời, oán trách làm cho ta tức giận không ngủ được, nhưng phải nhớ rằng:
Tức giận là lấy sự sai lầm của người khác mà trừng phạt chính mình.
Vì sao vậy? Nếu mình tức giận người nào đó, không tha thứ người đó tức là mình để sự oán hận ở trong lòng mình, mình nuôi hận thù, dĩ nhiên, sự tức giận đó làm cho ta không ngủ được. Nếu không ngủ được chừng một tháng vì tức giận, sức khỏe ta sẽ suy sụp, dễ đưa tới nhiều thứ bịnh, có thể đưa tới trầm cảm, bị bịnh điên khùng, hay phát sinh nhiều thứ bịnh khác do ta uất ức, tức giận, không chịu tha thứ. Vậy tức giận hay không chịu tha thứ, người chịu thiệt thòi chính là ta vậy.
3 * Yêu thương.
*Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu. (1Gioan 4,8)
George Sand đã nói: Chỉ có một thứ hạnh phúc trên đời này, đó là yêu thương và được yêu thương.
Thiên Chúa yêu thương đặc biệt nhất là đối với những con người tội lỗi vì yêu thương nên Chúa mới xuống thế làm người để cứu chuộc con người. Vậy mà nhiều khi con người thù ghét nhau, tìm cách ám hại nhau. Có người còn nói rằng “Khi tôi chết đừng cho hắn tới thăm, tôi sẽ nứt hòm đó”.
Yêu thương, tha thứ, không oán thù, đó là bài học từ Chúa Giêsu và cũng có thể bắt chước thánh Ghandi, Nelson Mandela, Martin Luther King Jr. của thời hiện đại.
- Giá trị tinh thần, tâm linh cao hơn vật chất.
*Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra. (Mt 4,4)
Ưu tiên trong đời sống của chúng ta là chúng ta chọn vật chất hay chúng ta chọn giá trị tinh thần, hay đời sống tâm linh. (Có câu chuyện cổ tích: một bà già ẩm đứa con vô một hang động tìm vàng. Đã vào hang này, lúc đi ra, tự nhiên cửa hang sẽ đóng lại, không vô được nữa. Khi thấy vàng bạc châu báu nhiều quá, vì tham lam, lo mang vàng bạc, châu báu ra ngoài, rồi bỏ quên đứa con trong hang động. Khi trở ra rồi thì hang động đóng cửa lại, được vàng bạc mà mất đứa con)
Có nhiều người coi trọng tiền bạc quá. Sống ích kỷ chỉ muốn thu gom về cho cá nhân mình thật nhiều, mọi thứ khác đều không muốn để ý. Nhưng khi chết, xuôi tay đâu có mang gì theo được đâu. Alexande Đại đế khi chết đã để lại di chúc: “cho những bác sĩ giỏi nhất khiêng hòm. Khoét hai lỗ ngang hông cái hòm, đưa hai tay ra ngoài để nói rằng “chết thì trắng tay, không mang theo của cải gì. Vòng vàng, tiền bạc đem rãi theo quan tài”.
Cho nên, lời Chúa mới là quan trọng hơn của cải vật chất vì khi ta chết đi của cải vật chất sẽ để lại cho thế gian, lúc đó chỉ còn có linh hồn ta, khi còn sống đã cho đi, đã làm việc thiện ra sao… Những điều tốt, việc thiện đã làm mới theo ta mãi mãi. Thiên Chúa sẽ không hỏi ta lúc còn sống giàu có ra sao, có bằng cấp gì, chức vụ cỡ nào. Chúa chỉ hỏi nhà ngươi có yêu mến ta không, đã làm gì cho người chung quanh, gia đình, chòm xóm, tha nhân…
Tôi có viết câu “Nếu ngày mai ta không còn nữa thì hôm nay ta nghĩ gì, làm gì?” trước bàn làm việc để nhắc nhở là “hôm nay là ngày cuối cùng trong cuộc đời” tôi phải làm gì?
Rồi cuối cùng tôi cũng phải chết. Đâu có ai thoát khỏi sự chết đâu? Làm sao chấp nhận sự chết như Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Chính sự chết cũng là một bổn phận cuối cùng mà con làm cách sẵn sàng và đầy yêu mến.”(Sách Đường Hy Vọng Và Dẫn Giải, câu 32, trang 25)
Sinh lão bịnh tử là qui luật tất yếu của đời sống con người. Làm người ai cũng phải chết. Tôi làm người, vậy tôi phải chết. Làm sao vui để chết tốt hơn là buồn rồi chết.
Khi sinh ra thì ta khóc, người chung quanh ta mĩm cười, làm sao để khi chết đi, ta mĩm cười, mà người xung quanh ta thì khóc lóc?
Phùng Văn Phụng
Tháng 12/2020