VƯỜN CHIM
– Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích –
Tôi đang lui cui lau sàn nhà, bất chợt tiếng thắng xe kêu rít lên phía trước sân.
Ném nùi giẻ vào sô nước, tôi vội vàng bước ra ngoài hiên xem ai đến. Anh bạn Chu Tăng Mạnh ngồi trên yên chiếc xe Honda Nữ Hoàng đời mới bóng loáng nhìn tôi cười rạng rỡ. Mạnh khóa cổ xe rồi bệ vệ bước vào nhà.
Nhìn đôi giày da bóng lộn với những con đỉa dưới đế giày nện cộp cộp xuống nền nhà tráng xi-măng, tôi đoán chừng tay này hiện giờ được cả thần lẫn thế. Mạnh niềm nở bắt tay tôi :
– Mình được tin cậu về đã hơn một tháng rồi, mà bận quá không vào thăm được. Hôm nay, nhân tiện vào khám bệnh cho ông Chủ Tịch Huyện, mình ghé vào thăm cậu, bà xã đâu mà cậu phải lau nhà ?
– Thấy bà ấy vất vả quá, trông đau lòng. Mình mới ra tù chưa có việc gì làm nên giúp vợ được chút nào hay chút đó. À, chị Mạnh vẫn khỏe chứ ?
– Ma-đam tôi thời nào lại không khỏe, có làm gì động móng tay đâu. Mạnh tự tin trả lời.
Nhìn toàn thân tôi rồi đưa tay lật mí mắt theo thói quen nghề nghiệp của ông thầy thuốc chẩn đoán con bệnh, Mạnh than:
– Thiếu máu trầm trọng. Trông cậu có vẻ mập nhưng là mập nước đấy, triệu chứng của cơ thể thiếu chất khoáng và vi-ta-min. Hãy ăn nhiều thịt cá vào mới tránh được tình trạng cơ thể suy kiệt.
Tôi nhếch mép cười, gục gặc đầu, nghĩ thầm: “ Mới trong tù ra, thiếu dinh dưỡng là cái chắc. Giờ đây, được ăn no bụng là quý rồi, lấy đâu mà thịt với cá, ông tướng nầy như ở trên trời rơi xuống”
– Này, mình vào đây thăm cậu, nhân tiện mời ông bà đến tham dự tiệc kỷ niệm 15 năm ngày cưới của vợ chồng mình vào ngày 25 tháng 3 tới đây. Xin nhớ một điều là không được mang quà cáp gì hết. Tụi mình sẽ không nhận của ai một món nào. Nếu cậu không nghe là buộc phải mang về đấy. Ngày đó, mình sẽ biếu cậu một số thuốc bổ tổng hợp. Gởi lời thăm ma-đam của cậu, ô-rơ-voa nhé.
Mạnh đưa bàn tay trắng muốt, những ngón tay búp măng no tròn mịn màng nắm bàn tay tôi sần sùi chai cứng. Lật ngửa bàn tay tôi lên, Mạnh sững sờ nhìn vào đó như nhìn một vật lạ, kinh ngạc hỏi :
– Nầy, cậu lao động chân tay khổ nhọc đến thế sao? Những cục u trên bàn tay cậu rất khó biến đi đấy. Mạnh lắc đầu , ngậm ngùi từ biệt tôi.
Hắn vừa phóng xe ra khỏi ngõ thì vợ tôi cũng vừa đạp xe về nhà. Nàng lên tiếng hỏi:
– Ai như thầy Mạnh vừa trong nhà mình mới ra ?
Xách chiếc giỏ đựng đầy khoai lang trên boóc ba-ga xe đạp giúp vợ, tôi trả lời:
– Anh ấy đi khám bệnh cho người ta, sẵn dịp ghé thăm tôi.
Vợ tôi tiếp :
– Giàu có và đầy thế lực lắm đấy. Bác sĩ cách mạng mà. Ở thị xã, từ ông to đến dân hèn, ai mà không biết bác sĩ Mạnh.
Tôi ngạc nhiên hỏi :
– Mạnh đậu bác sĩ hồi nào vậy?
