VN muốn kiểm soát chặt hơn nữa Facebook và Google? (BBC)
Giới chức Việt Nam dường như đang muốn kiểm duyệt gắt gao hơn nữa các hoạt động trên mạng, đặc biệt là các hoạt động online của giới bất đồng chính kiến.
Hiện có nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm với các vấn đề trong nước.
Cơ quan lập pháp dự kiến sẽ biểu quyết thông qua Dự luật An ninh mạng trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào thứ Hai 21/5/2018.
Nếu luật này được thông qua, Reuters bình luận, thì những người bị bất lợi nhiều nhất sẽ là giới bất đồng chính kiến.
Facebook, Google và các công ty quốc tế khác đã phản ứng mạnh khi bị đòi phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam ở trong nước.
Tuy nhiên, Reuters nói, họ đã chưa có thái độ tương tự đối với các phần trong dự luật có nội dung trao cho giới chức cơ hội trấn áp các hoạt động chính trị trên mạng.
Trong bản dự thảo mới nhất, dự luật này có những quy định buộc một số hãng nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam và “các dữ liệu quan trọng khác” trên lãnh thổ Việt Nam, tuy không còn yêu cầu phải để máy chủ ở Việt Nam.
Dự luật cũng đưa ra quy định về việc tổ chức lực lượng bảo vệ an ninh mạng.
Việt Nam đã có những quy định nghiêm ngặt về internet từ năm 2013. Các thông tin chống chính phủ, gây tổn hại an ninh quốc gia, gây “hận thù và xung đột” hoặc “làm tổn hại uy tín của các tổ chức và cá nhân” bị nghiêm cấm.
Năm 2017, các quy định mới đã thắt chặt hơn việc kiểm soát internet ở Việt Nam.
Tháng 4/2017, chính phủ tổ chức thảo luận các vấn đề về internet bao gồm thông tin không chính xác, phát ngôn gây hận thù và bắt nạt.
Số liệu cập nhật được công bố hôm thứ Sáu (18/5) cho thấy Google đã được chính phủ Việt Nam yêu cầu xóa hơn 6.500 video trong năm 2017, chủ yếu do chỉ trích chính phủ, Reuters đưa tin, và Google đã tuân thủ hầu hết các yêu cầu họ nhận được.
‘Phúc trình về tính minh bạch’ mới nhất của Facebook, được công bố hôm thứ Ba (15/5) nói rằng trong sáu tháng cuối năm ngoái, mạng xã hội được nhiều người dùng này đã chặn nội dung tại Việt Nam lần đầu tiên với lý do ‘vi phạm luật sở tại’.
Facebook nói đã có 22 trường hợp như vậy, tuy giải thích rằng họ quyết định chặn do ‘có những báo cáo cá nhân’ chứ không phải do nhận được yêu cầu của chính phủ.
Facebook cũng cho hay họ nhận được 12 yêu cầu từ chính phủ, đều được đánh dấu ‘khẩn cấp’, nhưng họ chỉ thực hiện 4 trong số các yêu cầu đó.
Giữa tháng Tư, giới hoạt động nhân quyền và các nhóm truyền thông người Việt ở Việt Nam và hải ngoại công bố thư ngỏ gửi ông Mark Zuckerberg bày tỏ lo ngại Facebook có thể giúp chính phủ Việt Nam “bóp nghẹt tiếng nói” về nhân quyền.
Lá thư nói họ lo ngại Facebook “đồng lõa với kiểm duyệt của nhà nước” ở Việt Nam.