Tác giả: Phùng Văn Phụng
Thứ bảy ngày 05 tháng 11 năm 2022 tôi đi dự thánh lễ tạ ơn, mừng thọ 80 tuổi của thầy Phó Tế Nguyễn Sỹ Bạch ở nhà thờ Prince of Peace Catholic Church – để Tạ Ơn Chúa về Ân Sủng của Sự Sống.
Tôi cũng được lên gần cung thánh để Cha chủ tế và cộng đoàn dân Chúa đưa tay cầu nguyện, chúc mừng vì thọ được 80 tuổi, trong số những người này có Phó tế Huỳnh Mai Trác, Phó tế Đỗ Nguyên Chương, Phó Tế Nguyễn Sỹ Bạch, Ông Nguyễn Đức Cung, Bà Nguyễn Thị Bích Lê- Ông Trần Tấn Định
Trong quyển sách nhỏ gởi đến các thân nhân, bà con, thân hữu để dùng trong nhà thờ, tôi đã nhận được hai câu sau đây – tôi rất cảm kích và xin được ghi nhận và chia sẻ:
-1)Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Con ca ngợi Chúa đã dựng con nên cách lạ lùng, Công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi” Tv 139:13-14
– 2) “Được sống đến tuổi già là một ân huệ. Không phải vì chỉ một số người có thể sống đến tuổi này, nhưng vì trước hết, tuổi già cho chúng ta khả năng đánh giá quá khứ, được hiểu và sống mầu nhiệm Vượt Qua một cách sâu xa hơn, và được trở nên kho tàng kinh nghiệm quý báu cho Giáo hội”.
(Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II)
***
Theo giáo sư Đào Duy Anh trong tác phẩm Hán Việt Từ điển thì: 60 tuổi gọi là Hạ thọ, 70 tuổi gọi là Trung thọ, 80 tuổi gọi là Thượng thọ.
Tuổi Thượng Thọ – 80 tuổi rất hiếm.
Vì tuổi thọ trung bình (cả hai giới tính) ở Việt Nam là 75,6 tuổi. (Nguồn: https://danso.org/viet-nam/)
Trong khi tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (72 tuổi). Tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,5 tuổi. Tuổi thọ trung bình của nữ giới là 79,7 tuổi. (Nguồn: https://danso.org/viet-nam/)
Tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0h ngày 01/4/2019 là 96.208.984 người,
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người, tỉ lệ khoảng 2% dân số.
Ở Mỹ có 6 triệu 500 ngàn người trên 80 tuổi, dân số Mỹ là 332 triệu 400 ngàn người, tỷ lệ gần ~2% dân số.
Cho nên dầu ở Mỹ hay ở Việt Nam tỉ lệ người sống trên 80 tuổi rất hiếm và họ là tấm gương sống và là kho tàng kinh nghiệm sống cho con cháu.
***
+Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời” (Gv 3:1)
Ân huệ được sống tới tuổi già vì sống tới tuổi 80 rất hiếm. Đầu tháng 11 này được tin, Nguyễn H. N. , một người bạn học chung lớp B1 trường trung học Cần Giuộc, niên khóa 1955-1959, đã ra đi, anh nhỏ hơn tôi một tuổi.
“Tuổi già là một ân huệ” vì rồi đây còn phải chịu đựng những sự đau đớn, mệt mỏi trong bịnh hoạn trước khi lìa đời. Làm sao “vui để đợi chết”? Khó khăn lắm chứ không phải dễ dàng gì đâu. Nhưng niềm tin phục sinh cho ta niềm hy vọng, an ủi để chịu đựng đau khổ ở đời này để hưởng vĩnh phúc ở đời sau, một “sinh nhật mới” trong nước trời vĩnh cửu.
***
Người Việt Nam cũng thường có tổ chức mừng lễ thượng thọ cho cha mẹ. Trong lễ thượng thọ, cha mẹ trong y phục trang trọng, thường là y phục khăn đống, (trang phục có màu đồng nhất, màu đỏ hoặc màu vàng) ngồi trước bàn thờ hay nơi sang trọng nhất trong căn nhà như gian chính con cháu lần lượt đến kính cẩn dâng rượu (thọ), rồi lễ bái cha mẹ, sau đó mời các cụ dự tiệc mừng . Đôi khi họ mời bà con xa gần đến chung vui và chúc mừng các cụ.
Hình lượm trên net, tượng trưng trong lễ thượng thọ
Xem thêm:
1)VẤN ĐỀ VỀ NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Tác giả: Phùng Văn Phụng
tháng 11 năm 2022