Vợ tôi xách túi rau, dựng xe vào tường, nhìn chồng trả lời cụt ngủn:
-Bác sĩ tự phong.
***
Năm 1968, Chu Tăng Mạnh đang là sinh viên năm thứ 3 Y khoa Huế nhưng nằm trong nhóm sinh viên hoạt động bí mật của anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan. Qua hai mươi lăm ngày đêm VC đánh chiếm thành phố Huế trong Tết Mậu Thân , những hoạt động thiên tả của họ trở thành công khai. Khi tình hình ở Huế đã trở lại bình thường, Chu Tăng Mạnh bị loại ra khỏi trường Y. Anh trở về quê cưới vợ và xin giờ dạy môn Pháp văn cùng trường trung học tư thục với tôi. Ngày đó, Mạnh gắn trước cửa nhà cái tấm bảng nhỏ “ Chích thuốc theo toa Bác sĩ”. Vừa đi dạy vừa làm nghề chích thuốc tư, cuộc sống của gia đình Mạnh tương đối thong thả.
Trước ngày kỷ niệm 15 năm kết hôn, Mạnh cho người mang thư mời vợ chồng tôi. Ngày đó, chỉ mình tôi đến tham dự còn vợ tôi từ chối.
Chiếc xe lam cũ kỹ, chạy ọp ẹp trên con đường lở lói đến thị xã hơn mười cây số. Tôi xuống xe lội bộ đến nhà Mạnh. Trước 1975 nhà chỉ một căn, bây giờ mở rộng ra hai cánh tả hữu. Đập vào mắt của khách đi đường là tấm bảng nền xanh chữ trắng: “Bác Sĩ Chu Tăng Mạnh”. Có lẽ còn sớm nên phòng tiệc chưa có một ai. Mấy dãy bàn trải khăn nhựa in hoa, những đĩa chén mỏng loại đắt tiền được đặt bên trên bàn ngay hàng thẳng lối.
Nghe tôi đến, Mạnh từ trong phòng, hai tay còn đang thắt chiếc cà-vát đã vội vàng ra bắt tay tôi :
– Cậu thấy nhà mình khác xưa nhiều phải hông? Thân thế lắm mới mua liên tiếp được hai căn nhà hai bên. Căn bên trái là của một gia đình Tàu xuất cảnh chính thức, còn căn bên phải của một gia đình vượt biên.
Mạnh nắm tay tôi dẫn ra phía sau nhà. Một cảnh trí khiến tôi ngạc nhiên phải buột miệng ồ lên thích thú. Như một khu vườn bách thảo thu gọn giữa cái thành phố nghèo nàn nầy. Cây ăn quả xanh ngát một vùng. Đặc biệt là thú chơi chim của Mạnh.
Dọc theo bức tường ngăn cách với nhà hàng xóm từ trước ra đến tận cùng khu vườn đều có mái hiên che. Vô số các loại lồng chim treo bên dưới. Lồng to, lồng nhỏ, dưới thấp , trên cao , san sát, lủng lẳng. Chợt tiếng cu gáy nổi bật trong rừng chim đang hót líu lo. Tôi trực nhìn lên cây dừa cao thấy lồng chim cu cườm đang giương bẫy. Mạnh giải thích ngay :
– Nhà mình có đến chục con cu gáy nhưng con nầy quý nhất. Tiếng gáy của nó như có ma lực. Cậu để ý tiếng gáy có thể phân biệt làm năm âm tiết : Cúc – cù – cu – cú – cu… Mình có thể nói bất cứ con cu nào, dù đang có đôi bạn mà nghe được giọng “bổ ngũ”của nó là bỏ bầy tìm đến ngay. Mạnh ngưng một khắc, hít một hơi dài như để thưởng thức bầu không khí trong lành, mát rượi đầy bóng cây xanh của vườn nhà, rồi giải thích thêm:
– Điểm đặc biệt của con “bổ ngũ” nầy là gáy cả ban đêm (1). Tiếng gáy của nó đánh thức cả vườn chim của mình. Ngay cả lòng người cũng cảm thấy nao nao.
Tôi đi dọc theo khu nuôi chim như đi duyệt hàng quân. Phía sau có Mạnh như một cận vệ với sự niềm nở chân tình. Chim chóc nhiều vô kể. Con lớn, con nhỏ, con đen, con trắng, con vàng, con nâu chen chúc tíu tít. Nào chim cu gáy, sáo nghệ, sáo ngà, sáo sậu, kia là chích chòe, bìm bịp, chào mào, chèo bẻo, chim gi… Loại sang trọng và quý hiếm có họa mi, thiên thanh, công đất, chim trĩ đỏ.
Nghe nói loại trĩ đỏ nầy chỉ có ở Cao bằng, Lạng sơn và vùng thượng du Bắc Việt. Bộ lông của nó nhiều màu sắc rất đẹp, đầu và trước cổ xanh lục, thân mình màu nâu hung đỏ, nâu vàng với các chấm đen. Đuôi dài nhỏ, mắt nâu đỏ.
Mạnh húyt huýt vài tiếng sáo miệng, đưa tay búng nhẹ vào nan lồng, con trĩ quay đầu ngước nhìn về phía chúng tôi. Đôi mắt lóng lánh màu nâu đỏ, thoạt trông như hai viên hồng ngọc lồng trong mắt chim, Mạnh lên tiếng:
– Mình tậu được con trĩ đỏ nầy là cả một công trình khó nhọc trong chuyến đi tham quan với các cụ Cựu chiến sĩ. Mình chi đứt nửa chỉ vàng cho chủ nó. Như bất kỳ dân chơi nào cũng đều kiêu hãnh với cái thú của mình, Mạnh tỷ mẩn giới thiệu từng loại chim kể cả xuất xứ của nó :
– Đây, con két của ông Bí thư Huyện tặng. Nó đã bắt đầu bập bẹ vài ba tiếng người. Cái lồng nhốt con trĩ đỏ nầy là của Giám thị trưởng trại tù cải tạo Z do bàn tay khéo léo của tù nhân làm ra. Nhìn kỹ từng nan lồng cậu mới phục cái công khó của họ. Tất cả đều bằng loại nhôm của thân máy bay trực thăng rơi trong rừng rậm được cắt ra mài dũa, uốn cong thành vòm, đánh bóng rất công phu. Còn đây là con sáo nghệ chân đỏ, mỏ vàng của một bệnh nhân đem đến tạ ơn mình đã chữa lành bệnh lao. Nó bắt chước tiếng người rất chuẩn. Vừa nói, Mạnh vừa cho sáo trổ tài ngay: “ Mạnh, có khách ”.“Trộm vào nhà”. “Rượu, rượu Mạnh ơi”.
Tôi lập tức rời khỏi con sáo đang liến thoắng.
Tôi vốn dị ứng với loại chim lồng biết nói tiếng người từ khi xảy ra một vụ thương tâm tại trại tù cải tạo. Chuyện xảy ra như sau:
Anh em tù đi chặt lồ ô trên rừng cao bắt được con chim bách khứu mới chuyền cành. Loại chim nầy rất hiếm, chỉ sống trên những khu rừng già. Nó có nhiều giọng hót khác nhau, khi nhặt, khi khoan, khi trong, khi đục, lên bổng xuống trầm rất giàu nhạc điệu.
Vì không đủ điều kiện chăm sóc nên anh em giao cho nhà bếp nuôi. Loài chim khướu bắt chước tiếng người nhanh hơn loài sáo nghệ, chim két. Chỉ hơn một năm sau là khướu nói được nhiều từ dí dỏm. Đến giờ anh em tù đi lao động về, ùa xuống bếp lấy nước là từ trong lồng đã nổi lên tiếng khướu tía lia nhắc nhở : “Trật tự, trật tự…” “nước sôi, nước sôi…” Những lúc chỉ một vài người, khướu lịch sự : “Chào bạn, mạnh giỏi…” Vì là khu công cộng nên nhiều tù nhân đến nói chuyện với khứơu và dạy cho nó nói vài từ trêu chọc.
Khu trạm xá có chị cán bộ y tá mới đến nhận việc. Lần đầu tiên đến thăm khu nhà ăn, bất ngờ chị nghe giọng nói khàn khàn phát ra từ trong góc nhà :
– “Anh yêu em”.
Chị Cán bộ tưởng tù trêu ghẹo mình liền sừng sộ:
– Anh nào vừa nói đấy ?
Không ai trả lời, chỉ có tiếng lặp lại. Lần nầy với giọng lảnh lót :
– “Anh yêu em”.
Nữ cán bộ nhìn vào chiếc lồng mới phát hiện con chim khướu trêu mình. Bị hố, chị xấu hổ bỏ đi. Mấy anh tù nhà bếp bụm miệng cười. Con khướu còn biết huýt sáo, gọi tên con Vện, chó của cán bộ lẩn quẩn ở khu nhà bếp.
Một hôm, ông cán bộ Chính uỷ Sư đoàn ghé vào nhà bếp của tù kiểm tra. Bất chợt con khướu vừa đập cánh vừa hét to : “Vi xi, Vi xi”. Ông cán bộ kinh ngạc. Nhìn con chim, nhìn đám tù nhà bếp đang đứng nhìn nhau sau dãy chảo nấu cơm, người nào cũng sững sờ. Ông ra lệnh vệ binh mang lồng chim về ban chỉ huy trại.
Liên tiếp nhiều đêm, cả toán nấu bếp viết tờ kiểm điểm. Quản giáo buộc họ phải tìm cho ra người nào đã dạy con khướu nói những từ “phạm húy” đó. Cuối cùng không tìm được thủ phạm. Toán nhà bếp bị đuổi ra ngoài đi lao động sản xuất thay thế toán người mới. Lồng chim khướu bị vất trong chòi chất tranh không cho ăn, cho uống. Ba ngày sau khướu xủ cánh chết. Nhìn xác con khướu cắn mỏ vào nan lồng không chịu nhả ra cho đến chết, khiến lòng tôi quặn thắt.
***
Khách khứa, bè bạn đã bắt đầu tề tựu. Mạnh vào nhà tiếp khách, còn lại mình tôi đứng vẩn vơ giữa vườn chim. Tôi rưng rưng nước mắt nhớ về hình ảnh con chim khướu năm nào gục chết trong lồng, rồi liên tưởng đến các con tôi còn trong tuổi học ăn học nói. Tôi không dám nghĩ tiếp, bèn vội vàng bước vào nhà.
Tiệc bắt đầu, tôi chọn ngồi vào chiếc bàn khuất sau cây cột cùng với mấy người bạn láng giềng của chủ nhà. Mạnh lần lượt giới thiệu từng nhân vật danh dự trước khi vào tiệc. Toàn là chức sắc có uy quyền. Tôi thầm phục tay nầy thuộc loại “bắt mánh” vào hàng “thượng thừa”.
Gần mười năm, hôm nay tôi mới được ăn một bữa cơm thịt cá ê hề, có cả loại rượu mạnh của Liên Xô, Trung Quốc và thuốc hút ngoại nhập. Tôi thật sự choáng váng trước lối sống vương giả giữa một xã hội khốn cùng.
Xong tiệc, Mạnh mời khách ra vườn thưởng thức khu nuôi chim. Vì không muốn gặp mặt mọi người nên tôi đứng chôn chân tại cuối góc vườn. Trước mặt tôi là lồng nhốt con cu cườm. Mạnh tưởng tôi thích con cu cườm nên đến vỗ vai tôi :
– Mình biết cậu “mết” chú cườm nầy rồi. Nó gù mồi độc đáo lắm, dai dẳng, lỳ đòn cho đến khi đối thủ vào bẫy. Biếu cậu đấy, nhớ mang nó về nhé.
Mạnh nào biết tôi rất ghét nuôi chim, chỉ thương hại chúng nó phải chịu thân phận chim lồng. Tôi nghĩ thầm : “Ừ thì cứu được con nào hay con nấy”. Tôi liền lên tiếng cảm ơn Mạnh .
Quan khách lớn nhỏ lần lượt ra về, người nào cũng được chủ nhà biếu một món quà kỷ niệm. Riêng tôi với chú chim cu gáy được người làm quây kín lồng bằng tấm vải đen. Ông cán bộ xã, chú vợ của Mạnh ở gần quê tôi được cháu rể tặng một đôi bìm bịp nhốt trong chiếc lồng khá lớn.
Mạnh xách lồng chim đồ sộ trao cho ông chú vợ :
– Khu chú ở có dòng sông, vườn cây và cánh đồng rất hợp phong thổ cho sự phát triển giọng hót của loại bìm bịp. Cặp chim nầy cháu nuôi từ lúc chưa mọc lông cánh. Cháu bảo đảm với chú không có cảnh nào thích thú hơn là vừa nhâm nhi ly rượu thuốc vừa nghe tiếng bìm bịp kêu khi chiều về trên dòng sông cuồn cuộn chảy trong mùa nước lên,.
Tôi mang lồng chim về đến nhà. Con tôi mở tấm vải ra, chú cu cườm sợ hãi chạy loanh quanh trong lồng, Vợ tôi lắc đầu bảo:
– Anh à, diện của mình mà chơi trò bẫy chim cu là bị ghép tội “Lười lao động, ngồi không ăn bám”. Biết đâu lại vào tù “cải tạo lao động”. Con tôi thì mừng rỡ vây quanh.
Không ai biết được thâm ý tôi là “phóng thích được con nào hay con nấy”.
Sáng sớm hôm sau, khi hừng đông chưa rựng đỏ, tôi mang lồng chim ra giữa đồng lúa đang chín tới. Tôi mở cửa lồng, chim đưa cặp mắt tròn xoe do dự. Một thoáng bất ngờ nó phóng ra khỏi lồng vỗ cánh bay bổng lên giữa khoảng trời xanh và cánh đồng lúa vàng mênh mông.
– Giã từ chim nhé, hãy vui với ngày tháng tự do.
Tôi nói vừa đủ cho chính mình nghe. Và tâm trạng của tôi chợt rộn ràng như ngày tôi cầm được giấy ra trại ung dung bước ra khỏi cổng nhà tù. Niềm hạnh phúc của nỗi vui đoàn tụ như nâng từng bước chân tôi, chẳng khác gì loài chim tung cánh bay lên giữa trời mây.
– Một tháng sau, tôi đạp xe vòng vòng tìm chòi đạp mía mua đường muỗng cho “mẹ bầy trẻ” nấu chè bán dạo. Bất ngờ, tôi gặp ông chú vợ của Mạnh trong lò đường của hợp tác xã Hiệp Phương. Nhận ra tôi hôm dự tiệc tại nhà cháu rể, ông vồn vã mời vào chòi uống nước chè hai (2). Ông tâm sư:
– Thằng cháu rể tôi, bác sĩ Mạnh theo Tây y nên dốt đặc cái món thuốc nam. Môn thuốc đã mấy mươi đời lưu truyền trong nhân gian. Cặp chim bìm bịp của nó cho tôi quý lắm. Đại loại, bìm bịp đạt đến mức mắt đỏ, tròng trắng, cổ cườm, đuôi xòe dải quạt là cực quý (3). Đâu phải dễ dàng bắt được đủ cặp trống mái. Bìm bịp mà ngâm rượu mạnh cả đôi, đúng một trăm ngày chôn dưới đất, xương sẽ tan ra trộn lẫn với thịt của nó, lọc lấy phần rượu trong uống mỗi ngày một ly là xương cốt cứng trở lại như tuổi hai mươi. Rượu bìm bịp thuộc loại trung tính chế được cả âm lẫn dương(4) Thằng Mạnh nó mê tiếng hót còn tôi thì quý cả thịt lẫn xương của giống chim bìm bịp.
Hai tháng, mười ngày nữa cậu ghé nhà tôi chơi, lúc đó hủ rượu ngâm bìm bịp đủ trăm ngày, tôi mời cậu dùng thử vài ly để chứng nghiệm món thần dược của ông bà ta để lại .
Tôi than thầm : “Thế là xong đời một đôi chim !”
Hai tháng sau đó, tôi vào đất Lâm Đồng làm công nhân gạch ngói trong tổ hợp của người anh cột chèo nên không có dịp đến nhà ông chú vợ của Mạnh để được uống rượu ngâm bìm bịp.
Những ngày tháng phải xa vợ, xa con vì sinh kế thật là ảm đạm nhưng tâm trí tôi lúc nào cũng thanh thản với cuộc sống tự do ngoài đời.
Vào cuối tháng chạp âm lịch, tôi về quê ăn Tết có mang theo một món quà đặc biệt tặng cho Chu Tăng Mạnh để gọi là tạ ơn người bạn dạy học cùng trường trước kia đã có tấm lòng hào hiệp biếu cho tôi mấy chục liều thuốc bổ và con chim cu cườm. Món quà là một pho tượng bằng đất sét nung mà tôi đã bỏ công mấy tháng trời nặn đi nặn lại theo bức hình chụp tượng trên một tấm bưu thiếp. Người lực sĩ hai tay nâng cao con chim bồ câu vươn đôi cánh chuẩn bị bay vút lên bầu trời. Bức tượng nói lên niềm khát vọng tự do và quyền sống.
Khách hàng đến mua gạch ngói nhận xét bức tượng có hồn. Xin được nói rõ ở đây, tôi chỉ là tay thợ làm gạch ngói bình thường nhưng tôi đã dành hết tâm lực và ước nguyện của mình trong khi nặn tượng. Niềm khao khát tự do tìm ẩn trong nội tâm đã truyền lực vào đôi tay tác động lên đường nét của tác phẩm. Tuy bức tượng còn nhiều chỗ ngây ngô thô kệch của người tay ngang nhưng không ngờ lại có thần như vậy.
Vừa đặt bức tượng lên bàn và nói với vợ tôi về ý định làm quà Tết cho Mạnh. Nàng lắc đầu bảo :
-Mạnh không còn ở đó nữa !
Tôi ngạc nhiên hỏi dồn :
-Chuyện gì đã xảy ra và anh ấy đi đâu ?
Vợ tôi trả lời gọn lỏn :
– Đi tù !
Tôi thật sự ngỡ ngàng. Chân tay tôi rịn ướt mồ hôi dù khí trời đang lạnh giá của tiết Đại hàn.
Rồi vợ tôi kể đầu đuôi câu chuyện mà nàng nghe được:
– Một hôm, thình lình toán công an kinh tế đến bao vây nhà Mạnh suốt đêm, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Sáng ngày, một phái đoàn thanh tra từ trung ương về lục soát nhà của Mạnh. Nghe nói một số thuốc tây ngoại nhập khổng lồ chứa bất hợp pháp trong nhà. Số thuốc giá trị nầy do Liên Hiệp quốc và các quốc gia Âu Mỹ viện trợ để phân phát cho các bệnh viện, trạm xá…Mạnh lại giả mạo bằng bác sĩ của chế độ cũ, hành nghề không giấy phép. Họ kết tội Mạnh hối lộ, móc ngoặc, âm mưu đầu độc cán bộ đảng viên bằng những cuộc chơi trác táng hầu làm mất dần phẩm chất đạo đức cách mạng. Đây là hình thức chiến tranh tâm lý của bọn làm gián điệp cho nước ngoài .
Nghe đến đây, cả người tôi nổi gai ốc. Vợ tôi tiếp:
– Ba căn nhà đều bị tịch thu. Vợ con anh ấy chỉ được ở tạm khu nhà bếp, theo lệnh tòa án.
Tôi thở dài ngao ngán :
“ Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”(5). Lời người xưa quả thật không sai. Bài học đầy nước mắt mà Mạnh đã nhận được ngày hôm nay đối với anh ta đã quá trễ, nhưng lại hữu dụng cho đời con cháu của anh sau nầy. Đó là gương trước mắt chúng cần phải tránh xa /.
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích
(1)(3) (4)- Theo Phạm Ngọc Tiến TNVN
(2)-Nước mía nấu lần thứ hai trước khi thành mật
(5)-“Phúc bất trùng lai họa vô đơn chí” = Vận may, phúc lành họa hoằn lắm mới có, không lặp lại nhiều lần, còn tai họa không chỉ đến một lần mà hay đến dồn dập,