Truyền thông dưới các chế độ độc tài
Có hai mục tiêu chính mà tất cả các chế độ độc tài và độc tài toàn trị nhắm tới là: nhồi sọ và lừa dối. Nguyên tắc ở đây là, nói theo Hitler, cứ nói dối, nói dối đi nói dối lại mãi, một cách thật giản dị, đến lúc nào đó, người ta sẽ tin là thật…
Một trong những khác biệt lớn nhất giữa dân chủ và độc tài là ở phương diện truyền thông. Nói một cách vắn tắt, khác với các chế độ dân chủ, dưới các chế độ độc tài, truyền thông có hai đặc điểm chính: độc quyền và kiểm duyệt. Mức độ độc quyền và kiểm duyệt tuỳ thuộc vào mức độ độc tài. Tất cả các chế độ độc tài đều áp dụng, dưới những hình thức khác nhau, chính sách kiểm duyệt đối với các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng chỉ có các chế độ độc tài toàn trị (totalitarianism) mới áp dụng chính sách độc quyền một cách triệt để.
Việt Nam là một chế độ độc tài toàn trị như thế: Với truyền thông, họ áp dụng cả phương thức độc quyền lẫn phương thức kiểm duyệt.
Ở miền Bắc, trong những năm đầu sau Hiệp định Geneva, ngoài báo chí nhà nước còn có báo chí tư nhân. Nhờ sự tồn tại của báo chí và nhà xuất bản tư nhân ấy, phong trào Nhân Văn Giải Phẩm mới được hình thành. Nhưng khi phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị đánh, tất cả các tờ báo và nhà xuất bản tư nhân đều bị bóp chết. Từ đó về sau, nhà nước hoàn toàn độc quyền trong lãnh vực truyền thông. Đến giữa thập niên 1980, với phong trào đổi mới, nhà nước cho phép tư nhân hoá kinh tế, nhưng cho đến tận bây giờ, họ vẫn từ khước việc tư nhân hoá báo chí và xuất bản. Tất cả các tờ báo, các đài phát thanh và truyền hình, cũng như tất cả các nhà xuất bản tại Việt Nam hiện nay đều hoàn toàn nằm trong tay nhà nước.
Độc quyền báo chí và xuất bản, giới lãnh đạo vẫn chưa an tâm. Cả báo chí lẫn xuất bản đều bị kiểm duyệt ngặt nghèo. Mọi bài báo cũng như mọi cuốn sách đều được dò xét từng câu từng chữ. Nhưng kiểm duyệt không vẫn chưa đủ. Bên cạnh việc kiểm duyệt chính thức, ở Việt Nam cũng như ở dưới mọi chế độ độc tài khác, đều có hai hình thức kiểm duyệt khác: hậu kiểm duyệt và tự kiểm duyệt. Hậu kiểm duyệt là hình thức kiểm duyệt sau khi tờ báo hay cuốn sách đã được in và được phát hành. Khi phát hiện ra một chi tiết có vấn đề về chính trị, người ta áp dụng biện pháp thu hồi ấn phẩm và trừng phạt tác giả. Ghê sợ trước những biện pháp trừng phạt như thế, hầu hết các tác giả đều tự đặt mình ở thế tự kiểm duyệt, nghĩa là tự mình cắt bỏ những chỗ gai góc, có thể bị xem như có vấn đề trong quá trình sáng tác. Trong bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ” viết năm 1987, nhà văn Nguyễn Minh Châu có nói đến cái thảm cảnh tự kiểm duyệt ấy: lúc nào cũng giấu giếm, cũng rào đón, cũng che chắn, vừa viết một câu trung đã phải vội vã chêm ngay vào một câu nịnh cho… an toàn dù phải trả giá bằng chính tác phẩm của mình, những tác phẩm chỉ có giá trị minh hoạ nhất thời.
Nhưng độc quyền và kiểm duyệt như vậy để làm gì?
Có hai mục tiêu chính mà tất cả các chế độ độc tài và độc tài toàn trị nhắm tới là: nhồi sọ và lừa dối. Nguyên tắc ở đây là, nói theo Hitler, cứ nói dối, nói dối đi nói dối lại mãi, một cách thật giản dị, đến lúc nào đó, người ta sẽ tin là thật. Và khi đã tin rồi thì mọi người dần dần trở thành những con chó của Ivan Pavlov: Cả tư tưởng lẫn cảm xúc, hành vi và mọi phản ứng của họ đều bị điều kiện hoá. Trong bài “Authoritarian regimes retool their media-control strategy”, Robert Orttung và Christopher Walker cho trong cái gọi là “mọi người” ở đây, có bốn đối tượng chính: Một là những thành phần “ưu tú” trong chế độ, tức các đảng viên và cán bộ các cấp trong hệ thống cầm quyền, để họ tiếp tục trung thành với chế độ. Hai là dân chúng nói chung để họ vừa kính trọng lại vừa sợ hãi, không dám chống lại chế độ. Ba là các thành phần đối lập cũng như các tổ chức dân sự: Với cả hai, hệ thống truyền thông độc quyền của nhà nước luôn luôn tìm cách bôi nhọ và cô lập, để dưới mắt dân chúng, họ hiện hình như những thế lực đen tối đe doạ đến sự ổn định và phát triển kinh tế. Bốn là với những người thường xuyên sử dụng internet, chính quyền sẽ sử dụng nhiều cách khác nhau để hoặc dựng tường lửa và/hoặc kiểm duyệt để không phải ai cũng có thể tiếp cận được với những thông tin bất lợi cho chế độ.
Tuy nhiên, ngoài mục tiêu lừa dối và nhồi sọ, bất cứ hệ thống truyền thông nào của các chế độ độc tài cũng đều nhắm tới một mục tiêu khác nữa: định hướng dư luận. Công việc định hướng này bao gồm hai khía cạnh chính: Một là “giáo hoá” và hai là làm lạc hướng.
Tạo nên những con người sùng bái một cách mê tín đối với giới lãnh đạo cũng như đảng lãnh đạo cũng là một cách “giáo hoá”. Tuy nhiên, đối với dân chúng nói chung, hình thức “giáo hoá” phổ biến nhất, nói theo Robert Orttung và Christopher Walker trong bài dẫn trên, là làm cho mọi người trở thành thụ động và vô cảm, không quan tâm đến chính trị cũng như đến số phận của đất nước nói chung: “Để duy trì quyền lực, các chế độ độc tài đều giữ đại đa số quần chúng ở ngoài chính trị.”
Một khía cạnh khác của truyền thông dưới các chế độ độc tài mà người ta dễ quên lãng là đánh lạc hướng sự quan tâm của quần chúng. Áp dụng cách thức này, khi chính quyền gặp vấn đề rắc rối, người ta bèn tung ra một sự kiện hay một tin đồn vu vơ nào đó nhằm khêu gợi sự tò mò của mọi người khiến mọi người đuổi theo sự kiện hoặc tin đồn ấy mà quên bẵng đi vấn đề chính của chính quyền.
Nhớ, cách đây mấy năm, khi kinh tế gặp khó khăn với hiện tượng nhiều đại công ty nhà nước, nổi bật nhất là tập đoàn doanh nghiệp Vinashin, bị phá sản để lại những món nợ khổng lồ, dẫn đến các cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề trách nhiệm không những của cá nhân mà còn của các cơ quan nhà nước. Mấy tháng sau, khi không khí vẫn còn nóng hổi, các cơ quan truyền thông xúm vào loan tải tin tức về bệnh tình của “cụ” rùa ở hồ Hoàn Kiếm. Chính quyền lập “khu điều dưỡng” cho rùa. Các nhà “rùa học” ở Hà Nội liên tục lên ti vi nói chuyện về rùa. Dân chúng rình rập quanh hồ Hoàn Kiếm để cố chụp hình rùa. Mọi người đều quan tâm đến rùa và quên phắt đi chuyện kinh tế của đất nước.
Những chuyện như thế chắc đã, đang và sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần…