Tôi đã từng đọc rất nhiều lời khen ngợi trên mạng xã hội khi hình ảnh một cháu bé qua đường quay lại cúi chào người lạ lúc nhận được sự hỗ trợ; Những lời có cánh cho một hành vi lan tỏa sự yêu thương như cho đi một bó rau của một người cùng khổ… Tại sao vậy?!
Vì xã hội chúng ta đang sống quá thiếu vắng tình thương, lòng nhân ái, sự lương thiện… cái mà chúng ta vẫn thường gọi là LƯƠNG TÂM! Vậy nên những hành vi nhỏ nhặt, tưởng chừng như bình thường ấy đột nhiên trở nên cao cả, vĩ đại, vượt khỏi sự bình thường mà mọi người thường thấy.
Những hành vi mà chúng ta vẫn thường gặp trong xã hội hiện nay trong mối quan hệ giữa người với người là: Sự chà đạp, trấn áp, lừa đảo để trục lợi bằng bất cứ giá nào; Đi đường va chạm nhau thì sẵn sàng hành hung bất chấp hậu quả; Mâu thuẫn trong hành xử, giao thiệp thì sẵn sàng giết nhau chẳng vì lý do gì nghiêm trọng và xem điều đó là bình thường…
Còn nhớ, hồi chúng tôi học tiểu học tại Sài Gòn trước năm 1975, chúng tôi luôn được dạy phải lễ phép, khiêm nhường, kính trên nhường dưới, đi dạ về thưa, ra đường gặp rác thì phải nhặt bỏ vô thùng rác, gặp người cao tuổi qua đường thì phải đến giúp đỡ, đi ngang đám ma thì phải ngã mũ cúi chào, nghe tiếng Quốc ca thì phải đứng nghiêm chào cờ xong mới được đi…
Trong chương trình học tiểu học của chúng tôi có hẳn những tiết học về những hành vi cao thượng để làm gương, noi theo, mà giáo trình chính thức là những câu chuyện trong tác phẩm “Những tấm lòng cao thượng” của dịch giả Hà Mai Anh, trong đó có đầy đủ các thể loại của tình yêu, tính nhân văn, nhân bản…
Trước năm 1975, tại Sài Gòn, những hành vi bộc lộ sự nhân ái, nhân văn, nhân bản trong xã hội không hiếm, không làm ai kinh ngạc vì nó quá bình thường. Có lần, tôi cùng bố tôi đi bộ trên vỉa hè đại lộ Chi Lăng, tỉnh Gia Định (đoạn ngay trường vẽ) , thấy một bà cụ xách giỏ chuẩn bị qua đường, tôi vội chạy đến sốt sắng giúp dắt bà cụ qua… Xong, tôi đứng luôn bên kia đường, vẫy tay kêu bố tôi sang dắt tôi quay lại vì tôi… chưa biết đi qua đường, thực chất lần qua đường trước đó là bà cụ dắt tôi qua.
Chẳng ai khen ngợi tôi bởi tôi đã dũng cảm thực hiện một hành vi tốt ngay trên đường phố, trừ bố tôi!
Sau năm 1975, chúng tôi không còn được học về những tấm lòng, những hành vi cao thượng nữa, thay vào đó là những bài học, câu chuyện về chiến tranh, giết chóc, khủng bố, lòng căm thù… và được trui rèn lòng hiếu chiến, sự hung hăng, tính quyết liệt, triệt để trong những “chiến dịch”, những lần “ra quân” của những phong trào giành cho lứa tuổi của chúng tôi…
Dần dần, tôi quen với với việc người ta hành xử với nhau ưu tiên bằng bạo lực trong bối cảnh xã hội chung lúc bấy giờ. Đến nỗi, khi mâu thuẫn với nhau trong xóm ở tuổi tiệm cận thanh niên (16 tuổi), tôi từng cầm dao chặt đá rượt một đối thủ của tôi để chém với quyết tâm chém cho nó chết, để “thị uy”, “dằn mặt”, để “chứng tỏ”… May mà tôi rượt không kịp thằng đó. Nếu không, thì…
Lớn lên, tốt nghiệp đại học, đi làm báo, tôi vẫn không hề biết sợ ai, sẵn sàng “máu đổi bằng máu” khi đối đầu… cho đến khi tôi gặp một sự vụ tác động mạnh đến tôi: Hôm đó, tôi nhận được tin báo từ Công an phường Bến Thành cho biết chợ Bến Thành vừa xảy ra một vụ án mạng, nạn nhân là người nước ngoài. Đến nơi, tôi mới biết nạn nhân là một cô gái trẻ người Tây da trắng, con của vợ chồng một Tổng lãnh sự sứ quán tại TP.HCM vừa mới qua Việt Nam chơi thăm cha mẹ, đi chợ Bến Thành mua sắm thì gặp sự cố chết người. Cô gái bị một tên giựt đồ giựt túi xách trong lúc đang dạo chợ, đôi bên giằng co nhau và tên cướp quay lại dùng dao đâm một nhát chết luôn cô gái. Nhìn tên cướp mặt lạnh tanh, vô nhân tính, không hề hối hận ngồi bệt dưới đất bị còng vô ghế của công an phường, rồi nhìn cảnh bà mẹ phu nhân Tổng lãnh sự quán khóc nấc đầy oan ức trước thi thể con mình… Tôi chợt hiểu ra lẽ được -mất trong cuộc đời, cái giá của sự vô lương tâm, của một xã hội thiếu vắng lòng nhân ái, tính nhân văn. Bắt và trừng phạt kịch khung gã giết người máu lạnh đó có làm cho xã hội tốt hơn lên, có trả lại được sinh mạng của cô gái trẻ, đền bù sự mất mát không thể cứu vãn của cha mẹ nạn nhân?
Từ đó trở đi, tôi không bao giờ hành xử bằng bạo lực nữa, dù có những lúc phải kềm chế tới mức đắng ngắt cả lòng!
Thật may, là tôi đã được học “Những tấm lòng cao thượng” hồi tiểu học và được lớn lên trong một gia đình trí thức.
Lúc chúng tôi được học những bài học về tính chiến đấu, sự căm thù… trong trường học, thì chắc gã thủ ác trong vụ đổ xăng đốt chết 11 người trong quán cà phê ở Hà Nội đang làm chấn động dư luận, rúng động xã hội hôm nay chỉ mới vừa qua lớp vỡ lòng, vì y kém tôi đến 7 tuổi!
Nhìn gã giết người ngồi kể lại nguyên nhân, quá trình thủ ác của mình một cách hết sức hồn nhiên, bình thản trong trụ sở công an phường… một lần nữa tôi lại sợ hãi và cay đắng khi nghĩ về tương lai. Xã hội nào đã tạo ra những con người như thế?!
19.12.2024
HUUPHUBTN