Trung Quốc ‘quậy’ vì Việt Nam chuẩn bị khai thác mỏ Cá Voi Xanh

Trung Quốc ‘quậy’ vì Việt Nam chuẩn bị khai thác mỏ Cá Voi Xanh

Dòng khí khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh sẽ được đưa vào trực tiếp khu kinh tế Chu Lai, Quảng Nam. (Hình: Báo điện tử Zing)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Triệu chứng bất thường mới xảy ra trong mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tuy không được hai bên nhìn nhận chính thức nhưng rất có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được.

Hôm 20 Tháng Sáu vừa qua, Thượng Tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, đã cùng phái đoàn đột ngột rời Hà Nội bỏ về nước sau khi đã gặp một loạt bốn nhân vật đứng đầu hệ thống chính trị và quân sự của Việt Nam.

Báo chí Việt Nam từ Thông Tấn Xã Việt Nam đến báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân và tất cả các báo khác hoàn toàn nín lặng về việc một sự kiện quân sự quan trọng trong mối quan hệ nhạy cảm hai nước Cộng Sản anh em “núi liền núi, sông liền sông” lại đột ngột bị bỏ ngang. Đại diện cao cấp nhất của Trung Quốc đã dẫn phái đoàn về nước.

Một chi tiết đặc biệt được báo quân đội Trung Quốc nêu ra là ông Phạm Trường Long “tái khẳng định lập trường của Trung Quốc là các đảo ở Nam Hải là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ xưa.” Có thể lời phản bác của Hà Nội đã làm ông bỏ về sớm. Các đảo ở Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông), ông ám chỉ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền với các bằng chứng “không thể tranh cãi.”

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc chỉ đưa ra một bản tin vắn tắt nói ông Phạm Trường Long rời Việt Nam sớm vì những chuyện “liên quan đến sự sắp đặt hoạt động” của chương trình “giao lưu” từng được các báo tại Việt Nam loan báo gồm nhiều thứ từ hội thảo, văn nghệ, thăm viếng các đơn vị quân đội của hai bên ở vùng biên giới.

Báo New York Times tiết lộ rằng trong một cuộc họp kín ở Hà Nội, ông Phạm Trường Long đã đòi phía Việt Nam hủy bỏ kế hoạch khai thác mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ở ngoài khơi cách bờ biển Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng 80 km, hoàn toàn nằm trong vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng lại vướng cái vạch “lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Khi có chuyện ông Phạm Trường Long đòi hỏi Hà Nội hủy bỏ kế hoạch khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh (do công ty Mỹ Exxon-Mobil đổ vào đây $10 tỷ đầu tư khai thác), tờ Thanh Niên đưa tin Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ HD-981 xuống Biển Đông dò tìm dầu khí trên Biển Đông mà tọa độ được mô tả là trong vùng biển tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bản tin này bị rút xuống chỉ sau khoảng một hai giờ xuất hiện trên trang điện tử báo Thanh Niên.

Trung Quốc ‘quậy’ vì Việt Nam chuẩn bị khai thác mỏ Cá Voi Xanh
Hình mô phỏng các lô dầu khí tại dự án mỏ Cá Voi Xanh. (Hình: nangluongvietnam.vn)

Theo báo New York Times, có các tin tức không được kiểm chứng xác nhận hôm Thứ Tư, 21 Tháng Sáu, là Trung Quốc đã điều động khoảng 40 tàu và nhiều máy bay vận tải quân sự đến khu vực (mà Exxon-Mobil chuẩn bị khai thác mỏ Cá Voi Xanh). Trung Quốc nhiều hơn một lần từng quấy rối, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam tại khu vực biển miền Trung Việt Nam mấy năm trước mà họ cho rằng thuộc chủ quyền “lưỡi bò” của họ.

Trong khi đó, báo Newsweek cho hay Trung Quốc gần đây đưa loại máy bay tuần tra biển Y-8Q tới căn cứ trên đảo Hải Nam cùng với một số loại phi cơ quân sự khác nhằm tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông. Hình ảnh vệ tinh mà báo Newsweek dẫn lại từ báo chuyên thông tin quốc phòng Defense News đưa ra cho thấy, các hoạt động tăng cường quân sự của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.

Đặc điểm của loại máy bay tuần tra biển Y-8Q (với các khả năng tương tự như máy bay tuần tra biển Orion P-3 của Mỹ) là được trang bị ngư lôi, máy chụp hình hồng ngoại tuyến để phát hiện sóng nhiệt, máy bay không người lái, tiềm vọng kính. Một trong những đặc điểm nổi bật của loại máy bay này là được trang bị dụng cụ điện tử phát hiện từ trường để định vị trí của tàu ngầm bằng cách kiểm tra các thay đổi nhỏ bé của từ trường trái đất.

Có vẻ như Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn kế hoạch hành động để ngăn chặn Hà Nội tiến hành kế hoạch khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh. Lời đòi hỏi của ông Phạm Trường Long ở Hà Nội ngày 20 Tháng Sáu vừa qua có thể không phải chỉ là những lời đòi hỏi hay cảnh cáo không có chuẩn bị của Bắc Kinh.

Năm 2014, khi Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 tới dò tìm dầu khí ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa, trong vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam đã điều động một số tàu cảnh sát biển, kiểm ngư và cả tàu đánh cá tới xua đuổi, nhưng không thể tiến gần vì hàng rào tàu cảnh sát biển, hải giám của Trung Quốc nhiều hơn, to hơn. Tàu đánh cá của Việt Nam bị đâm chìm, tàu kiểm ngư bị đâm hư hại nặng.

Cuộc đối đầu kéo dài từ đầu Tháng Năm tới giữa Tháng  Bảy 2014, mới chấm dứt khi Bắc Kinh tuyên bố rút giàn khoan về vì đã hoàn tất mục đích dò tìm. Hà Nội thì có vẻ tin rằng trận bão lớn sắp thổi tới khu vực đã buộc Bắc Kinh bỏ ngang kế hoạch.

Mối quan hệ giữa hai nước sau biến cố này đã chùng hẳn xuống nhưng năm sau dần dần ấm trở lại. Các bản tin tường thuật trên Thông Tấn Xã Việt Nam về cuộc họp và tiếp xúc của phái đoàn Phạm Trường Long với các lãnh tụ chế độ Hà Nội gồm Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch, đầy những lời ca tụng mối quan hệ phát triển tốt đẹp giữa hai nước.

Exxon-Mobil có thể tiến hành khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh (nằm trong lô 118) suôn sẻ hay không? Chắc chắn mọi người đang theo dõi các diễn biến kế tiếp.

Đầu năm nay, báo chí tại Việt Nam cho hay, ngày 13 Tháng Giêng, Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) đã cùng với Tổng Công Ty Thăm Dò Khai Thác Dầu Khí (PVEP) ký với tập đoàn dầu khí Exxon-Mobil của Mỹ hai văn bản là thỏa thuận khung phát triển dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh và thỏa thuận khung hợp đồng bán khí của mỏ này. Ba năm trước tin cho hay Exxon-Mobil sẽ đổ vào dự án này tới $20 tỷ nhưng tin đầu năm nay thấy con số bị rút xuống còn $10 tỷ.

Mỏ khí Cá Voi Xanh với trữ lượng được ước tính khoảng 150 tỷ mét khối khí. Nếu mọi kế hoạch tiến hành suôn sẻ, những dòng khí đầu tiên sẽ được đưa vào đất liền bằng một hệ thống ống ngầm vào năm 2023 để cung cấp cho nhà máy phát điện dự trù đặt tại khu kỹ nghệ Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. (TN)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay