Việt Nam liệu đã có độc lập, tự do?

Việt Nam liệu đã có độc lập, tự do?

Văn Báu Gửi tới BBC từ Tp HCM

Chuyến đi của ông Trọng sang Trung Quốc diễn ra trước chuyến đi theo dự kiến của ông sang Hoa Kỳ.

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc, tôi băn khoăn Việt Nam đã thực sự độc lập, tự do hay chưa.

Ngày 30/4/1975, nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, dân tộc Việt Nam được hưởng một nền độc lập tự do hoàn toàn. Đã thắng Pháp – đệ tứ cường quốc, thắng Mỹ – cường quốc số một thế giới rồi thì còn phải sợ ai nữa?

Nhầm to! Thắng do chúng ta trực tiếp chiến đấu, nhưng không có vũ khí đạn dược, xe tăng, máy bay, tên lửa… thì đánh bằng gì? Việt Nam có tự sản xuất được những thứ ấy không? Không có viện trợ từ Trung Quốc, Liên Xô, không dựa vào họ, chúng ta không thắng được Mỹ!

Chính vì thế mà Trung Quốc chẳng ngán gì cái tay vừa đánh bại được nước giàu nhất thế giới ấy mà sẵn sàng “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Láng giềng phương Bắc sau đó đã chủ động rút quân sau khi gây tổn thất nặng nề cho Việt Nam, lẽ ra Việt Nam nên lấy đó làm bài học thực sự mới phải. Phải hiểu rằng với sức của mình hiện tại, người ta muốn đánh lúc nào thì đánh, chả ai cứu được.

Đàn anh Liên Xô khi đó cũng có kịp làm gì đâu. Đến năm 1988 ở đảo Gạc Ma cũng vậy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện đang thăm Trung Quốc, gọi là thăm nhưng thực ra là bị gọi sang một cách vội vã trước khi Việt Nam thăm Mỹ. Nó giống việc con cái phải hỏi ý kiến cha mẹ trước khi đi chơi với bạn vậy.

Nếu đã trưởng thành, có độc lập tự do thật sự thì không anh nào còn làm cái việc trẻ con ấy cả. Hóa ra Việt Nam mang tiếng là độc lập tự do (tính từ thời điểm năm 1975 thì cũng đã được 40 tuổi rồi đấy) nhưng làm gì cũng phải xin phép.

Kể cả Trung Quốc có mời sang, nhưng thời gian quá gấp cho một chuyến đi lớn như thế thì hoàn toàn có thể dời lại. Nếu đã quyết “đi chơi” với Mỹ thì cứ đi, nếu đã kiên quyết kiểu gì cũng phải thay đổi quan hệ với Mỹ thì “láng giềng thân thiết” có nói gì cũng mặc, đi về rồi tính.

Sang Trung Quốc bây giờ người ta sẽ lại ngon ngọt, vỗ về, hứa hẹn, liệu lúc đi về quyết tâm còn được bao nhiêu? Hay lại giống anh Chí Phèo định đến rạch mặt ăn vạ nhà Bá Kiến nhưng bị tay cáo già mời vào giết gà đãi rượu thấy xuôi tai rồi lại chịu làm tay sai suốt đời cho tên gian ác đó?

Không có hy vọng?

Việt Nam và Hoa Kỳ đang có những cải thiện lớn trong quan hệ song phương.

Nhưng phải nói thật rằng kể cả có đi Mỹ trước, hiệu quả cũng không cao. Vì các lý do dễ thấy:

Thứ nhất: Mức độ Mỹ giúp đỡ chỉ tương ứng với mức độ Việt Nam cải cách. Nếu Việt Nam chỉ cải cách nửa vời hoặc hình thức thì các “gói cứu trợ” sẽ không đủ tác dụng. Việt Nam mà chưa thành đồng minh của Mỹ, nếu Việt Nam và Trung Quốc có xung đột Mỹ cũng không lấy làm buồn vì cộng sản anh em còn đánh nhau thì trách ai được nữa.

Nếu Việt Nam muốn Mỹ can thiệp mạnh, thì sự can thiệp ấy có thể sẽ đi quá mức, tức là có thể mất chế độ. Điều này lãnh đạo Việt Nam không cho phép xảy ra.

Lý do thứ hai: Đặt một khả năng viễn tưởng: Việt Nam thay đổi chế độ để làm đồng minh của Mỹ. Có Mỹ bảo trợ thì chắc chắn là hơn rồi. Nhưng cứ nhìn vào Đài Loan – đồng minh thực sự, đã bị Mỹ đẩy ra khỏi Liên Hợp Quốc sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Nixon đến Trung Quốc năm 1972 (chuyến thăm mà Việt Nam cũng bị ảnh hưởng) thì biết.

Trung Quốc dẫu sao cũng là nước lớn, và các nước quan hệ với nhau luôn phải đặt lợi ích lên trên hết. Khi cần thì những quân cờ nhỏ như quân tốt đều có thể hy sinh, đều có thể lấy ra để đánh đổi, để mặc cả.

Liệu Mỹ có thể mang quân hỗ trợ Việt Nam nếu có xung đột với Trung Quốc? E rằng là không. Nhưng nếu là Nhật Bản và Hàn Quốc thì có thể đấy, vì đây là 2 nước lớn và giàu có thuộc hàng nhất thế giới.

Ngoại giao cần phải khôn khéo, nhưng ngoại giao cũng chỉ hạn chế trên cái sức mạnh của quốc gia đó mà thôi. Mình có lớn mạnh thì tiếng nói của mình mới có trọng lượng, người ta mới nể mình.

Mới đây có ai đó nhắc lại tư tưởng độc lập của nhà yêu nước Phan Châu Trinh mà nhiều người thấy đúng quá:

“Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh rồi mưu cầu độc lập chứ không cầu viện ngoại bang dùng bạo lực giành độc lập.

Chỉ như vậy mới bảo đảm Việt Nam sẽ có một nền độc lập chân chính, lâu bền về chính trị lẫn kinh tế trong quan hệ với ngoại bang cũng như nhân dân sẽ được hưởng độc lập và tự do cá nhân trong quan hệ với nhà nước.”

Còn cứ nghèo, cứ lạc hậu thì mãi chỉ là quân tốt trên bàn cờ của các nước lớn mà thôi. Như đã nói ở trên: Có được tự do không dễ. Nghèo thì lấy đâu ra tự do. Luôn phải dựa vào người khác thì lấy đâu ra độc lập. Tại sao một nước nhỏ xíu như Singapore vẫn có vị trí đáng nể trên trường quốc tế với sức mạnh quân sự mà không cường quốc nào dám coi thường?

Tóm lại, hai khả năng để Việt Nam không sợ Trung Quốc: Thay đổi chế độ làm đồng minh với Mỹ và Phát triển thành cường quốc kinh tế đều là những khả năng xa vời.

Ngoại giao của Đảng Cộng sản cuối cùng cũng chỉ để kéo dài sự sống của chế độ và làm chậm lại quá trình gặm nhấm Biển Đông của Trung Quốc mà thôi. Nước Việt Nam rồi sẽ đi về đâu?

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay