VNTB – Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc cho thấy sự bất mãn gia tăng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam
Vũ Quốc Ngữ dịch (VNTB) Khi người dân đổ ra trên nhiều đường phố ở khắp đất nước vào tháng Sáu, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thấy mình đang phải đối mặt với một sự bất mãn của công chúng, bắt đầu từ kế hoạch cho Trung Quốc thuê đất và một luật mới về an ninh mạng.
Khi Việt Nam bị rung chuyển bởi nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc phản đối về một dự luật Đặc khu Kinh tế gây tranh cãi, người dân địa phương đã tràn ra nhiều đường phố ở nhiều thành phố lớn và những tỉnh sẽ bị ảnh hưởng bởi những đặc khu kinh tế. Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát, và ở tỉnh Bình Thuận, người biểu tình tấn công một số tòa nhà hành chính và đốt cháy xe.
Điều gây ra sự thất vọng như vậy không phải là viễn cảnh có nhiều đặc khu kinh tế hơn trong nước, mà là do người dân nghi ngờ rằng các công ty Trung Quốc là những người đầu tiên hưởng lợi trong quy định nhà đầu tư nước ngoài có thể thuê đất trong 99 năm, như đề xuất trong dự luật Đặc khu Kinh tế. Dự luật không chỉ rõ các công ty nước ngoài nào sẽ được giao đất, nhưng viễn cảnh nhà đầu tư Trung Quốc chiếm ưu thế trong các đặc khu này đủ để gây ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc với quy mô lớn nhất sau năm 2014, thời điểm Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu đặt trong vùng biển thuộc vùng kinh tế độc quyền của Việt Nam.
Những người biểu tình cầm biểu ngữ chống lại chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trung Quốc Tập Cận Bình tại một công viên ở Hà Nội ngày 05/11/ 2015 |
Đối với người Việt Nam, Trung Quốc là kẻ giả mạo trứ danh. Câu chuyện xây dựng quốc gia ở Việt Nam phát triển không quá nhiều xung quanh chủ nghĩa cộng sản hoặc “tư tưởng Hồ Chí Minh” mà là xung quanh cuộc chiến của Việt Nam chống lại sự cai trị của nước ngoài. ĐCSVN tự cho mình xứng đáng là độc quyền về quyền lực – không phải vì ý thức hệ của nó, nhưng vì nó là lực lượng dẫn đầu trong chiến tranh chống Pháp và Hoa Kỳ, và sau đó đẩy lùi cuộc xâm lược của Trung Quốc vào năm 1979.
Từ đó, ĐCSVN tự cho mình là một lực lượng được nghiễm nhiên cầm quyền để bảo vệ quốc gia khỏi những kẻ xâm lược nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Thực tế hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông: Bắc Kinh liên tục tổ chức tập trận, triển khai vũ khí trên các đảo nhân tạo, và gây áp lực buộc Việt Nam phải dừng dự án khai thác dầu khí, một dự án với Công ty Repsol của Tây Ban Nha .
Nhưng ĐCSVN chỉ có thể tiếp tục quyền lãnh đạo của mình nếu nó coi Trung Quốc như một mối đe doạ bên ngoài. Mặt khác, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về thương mại và quan trọng hơn, sự thành công chưa từng có của một nước Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mang lại tính hợp pháp mạnh mẽ trong nước và quốc tế. ĐCSVN sao chép nhiều mô hình của Trung Quốc và áp dụng nhiều chính sách, ví dụ mới nhất là một chiến dịch chống tham nhũng lớn.
Người Việt không lạ gì với biểu tình
Đối phó với tinh thần chống Trung Quốc ăn sâu trong tâm trí người Việt, và đôi khi sử dụng tinh thần này để tăng cường tính hợp pháp của chính mình, ĐCSVN phải cân bằng sự phản đối của mình với sự hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng với sự phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế, vấn đề không chỉ là chủ nghĩa dân tộc. Thứ nhất, ý tưởng thuê đất cho người nước ngoài trong 99 năm dường như đã được cảnh báo bởi người dân Việt Nam ở thành thị, những người không muốn có số phận giống như Sri Lanka, một quốc gia đã bị buộc phải bàn giao một cảng phía nam cho Trung Quốc với hợp đồng thuê 99 năm vào tháng 12 năm ngoái để trừ nợ với Trung Quốc, mức nợ hiện đang là 8 tỷ đô la. Thứ hai, quyền sử dụng đất là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất trong đời sống xã hội Việt Nam, nơi người dân không được tư hữu đất đai và thường xuyên bị nhà nước tịch thu đất. Năm ngoái, dân ở xã Đồng Tâm gần Hà Nội tham gia một cuộc biểu tình với chính quyền địa phương và thậm chí còn bắt giữ nhiều quan chức và cảnh sát làm con tin trong nhiều ngày.
Biểu tình không còn xa lạ với người Việt. Bên cạnh đấu tranh về đất, họ thường xuyên tổ chức biểu tình để phản đối những quy định không công bằng của các nhà máy, tham nhũng, đàn áp tôn giáo và ô nhiễm môi trường – đã có nhiều cuộc biểu tình kéo dài năm 2016 chống lại việc Công ty Formosa xả độc ở ven biển miền Trung. Nhưng tất cả các cuộc biểu tình này thường không mang màu sắc chính trị và hiếm khi nhắm mục tiêu trực tiếp là ĐCSVN.
Các cuộc biểu tình gần đây còn nhắm đến một điều khác nữa. Một vấn đề không kém quan trọng là luật An ninh mạng. Việc bỏ phiếu về dự luật Đặc khu Kinh tế đã bị hoãn lại, nhưng luật An ninh mạng đã được Quốc hội phê duyệt ngay sau khi nổ ra biểu tình, có nghĩa là bây giờ tất cả các công ty Internet sẽ phải lưu trữ dữ liệu của họ tại Việt Nam và theo dõi nội dung như phỉ báng, hoạt động chống nhà nước và “bóp méo lịch sử.”
Cuối cùng, tính chính đáng hợp pháp của ĐCSVN là phát triển kinh tế và phẩm cấp cuộc sống – và đây chính là những vấn đề mà người Việt Nam sẵn lòng đứng lên phản đối, tinh thần chống Trung Quốc đơn thuần chỉ là một chất xúc tác. Luật An ninh mạng dường như không có khả năng ngăn chặn sự tiếp cận của dân số đô thị ngày càng gia tăng với các vấn đề trong nước và quốc tế.
ĐCSVN tự coi mình là một lực lượng chính trị do dân ủng hộ và đã thể hiện khả năng đáng kể trong 30 năm kể từ khi đổi mới theo hướng kinh tế thị trường. Thách thức của đảng hiện nay là làm sao quản lý được sự thay đổi của một xã hội đang phát triển nhanh chóng. Lực lượng lao động chủ yếu là chủ sở hữu và người làm công ở các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, nhưng phần lớn giá trị xuất khẩu đi vào túi của các công ty nước ngoài, khu vực nhà nước tụt lại phía sau và phần lớn dân số trẻ và hiểu biết về mạng. Ngay bây giờ, hầu hết những người Việt trẻ này bị cô lập với chính trị, nhưng nếu họ được vận động thông qua mạng xã hội và những cuộc biểu tình như trong tháng Sáu,ĐCSVN có thể sẽ phải ở một vị trí hoàn toàn khác.
Không có một quá trình trực tiếp và hấp dẫn để biến tinh thần công chúng thành chính sách, ĐCSVN sau năm 1986 đã lãnh đạo đất nước chỉ bằng suy nghĩ của mình trong khi lại cho rằng mình đại diện cho tất cả nhân dân Việt Nam. Các cuộc biểu tình ở quy mô toàn quốc là hậu quả của những suy nghĩ đó, và chỉ ra những bất ổn của đảng cầm quyền. Điều này có nghĩa là trong việc tìm kiếm sự hài hòa, ĐCSVN sẽ phải mở rộng cơ sở xã hội của mình, tiếp tục đổi mới nội bộ và trở thành nền tảng cho cuộc đối thoại xã hội – hoặc các cuộc biểu tình có nguy cơ mang màu sắc chính trị hơn.
Tác giả Anton Tsvetov là một nhà phân tích Đông Nam Á có trụ sở tại Moscow, Nga. Ông thường xuyên viết về chính trị Đông Nam Á và chính sách của Nga ở châu Á tại @antsvetov.
Nguồn: Southeast Asia Globe
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay